Chăm lo đời sống công nhân ở Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, thu hút khoảng 1,2 triệu công nhân, trong đó hơn 60% thuộc diện người nhập cư. Do đó, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động luôn được cấp ủy, chính quyền, tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp chú trọng hàng đầu.

Trường mầm non dành riêng cho con công nhân tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Trường mầm non dành riêng cho con công nhân tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2.

Năm nay là năm thứ 13 chị Nguyễn Thanh Luyến gắn bó với Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP Biên Hòa). Suốt khoảng thời gian đó, nữ công nhân được hưởng đầy đủ chế độ lương, thưởng và luôn được công đoàn cơ sở tặng quà, động viên vượt qua khó khăn. “Mọi thắc mắc về chế độ, chính sách đối với người lao động đều được chủ doanh nghiệp giải thích rõ ràng. Từ đó, chúng tôi luôn cố gắng làm việc với trách nhiệm cao nhất để được gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, chị Luyến chia sẻ. Công ty TNHH Pouchen Việt Nam có hơn 18 nghìn công nhân đang làm việc. Doanh nghiệp dành diện tích đất 5.000 m2 làm khu sinh hoạt đa năng, gồm: phòng đọc sách báo, sân khấu biểu diễn, sân bóng và duy trì đều đặn ngày hội gia đình, thu hút đông đảo công nhân tham gia.

Tại huyện Trảng Bom, Công ty TNHH Pousung Việt Nam hiện tập trung nhiều công nhân nhất, lên tới hơn 24 nghìn người. Phó Tổng giám đốc công ty, ông Tạ Chí Minh khẳng định, người lao động là tài sản quý, cho nên hằng năm công ty tổ chức nhiều hoạt động hướng về công nhân. Ngoài tăng lương theo quy định, các chế độ phúc lợi, phụ cấp và bữa ăn ca luôn được bảo đảm chu đáo. Vào các dịp lễ, Tết, chủ doanh nghiệp trích hàng tỷ đồng chăm lo cho đời sống công nhân xa quê được đủ đầy, ấm cúng.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý, để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân, hằng năm các công đoàn cơ sở đều tổ chức đối thoại giữa ba bên: Chủ doanh nghiệp, người lao động và công đoàn để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, băn khoăn từ phía người lao động. Đến nay, đã có 96% số doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện bữa ăn ca, với mức từ 15 nghìn đồng đến 39 nghìn đồng/suất. Thu nhập bình quân của công nhân ngày càng khá hơn, hiện đạt hơn 6,2 triệu đồng/người/tháng. Đa số doanh nghiệp ngày càng có nhiều cách làm, hình thức mới chăm lo thiết thực cho gia đình công nhân như: Xây dựng ký túc xá, trường mầm non, mở siêu thị bán hàng trả sau; hỗ trợ tiền thuê nhà, xăng xe...

Chính quyền địa phương luôn nỗ lực xây dựng nhà ở, ký túc xá cho công nhân. Từ năm 2016 đến 2020, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện 45 công trình, với hơn 17 nghìn căn nhà. Tuy nhiên, số lượng trên chỉ mới đáp ứng phần nhỏ nhu cầu thực tế, phần lớn người lao động nhập cư vẫn đang phải ở nhà trọ. Một trong những trở ngại lớn nhất là thiếu quỹ đất. Trong khi đó, quy định pháp luật không cho phép xây dựng nhà ở trong phạm vi KCN, khiến nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở cho công nhân ngay cạnh nhà máy cho thuận tiện cũng không dễ thực hiện.

Đồng Nai là một trong những tỉnh được Chính phủ phê duyệt, xây dựng thiết chế công đoàn. Địa phương đang phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng công trình này tại KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom). Trên khu đất 2,3 ha, với mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, các hạng mục: Khu nhà ở, nhà văn hóa đa năng, quảng trường trung tâm, siêu thị, văn phòng tư vấn pháp luật, sân thể thao... dần hình thành. Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý cho biết:

“Việc xây dựng thiết chế công đoàn rất cấp thiết, do đó cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án trong năm 2020. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ, xây dựng thêm một thiết chế công đoàn tại huyện Nhơn Trạch, địa phương có đông công nhân lao động nhập cư”.

Theo đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, để làm nên tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của tỉnh Đồng Nai trong nhiều năm qua, đội ngũ công nhân có vai trò vô cùng quan trọng. Dù doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền đã tích cực chung tay chăm lo vật chất lẫn tinh thần cho công nhân, nhưng so với mặt bằng chung, đời sống của công nhân còn không ít thiếu thốn, nhất là về nhà ở và thiết chế văn hóa.

Trong lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền, công đoàn các cấp và giới chủ doanh nghiệp cần tiếp tục tạo điều kiện cho công nhân học tập tốt hơn để tiếp thu khoa học - công nghệ mới, qua đó, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân, bằng việc tổ chức nhiều buổi chiếu phim lưu động gần các KCN, sinh hoạt văn nghệ, tham quan. Đối với vấn đề nhà ở, do lượng công nhân rất lớn, nếu xây dựng nhà riêng chắc chắn khó khả thi, cho nên tỉnh cần tính toán để xây chung cư dành riêng cho người lao động thu nhập thấp. Trước mắt, phải có chính sách hỗ trợ, nâng cao điều kiện sống, tiêu chuẩn nhà trọ dành cho công nhân.