Tết Việt Nam trên xứ sở Bạch Dương

NDO -

NDĐT - Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, là dịp để mỗi gia đình tụ họp đầm ấm bên nhau. Còn đối với nhiều bà con người Việt đang sinh sống tại LB Nga, việc cố gắng duy trì truyền thống đón Tết cũng là cách để họ hướng về quê hương, vơi bớt nỗi nhớ những người thân trong thời khắc tiễn đưa năm cũ và đón năm mới.

Các gia đình Việt Nam quây quần gói bánh chưng Tết ở Moscow.
Các gia đình Việt Nam quây quần gói bánh chưng Tết ở Moscow.

Thời điểm Tết Nguyên đán ở Việt Nam cũng chính là lúc nước Nga đang bước vào giai đoạn lạnh giá nhất của mùa đông. Hầu khắp nước Nga đều chìm trong lớp tuyết dày trắng xóa. Đối với những người Việt ở Nga, nếu ngày Tết Việt không trùng vào ngày nghỉ của Nga thì nếp sinh hoạt của mỗi gia đình vẫn như ngày thường. Người lớn vẫn đi làm và trẻ con vẫn đi học mỗi sáng. Nếu bố trí được thời gian thì tụ tập một hôm gói bánh chưng, rồi hẹn nhau liên hoan ở các nhà hàng Việt để cùng nhau chào đón giao thừa, bước sang năm mới theo Âm lịch. Thời khắc đó, bất kể là khách hay chủ hàng, nhân viên phục vụ nhà hàng đều cùng nhau tranh thủ đón giao thừa truyền thống để rồi sớm mai, họ lại hối hả vào nhịp sống thường ngày ở nơi đất khách trong màn tuyết trắng xóa và cái lạnh cắt da, cắt thịt.

Chị Hương, đã sống ở Nga hơn 10 năm tâm sự: "Với bọn mình, ở đây thì ngày Tết cũng chẳng khác gì ngày thường. Trong khi ở Việt Nam, mọi người vẫn tưng bừng đi chúc Tết nhau thì chúng mình vẫn phải cặm cụi lội tuyết ra chợ để giao hàng vì khách hàng họ có nghỉ đâu. Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân nhưng vì cuộc sống nên vẫn phải cố gắng". Trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế nước Nga gặp nhiều khó khăn do bị các nước phương Tây cấm vận, nên việc kiếm sống của bà con người Việt cũng bị ảnh hưởng. Thế nên nhiều người cũng nghỉ, vừa tranh thủ hưởng ngày đầu năm mới, lại tránh được nỗi lo đầu năm ế hàng lại dông cả năm.

Tết Việt Nam trên xứ sở Bạch Dương ảnh 1
Các anh chị em công nhân Việt cùng vui đón giao thừa trên đất Nga.

Cuộc sống khó khăn, múi giờ chênh lệch và điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng so với thời trước, việc cố gắng thu xếp để có được cái Tết đủ đầy hương vị quê hương với bà con người Việt ở Nga không còn quá khó khăn. Giao thương đã thuận lợi hơn rất nhiều, bà con người Việt ở các thành phố lớn của Nga không còn phải lo lắng chuyện sắm đồ Tết nữa. Như ở Moscow, các loại nhu yếu phẩm, hàng hóa phục vụ cho dịp Tết mang từ Việt Nam sang lúc nào cũng có sẵn tại những khu chợ người Việt như chợ Rư-bắc, chợ Liublino, chợ Sadovod hay trung tâm thương mại Hà Nội - Moscow trong những ngày cuối năm. Thế nên, một cái Tết truyền thống với mâm ngũ quả, bánh chưng, giò lụa, dưa hành cho tới cành đào, cành quất đã giúp bà con vơi bớt được phần nào nỗi nhớ quê hương.

Có dịp trò chuyện với chị Liên, một người Việt đã sinh sống tại Nga hơn 30 năm qua, chúng tôi được biết năm nào cũng vậy, dù khó khăn vất vả đến mấy, thì dịp Tết chị vẫn cố gắng gìn giữ, thực hiện đầy đủ các nghi thức đón Tết truyền thống như khi còn ở Việt Nam như cúng ông Công, ông Táo hay cúng Giao thừa. Trước Tết một tuần, chị và các con gái đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, đi mua sắm để chuẩn bị đón Tết. Chị Liên kể, trước đây chị cũng cầu kỳ đi mua cá chép để cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Sau đó, mấy mẹ con lại lụi cụi mang ra sông thả như ở Việt Nam. Nhưng việc thả cá cũng khó khăn do thời tiết lạnh giá, mặt sông đóng băng hết nên chị cũng đành bỏ qua tục lệ này và chỉ làm mâm cơm cúng bình thường. Mâm cỗ cúng đêm giao thừa, ngày mùng Một ở nhà chị Liên cũng đầy đủ các món truyền thống ngày Tết như giò lụa, bánh chưng, canh măng, nem... Sáng mùng Một, chị dậy sớm nấu cỗ, thắp hương, rồi mấy mẹ con lại rủ nhau đi hái lộc, đi chợ hoa Rizhskiy để ngắm và lựa những cành hoa xinh xắn về nhà như một cách gợi lại chút không khí ngày Tết khi còn ở Việt Nam.

Còn đối với Thắng, công nhân trong một công ty may của người Việt tại tỉnh Vladimir, mỗi dịp Tết đến, chứng kiến những hình ảnh mọi người chuẩn bị đón Tết ở quê hương, nỗi nhớ nhà lại dâng lên da diết. Thắng sang Nga lao động được ba năm và đã qua ba cái Tết ở nước Nga. Thắng chia sẻ: "Cứ đến những ngày Tết, em lại nhớ đến không khí nhộn nhịp, rộn ràng ở quê nhà. Mặc dù giờ điện thoại thuận tiện, đêm 30 Tết em cũng gọi video về chúc Tết bố mẹ, nhưng vẫn không thể có cảm giác đầm ấm như khi được tụ họp với gia đình trong thời khắc chuyển sang năm mới được. Nhưng cũng may là ở công ty em cũng toàn anh chị em người Việt. Mọi người lại sống đoàn kết, vui vẻ nên cũng giúp em khuây khỏa nhiều".

Tại công ty Thắng làm việc, cả chủ và thợ đều là người Việt nên Tết đến ban lãnh đạo công ty đều cho anh em được nghỉ Tết cả vài ngày. Từ trước Tết, lãnh đạo công ty đã tổ chức cho mọi người cùng gói bánh chưng, đi mua sắm đồ chuẩn bị đón Tết. Đến chiều 30, các công nhân được nghỉ sớm, dọn dẹp công xưởng rồi cùng sửa soạn, tụ tập với nhau liên hoan, hát hò, xem truyền hình để chờ đón năm mới. Do múi giờ ở Vladimir cách Việt Nam 4 giờ nên đến đúng 8 giờ tối, thời khắc Giao thừa ở Việt Nam, cả xưởng lại kéo nhau ra sân bắn pháo hoa mừng giao thừa. Thắng kể: "Trong mấy ngày Tết được nghỉ, bọn em rủ nhau sang thăm, chúc Tết các bạn công nhân ở các xưởng may ở gần đây. Sáng mùng Một Tết lại còn được nhận lì xì của lãnh đạo công ty. Bởi vậy nên dù ăn Tết ở xa quê nhưng em cũng không cảm thấy buồn, cô đơn nữa".

Khoảnh khắc trời đất giao hòa, chuyển từ năm cũ sang năm mới là khoảnh khắc thiêng liêng đối với mọi người con đất Việt. Nhưng đối với những người Việt đang tha hương trên xứ tuyết xa xôi, ăn Tết xa quê là cách khiến họ càng thấy gắn bó, yêu thương nơi quê cha đất tổ, nơi có những người thân yêu đang chờ đợi. Còn với những người đang sinh sống cùng gia đình tại Nga như chị Liên, đón Tết Nguyên đán còn là cách để chị truyền lại cho các con mình nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông, của quê hương đất nước.