Hội thảo "Giữ gìn, bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Việt" tại Pháp

NDO -

NDĐT - Ngày 18-5, tại trường Đại học Paris Diderot (hay Đại học Paris 7), Ban Việt học phối hợp Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Giữ gìn, bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Việt" nhằm thảo luận, trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt, giữ gìn, bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.

PGS. TS ngôn ngữ học Lê Thị Xuyến trình bày tại hội thảo.
PGS. TS ngôn ngữ học Lê Thị Xuyến trình bày tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư Daniel Struve, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông, Đại học Paris Diderot 7 đánh giá cao việc tổ chức cuộc hội thảo "Giữ gìn, bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Việt" rất có ý nghĩa này nhằm khuyến khích nhiều học sinh theo học tiếng Việt nhiều hơn. Tiếng Việt cùng với tiếng Trung, Hàn, Nhật, được nhà trường và học sinh quan tâm. Ông Daniel Struve nói rằng: "Không có lý do gì mà chúng tôi không khuyến khích các bạn sinh viên theo học tiếng Việt. Ngày nay, Việt Nam đang là một nước phát triển năng động, có lịch sử văn hóa lâu đời, nhiều người Pháp có cảm tình đặc biệt với Việt Nam...".

PGS. TS ngôn ngữ học Lê Thị Xuyến, Trưởng Ban Việt học, Đại học Paris Diderot cho biết: "Ban Việt học được thành lập năm 1969. Hiện nay, Ban có 120 sinh viên theo học, trong đó đa phần là con em người Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp, ngoài ra còn có sinh viên Pháp và quốc tế. Các sinh viên đến với tiếng Việt vì yêu thích văn hóa Việt hoặc mang dòng máu Việt hay các cặp vợ chồng Pháp-Việt hoặc Việt-Pháp có những người theo học từ đại học đến thạc sĩ, thậm chí có người làm luận án tiến sĩ.

Hội thảo được chia làm hai phần: Buổi sáng trao đổi về kinh nghiệm học tiếng Việt, buổi chiều trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt, giữ gìn, bảo vệ ngôn ngữ và Văn hóa Việt.

Dịch giả Yves Boullé, cựu sinh viên Đại học Paris Diderot 7 cho biết: "Bản thân tôi học tiếng Việt đã được tám năm và không thấy khó lắm, kể cả phát âm. Cái khó nhất đối với tôi trong tiếng Việt là không biết xưng hô thế nào cho đúng. Tôi nghĩ rằng để giỏi tiếng Việt cần phải thực hành giao tiếp thường xuyên với người Việt.

Anh Thierry Thavrileck, sinh viên năm thứ ba nói rằng, anh thấy khó nhất trong tiếng Việt là phần nghe và phát âm.

Phát âm giọng Hà Nội chuẩn, chị Lou Vargas, học thạc sĩ năm thứ nhất, Đại học Paris Diderot 7 trao đổi về "Học tiếng Việt qua giao tiếp hằng ngày". Lou Vargas chia sẻ: "Sau khi học hết phổ thông tôi vào INALCO học tiếng Việt năm thứ nhất, sau đó sang Việt Nam học tiếp năm thứ hai đại học ở Hà Nội. Lúc mới sang Việt Nam tôi nói chẳng ai hiểu, họ nói tôi cũng không hiểu, nhiều người muốn giải thích cho tôi qua tiếng Anh, nhưng tôi nói rằng xin lỗi anh, chị tôi không biết tiếng Anh. Thực ra tôi đến Việt Nam để học tiếng Việt nên muốn họ nói tiếng Việt cho tôi học, sai thì sửa, nhờ đó mà tiếng Việt của tôi tiến bộ nhanh chóng".

Chị Lou Vargas khuyên các bạn Pháp muốn học giỏi tiếng Việt nên đến Việt Nam sớm nhất có thể để có môi trường giao tiếp, học ở trường, học giao tiếp thực tế sẽ tốt hơn, nhanh hơn.

Các chị Nguyễn Vũ Như Quỳnh và Nguyễn Việt Anh (Hội người Việt Nam tại Pháp) chia sẻ về kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn trong việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng. PGS. TS Ngôn ngữ học Nguyễn Thiện Nam - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi về "Khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài".

Đáng chú ý là bài tham luận của PGS. TS ngôn ngữ học Lê Thị Xuyến, Trưởng Ban Việt học, Đại học Paris Diderot về "Sáu bài học phát âm để đọc được tiếng Việt bằng phương pháp âm vị học" và tham luận của PGS. TS Ngôn ngữ học Đào Huy Linh, Ban Việt học, Học viện INALCO và TS giáo học Pháp Nguyễn Việt Anh, Ban Việt học, Đại học Paris Diderot Paris 7 trình bày.