Ấm áp hương vị Việt trên đất nước Chùa Tháp

NDO -

NDĐT - Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Thủ đô Phnom Penh, Cambodia, mỗi khi muốn thưởng thức những món ăn mang hương vị quê nhà thường tìm đến một vài nhà hàng của người Việt, trong đó có Vietnamese Pho Noodle hay còn gọi là nhà hàng Phở Hoa Sen.

Nhà hàng Phở Hoa Sen ở Phnom Penh.
Nhà hàng Phở Hoa Sen ở Phnom Penh.

Tọa lạc tại một vị trí khiêm nhường trên con phố nhỏ thuộc quận trung tâm Chamkar Mon của thủ đô nước bạn, nơi tập trung nhiều nhà hàng lớn chuyên ẩm thực Khmer, Trung Quốc, Nhật Bản, Italy, Vietnamese Pho Noodle vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ với những thực khách yêu món ăn Việt, đặc biệt là món phở Hà Nội lừng danh.

Từ sáu giờ sáng, nhân viên nhà hàng đã bận bịu sắp chỗ đậu xe cho khách, bếp than đỏ lửa và những tô phở bò thơm ngào ngạt được bưng ra. Người đến thưởng thức phần lớn là làm việc trong các doanh nghiệp Việt Nam tại Cambodia, như viễn thông, hàng không, ngân hàng, logistic, lâm nghiệp hay ngoại giao. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người bản địa là cán bộ nhà nước từng học tập và công tác ở Việt Nam, vì nhớ hương vị Việt nên thường xuyên đến chọn một góc ngồi tại nhà hàng này.

Cùng nhóm bạn gọi phở tái gầu, Nary trong trang phục công sở với mái tóc xoăn màu hạt dẻ, làn da nâu đặc trưng của phụ nữ Khmer, chia sẻ, chị từng học dược ở Hà Nội trong những năm 1990. Quãng thời gian trẻ trung ấy cho chị nhiều kiến thức chuyên môn và hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Hiện sống cùng gia đình và làm việc ở Thủ đô Phnom Penh, thỉnh thoảng, chị và mọi người vẫn rủ nhau đi thưởng thức các món ăn Việt Nam, nhất là trong tiết cuối năm gió mùa về se lạnh.

Tiếp xúc với phóng viên Báo Nhân Dân, anh Lê Mạnh Hùng, 43 tuổi, quê Hà Nam, là chủ nhà hàng Phở Hoa Sen cho biết, qua gần mười năm mang ẩm thực Việt sang nước bạn, doanh nghiệp của anh đứng vững và ngày càng phát triển. Có được thành công đó chính là nhờ áp dụng cách làm bếp truyền thống với nguyên liệu chủ yếu nhập từ Việt Nam sang.

Ấm áp hương vị Việt trên đất nước Chùa Tháp ảnh 1

Thực khách cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam.

“Để nấu đạt món phở bắc chính hiệu, chúng tôi phải hầm xương bò gần 20 tiếng bằng bếp than. Thảo quả, quế, hồi, hành tím, gừng, nước mắm, tương ớt, đặc biệt là bánh phở được nhập từ Việt Nam sang. Vì thế, vị phở bò của nhà hàng luôn giống với món phở truyền thống mà người Việt mình và những bạn Campuchia đã có dịp được ăn ở Hà Nội”, anh Hùng cho biết.

Ngoài phở, khách đến đây còn được dùng cơm với canh cua cà pháo, canh cải cá rô đồng, thịt đông, cá chép om dưa, lòng lợn, gà hấp lá chanh… những món ăn gia đình Việt đã có từ bao đời nay, được người xa Tổ quốc trân trọng mời nhau với cái tên dễ thương “Cơm mẹ nấu”. Trong không gian man mác nỗi nhớ quê ấy, còn có mùi thơm phức của cà-phê vùng cao nguyên Trung Bộ nắng gió, màu nước xanh cùng hương vị cốm chát dịu của chè móc câu Thái Nguyên tích tụ đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Bên cạnh việc phục vụ khách đến ăn tại nhà hàng, Vietnamese Pho Noodle với nhân viên phần lớn là con em Việt kiều, thường được Đại sứ quán và các doanh nghiệp Việt Nam đặt làm tiệc chiêu đãi khách quốc tế nhân dịp Quốc khánh, Tết và những sự kiện lớn khác. Bản thân anh Lê Mạnh Hùng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Cambodia. Cương vị này giúp anh có thêm điều kiện để kết nối doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mình và cộng đồng.

Ấm áp hương vị Việt trên đất nước Chùa Tháp ảnh 2

Anh Lê Mạnh Hùng và nhân viên chuẩn bị đón Tết.

Trước thềm Xuân Canh Tý, anh Hùng phấn khởi cho biết, kim ngạch thương mại Việt Nam - Cambodia năm qua đạt 5,2 tỷ USD, hoàn thành sớm hơn một năm và vượt mức năm tỷ USD do Thủ tướng hai nước đề ra. Chợ biên giới kiểu mẫu cùng những dự án mới thuộc Khu vực tam giác phát triển được khai trương và đưa vào hoạt động, đó cũng là bước tạo đà, khích lệ người dân và doanh nghiệp hai nước láng giềng đẩy mạnh hợp tác qua lại làm ăn.

Riêng với Vietnamese Pho Noodle - Hoa Sen, anh Hùng dự kiến, trong năm mới 2020, sẽ đưa thêm một số món ăn của ba miền vào thực đơn, sửa sang và mở rộng quy mô của nhà hàng để hương vị Việt ngày càng được biết đến, lan tỏa và đọng lại trong không gian văn hóa ẩm thực đa dạng của đất nước Chùa Tháp.