Thầm lặng, quên mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Là bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang dành trọn tâm sức, nỗ lực hết mình vì sức khỏe của người dân.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, khi mọi người đang tất bật chuẩn bị đón năm mới thì đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lại bận rộn với các công việc chuẩn bị cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Công tác này được thực hiện từ những điều nhỏ nhất như chuẩn bị bàn chải đánh răng, dung dịch sát khuẩn, giấy vệ sinh, đến nơi ăn, chỗ ở cho người bệnh, người cách ly, rồi các phương án cách ly, phác đồ điều trị… Thời điểm đó, toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện đã quán triệt chỉ lệnh không được đi đâu xa cơ quan, kể từ lúc gọi đến lúc có mặt không được quá bốn tiếng, hủy các lịch đi thăm người thân, đi du lịch để ứng trực kịp thời. Mồng 2 Tết, bệnh viện đã tiếp nhận người bệnh đầu tiên vào khám sàng lọc. Đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý túc trực ngày đêm, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, ăn ngủ luôn tại bệnh viện. Ngoài khu vực cách ly tiêu chuẩn, bệnh viện còn hỗ trợ miễn phí ăn ở, vệ sinh cá nhân, chăn màn, kem đánh răng, nước uống miễn phí đối với những trường hợp cách ly. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên có tiền sử dịch tễ phải cách ly, cho đến những bệnh nhân dương tính với Covid-19 sau này, mọi thứ đều trong tầm kiểm soát.

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là nơi có nhiệm vụ tiếp nhận cách ly và điều trị cho các bệnh nhân dương tính với Covid-19, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cùng 20 bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý của khoa đã ở lại bệnh viện trong suốt hai tháng qua, không được gặp vợ, chồng, con cái, không được ăn bữa cơm gia đình. Công việc quá tải gấp hai đến ba lần bình thường. Những buổi tối ngả mình trên chiếc đi-văng vừa lạnh, vừa đau mỏi lưng, nhịp sinh hoạt thay đổi hoàn toàn từ khi có dịch bệnh. Trong khu cách ly, bác sĩ và nhân viên y tế không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn phải trấn an tinh thần người bệnh bằng việc thăm hỏi, trò chuyện qua điện thoại để người bệnh vững tâm, hợp tác cùng bác sĩ vượt qua bệnh dịch.

Khi những ca bệnh đầu tiên được điều trị khỏi, chỉ kịp chia vui với họ trong ngày xuất viện, các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây lại lao mình vào cuộc chiến với những ca lây nhiễm mới, bỏ lại đằng sau nhiều nỗi lo lắng. Sáng 22-3, Bộ Y tế công bố ca nhiễm thứ 116 là một bác sĩ nam Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Suốt gần hai tháng, bác sĩ này đã ở lại bệnh viện tham gia chống dịch, làm nhiệm vụ khám sàng lọc người bệnh nghi nhiễm Covid-19 đến bệnh viện, điều trị những trường hợp được chẩn đoán dương tính, tham gia cấp cứu người bệnh nặng. Ngày 19-3, bác sĩ xuất hiện triệu chứng đau họng, đau mỏi cơ, ho, sốt, hai kết quả xét nghiệm đều dương tính với Covid-19… Ngày 25-3, Bộ Y tế tiếp tục thông báo có thêm một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nhiễm Covid-19.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể sẽ có thêm những bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 trong quá trình thăm, khám, điều trị cho người bệnh, bởi nơi ấy có nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất. Không chỉ phải đối mặt với bệnh dịch, không chỉ phải hy sinh những niềm vui dù là nhỏ và giản dị nhất, mà những người chiến sĩ mặc áo blouse trắng ấy có thể còn phải đánh đổi cả sức khỏe và tính mạng của mình vì sức khỏe của nhân dân và sự an toàn của cả cộng đồng. Mong rằng dịch bệnh sớm qua đi, để các bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch được trở về nhà sum họp cùng gia đình trong bình an và hạnh phúc.