Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp

Những ngày qua, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ trước những hành vi của một số cá nhân, công ty có hành vi thiếu ý thức hoặc trục lợi từ dịch Covid-19, như đăng tin bịa đặt gây hoang mang dư luận, hay bán khẩu trang tăng giá… Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang tập trung phòng, chống dịch bệnh, có rất nhiều người dân, doanh nghiệp có hành động đẹp chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Lãnh đạo T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham dự chương trình hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Lãnh đạo T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham dự chương trình hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nhiều ngày qua, tại khu vực đường Giải Phóng (quận Ðống Ða, Hà Nội) trở thành điểm tập kết bán nông sản sạch ủng hộ bà con vùng dịch tại Hải Dương. Một vài tấm băng-rôn được căng ra, thu hút sự chú ý của người đi đường. Nhiều người tìm đến mua bởi đã được chia sẻ thông tin từ các nhóm, hội trên mạng xã hội.

Chị Trần Thu Trang, một trưởng nhóm tiêu thụ tại địa chỉ trên cho biết, xuất phát từ việc chị tự bỏ tiền thu mua nông sản tại Hợp tác xã Kinh Môn để ủng hộ các bệnh viện dã chiến ở Hải Dương, các đầu cầu thiện nguyện đã liên hệ với chị để tìm cách tiếp tục tiêu thụ nhiều loại rau, củ, quả của bà con nông dân thuộc Hợp tác xã Chí Linh đã đến thời điểm thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bị ùn ứ. "Các lực lượng tình nguyện đi đến từng nhà kêu gọi bà con thu mua cà chua, bắp cải, su hào, cà-rốt, ổi… Ðây đều là nông sản sạch, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận và bảo đảm điều kiện phòng dịch", chị Trang cho biết. Tất cả các loại rau, củ đều đã được đóng sẵn thành từng túi từ 5 kg đến 10 kg hoặc theo thùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua. Giá bán của tất cả các mặt hàng đều trên tinh thần "ủng hộ" cho nên rất rẻ, như ổi Thanh Hà chỉ 50 nghìn đồng/10 kg, su hào 20 nghìn đồng/10 củ, bắp cải 18 nghìn đồng/5 kg, cà-rốt 70 nghìn đồng/10 kg hay 80 nghìn đồng/thùng cà chua… Trong hai ngày đầu tiên, đã có hàng chục tấn nông sản được tiêu thụ. Trao đổi với chúng tôi, chị Thu Hà, ở quận Ðống Ða chia sẻ: "Trên các phương tiện truyền thông đều thông tin về việc nông sản của người dân bị ùn ứ lại do dịch Covid-19, nên khi đi qua thấy bày bán ủng hộ nông dân tôi đã xuống mua". Chị Hà cũng cho rằng, các loại nông sản đều bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với tại các chợ cóc hay chợ truyền thống. Anh Nguyễn Ngọc Cửu, trú tại Ðền Lừ (Hoàng Mai) nói: "Giá rẻ đã đành, nhưng quan trọng nhất là mình cùng chung tay để giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương trong lúc dịch bệnh đang bùng phát". Ngoài điểm bán tại 38 Giải Phóng, trên địa bàn thành phố còn có nhiều điểm tập kết và bán nông sản để giúp tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch Hải Dương.

Trước diễn biến mới và phức tạp của dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Hội CTÐ) đã tổ chức Chiến dịch "Chung sức cùng người dân tiêu thụ nông sản". Chiến dịch được khởi động với Ðiểm tập kết hỗ trợ nông sản đầu tiên tại trụ sở T.Ư Hội (82 Nguyễn Du, Hà Nội). Tại lễ phát động, Hội CTÐ phối hợp nhóm Tình nguyện viên "Mùa thu và những người bạn" hỗ trợ tiêu thụ hơn 10 tấn nông sản cho người dân vùng dịch tỉnh Hải Dương. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có nhiều chuyến hàng nông sản tiếp tục được thu mua, tập kết và vận chuyển thông qua Hội CTÐ địa phương, kịp thời hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn. Ðể cảm thông với nỗi lo của nông dân Hải Dương khi nông sản đến ngày thu hoạch không có ai mua, bị tồn đọng, những người Hải Dương xa quê đã chủ động kết nối với các đầu mối ở vùng nguyên liệu trong tỉnh để thu mua và bán giúp cho bà con nông dân đang thiệt hại do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan và cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng gửi tặng rất nhiều nhu yếu phẩm và khẩu trang, trang bị y tế, nước sát khuẩn...để hỗ trợ cho lực lượng đang căng mình chống dịch ở tuyến đầu.

Theo lãnh đạo Hội CTÐ Việt Nam, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho cuộc sống của những người nghèo thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh. Nhưng chính trong khó khăn, tại nhiều nơi đã xuất hiện những hành động thiết thực và ý nghĩa, khiến mọi người càng thêm thấm thía cái đẹp của tình người, tình đời trên mảnh đất quê hương. Những câu chuyện cảm động, dang tay đùm bọc, sẻ chia đang lan tỏa, nhắc nhớ chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Ðó là những bữa cơm ấm áp tình thương, những món quà nhỏ là vật dụng sinh hoạt, nước rửa tay, khẩu trang... Cùng với đó là hàng nghìn người nghèo nhận được gạo miễn phí từ sáng kiến "ATM gạo" hoạt động 24/24 giờ ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh… Chiếc "ATM gạo" này không chỉ luôn tuôn trào gạo mà còn tràn đầy cả lòng nhân ái khi ngày càng có nhiều tấm lòng thảo thơm mang gạo đến cùng chung sức, đồng hành cùng những người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Với thông điệp "lá lành đùm lá rách", "trao đi yêu thương, nhận về hạnh phúc"… nhiều nhóm thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh đã phục vụ những suất ăn miễn phí cho người vô gia cư hay tổ chức các hoạt động vui chơi cho các bệnh nhi tại bệnh viện. Không quản ngại khó khăn họ đội nắng, len lỏi khắp ngóc ngách của thành phố trao những phần quà đến tận tay những người nghèo khó trên địa bàn thành phố. Mỗi phần quà dù chỉ là mì gói, dầu ăn, nước mắm, đường, sữa, bánh và khẩu trang… giá trị tuy không lớn, nhưng cũng đủ làm cho những người lao động nghèo, vô gia cư ấm lòng, vơi bớt đi nỗi buồn và lo lắng trong những ngày dịch bệnh. Tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng, đồng sức cùng nhau chống lại dịch Covid-19 của người dân trên mọi miền đất nước càng được dấy lên mạnh mẽ hơn qua những tấm bảng đề: "Nếu bạn khó khăn, hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường người khác" tại nhiều điểm phát lương thực, thực phẩm, đồ dùng miễn phí trên đường phố.

Hội CTÐ Việt Nam đã triển khai tại 13 tỉnh, thành phố có ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Giang, Ðiện Biên, Hải Phòng, Hưng Yên. Ðối tượng hưởng lợi là hộ nông dân thuộc vùng dịch có nông sản cần tiêu thụ, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trần Thu Hằng

Trưởng Ban Truyền thông và Tình nguyện T.Ư Hội CTÐ Việt Nam

Không chỉ chia sẻ thông tin, mà tôi còn kêu gọi người thân trong gia đình chung tay hỗ trợ nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ðây cũng là một cách để thể hiện tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái và góp phần nhỏ bé vào công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19.

Anh Trần Minh Hải

(Phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội)

Xuất phát từ tình cảm, sự đồng cảm với bà con nông dân, chúng tôi đã lập nhóm bạn đăng bài trên các mạng xã hội kêu gọi "giải cứu" nông sản Hải Dương. Ngay sau đó, bài viết được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng mạng, một lượng lớn người chia sẻ bài và ủng hộ đặt hàng qua cả Facebook và tin nhắn điện thoại... Chúng tôi tính toán kỹ phương án để hạn chế tiếp xúc đông người. Hàng hóa, xe chở hàng sẽ thực hiện đầy đủ các thủ tục khử khuẩn theo đúng quy trình của y tế.

Nguyễn Hà My

Trưởng nhóm thiện nguyện Hoa Mùa xuân, Hà Nội