Mẹ hiền của trẻ khuyết tật

Đến Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật Hà Nội, hỏi về bà Phan Thị Phúc, nhiều người dành cho bà những tình cảm yêu mến và nể phục. Bởi hơn 20 năm qua, không chỉ có tấm lòng vị tha, tình yêu thương vô bờ bến đối với các em nhỏ kém may mắn, mà bà còn là người mẹ hiền của nhiều trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.

Nhớ lại những ngày đầu tiên của lớp học, bà Phúc chia sẻ, bà vốn là diễn viên kịch nói của Ðoàn kịch Hải Phòng, năm 1980, bà về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ. Như một cơ duyên, tại đây bà Phúc được phân công quản lý đội kịch trẻ em, thường xuyên đi biểu diễn ở các trường học, dạy múa hát cho các em nhỏ. Trong một lần đến giao lưu văn nghệ với các em nhỏ tại Trường tiểu học Trung Tự, quận Đống Đa (Hà Nội), bà bị thu hút bởi ánh mắt như biết nói của trẻ khuyết tật nơi đây. Đó là những đứa trẻ chậm chạp, ngọng nghịu, nhưng vẫn cố hết sức để bắt nhịp theo các bạn cùng trang lứa. Khi đó, nhìn vào ánh mắt thơ ngây của các em, bà bắt gặp những ước mơ, hoài bão của các em. Nhiều em không may bị khuyết tật, nhưng rất thích được múa, hát, vẽ tranh… Song, nếu để các em học cùng với những em bình thường thì rất khó theo kịp. Bởi các em sẽ cảm thấy tự ti vì mình không được như các bạn đồng trang lứa. Kể từ khi đó, bà Phúc đã nung nấu ý nguyện thành lập một lớp học riêng cho các em, giúp cho các em có sự tự tin, từng bước hòa nhập cuộc sống. Rồi mong ước ấy cũng trở thành hiện thực. Năm 1996, Đội trẻ em khuyết tật Hà Nội (nay là Câu lạc bộ trẻ em khuyết tật Hà Nội) ra đời. Những ngày mới thành lập, câu lạc bộ cũng gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh phí. Để duy trì hoạt động cho câu lạc bộ, bà Phúc đã tự bỏ tiền túi, rồi vận động thêm từ nguồn thu nhập của con cái, gia đình, bạn bè. Mỗi lần xin được tài trợ, bà lại đầu tư vào trang thiết bị của câu lạc bộ với mục đích tạo việc làm cho các em. Sau 5 năm thành lập, cùng với sự cố gắng của bà Phúc và các thành viên, câu lạc bộ duy trì sinh hoạt hằng tuần mà không phải đi xin tài trợ. Cứ như vậy, hơn 20 năm qua, vào ngày cuối tuần, dù nắng hay mưa, bà Phúc lại dành thời gian ít ỏi của mình để chăm sóc dạy dỗ trẻ khuyết tật. Để nuôi ước mơ nghệ thuật, bà Phúc lại dạy thêm cho các em nghề đơn giản để tự trang trải cuộc sống. Bắt đầu từ những công việc như làm đồ thủ công mỹ nghệ, đan móc, điện dân dụng… Nhiều em khi kết thúc khóa học, đã tìm được công việc ổn định nuôi sống bản thân, xây dựng gia đình…

Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà Phúc vẫn miệt mài dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn từng động tác múa khéo léo, uyển chuyển, bằng cả tấm lòng nhân hậu. Với những đóng góp tích cực của mình, phần thưởng dành cho bà không chỉ là những tấm huy chương trong các đợt thi văn nghệ, mà hơn cả là tấm lòng yêu thương, quý mến của trẻ khuyết tật dành cho người mẹ thân yêu.