Giáo viên xuống đồng giúp dân

Người dân ở vùng nguyên liệu Thừa Thiên Huế từ đầu năm đến nay đang vật lộn với căn bệnh khảm lá sắn. Mặc dù đã có chỉ đạo phải khẩn trương nhổ bỏ sắn bị bệnh để tránh lây lan, nhưng tốc độ xử lý rất chậm. Mới đây xã Phong Hiền, huyện Phong Ðiền đã có sáng kiến nhờ hơn 200 giáo viên của xã đang nghỉ dạy để tránh dịch Covid-19 xuống đồng, giúp nông dân nhổ bỏ số sắn bị bệnh.

Bệnh khảm lá sắn xuất hiện từ sau Tết. Ban đầu chỉ trên một diện tích nhỏ nhưng đã nhanh chóng lây lan ra gần 1.500 trong số 5.000 ha sắn ở Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân dẫn đến cây sắn bị bệnh là do nguồn giống không tốt, đã ủ bệnh từ trước. Tiếp đó, một số loài bọ cánh cứng phát tán mầm bệnh khiến diện tích sắn bị bệnh ngày càng lớn. Từ giữa tháng 2, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo khẩn trương nhổ bỏ số sắn bị bệnh để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, số diện tích sắn bị bệnh được nhổ bỏ vẫn chưa nhiều.

Mới đây, do thiếu hụt lực lượng lao động, UBND xã Phong Hiền đã ngỏ lời đến tập thể giáo viên, nhân viên giáo dục ở các trường học trên địa bàn nhờ xuống đồng giúp dân, giúp địa phương nhổ bỏ gần 300 ha sắn bị bệnh. Hơn 200 giáo viên, nhân viên trường học công tác trên địa bàn xã Phong Hiền đã không ngại nắng mưa, cùng xuống đồng giúp người dân nhổ bỏ sắn bị bệnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thầy giáo, cô giáo thường xuyên nhắc nhau mang khẩu trang, găng tay để tránh lây nhiễm. Cô giáo Trương Thị Thiên Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ðông Hiền, xã Phong Hiền cho biết: Trong thời gian nghỉ này, giáo viên vẫn phải chia tổ trực trường, dọn vệ sinh trường lớp, soạn bài tập để phụ huynh đến nhận về nhà cho học sinh tự học… Tuy nhiên khi chính quyền địa phương ngỏ lời, toàn bộ giáo viên, nhân viên giáo dục đã tích cực hưởng ứng.

Thống kê của UBND xã Phong Hiền, qua ba ngày có sự tham gia của giáo chức, diện tích sắn bị bệnh đã được nhổ bỏ hơn 90%. Số còn lại chỉ một hai buổi nữa là hoàn tất. Qua đây cho thấy, lực lượng giáo viên, nhân viên giáo dục ở xã Phong Hiền xuống đồng giúp dân địa phương ngăn chặn, đẩy lùi dịch khảm lá sắn trong thời điểm này là việc làm đáng hoan nghênh. Ðồng thời cũng cần được xem là mô hình tốt cho các địa phương đang thiếu lực lượng xử lý dịch bệnh trên cây sắn tham khảo, nhất là trong bối cảnh bệnh khảm lá sắn đang tiến công, gây tổn thất lớn ở các vùng nguyên liệu sắn ở miền trung.