Chủ tịch xã biên giới tận tụy với dân bản

Ở xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhắc đến Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Lý, người dân ai cũng cảm mến trước sự tận tụy, hết lòng vì dân bản.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Lý chia sẻ: Trước đây, ở vùng cao Lâm Thủy do đói nghèo và cách trở về đường sá nên trẻ em đều rất ít đến trường. Khoảng 10 tuổi là con cái theo bố mẹ vào rừng bẫy thú, lấy mật ong, thậm chí chặt phá rừng trái phép để đổi lấy lương thực. Vì vậy, cái đói, bệnh tật và cả những hủ tục cứ đeo bám đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi đây năm này qua năm khác. Nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy từ năm 2014 đến nay, ông luôn trăn trở, cùng với tập thể lãnh đạo xã tìm cách giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tạo lập đời sống, không ỷ lại, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước và tìm cách vươn lên để thoát đói nghèo.

Theo Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy Hoàng Lý, muốn đưa đời sống người dân đi lên, xã tập trung vào ba nhiệm vụ chính; đó là:

Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và nâng cao dân trí, tức là phải động viên, tạo điều kiện cho con em đến trường. Chỉ có học chữ mới sáng dạ, nghĩ tốt và làm hay được. Cùng với đó là tạo sinh kế để bà con có cuộc sống tự lập, chủ động và cải thiện hơn. Ðiều quan trọng nữa là tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để xây dựng hạ tầng phục vụ đời sống. Với suy nghĩ và trăn trở đó của người đứng đầu chính quyền xã, 5 năm qua, Lâm Thủy đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực. Từ chỗ chỉ có một trường tiểu học, đến nay xã có đủ trường học các cấp đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Trong đó, trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS, bán trú cho cấp học mầm non được tổ chức hiệu quả. Cuối năm nay, Lâm Thủy dự kiến có hai trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Ðể phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND xã Hoàng Lý chú trọng tuyên truyền về bảo vệ rừng, giao đất lâm nghiệp cho các hộ trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. Xã tranh thủ nguồn vốn các dự án để trợ giúp các hộ dân về con giống, kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững. Lãnh đạo xã còn vận động người dân tích cực thâm canh các vùng ruộng lúa nước hai vụ để có nguồn lương thực ổn định tại chỗ. Nhờ đó, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần; đồng thời xuất hiện nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng ở vùng biên cương. Ông cho biết thêm, do xã biên giới có nhiều khó khăn, không có nguồn thu nên việc đầu tư hạ tầng để xây dựng nông thôn mới là một thách thức. Trước thực tế đó, xã Lâm Thủy chọn cách làm là xây dựng bản nông thôn mới rồi từng bước nhân rộng. Ðến nay, bản Xà Khía đang từng bước được kiến thiết lại, có thêm các công trình thiết yếu, nhà cửa của người dân cũng khang trang hơn…, sẽ là bản nông thôn mới đầu tiên của huyện Lệ Thủy. 5 năm qua, xã Lâm Thủy huy động được 30,7 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. Hiện nay, xã vùng cao này đã có hệ thống trường học, trạm y tế kiên cố và khang trang; đường từ trung tâm xã về các bản cũng được cứng hóa, gần 100% số hộ dùng điện lưới, 6/6 bản có nhà văn hóa.