Đọc sách “Miền sau cánh cửa” của Trần Nhật Minh

Về trong hoài niệm ấm cúng

NDO -

“Nấp” trong nhà báo Trần Nhật Minh với vẻ ngoài “đồ sộ, quánh màu nước thời gian”, là trái tim thi sĩ nhiều rung động. Cho nên, có lẽ đã lần lữa mãi, thì cũng phải đến ngày tâm hồn chật căng, buộc phải tỏa lan hương chất mà tháng năm cuộc đời mình đã trầm tích. 

Cuốn sách “Miền sau cánh cửa”.
Cuốn sách “Miền sau cánh cửa”.

Mới nhất, cũng là cuốn sách đầu tay, khả năng sẽ khởi đầu cho một chùm sách gồm thơ, tạp văn, ghi chép… của nhà báo - thi sĩ Trần Nhật Minh, hiện công tác tại VOV6, là cuốn sách “Miền sau cánh cửa” do NXB Văn học ấn hành. Tác giả gửi vào đó những loạt tản văn, bài viết mà đi hết cuốn sách, người đọc nhận ra một nhà thơ với nhà báo thường xuyên song hành, đắp đổi lại qua làm nên nét độc đáo cho một con người theo nghiệp văn bút.

Mở ra là những lắng đọng về quá khứ phố Hà Nội, nơi Trần Nhật Minh trải qua cả ấu thơ và tuổi thanh xuân với cái khó, cái thiếu, cái nhọc nhằn của phố phường trong những năm bao cấp và dần chuyển sang quá trình chuyển đổi. Nhưng thực ra, vài nét chấm phá của gió lạnh lùa rít những ngôi nhà, của lam lũ cái ăn cái mặc, của một không gian phố xá phảng phất nỗi buồn nén lại…, hóa ra làm nền cho những gì là thanh sạch, là tươi sáng, là lịch duyệt hé mở. 

Trong ký ức da diết của Trần Nhật Minh, con người ta vẫn kiên trì sống bằng sự co kéo vật chất nhưng không quên vun đắp những giá trị tinh thần, giữ gìn nét văn hóa của những người dân sống có tư cách, có tri thức. Tác giả dành nhiều chi tiết đáng nhớ cho những bức tranh này. Đó là cái lọ hoa sứt mẻ vẫn được chủ nhân tằn tiện trám lại để giữ cắm hoa. Là những năm thiếu đói nhưng cái giá sách trong nhà không thể thiếu sách. Là những nhà thơ gặp nhau trong vất vả để sống cùng văn học nghệ thuật, dù có thể trong những quãng thời gian nào, đó là sự “xa xỉ”. Là một người lao động ngoài bãi ven sông, nhận đời mình có thể coi như “bỏ đi” nhưng trước sau vẫn lo cho con chu đáo và sống tự trọng, yêu ai, lấy ai, không được “để cho người ta khổ”. 

Cũng như vậy, dù thế nào thì xưa và nay, Hà Nội không thể thiếu những nét đặc trưng trong nếp sống, là phở, là bia hơi, là lang thang quán xá bình dân. Trần Nhật Minh dành những trang tả, kể thoang thoáng chuyện uống ăn mà không dừng lại ở sự “khoái khẩu, khoái tỷ”. Đằng sau đó là trải nghiệm, là nét tinh tế trong văn hóa sống, là cả đâu đó một nét người, đời người.

Đi từ phố xa ra làng mạc, tác giả hòa vào làng quê, đồng quê, người quê, mùi quê, khói quê… như trở về cái gốc xa xưa, bền chặt trong mỗi con người hôm nay, dù không hẳn đã sinh ra, lớn lên ở nơi ấy. Nhật Minh kể làng không bằng cái phong vị đạm bạc, thậm chí chạy theo cái gì đó… “quê mùa”. Mà lại thắm thiết ở niềm trân quý những nỗi vất vả như là những giọt mồ hôi truyền đời, ở tình con người chân thành, quyến luyến, như những ngọn khói cũng mang chở bao nhiêu nỗi niềm của người, của đất, của bếp, của những khoảng thời gian trong ngày, của mây trời thôn dã. 

Và rồi từ phố nối làng, tác giả ra đi lên núi, ra biển, lên trung du, vào miền nam bộ, tìm đến đất mũi, lang thang các địa danh, gặp những con người, để dày thêm cho mình vốn sống xã hội và văn hóa các miền đất. Đáng chú ý, những vốn liếng xã hội, văn hóa ấy, bằng tư thế một nhà báo “đựng” một nhà thơ, Trần Nhật Minh nhập cuộc để trải nghiệm qua thực tế với đất và người, chứ không phải từ tài liệu, sách vở. Vì thế, dễ nhận thấy niềm đắm đuối, cảm hứng say mê, quý trọng của tác giả với những người, những cảnh, những chuyện mà anh đến. 

Một họa sĩ giám đốc bảo tàng nơi tĩnh lại văn hóa dân tộc Mường, là hoa trái của bao nhiêu công phu sưu tầm, lưu giữ và lao lực hoạt động để lan tỏa. Một người H’Mông đắm đuối giữ tiếng khèn trên núi cao. Những nghệ sĩ phương Nam đem cả đời lưu giữ ngón đàn, câu hát, và cũng chính đàn hát là cơn cớ cho khúc quanh ngả rẽ trong đời. Một đồng nghiệp báo chí lăn lộn nhiều năm trong những vùng sâu vùng xa, hạnh phúc âm thầm với những thông tin của mình được đồng bào chờ đón… Và những miền xa ấy, những món ăn, những cảnh sắc, đôi nét tập quán nơi Việt Trì, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau… cứ mở ra như lôi kéo, quyến rũ. 

Kể cả khi, và đây cũng là nét quý giá trong tác nghiệp của một nhà báo, viết về những nỗi buồn, những góc khuất từ những địa bàn có tệ nạn nghiện hút, những nơi có sự thiếu học, vẫn còn đói nghèo…, thì ngòi bút Trần Nhật Minh không hề né tránh. Nhưng chất văn hóa trong cách kể, và cái nhìn bao quát và tinh thần lạc quan khiến cho những bài ghi chép được mở rộng khiến người ta thấm và nghĩ nhiều hơn về những thông tin được phản ánh. 

Có lẽ, hình như lâu nay, không dễ dàng người đọc tìm được những bài bút ký, ghi chép báo chí đậm chất văn mà ở đó người viết có thể có đôi chút giãi bày, tâm sự cùng người đọc. Mà những là ngồn ngộn thông tin, ăm ắp tài liệu, và tới tấp những sự kiện, diễn biến. Có lẽ xu hướng cạnh tranh thông tin, đề tài đã tác động không nhỏ đến cách kể của các cây bút nói chung. Hay là, cần có những hình thức phù hợp cho sự trở lại của một dòng chảy phóng sự, ghi chép, bút ký báo chí thong thả hơn, chậm rãi hơn? Nên thế!

Cuốn sách của Trần Nhật Minh còn kéo người đọc qua những miền đất xa xôi để cũng kể tả gọn gàng mà khá tài tình, tác giả chấm phá ra một số nét văn hóa, đặc trưng con người và câu chuyện xã hội nổi bật của miền đất đó: Yangon (Myanmar), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc). Để rồi, cuối cùng, đưa người đọc trở về nhà xưa với ký ức chờ xuân, đón Tết nồng nàn bên gia đình tằn tiện và sum họp thuở nào. Vậy là “Miền sau cánh cửa”, bước ra trên thềm nhà để ngóng theo những con đường xa, những chân trời lạ. Nhưng cũng là mở tay nắm khung cửa để trở vào một miền hoài niệm chân thật trong căn phòng nhỏ đầy ắp nỗi nhớ về những đi, những sống, những nghiệm ra, những nhận lấy, và trở về.

Trong niềm vui chờ xuân Tết hôm nay, gấp sách lại, như còn bâng khuâng trạng thái nao nao quá khứ mà Trần Nhật Minh mở cánh cửa lòng mình, hé lộ cùng người đọc bí mật về những khoảnh khắc “yếu lòng”. Có lẽ những cánh cửa sẽ không dừng lại từ đây. Chờ đợi những cuốn sách khác của Trần Nhật Minh nhà báo - thi sĩ. Hay là sẽ như vậy chăng? Nên thế!