"Trăm năm" Kiều trong cõi ballet

NDO -

NDĐT- Đã có nhiều loại hình sân khấu lựa chọn Kiều để thể hiện mục đích nghệ thuật. Nhưng lần đầu tiên, các nghệ sĩ đã sử dụng ballet để kể lại tuyệt tác này. Đó là vở ballet “Kiều” do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch thành phố Hồ Chí Minh thể hiện, lần đầu ra mắt khán giả thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 và khán giả Hà Nội vào tháng 8 tại Nhà hát Lớn của cả hai thành phố.

"Trăm năm" Kiều trong cõi ballet

Cảm nhận Kiều theo cách mới, nhưng không xa rời tác phẩm

Nữ biên đạo Tuyết Minh của vở diễn cho biết, vở Kiều phiên bản ballet này không đi vào mô tả 15 năm lưu lạc của Kiều, mà sẽ sử dụng ba lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên và bốn lần Kiều đánh đàn để đưa ra hàm ý triết lý của Nguyễn Du qua hơn ba nghìn câu thơ trong tác phẩm. Thanh âm của tiếng đàn lúc thì thầm, dìu dặt, mềm mại, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng, có trường đoạn thì gào thét, tang thương; để rồi tan chảy, nén chịu; và rồi khoan nhặt, thanh thoát đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung mà cũng là tiếng lòng của chính Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời, thể hiện trọn vẹn “đạo làm người” mà đại thi hào gửi gắm qua tác phẩm.

"Trăm năm" Kiều trong cõi ballet ảnh 1

Đạo cụ được sử dụng có khi là những chiếc quạt mo.

Vở ballet Kiều sẽ chia làm ba hồi, 15 cảnh.

Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, khi bắt tay vào dàn dựng vở, chị đã lọc ra những gì mà đặc trưng ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện tốt nhất và những gì không phải là thế mạnh của nghệ thuật múa. Chị cho biết, Kiều phiên bản ballet sẽ không làm khán giả thất vọng khi vẽ nên không gian đượm chất thơ, trữ tình, vẽ nên những nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên điển hình nhưng vẫn chứa đựng tư tưởng của Nguyễn Du trong những mối quan hệ ấy với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục… để người xem suy ngẫm.

"Trăm năm" Kiều trong cõi ballet ảnh 2

15 năm lưu lạc của Kiều chính là hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc “Trăm năm trong cõi người ta”, Ba lần Kiều gặp Đạm Tiên chính là gặp cái tôi “bản ngã” của mình. Trải qua 15 năm biến cố, thăng trầm chẳng qua chỉ để đến cái hẹn của chính mình tại sông Tiền Đường, để nhận ra linh hồn Đạm Tiên như cầu nối trung gian giữa “mệnh trời” với “trần thế”, “cõi tâm linh” giao cảm với “trần gian” để nhận ra thói đời bạc bẽo, nhận ra thiện ác, luật nhân quả chứ không phải thuyết “Thiên mệnh”, để những người tài hoa như Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải không bị cuốn trong vòng Tài - Mệnh, không bị chi phối trong xã hội mua quan bán tước. Toàn bộ vở diễn với ba hồi, 15 cảnh thông qua sự biến để thể hiện “chân tâm” Thiện căn ở tại lòng ta - Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài .

Nghệ thuật châu Âu kết hợp với nghệ thuật cổ truyền

Kiều phiên bản ballet gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ bởi việc chuyển thể một tác phẩm văn học cổ của Việt Nam sang một loại hình nghệ thuật kinh điển của châu Âu, mà còn khiến khán giả ngạc nhiên khi kết hợp ballet với nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền khác của Việt Nam như ca trù, xẩm…, kết hợp với hiệu ứng thị giác từ kỹ thuật trình chiếu Hologram (kỹ thuật trình chiếu 3D).

"Trăm năm" Kiều trong cõi ballet ảnh 3

Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, thách thức lớn nhất là phải hòa hợp ballet - môn nghệ thuật đặc trưng của văn hóa phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa phương Đông đậm bản sắc Việt.

Chính vì thế, khi chọn ballet để dàn dựng, trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, khi diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của nghệ thuật cổ điển châu Âu, tức là tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật ballet.

Mặt khác, để thể hiện tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt. Vì thế mỗi cử chỉ, động tác múa đều phải chắt lọc, có thủ pháp mang tính sáng tạo cao mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.

Dàn dựng kỳ công

Chính vì Kiều là một tuyệt tác thi ca trong lịch sử văn chương Việt Nam, cho nên biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng, cần phải có sự đầu tư xứng đáng với vở diễn này.

Chị cho biết, phần làm nên sự thu hút đầu tiên của vở diễn là sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologram trong cảnh múa dưới nước rất kỳ công do hai nữ nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền thể hiện, “Chúng tôi đã phải ghi hình thành hai concept và đầm mình dưới nước 7-8 tiếng đồng hồ, đúng lúc Hà Nội đang mùa đông. Các diễn viên đã phải nhịn thở để lặn xuống múa và thời gian múa phải đủ lâu để ghi hình, nhưng hiệu quả nghệ thuật chuyển tải ý đồ của vở diễn thì vô cùng hiệu quả.

"Trăm năm" Kiều trong cõi ballet ảnh 4

Biên đạo Tuyết Minh cũng cho biết, về sự kết hợp của ngôn ngữ múa, chị khá tự tin vào sáng tạo của mình và biên đạo Phúc Hùng khi tìm ra phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo, và vốn múa cổ truyền để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở Kiều.

Phần âm nhạc cũng được đầu tư kỳ công. Nghệ sĩ Tuyết Minh cho biết, phần âm nhạc của tác phẩm là sự hòa quyện giữa giao hưởng với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như ca trù, xẩm, tuồng, dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống…. Phần nhạc viết cho những đại cảnh được giao cho nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng. Còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những nét âm nhạc truyền thống rất phá cách. Chị mô tả: “Sự tương phản trong âm nhạc giúp chúng tôi có rất nhiều cảm xúc khi biên đạo và diễn viên có đất để thể hiện nghệ thuật biểu diễn, tạo phong cách, cá tính riêng cho mỗi vai diễn”.

Vở diễn được họa sĩ Anh Dũng và nghệ sĩ Phúc Hải thiết kế sân khấu, ánh sáng. Biên đạo Tuyết Minh cho biết, phần tạo hình mỹ thuật và đánh khối bằng ánh sáng tạo không gian cho cảnh diễn, nhưng phải chuyển tải được ý đồ của vở diễn chứ không chỉ dừng ở trang trí sân khấu.

"Trăm năm" Kiều trong cõi ballet ảnh 5

Một trong những phần cầu kỳ nhất của vở diễn là thiết kế trang phục. Nghệ sĩ Tuyết Minh cho hay, hai nhà thiết kế Hoàng Tùng và Khánh Diệp đảm nhiệm việc thiết kế trang phục cho Kiều, với yêu cầu phải biến tấu từ áo the, áo tứ thân cổ truyền, nhưng vẫn phải tôn lên được đường nét cơ thể cho vũ công ballet, đặc biệt là đôi chân của các vũ công khi lên giày mũi cứng. Còn đối với nam vũ công, trang phục phải tạo sự bay bổng, nhẹ nhàng khi bay, nhảy, thực hiện các kỹ thuật khó như tua trên không, hay những kỹ thuật bê đỡ khó giữa nam và nữ…

Điểm quan trọng nhất của vở diễn, là các biên đạo đã tập hợp được một dàn diễn viên hùng hậu, tài năng, ở phong độ cao về kỹ thuật, kỹ xảo và dạn dày kinh nghiệm sân khấu tại Đoàn múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Trần Hoàng Yến, Phan Thái Bình, Đàm Đức Nhuận, Sùng A Lùng, Đoàn Vũ Minh Tú, Nguyễn Minh Tâm, Minh Hiền, Hà Ôn Kim Tuyền, Đinh Phương Dung, Nguyễn Thu Trang, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Nguyễn Đình Bảo Bảo… Những gương mặt này hầu hết đều đã từng giành giải thưởng cao cũng như từng tham gia nhiều vở ballet kinh điển khác.

Không chỉ thu hút được các diễn viên giỏi, vở ballet Kiều còn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, của nhiều nghệ sĩ tên tuổi cả về nội dung và nghệ thuật, âm nhạc như các NSND Chu Thúy Quỳnh, Ứng Duy Thịnh, Anh Phương, NSND Quang Vinh…

Với những gì các nghệ sĩ đang thực hiện, khán giả chờ đợi một tuyệt tác mới, một Truyện Kiều được thể hiện bằng ngôn ngữ và văn hóa châu Âu hòa trộn cùng văn hóa Việt Nam.