Phút 90++ không ở sân cỏ

NDO -

NDĐT- Bớt lãng mạn, “bớt đi cái mê lô lấp lánh kiểu Ý” (nhà văn Nguyễn Trương Quý), cuốn sách thứ hai của bình luận viên bóng đá, nhà báo Trương Anh Ngọc mang cái tên khá lạ Phút 90++ gân guốc, trần trụi, day dứt và “đời” hơn.

Nhà báo Trương Anh Ngọc và GS Cù Trọng Xoay trong buổi ra mắt sách.
Nhà báo Trương Anh Ngọc và GS Cù Trọng Xoay trong buổi ra mắt sách.

Tối qua (2-10), tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum - Hà Nội, nhà báo Trương Anh Ngọc ra mắt cuốn sách thứ hai “Phút 90++, Ký sự Nam Phi, Ukraina và 10 nghìn cây số”.

90++ và những số phận lay lắt bên ngoài sân cỏ

90++, thoạt nghe người ta sẽ lại chép miệng, ông bình luận viên này chắc lại viết về bóng đá. Những câu chuyện trong cuốn sách kể lại những sự kiện, con người mà anh đã gặp và trải nghiệm trong những chuyến đi theo các giải EURO 2008, 2012 và World Cup 2010 với tư cách là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam. 90+ là 90 phút thi đấu chính thức và bù giờ. Nhưng dấu cộng thứ hai lại hoàn toàn nằm ngoài 5000m2 sân cỏ và không hề liên quan đến công việc chuyên môn bóng đá.

Chính tác giả cũng đã nói rõ ngay từ đầu trong cuốn sách: “Khi đến đây, cái tôi thấy phần lớn lại không phải là bóng đá, hay ít nhất không phải là World Cup. Các sân vận động rực sáng, nhưng đôi mắt tôi bị hút vào những khoảng tối mênh mông vây bọc lấy sân”.

Phút 90++ không ở sân cỏ ảnh 1

Tác giả Trương Anh Ngọc trong vòng vây người hâm mộ.

“Khoảng tối mênh mông” mà nhà báo Trương Anh Ngọc nhắc đến trong cuốn sách là những câu chuyện số phận của những con người tách biệt hoàn toàn với sân cỏ. Đó là cô gái điếm Thái Lan trong đoàn quân hơn bốn mươi nghìn gái gọi tràn tới Nam Phi mùa World Cup. Họ không hề có World Cup; những đứa trẻ nghèo ở xóm nhỏ thuộc Winterveld tương lai mờ mịt, chỉ có thể nhìn ra thế giới qua cái màn hình máy chiếu sân khấu; những người lái taxi hay ăn gian nhưng cũng rất cởi mở… Hai năm sau, anh lại thấy một Ukraina giằng xé giữa hai bờ Đông – Tây, những người già đang bán đi chút tài sản cuối cùng khi không sống nổi với đồng lương hưu chết đói, hay cả một thế hệ thanh niên mất phương hướng và lạc lối…

Trong những chân dung mà Trương Anh Ngọc đã mô tả, anh ấn tượng nhất cậu bé bị bệnh đao, gặp ở thủ đô Kiev, Uckraina. Cậu bé trông rất to xác, tay cầm một tấm biển quảng cáo vẽ mặt các cổ động viên trong đợt EURO 2012. Cậu ấy nhìn về một nơi vô hồn vô định, chân dung cậu bé 16 tuổi nhưng hiểu ít hơn, nhận thức chậm hơn và cảm nhận về cuộc sống mờ nhạt hơn những người bình thường khác. Cậu không nhận biết được đâu là vui, đâu là buồn, sống rất bản năng…

Từ chân dung của cậu bé bị bệnh đao đó, tác giả vẽ ra những chân dung khác, liên quan một phần xã hội Uckraina, về những con người bị gạt bên lề xã hội. Giải đấu đang diễn ra sôi động với những bàn thắng đẹp mắt, rất nhiều tiền được đổ vào những sân vận động nhưng những công trình phúc lợi xã hội lại gần như bị bỏ trống, không được quan tâm đến. Dù có bóng đã hay không, có EURO, World Cup hay không thì những con người, những số phận như vậy vẫn tồn tại, lay lắt bên ngoài những sân bóng...

Nhưng vẫn với phong cách quen thuộc, cuốn sách của Trương Anh Ngọc không chỉ có đau thương, trần trụi mà mát lành niềm vui sống. Dù trong mọi hoàn cảnh, vẫn luôn thấp thoáng nụ cười, niềm hạnh phúc khi được sống, ẩn trong nụ cười và mê say trên gương mặt những đứa trẻ, trong những ước mơ giản dị của chúng, trong sự chăm chút sắc đẹp của những con người dù phải sống cuộc đời nghèo khổ và tồi tệ… Những trang viết vẫn lãng mạn, bay bổng không thể che giấu qua những câu chữ về nơi tất cả gọi nhau là “darling” – một “cưng”, một “người yêu dấu; về nơi ở của Nữ hoàng mưa…

Phút 90++ không ở sân cỏ ảnh 2

Tác giả ký sách tặng độc giả.

Những chân dung, những câu chuyện có trong cuốn ký sự này phần lớn đã được tập hợp từ rất nhiều ghi chép cá nhân và các bài báo từ năm 2008 đến 2012 của Trương Anh Ngọc. Tuy nhiên, tác giả cũng cho biết, có rất nhiều chi tiết mới, thông tin anh đưa vào được cóp nhặt lại từ những ghi chép tỉ mẩn gần như hàng ngày, gần như bất cứ chỗ nào trong kho tư liệu đồ sộ của mình.

Khi viết cuốn sách này, có những lúc anh ngồi lục lại trong hàng nghìn tấm ảnh, dựng lại chúng theo trình tự thời gian. Khi đó, những sự việc vào thời điểm chụp tấm ảnh được tái hiện lại một cách sống động, cảm xúc vẹn nguyên như chính khoảnh khắc mình đã bấm máy.

Suýt chết ở Nam Phi

Phút 90++ không ở sân cỏ ảnh 3
Bìa cuốn sách Phút 90++, Ký sự Nam Phi, Ukraina và 10 nghìn cây số.

Trên những nẻo đường đã đi qua, Trương Anh Ngọc từ chối các cung đường an toàn cho khách du lịch. Anh đi con đường của một nhà báo, tự ý thức hết cạm bẫy hiểm nguy nhưng vẫn dấn thân, liều lĩnh nhưng vẫn đầy tỉnh táo.

Cũng vì liều lĩnh, muốn khám phá tác giả đã chỉ kịp nhìn thoáng thấy một vệt sáng lóe lên trong ống kính. Rồi hai thanh niên vạm vỡ cầm dao lao đến anh ở Khayelisha - nơi người dân phần đông sống bằng nghề ăn cướp, không thèm xem bóng đá, căm ghét giải vô địch thế giới tổ chức trên nước mình vì cảnh sát hóa các tuyến đường khiến số đông đó chẳng thể làm ăn gì. “Tôi đã suýt mất mạng vì quá liều lĩnh, phớt lờ mọi cảnh báo để đi đến đó” - Anh Ngọc nhớ lại.

Chính bởi vậy, qua cuốn sách Trương Anh Ngọc phần nào muốn nhắn nhủ với những bạn đọc trẻ rằng, chúng ta đang sống một thế giới rất rộng mở, cơ hội ra với thế giới của các bạn trẻ ngày càng nhiều hơn. Đi là để trải nghiệm những gì mình đã học, đúc rút kinh nghiệm và biết thêm những điều chưa biết. Chúng ta hãy đi nhưng đi với những thông tin, kỹ năng sống được chuẩn bị rất kỹ càng.

Bìa cuốn sách với hình ảnh đứa trẻ da đen hé mở cánh cửa cũng như một dẫn dụ cho nội dung xuyên suốt của cuốn sách này. Bức ảnh được Trương Anh Ngọc chụp khi đến thực hiện phóng sự tại một Trung tâm nhân đạo ở vùng có tỷ lệ thất nghiệp 60%. Trung tâm này nằm trong ngôi làng bị tàn phá hoàn toàn bởi SIDA. Khi đứng tựa quay cảnh bọn trẻ con đang múa hát, bỗng nhiên tác giả bị hẫng, anh quay lại và nhìn thấy đứa bé này. Ánh mắt đang khóc nhưng môi cười. Bẽn lẽn, khao khát nhưng lo sợ. Quản lý bảo rằng thằng bé hư nên không được tham gia hát cùng mọi người và bị phạt nhốt ở ngoài.

Nói về sự lựa chọn này, chính tác giả đã chia sẻ: “Tôi nghĩ tuổi thơ chúng ta đều đã từng gắn bó với những cánh cửa. Cánh cửa cũng là dẫn dụ của sự khám phá ra thế giới. Tôi đã bắt gặp lại mình của thời thơ ấu trong ánh mắt của cậu bé khi mở hé cánh cửa ấy. Vì vậy, tôi mong độc giả đón nhận cuốn sách của mình như tìm đến một thế giới khác rộng lớn hơn, hiểu hơn về những số phận cuộc đời con người và biết đâu cũng sẽ bắt gặp một chút gì đó giống mình…”