Những điều thú vị từ một cuộc thi văn chương

Cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới 2018 - 2019 của Văn nghệ Quân đội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo tác giả. Các nhà văn đã thành danh như Ma Văn Kháng, Nguyễn Văn Thọ, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ... đã gửi tác phẩm hưởng ứng và cổ vũ cuộc thi ngay sau ngày đầu phát động.

Những điều thú vị từ một cuộc thi văn chương

Tổng cộng đã có 317 tác giả với 2.014 tác phẩm dự thi, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính chiếm hơn một nửa. Nhờ những chi tiết độc đáo và bối cảnh chân thực, hình ảnh người lính cách mạng và người dân trong chiến tranh hiện lên sáng đẹp một cách dung dị tự thân. Ðiều đáng chú ý là, đề tài không chỉ giới hạn ở trong nước, mà còn mở rộng sang bên kia Thái Bình Dương với hình ảnh những cựu chiến binh Mỹ sống trong nỗi ám ảnh dằn vặt bởi tội ác đã gây ra ở Việt Nam, đòi hỏi lương tri lên tiếng...

Ở mảng đề tài được cho là khó viết này, các tác giả trẻ lại tỏ ra hứng thú. Cả bốn truyện dự thi Qua khỏi dốc là nhà, Người trở về, Mùi hương gọi về, Bông điên điển hồng của tác giả thế hệ 8X Bảo Thương đều đề cập đến những vấn đề của chiến tranh. Ðó là thân phận những người lính trở về và số phận những người dân sống trong vùng chiến tranh với những hệ lụy dai dẳng. Ðiển hình là tác phẩm Bông điên điển hồng. Lấy bối cảnh một vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, truyện có nhiều lớp lang với những mối quan hệ chồng chéo của nhiều nhân vật tham gia chiến tranh ở cả hai phía với nhiều tình huống éo le. Với khả năng quan sát tinh tế, nắm bắt thông tin nhanh nhạy, phân tích tình huống lô-gích, truyện của Bảo Thương không chỉ giúp người đọc hiểu và cảm thông cho mỗi số phận người trong thời bom đạn mà còn sáng lên tinh thần hòa giải: Chiến tranh đã qua đi, hận thù sẽ lui vào quá khứ, chỉ còn tình người đọng mãi.

Ở các đề tài lịch sử - xã hội, xuất hiện nhiều tác giả, sinh sống ở nhiều vùng miền cho nên khả năng phản ánh hiện thực khá sâu rộng. Mọi thành phần xã hội, từ vua quan, cung tần mỹ nữ, quan chức, trí thức, công nhân, nông dân, nghệ sĩ đường phố, hoạt náo viên... đều trở thành hình tượng văn học, tạo nên một thế giới nhân vật phong phú. Nổi bật ở mảng đề tài này là tác giả Vũ Thanh Lịch. Chị có bốn tác phẩm dự thi: Buồn vặt, Gió già, Nhà thánh và Ngủ một nửa. Bốn truyện là bốn vấn đề khác nhau của đời sống hiện đại: Sự cô đơn của người già, sự phân rã kết cấu gia đình truyền thống, sự hoang hoải của đời sống công sở, sự biến tướng của đời sống tâm linh. Trong số này, tác phẩm Nhà thánh nhận được đánh giá cao của Ban Chung khảo. Truyện là một khái quát điển hình của xã hội Việt Nam hiện tại. Từ một sinh hoạt mang ý nghĩa nhân văn của người Việt, hầu đồng đã bị biến tướng thành hoạt động buôn thần bán thánh để trục lợi dẫn đến mất đức tin.

Phạm Thu Hà là tác giả sinh năm 1996, trẻ nhất cuộc thi nhưng sớm có nhiều trăn trở. Với giọng văn trữ tình giàu chất thơ, cả hai truyện Mùa cói và Người về Tranh Sơn của chị là nỗi hoài niệm nặng trĩu về quê hương. Một quê hương nghèo khó với tuổi thơ nhọc nhằn khiến những người trẻ rũ bỏ, ra đi, nhưng khi đạt được mục đích thì họ lại luôn bị cảm thức cố hương giày vò, vẫy gọi.

Triều La Vỹ cũng gây chú ý với sáu truyện ngắn lịch sử: Bóng rồng, Mạc trà, Gương mặt thủy thần, Dưới hiên Văn Miếu, Hoàng Mai tửu. Ðiều khác biệt ở Triều La Vỹ là anh không nói lại những điều đã có trong chính sử. Anh luôn tìm tòi những điểm mờ của lịch sử rồi dùng trí tưởng tượng để dựng nên những câu chuyện giàu giá trị lịch sử và thẩm mỹ.

Về nghệ thuật truyện ngắn, đúng như tinh thần của Lửa Mới, các tác giả đã không ngừng tìm tòi phương thức biểu đạt. Những lý thuyết và kỹ thuật văn chương được cập nhật; các dạng bút pháp tả thực, hiện thực huyền ảo, kỳ ảo, trào lộng, phúng dụ, huyền thoại, tượng trưng...; các kỹ thuật dòng ý thức, đồng hiện, tâm linh, giả kiếm hiệp, giả tưởng, dã sử, viễn tưởng... đều đã được các tác giả sử dụng để tăng sự hấp dẫn cho tác phẩm. Ðiều đáng mừng là dù viết về chủ đề gì, sử dụng bút pháp nào, âm hưởng ngợi ca hay phê phán thì mỗi tác giả, tác phẩm trong cuộc thi này đều hướng tới mục đích nhân văn: Xây dựng một đất nước hòa bình, phát triển với những con người có phẩm chất cao đẹp.

ỚI quãng thời gian hai năm, Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới đã tạo nên một luồng không khí sinh hoạt văn chương hấp dẫn độc giả cả trong và ngoài quân đội, cả trong nước và nước ngoài. Thành công của cuộc thi không chỉ đã thu hút được hầu hết các tác giả truyện ngắn Việt Nam tiêu biểu, sung sức nhất, mà còn giới thiệu được một lớp tác giả mới đầy triển vọng cho nền văn học nước nhà. Ðiều thú vị là các tác giả đoạt giải lần này đang học tập và làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vũ Thanh Lịch (Giải nhất với truyện ngắn Nhà thánh) là Thạc sĩ Văn hóa học, hiện là Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa thông tin Ninh Bình; Phạm Thu Hà (Giải nhì với truyện ngắn Người về Tranh Sơn) hiện là sinh viên Khoa Viết văn, Báo chí, Ðại học Văn hóa Hà Nội; Bảo Thương (Giải nhì với hai truyện Bông điên điển hồng và Người trở về) là giáo viên Văn - Trường THPT Lục Ngạn số 1, Bắc Giang; Lê Vũ Trường Giang (Giải ba với hai truyện Quẩn mãi bóng người và Từ bờ bên kia) là Thạc sĩ Lịch sử thế giới, hiện là biên tập viên của Tạp chí Sông Hương, Thừa Thiên Huế; Triều La Vỹ (Giải ba với hai truyện ngắn Mạc trà và Bóng rồng) là bác sĩ nhãn khoa, hiện công tác ở Bệnh viện Mắt Bình Ðịnh; Trần Tú Ngọc (Giải ba với truyện ngắn Tiếng rền của đá) là giáo viên Ðịa lý của Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh.