Những câu chuyện của thời kỳ Đổi mới qua trưng bày "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ"

NDO -

NDĐT - Trưng bày được khai mạc vào chiều 22-9, nhân dịp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất và kỷ niệm 30 năm Đổi mới.

Những câu chuyện của thời kỳ Đổi mới qua trưng bày "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ"

Không nhấn mạnh vào những thành tựu, Trưng bày "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ"nhằm nêu bật tinh thần của công cuộc Đổi mới.

Triển lãm được làm theo hướng trưng bày mở, giống như một cây cầu nối giữa Bảo tàng với công chúng. Trưng bày gồm hơn 200 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, tài liệu..., trong đó có nhiều hiện vật được chính người dân chia sẻ, gắn với những câu chuyện của chính họ về hiện vật đó liên quan đến giai đoạn Đổi mới.

Điểm nhấn lớn nhất của Trưng bày là Đại hội của Đổi mới: Đại hội Đảng tháng 12-1986, với chủ trương xoá bỏ kinh tế bao cấp, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, kế hoạch hoá..., những chủ trương đặt nền tảng cho Đổi mới những năm tiếp theo.

Những câu chuyện của thời kỳ Đổi mới qua trưng bày "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ" ảnh 1

Xe Cub DD, niềm mơ ước của nhiều gia đình thời kỳ Đổi mới.

Vai trò của những người mở đường cũng được nhấn mạnh, với ba người tiêu biểu là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt. Những năm 80, Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng, đời sống người dân vô cùng khó khăn... Đất nước thực sự đứng bên bờ vực thẳm, và "Đổi mới hay là chết" đã trở thành yêu cầu bức thiết.

Quá trình Đổi mới được thực hiện bởi những người có tầm nhìn xa, muốn "xé rào", thoát khỏi thói quen và tư duy bảo thủ tưởng chừng như ăn sâu, bám rễ ở Việt Nam để đưa đất nước đi lên.

Vai trò mở đường được thể hiện tại trưng bày bằng những hình ảnh về sự việc cụ thể như "xé rào" trong cung cấp lương thực ở TP Hồ Chí Minh, các bài báo "Những việc cần làm ngay" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Xí nghiệp may Thành Công (TP Hồ Chí Minh) tự tìm lối đi cho mình, rồi chủ trương khoán hộ thành công ở Vĩnh Phúc, sau đó là Hải Phòng, tiền để cho sự ra đời của Khoán 10, giao quyền tự chủ cho nông dân...

Những câu chuyện của thời kỳ Đổi mới qua trưng bày "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ" ảnh 2

Những vật dụng điển hình của thời kỳ này.

Trưng bày còn đưa những ý kiến của người dân chung quanh chủ đề "Đổi mới ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn". Nhiều ý kiến đánh giá cao ý nghĩa và những lợi ích cũng như những điều tốt đẹp mà Đổi mới mang lại, đồng thời cũng nêu những mặt trái của Đổi mới. Ông Kiều Vĩnh Lộc, 70 tuổi, phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: "Nói đến Đổi mới là phải nói ngay đến sự đổi thay, no đủ, đời sống người dân không còn khó khăn, thiếu thốn như thời bao cấp. Đất nước phát triển nhanh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, các công trình phục vụ dân sinh, đất nước. Đời sống vui hơn, dân chủ hơn, tư duy đổi mới. Gia đình tôi, từ chỗ chỉ có một cái xe đạp phân phối theo giá bao cấp năm 1967, đến năm 1988 đã mua được xe máy 50cc, năm 1990 mua được xe Dream. Ti vi, tủ lạnh... được mua trong giai đoạn 1990-2000, đến nay đã mua được ô tô".

Đó cũng là tâm sự chung của nhiều người trong thời kỳ Đổi mới: mua được nhiều hàng hoá hơn, phát triển kinh tế, làm giàu, có cơ hội ra nước ngoài...

Đổi mới cũng đem lại mặt trái trong sự trăn trở của không ít người dân được hỏi, như nỗi lo về thực phẩm bẩn, sự thờ ơ, vô cảm trong xã hội, những phôi phai về văn hoá, nếp sống và đặc biệt là tình người.

Tại Trưng bày, những người từng sống trong thời kỳ bao cấp và Đổi mới dễ dàng tìm thấy những đồ vật hết sức quen thuộc, như xe cub DD đỏ, ti vi JVC vỏ đỏ 14inch, đồng hồ Seiko, phích đá, đèn ngủ, nồi áp suất, máy khâu, bếp điện... Những món đồ mơ ước của người dân thời kỳ này khi có người ra nước ngoài.

Chiếc phích đá thuộc sở hữu của bà Trần Thị Hải Nhi, Kim Liên, Hà Nội, do chồng bà gửi về từ Liên Xô năm 1988, đã cùng bà trong suốt những năm tháng Đổi mới, mang cơm đi buổi trưa và thỉnh thoảng để mua kem về cho con các buổi chiều.

Những câu chuyện của thời kỳ Đổi mới qua trưng bày "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ" ảnh 3

Biển chỉ đường.

Đây là lần đầu Bảo tàng tổ chức trưng bày với sự tham gia của người dân, từ những phỏng vấn, trò chuyện cho đến tài liệu, hiện vật... Đây cũng là lần đầu tiên nhóm Curator thực hiện những ý đồ táo bạo trong trưng bày như cây cột chỉ đường, với hai tấm biển "Đổi mới hay là chết" và "Đổi mới để tiến lên", cũng như sắp đặt các hiện vật đối ngược ở gần nhau (bức tranh cổ động và nhóm hiện vật về tín ngưỡng, văn hoá tâm linh". Cùng với hiện vật là năm bộ phim tài liệu về giai đoạn Đổi mới do Bảo tàng kết hợp với Viện Phim Việt Nam trình chiếu.

Đây chỉ là trưng bày mở đầu "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ". Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng, Bảo tàng tiếp tục kêu gọi người dân đóng góp hiện vật, tài liệu, tư liệu để tiến tới tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cơ sở tại công viên Hoà Bình. Ông Nguyễn Văn Đoàn nói: "Chúng tôi rất mong trưng bày sẽ trở lại với quy mô lớn hơn, nhiều hiện vật hơn và nhiều câu chuyện ý nghĩa hơn".