“Nhìn” Everest qua “lăng kính” của Di Li

NDO -

Di Li là một trong số những nhà văn nữ trẻ rất sung sức trong sáng tác. Không chỉ nhiều về số lượng đầu sách, Di Li cũng là tác giả viết phong phú về thể loại, và thể loại nào của chị cũng khiến độc giả thích thú, thậm chí mong chờ, đặc biệt là sách du ký. Bởi với ngòi bút, lăng kính của Di Li, những địa danh du lịch khắp thế giới dường như mang một màu sắc khác, không giống với bất kỳ tác phẩm du ký nào có đề tài tương tự.

Di Li và hoàng hôn trên đỉnh Everest. Ảnh: FB nhân vật.
Di Li và hoàng hôn trên đỉnh Everest. Ảnh: FB nhân vật.

“Cô đơn trên Everest” là tác phẩm mới nhất của Di Li mang màu sắc ấy. Đọc tiêu đề, ai cũng nghĩ chắc đây là một cuốn ký sự của nhà văn Việt Nam đầu tiên leo núi Everest. Sẽ có đầy đủ những tình tiết gay cấn, hồi hộp, thậm chí nhật ký hành trình từng bước chân leo lên nóc nhà vĩ đại của thế giới này. Thế nhưng, Everest thực ra chỉ chiếm một phần trong cuốn sách. Toàn bộ cuốn sách là chặng đường đầy gian nan nhưng cũng đầy ắp những điều hấp dẫn, thú vị để đến được tới Everest, khiến cho độc giả khó có thể đặt cuốn sách xuống giữa chừng. Với “Cô đơn trên Everest”, độc giả sẽ được trải nghiệm cùng Di Li cả một dải đất gắn với con đường dẫn đến đỉnh Everest gồm Ấn Độ, Nepal, Tứ Xuyên, Tây Tạng…

Sách du ký của Di Li không phải là một cuốn cẩm nang dành cho du lịch, hay đi phượt, bởi đó không phải là loại sách hướng dẫn ăn gì, chơi gì, ở đâu, như thế nào… Mà sách du ký của Di Li giống như một cuốn cẩm nang dành cho những ai yêu lịch sử, văn hóa, muốn tìm hiểu những điều thú vị, thậm chí những truyền thuyết, những câu chuyện được kể truyền miệng ở những vùng đất mà tác giả đi qua.

Có cảm giác, Di Li, dường như đã thành thói quen, đã định đến và định viết về vùng đất nào, thì phải sưu tầm đầy đủ tất cả các loại tư liệu, tài liệu, thậm chí số liệu về nơi đó. Từ số liệu về sử dụng điện, số lượng trường học và số người được đến trường ở Nepal, cho đến số lượng người leo lên đỉnh Everest kể từ năm 1953… Khó ai hình dung nữ tác giả này còn tìm ra được cả số liệu về sử dụng nước và nhà vệ sinh ở Tây Tạng trước năm 1950. Cứ như thế, những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội… của những điểm đến lần lượt được Di Li kể một cách rất duyên dáng và thu hút, khiến người đọc không gặp phải cảm giác khô khan của con số, số liệu, của các tài liệu nghiên cứu, mà bị cuốn theo hết trang sách này đến trang sách khác. 

“Nhìn” Everest qua “lăng kính” của Di Li -0
 

Ở “Cô đơn trên Everest”, Di Li dẫn dắt người đọc đi từ nền văn hóa sông Hằng, văn hóa Tây Tạng, những tập tục kỳ lạ bên dòng sông Bagmanti ở Kathmandu (Nepal), thế giới cổ xưa rực rỡ đầy ắp những điều huyền bí ở Thành Đô, và những trải nghiệm không thể nào quên ở Trại Nền dưới chân Everest, dãy Himalaya hùng vĩ.


Với Everest – “nhân vật chính” được lấy làm tiêu đề của cuốn sách, nếu như tất cả mọi người khi nghĩ về hoặc đến với Everest đều cảm nhận đây là điều kỳ diệu, là ngọn núi vĩ đại nhất thế giới, nhìn về nó như một điều kỳ vĩ, một sự choáng ngợp, ngưỡng mộ…, thì riêng Di Li lại nhìn thấy ở nóc nhà thế giới này nỗi cô đơn. Đó là nỗi cô đơn của sự vĩ đại, của số 1, của vị trí cao nhất thế giới, nỗi cô đơn của “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”.

Ở Di Li, những điều khiến cho độc giả thích thú qua mỗi trang sách, không chỉ là khối lượng kiến thức dày dặn mà chị đưa vào, mà còn là những cảm xúc chị thể hiện khi đến những vùng đất đó. Câu chuyện về anh chàng hướng dẫn viên hiền lành người Tây Tạng, hay những nữ thần sống Kumari với những bi kịch khác nhau trong đời sống thực sau khi “hết nhiệm kỳ” khiến cho độc giả nào cũng cảm nhận được sự xót xa trong từng câu chữ. Tenzin, anh chàng hướng dẫn viên người Tạng không cười và có làn da rám nắng, dường như lấy cái nắng sáng lóa khó chịu đầy tia tử ngoại của cao nguyên làm năng lượng, qua ngòi bút của Di Li, không chỉ là pho từ điển về xã hội, phong tục, lối sống… của người Tạng ở vùng đất “nơi cùng trời cuối đất” này, mà còn cho độc giả hình dung được những nét tính cách điển hình của người Tạng, qua cách ứng xử cùng những vị khách phương xa trong suốt một chặng đường dài.

Sách du ký hiện nay đã trở thành một dòng chảy mạnh mẽ trong đời sống văn học hiện đại nước nhà. Có những cuốn sách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, chỉ dẫn về những nơi chưa được đặt chân đến của độc giả. Có những cuốn giúp độc giả khám phá văn hóa, con người, xã hội của nơi đến. Cũng có những cuốn chỉ đơn giản là mô tả lại những chuyến hành trình mà không ai có thể lặp lại của ai, để người đọc cùng vui, cùng buồn, cùng hồi hộp như đọc muôn vàn câu chuyện khác. “Cô đơn trên Everest” cũng là kể chuyện, nhưng trên chiếc mâm đầy ắp những câu chuyện thú vị mà Di Li soạn lên cho bạn đọc ấy, là đầy đủ những “món ăn” từ khai vị đến tráng miệng, có những món bạn không chỉ muốn ăn một lần, mà gấp sách rồi, lại mở ra tìm đọc đúng câu chuyện đó. 

Sách do Liên Việt phối hợp với NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2021.