Nhìn lại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 năm 2019

Nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm

Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 21 vừa bế mạc tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với dư âm còn lan tỏa. Qua những tác phẩm xuất sắc giành các giải: Bông sen vàng, Bông sen bạc và giải cá nhân thuyết phục ở bốn loại hình: phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình, có thể nhận thấy việc đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới trong điện ảnh đang được quan tâm một cách kịp thời, sâu sát.

 Một cảnh trong phim Song Lang đoạt Giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21.
Một cảnh trong phim Song Lang đoạt Giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21.

Từ hàng trăm bộ phim, hội đồng tuyển chọn gồm những nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp, uy tín của LHPVN lần thứ 21 đã chọn ra 16 phim truyện điện ảnh, 29 phim tài liệu, chín phim khoa học và 20 phim hoạt hình tham gia vào hạng mục phim dự thi; 14 phim truyện điện ảnh và 16 phim tài liệu tham gia hạng mục phim chiếu trong chương trình toàn cảnh. Về phim truyện điện ảnh, năm nay có 16 phim dự thi, trong đó có bốn phim của các hãng phim nhà nước và phim nhà nước góp vốn, còn lại là phim của các hãng tư nhân, nhiều bộ phim khi ra rạp đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Kết quả, Giải Bông sen vàng phim truyện thuộc về phim Song Lang (đạo diễn Lê Nhật Quang, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân); Bông sen bạc thuộc về ba phim: Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung) và Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ). Nhiều chuyên gia điện ảnh và công chúng đều cho rằng, những chiến thắng nêu trên là xứng đáng và thuyết phục, thể hiện sự quan tâm của ngành điện ảnh đối với những tác phẩm mang tính nghệ thuật, đổi mới.

Trường hợp phim Song Lang, ngoài Giải Bông sen vàng, tác phẩm này còn đoạt bốn giải cá nhân, bao gồm: Đạo diễn xuất sắc, nam diễn viên phụ xuất sắc, họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc và âm thanh xuất sắc. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình và ước muốn đổi đời, chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ. Đặc biệt, niềm đau đáu khôn nguôi của những người nghệ sĩ với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc là cải lương được thể hiện khá tinh tế, sâu sắc. Các yếu tố khác như: kịch bản, kỹ thuật, bối cảnh phim đều được đầu tư công phu, tỉ mỉ. Nghệ sĩ cải lương gạo cội Hữu Châu đánh giá cao tâm huyết của đạo diễn và ê-kíp làm phim. Đó cũng là lý do giúp Song Lang từng đoạt Cánh diều bạc năm 2018, Ngôi sao xanh năm 2018, Phim xuất sắc Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh năm 2018 và hàng loạt giải thưởng quốc tế khác.

Ba loại hình còn lại, Giải Bông sen vàng thể loại phim tài liệu thuộc về tác phẩm Chông chênh (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư); Bông sen vàng thể loại phim hoạt hình thuộc về Người anh hùng áo vải (đạo diễn Phùng Văn Hà). Bông sen bạc cho phim tài liệu, bao gồm: Chư Tan Kra (đạo diễn Vũ Minh Phương), Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam (đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm); Bông sen bạc cho phim khoa học là: Cuộc chiến chống đại dịch SARS (đạo diễn Lưu Ngọc Ánh), Ô nhiễm nhựa ở biển (đạo diễn Nguyễn Tài Văn); Bông sen bạc cho phim hoạt hình có: Vầng sáng ấm áp (đạo diễn Vũ Duy Khánh), Sắc màu những ô cửa (đạo diễn Phạm Thị Minh Nguyệt), Bí mật của những đứa trẻ (đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Linh).

Kết quả LHPVN lần thứ 21 đã bám sát tiêu chí đặt ra, đó là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Mục tiêu trọng tâm về chất lượng, tính chuyên nghiệp, hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, nghệ thuật thể hiện mới mẻ, sáng tạo, chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả, được thể hiện bằng chính kết quả của từng hạng mục. Số lượng nghệ sĩ trẻ tuổi đoạt các giải cá nhân chiếm tỷ lệ khá cao, có thể kể tên như: Hoàng Yến Chibi (nữ diễn viên chính xuất sắc), Cát Vi (nữ diễn viên phụ xuất sắc), Issac (nam diễn viên phụ xuất sắc)… Bên cạnh sự sôi nổi nhập cuộc của các hãng phim tư nhân, LHPVN năm nay cũng đánh dấu sự đổi mới về nội dung, hình thức, cùng lúc đoạt nhiều giải thưởng của các đơn vị nhà nước, quân đội như: Đài Truyền hình Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương…

LHPVN lần thứ 21 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Liên hoan phim vừa là dịp giới thiệu tới công chúng những tác phẩm mới; tôn vinh nghệ sĩ và những tác phẩm điện ảnh chất lượng; đồng thời cũng mở ra cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong quá trình xây dựng và phát triển nền điện ảnh nước nhà. Trong năm ngày diễn ra sự kiện, có 57 suất chiếu của 104 bộ phim tại bốn cụm rạp trên địa bàn TP Vũng Tàu, thu hút 3.983 lượt khán giả. Trước đó, tuần phim chào mừng LHPVN lần thứ 21 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 12-11 với 30 bộ phim được công chiếu đã thu hút 3.962 lượt khán giả. Điểm mới trong LHPVN năm nay còn thể hiện qua triển lãm “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh” của Viện phim Việt Nam tạo cơ hội cho công chúng được chiêm ngưỡng một cách bao quát những hình ảnh về vẻ đẹp và chủ quyền biển, đảo trong các bộ phim điện ảnh. Ngoài ra, còn có cuộc trưng bày thiết bị quay phim, chiếu phim qua nhiều giai đoạn lịch sử của các Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương… Đặc biệt, hai cuộc hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” và “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” trong khuôn khổ sự kiện tạo cơ hội để các nghệ sĩ trong nước và đồng nghiệp nước ngoài thảo luận, trao đổi về nghề nghiệp, đồng thời nhận định khách quan về điện ảnh nước nhà ở thời điểm hiện tại với những nền tảng, cơ hội và cả thách thức trong việc hội nhập và phát triển bền vững.

Trong chặng đường 66 năm hình thành và phát triển với 22 kỳ Liên hoan phim được tổ chức, điện ảnh Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các nghệ sĩ, các nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim, các nhà quản lý cũng nỗ lực và cống hiến không ngừng, tiếp tục khẳng định vị trí của điện ảnh, một ngành nghệ thuật đủ sức hấp dẫn để thực hiện chức năng hướng công chúng đến các giá trị nhân văn cao đẹp.