Nặng lòng cùng trầm tích nghìn năm

Rất nhiều sáng tác của họa sĩ Nguyễn Trường Linh (trong ảnh) về đề tài Hà Nội và văn hóa dân tộc, sâu lắng niềm hoài cổ cùng khát vọng lưu giữ những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại nhiều biến động.

Nặng lòng cùng trầm tích nghìn năm

Trường Linh sinh năm 1971 tại Hà Nội, nhà ở phố Cầu Gỗ, ngay sát Hồ Gươm. Cả tuổi thơ và thời thanh niên giàu mộng mơ, khát vọng gắn liền những kỷ niệm về một Hà Nội với bề dày của những giá trị văn hóa, lịch sử. Chẳng biết tự bao giờ, vẻ đẹp Thăng Long - Hà Nội nghìn năm và văn hóa dân tộc thấm đậm trong sáng tác của anh, ở cả đề tài và phong cách. Anh vẽ nhiều về cầu Long Biên trong chiến tranh và hòa bình; về những địa danh, tích sử; về cuộc sống, con người Hà Nội hôm qua và hôm nay.

Trung thành với chất liệu sơn mài (hoàn toàn dùng sơn ta) độc đáo, với phong cách trừu tượng kết hợp mô-típ dân gian, tranh Nguyễn Trường Linh vừa đậm nét truyền thống lại mới mẻ, hiện đại, nhiều ấn tượng và ám ảnh. Ðặc biệt, luôn phảng phất niềm hoài cổ, tiếc nuối và khát khao níu kéo, gìn giữ những giá trị văn hóa đang dần mai một trong đời sống hiện đại. Có thể thấy, một loạt những tác phẩm được giải của anh thời gian qua đều về Hà Nội, như: Một ngày như mọi ngày (Giải B Mỹ thuật Thủ đô, 2002; Phố gầm cầu (Giải A Khu vực 1 - Hội Mỹ thuật Việt Nam, 2005); Hà Nội mùa đông 1946 (Giải nhất Triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 2009); Hà Nội có cầu Long Biên (Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 2010); Chuyện tình Cổ Loa (Giải khuyến khích Khu vực 1 - Hội Mỹ thuật Việt Nam, 2013)… Mới đây nhất, Ngàn năm thương nhớ Thăng Long - Giải C Mỹ thuật Thủ đô năm 2019 cũng là một tác phẩm ắp đầy hoài niệm về mảnh đất kinh kỳ.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ năm 1997 tới nay Trường Linh theo nghề giảng dạy, hiện là Trưởng khoa Mỹ thuật Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội. Công việc ở trường chiếm phần lớn thời gian, song anh luôn tranh thủ sáng tác, vẽ khi về đêm, lúc sáng sớm, vào ngày nghỉ cuối tuần. Anh đích thực là một nghệ sĩ sáng tạo, lại cần mẫn, miệt mài như một "nông phu", để cho ra đời khối lượng khổng lồ tác phẩm. Trường Linh có mặt tại rất nhiều triển lãm lớn, nhỏ trong và ngoài nước; nhiều giải thưởng giá trị ghi danh anh; tranh của anh có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế. Không thuộc tốp đầu các họa sĩ bán tranh trên thị trường, nhưng Nguyễn Trường Linh cũng là một tên tuổi của dòng tranh sơn mài được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích với nhiều tác phẩm có mức giá cả chục ngàn USD. Từ năm 2013 đến nay, năm nào anh cũng được mời sang triển lãm cá nhân tại Cao Hùng, Ðài Loan (Trung Quốc) và hầu như triển lãm nào cũng bán hết.

Bề ngoài mộc mạc, lành hiền, vẻ như luôn thảnh thơi, tự tại, nhưng tiềm ẩn trong con người Nguyễn Trường Linh một nội lực mạnh mẽ của sức sáng tạo và khát vọng cống hiến; trên vai anh luôn là cả "núi" công việc không ngừng "đòi nợ", hối thúc. Khi được hỏi, tranh "đắt hàng" sao không dành nhiều thời gian vẽ mà vẫn theo nghề dạy, anh tâm đắc: công việc giảng dạy rất thú vị, vì nó giúp người thầy tương tác với học trò; cùng phát hiện, trao đổi về những vấn đề đặt ra trong chuyên môn để việc học tập, giảng dạy và sáng tác hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển của đời sống mỹ thuật.

Và tuy rất bận rộn, anh vẫn dành một góc cho hoạt động thiện nguyện, phổ cập mỹ thuật cho trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa, nhiều khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của người bạn Ðài Loan, Thạc sĩ Văn hóa Việt Quách Ngạn Vỹ, Trường Linh đã xây dựng dự án Ngôi sao miền núi tập hợp nhiều họa sĩ trẻ, tổ chức đi thực tế sáng tác kết hợp dạy vẽ cho trẻ em các địa phương. Thời gian qua, nhóm đã tổ chức triển lãm ở trong và ngoài nước, trong đó có nhiều triển lãm để lại ấn tượng với công chúng. Tiền bán tranh của các họa sĩ thường được trích lại khoảng 50% để đóng góp cho quỹ hoặc hỗ trợ sách vở, đồ dùng, quà bánh cho trẻ em khó khăn ở những nơi dự án được triển khai. Bên cạnh dạy vẽ, dự án còn nhằm khai thác tiềm năng, sản vật địa phương đưa vào sản phẩm mỹ thuật, thủ công để bán hàng. Cụ thể, đã hướng dẫn trẻ em Hà Giang vẽ hình màu trên khăn, vải lanh truyền thống; trẻ em ở Vũng Tàu vẽ trên gáo dừa bán cho khách du lịch…

Tuy nhiên, nhóm vẫn phải tự lo "đầu ra" cho sản phẩm và trưởng nhóm Trường Linh cùng các cộng sự luôn nỗ lực kiếm tìm nguồn hỗ trợ để tiếp tục mở rộng dự án. Anh cho biết, sắp tới sẽ kết nối thêm họa sĩ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái-lan, Trung Quốc… nhằm tiếp tục đưa mỹ thuật đến với trẻ em và kết hợp giao lưu văn hóa với nhiều hoạt động phong phú.

Giữa những bộn bề công việc, Nguyễn Trường Linh vẫn thầm lặng chuẩn bị cho triển lãm cá nhân trong nước lần đầu tiên vào năm 2022, để tổng kết và ghi dấu chặng đường 30 năm đồng hành cùng sơn mài truyền thống. Ở đó, người nghệ sĩ sẽ tiếp tục đi tìm những lấp lánh tỏa sáng của trầm tích văn hóa nghìn năm…