Tập tản văn “Nhựa sống” của Bùi Việt Phương:

Một con đường nhỏ lên cao

NDO -

Bùi Việt Phương có quãng thời gian dài trầm lặng làm việc và suy ngẫm nơi một góc Hòa Bình thong thả. Cuốn tản văn gần đây của anh do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành có tên “Nhựa sống”.

Một con đường nhỏ lên cao

Ở miền đất mở đầu vùng Tây Bắc, sau thời gian đào tạo trường quy đại học, cao học, thậm chí từ thuở học trò, vốn đã như một lộ trình từ từ vạch sẵn cho hành trình đi đâu cũng không rời khỏi bút giấy sau này, Phương dần mở rộng những cảm nghiệm với chính nơi mình sống. Từ con mắt theo những nẻo đồi núi chập chờn sương gió, làng bản Tây Bắc, một sắc thổ cẩm, bó lúa mùa gặt, miếng ăn bùi ngọt gặp trên đường xa…, Phương vọng về thấm thía hơn với những gì tưởng đã quen thuộc quanh mình.

Đó là, khu công nhân thị xã - thành phố thủy điện; đôi vạt cây cối hoang dại ven sông, cuối những con phố nhỏ bình dị; nụ cười, câu nói ai đó trong nhịp sống cần lao mà nhẹ nhàng thân mật; mấy câu chuyện đời người thoáng cái đã chục năm, hai chục năm trôi qua lưng dốc vật đổi sao rời, nhưng niềm chân thành và nếp sống có cây để chăm tưới, có sách truyện, có bức tranh treo tường… vẫn được giữ lấy. Những dấu nét ấy, làm đẹp, làm gần gũi hơn về đời sống miền cao mà nghĩ về nó, người ta còn giữ một ấn tượng trắc trở, xa xôi, heo hút.

Qua lại, lắng đọng mình giữa những vệt nối an cư, công tác, nghề dạy một thời đắm đuối, nghề viết ngày một năng nổ hơn, những ấn tượng đẹp tươi, bình dị ấy không hề phai mờ, Việt Phương lưu lại được trong những trang văn nhỏ. Các tản văn của anh đăng tải trên nhiều báo, tạp chí, được tập hợp vào tập tản văn “Nhựa sống”. Tập tản văn còn mang chở thêm những hoài niệm truyền từ thế hệ trước về gốc gác đồng bằng làng thôn xóm bãi. Bùi Việt Phương ở lại thành phố trên cao khởi đầu phương Tây Bắc, nhưng đưa liên tưởng của mình đi đến những miền thân mật của gia đình, bạn hữu, những người mới quen, sớm quen trong ngày thường tất bật.

Giữ cái tình thân mến làm cốt, đắp chi tiết đời thường, đời mình, đời người phong phú thành da thịt, biểu hiện qua ngôn từ trong sáng, nhã nhặn mà nhiều người vốn qua trường lớp văn chương có ý thức hình thành như một nét quý của nghề nghiệp, Việt Phương đều đặn suy tư cho những trang viết của mình. Nghĩ ngợi đấy, chọn lựa để giãi bày, nhưng văn cũng tự nhiên như con người, như ở sẵn trong một kiểu người từ thiếu niên, thanh niên đã già trước tuổi. Để câu chữ cứ thế vươn ra qua những cái nhìn, những chuyến đi, những ghi nhớ và thương nhớ. Nhớ thương và trìu mến gửi về người, về khói, về mưa núi, về cái rét mới, về mùa xuân trên cao, về nơi thật giản dị là chỗ có dây mồng tơi lớn lên dưới cái ống rỏ nước của chiếc điều hòa công sở, là những vụ màu, luống khoai, dây lạc, là một lần người bố vợ cùng con rể đứng cảm nhận về cánh đồng...

Nhiều điều trong ấy nhỏ bé khiến ta tưởng tác giả không quên được gì. Chỉ giữ lấy mà đưa nó ra dùng vào đúng lúc, để gợi ra như một quý mến, bâng khuâng, hay chút luyến tiếc dịu nhẹ. Có chúng, cuộc sống mỗi người thêm nội dung, thêm rộng mở, thêm những khoảnh khắc lãng mạn đời thường ít nhiều thi vị. Cuốn tản văn này của Việt Phương, mở cánh cửa nhỏ của riêng mình, cho ta con đường lên cao, không thật hiểm trở đèo dốc, mà như những phố nhỏ chân mây, những lối đi ngang sườn núi.            

Bùi Việt Phương sinh năm 1981, bền bỉ làm văn nghệ ở Hòa Bình. Sau khi học đại học khoa trường nhân văn, cao học văn trường sư phạm, Phương dạy văn, làm báo văn nghệ của tỉnh, làm thơ, viết truyện ngắn, tản văn và những bài thẩm bình văn chương nhỏ nhắn, tinh gọn. Những cộng lại của nhiều công việc bền bỉ, trầm lặng ấy nhiều năm qua, chỉ lấy tác phẩm trên báo làm tiếng nói hiện diện, đang đi đến một chặng đường mà tác giả có thể tự ý thức về một nhu cầu thúc đẩy mình mạnh mẽ hơn, giữ lấy nét tinh tế, lịch thiệp mà vươn đến những thành quả dày dặn, vạm vỡ.