Khi nhà văn trinh thám viết ẩm thực

NDO -

NDĐT - Tính đến nay, Di Li là một trong những nhà văn nữ đa tài nhất của văn đàn Việt Nam, khi thử sức ở mọi thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, du ký, phóng sự, ký sự, giáo trình… cho đến thể loại mới nhất là văn học ẩm thực. Nữ nhà văn vừa cho ra mắt một lúc bộ đôi sách ẩm thực “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng trái đất uống một chén trà”, do Thái Hà Books - NXB Lao động ấn hành.

Khi nhà văn trinh thám viết ẩm thực

Lâu nay độc giả biết đến Di Li nhiều hơn qua các tiểu thuyết trinh thám, do chị viết hoặc dịch. Gần đây, Di Li bắt đầu "quyến rũ" bạn đọc bằng sách du ký. Từ châu Âu đến châu Á, từ Sahara đến Tây Tạng, nơi nào chị cũng đem đến cho người đọc những góc nhìn rất riêng, tinh tế, chi tiết và tỉ mỉ, như một thói quen của nhà văn trinh thám.

Mới đây nhất, Di Li đã mang đến cho người đọc một "món ăn" mới. Đó thực sự là món ăn, bởi hai tác phẩm mới nhất của Di Li lần này viết về ẩm thực, và nữ tác giả vẫn giữ thói quen kể chuyện chi tiết, tỉ mỉ, đôi khi có vài pha hồi hộp, gay cấn trong bộ sách ẩm thực của mình.

Điều đặc biệt của Di Li là chị có thể giữ chân người đọc có khi từ đầu đến cuối cuốn sách bằng sự mê hoặc của những con chữ. Ẩm thực trong văn của Di Li, không phải là cách thưởng thức một món ăn thế nào cho đạt đến độ cầu kỳ, tinh hoa, nghệ thuật, mà chỉ đơn giản là những câu chuyện. Có lẽ những ai ở thế hệ 7x, 8x sẽ tìm thấy đồng cảm nhiều hơn trong cuốn sách ẩm thực “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” của chị. Không viết về những cao lương mỹ vị, những món ăn cao sang, quý hiếm, mà Di Li viết như trải một tấm thảm dệt từ ký ức. Chiếc bánh caramen được đổ trong nắp phích của mẹ, chiếc kẹo bông màu hồng đầy hấp dẫn của ông bán kẹo ở cổng công viên, hay mẩu kẹo mạch nha kéo ra kéo vào cho đến khi trắng xóa rồi mới cho vào miệng… đó là ký ức chung của rất nhiều 7x, 8x thủa cả nước còn thiếu thốn.

Khi nhà văn trinh thám viết ẩm thực ảnh 1

Trong “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” của Di Li, độc giả bắt gặp rất nhiều món ăn bình dân, món vỉa hè, hay những món vô cùng phổ biến trong bếp của các bà nội trợ. Đó là bánh mì, là bún chả, là phở, thậm chí là mắm tép… Nhưng mỗi một món ăn ấy, thay vì được mô tả “theo thông lệ”, về cách thức nấu tinh tế, cầu kỳ, chuẩn vị ra sao, thì Di Li lại kể những câu chuyện. Phở gắn với một bà bán phở te tái chửi khách giữa Budapest, hay được nấu bằng loại gia vị chuyên nấu rượu vang ở Berlin, và quan trọng nhất, mùi phở đã trở thành “mùi xứ sở” khi nữ tác giả không chỉ ăn phở, mà còn “ăn” cả bầu không khí và khung cảnh chung quanh với lối kể chuyện rất hấp dẫn.

Không chỉ “buộc chân” người đọc với những món ăn phổ biến, Di Li còn đưa độc giả đến với những món ăn của mọi miền đất nước, mỗi món ăn, mỗi địa phương đều mang những câu chuyện riêng mà không phải ai đã từng ăn món đó hay đặt chân đến nơi đó đều để ý và nhận ra. Những món ăn này được “gom” lại sau rất nhiều chuyến đi của nữ nhà văn. Tung lò mò Châu Đốc (An Giang), bún nghệ lòng xào chợ Đông Ba (Huế), cháo nghêu Cửa Lò (Nghệ An), phở khô Gia Lai… tất cả đều chỉ là “nhân vật chính” trong những câu chuyện thú vị đôi khi còn hấp dẫn hơn cả hương vị món ăn. Đó là căn nhà sàn gỗ của một bà già người Chăm bán tung lò mò, mà Di Li ví như một căn nhà chân gà của bà phù thủy bí ẩn. Cháo nghêu Nghệ An thì không thể ăn ban ngày giữa cái nắng gay gắt của biển Cửa Lò, mà phải ăn buổi tối, dưới ngọn đèn vàng mờ ảo và gió biển thổi mát lạnh từ ngoài khơi vào, lại gắn thêm một bác xe ôm hiền lành, kiên nhẫn chờ khách tạo dáng chụp ảnh xong mới đi tiếp.

Khi nhà văn trinh thám viết ẩm thực ảnh 2

Nhà văn Di Li ở Huế.

Cái hay của Di Li là mô tả thẳng thắn những cảm xúc của mình với các món ăn. Hay thì nói là hay, sợ thì bảo sợ, chứ không ép mình vào những lời nhận xét của người khác để công nhận món ăn nào đó không hợp khẩu vị với mình là “ngon”. Thịt rắn, chuột đồng, tắc kè… là những thứ mà Di Li tả rất kỹ nhưng “tôi biết phận mình hèn nhát, chẳng dám ăn ba món này, chỉ len lén liếc nhìn mấy miếng tắc kè vẫn còn nguyên vân hoa trên lớp da đặc trưng của loài bò sát” - cảm giác chung của những người chưa từng ăn món này…

Và câu chuyện “ăn cả cánh đồng hoa” - từ tên cuốn sách rất đỗi gây tò mò - nằm ngay sau phần “thằn lằn, rắn ráo” này, như một cái kết đẹp cho chuyến ẩm thực ký từ vùng sông nước miền Tây. Những loài hoa độc nhất vô nhị được khéo léo chế biến, đưa vào món ăn như nụ áo, bông bí, điên điển, bông sung, môn nước, so đũa, đậu bắp, kim châm, so đũa, hoa hẹ đủ màu từ xanh đỏ đến trắng vàng… Đến mức bàn ăn được mô tả như “một vườn hoa rực rỡ ngoài cánh đồng”.

Với Di Li, ẩm thực Việt Nam cùng với ẩm thực Thái Lan là ngon nhất thế giới. Chính vì thế, những món ăn ấn tượng nhất, gây xúc động mạnh mẽ nhất trong cuốn “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” chính là những món ăn của tuổi thơ, của ký ức, và của Hà Nội.