Hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế”

NDO -

NDĐT - Chiều 30-10, tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tổ chức Hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế”.

GS Phan Huy Lê và các đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Khoa học Lịch sử tỉnh chủ trì tại hội thảo.
GS Phan Huy Lê và các đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Khoa học Lịch sử tỉnh chủ trì tại hội thảo.

Chủ trì tại hội thảo có GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử trong nước và tại Huế tham dự.

Theo PGS.TS Đỗ Bang, Kinh đô Phú Xuân dưới thời Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung tại Huế là một trong những vấn đề được giới nghiên cứu và xã hội đặc biệt quan tâm. Hội thảo nhằm đánh dấu chặng đường nghiên cứu về một di tích quan trọng thời Tây Sơn có liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung; là dịp tổng hợp về tư liệu và khảo sát giá trị văn bản có liên quan đến cung điện Đan Dương. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay chỉ dừng lại ở những giả thuyết và vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trên cơ sở các nguồn tư liệu sưu tầm được, các nhà nghiên cứu đã đưa ra hai luồng ý kiến khác nhau: nhóm tác giả thừa nhận có cung điện Đan Dương và đề xuất hướng bảo tồn, phát triển du lịch. Tiêu biểu là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - người đầu tiên đưa ra tư liệu cung điện Đan Dương hơn hai mươi năm trước, khẳng định: Ở khu vực chùa Thiền Lâm (nay là chùa Thuyền Lâm) còn nhiều di vật và địa danh liên quan đến khu di tích của vương triều Tây Sơn, trong đó có cung điện Đan Dương, về sau là lăng Đan Dương.

Hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” ảnh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra những cứ liệu chứng minh có một cung điện Đan Dương tại Huế.

Nhóm tác giả thứ hai không thừa nhận có cung điện Đan Dương, đã đưa ra cứ liệu phản biện dựa trên khảo sát văn bản chữ Hán và cho rằng, các bài thơ của Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, nhất là các chú thích, sửa chữa văn bản là do người đời sau thực hiện nên đã ảnh hưởng đến sự trung thực của nội dung trước tác; đồng thời thừa nhận có lăng Đan Dương nhưng cần bổ sung minh chứng.

Trong thời gian hơn một buổi, các đại biểu đã thảo luận, trình bày các tham điểm của mình theo hướng: thừa nhận có cung điện Đan Dương và nghi ngờ về một cung điện mang tên Đan Dương đã từng tồn tại trên đất Huế; đồng thời đề xuất vấn đề bảo tồn và phát huy tác dụng cung điện Đan Dương hiện nay.