Văn hóa Văn nghệ Thể thao

Hoàn thành bức tranh tường Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên vừa hoàn thành bức tranh tường (panorama) cỡ lớn rộng hơn 3.000 m2 tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ sau hơn hai năm thực hiện, tái hiện toàn bộ trận chiến 56 ngày đêm "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đánh bại quân đội thực dân Pháp của quân và dân ta.

Một góc tác phẩm tranh tường Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Một góc tác phẩm tranh tường Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đây là một trong những tác phẩm tranh tường lớn nhất thế giới, mô tả những sự kiện, khoảnh khắc và hình ảnh tiêu biểu toàn cảnh chiến trường Điện Biên từ cuối năm 1953 cho đến ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp sụp đổ. Tác phẩm nằm trong một không gian tròn khép kín với chiều dài 132m, cao hơn 9m, cùng phần mái vòm lớn với bốn trường đoạn liên hoàn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, Khúc khải hoàn, thể hiện niềm tự hào, biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh quên mình để làm nên chiến thắng lịch sử, cho thấy sức mạnh đoàn kết, truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Bức tranh cũng là điểm nhấn, thu hút khách du lịch trong nước, ngoài nước về thăm chiến trường xưa.

Chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm

Gia đình nhà thơ Hoàng Cầm vừa giới thiệu đến công chúng dự án "Hoàng Cầm 100 năm" (HC 100) với chuỗi các sự kiện và sản phẩm nghệ thuật được tổ chức để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà thơ (1922 - 2022). Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra trong một gia đình nhà nho, quê gốc ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Năm 2007, nhà thơ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các tập thơ: "Bên kia sông Đuống", "Lá diêu bông", "99 tình khúc". Dự án HC 100 chắt lọc từ các tác phẩm thơ, kịch thơ, truyện ngắn... trong hơn 70 năm sáng tác của Hoàng Cầm, không chỉ là hoạt động kỷ niệm mà còn tạo cảm hứng, giúp các bạn trẻ tiếp cận, học hỏi chất liệu giàu có từ nền văn học nghệ thuật Việt Nam và sáng tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị. Các hoạt động trong dự án sẽ được kết hợp giữa âm nhạc thế giới, nhạc cụ dân tộc, kịch thơ, âm nhạc, hội họa…

Dừng tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch Tây Nguyên

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản số 1442/BVHTTDL về việc tạm dừng thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất, năm 2021 tại tỉnh Kon Tum, do dịch Covid-19, thời gian tổ chức Ngày hội sẽ thông báo sau. Theo kế hoạch trước đó, Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức với sự tham gia của bảy tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Nam, Bình Phước từ ngày 28 đến 30-5 nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Nguyên trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Việt Nam tươi đẹp trong giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế

Cuộc thi ảnh Pink Lady Food Photography vừa khép lại với chiến thắng thuộc về những bức ảnh đẹp ghi lại nét đặc sắc đời sống sinh hoạt của người dân khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là cuộc thi nhiếp ảnh do Vương quốc Anh tổ chức từ năm 2011. Năm nay có hơn 10.500 tác phẩm đến từ 70 quốc gia trên thế giới tham dự với 25 hạng mục giải. Tác phẩm Bữa sáng ở chợ phiên của tác giả Nguyễn Hữu Thông đoạt Giải nhất hạng mục ảnh Food at the Table (Ẩm thực trên bàn); tác phẩm Thưởng thức của tác giả Trần Việt Văn đoạt Giải nhất hạng mục Street Food (Ẩm thực đường phố). Một số tác phẩm khác của Việt Nam cũng được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ, như: Mùa thu hoạch vải thiều, Bữa cơm mùa đông của Nguyễn Hữu Thông; Lưới cá của Nguyễn Phước Hoài. Các tác phẩm đoạt giải và được chọn vào vòng chung kết sẽ được triển lãm tại Brít-tơn từ ngày 22-11 đến hết ngày 22-12.

Tu bổ, tôn tạo di tích xác máy bay B52 tại hồ Hữu Tiệp

Khu di tích máy bay B52 tại hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) ghi dấu chiến công của quân và dân Thủ đô trong Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Sau gần 50 năm, di tích đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nên quận Ba Đình đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo, nạo vét bùn lòng hồ; tôn tạo tường rào, kè quanh hồ; xây bệ đỡ, bảo quản và trưng bày tại chỗ mảnh xác máy bay B52; cải tạo, chỉnh trang nhà phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật... Việc duy tu, tôn tạo hiện vật xác máy bay B52 được triển khai theo các phương pháp khoa học, làm sạch, loại bỏ tạp chất, gia cố, tăng độ bền vững; tạo lớp màng phủ; phủ sơn chống ăn mòn, kéo dài tuổi thọ di tích. Dự kiến dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích sẽ kết thúc vào tháng 6 năm nay.