2020 đang khép lại với những dư âm của một năm vượt nhiều cam go thử thách. Một năm khủng hoảng kép với sự bùng phát của Covid-19 cộng với thiên tai dồn dập...đã khiến người dân cả nước chịu nhiều vất vả đau thương và mất mát. Nhưng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong đợt lũ lịch sử kéo dài suốt từ tháng 10 vắt qua tháng 11, dù nhấn chìm một dải miền Trung ruột thịt, cũng đã lại làm sáng ngời lên phẩm chất của những người cán bộ cơ sở...
Câu chuyện về đồng chí chủ tịch xã ở Quảng Bình đã băng mình trong lũ dữ để cứu dân, không may bị thương và nhiễm virus trong nước lũ rồi qua đời; đồng chí đại úy công an xã ở Quảng Trị bị lũ ống gây sạt lở núi cuốn trôi trên đường đi cứu nạn… và nhiều cán bộ cơ sở suốt một dải miền trung đã bị thương, đã hy sinh cả tính mạng của mình sẽ còn được người dân nhắc nhớ mãi…

Bà con ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) luôn kể về đồng chí Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Miên (51 tuổi) lội nước dầm mình trong lũ dữ cứu dân rồi vĩnh viễn ra đi khi lũ đã rút. Ông Miên mới nhậm chức hơn ba tháng cũng đúng vào thời gian mưa lũ liên tục. Với trách nhiệm của Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cũng là trưởng ban phòng chống bão lụt, ông đã triển khai kế hoạch, bám sát địa bàn, đặc biệt phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức cứu nạn. Chưa lúc nào mà xã Bắc Trạch trải qua “trận đại hồng thủy” như vậy, người dân cả đêm leo lên nóc nhà kêu cứu. Dưới sự chỉ đạo của ông Miên, các lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ đã phối hợp nhịp nhàng đưa được rất nhiều người lên các điểm an toàn.

Đồng chí Phan Thanh Miên, Chủ tịch xã Bắc Trạch đi cứu trợ người dân trong lũ

Bí thư Đảng ủy xã Bắc Trạch Nguyễn Văn Vui nhớ lại: “Khi tổ chức thực hiện cứu hộ người dân trong nước lũ, chân đồng chí Miên va vào vật cứng, nhưng không nghĩ nguy hiểm đến vậy. Khi bị sốt, anh ấy có ra trạm xá tiêm thì bệnh có đỡ nhưng chỉ mấy ngày đã sụt khoảng 15 kg. Gia đình đưa anh vào Bệnh viện huyện, rồi vào Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, sau đó chuyển vào Bệnh viện TƯ Huế. Tại Huế, các bác sĩ hội chẩn với chuyên gia y khoa nhiều nơi khác đã xác định anh bị nhiễm virus Withmore trong nước bẩn, dẫn đến nhiễm trùng máu và trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay gia đình và đồng chí, bạn bè”.

Chị Nguyễn Thị Oanh (46 tuổi, vợ anh Miên) nghẹn ngào: “Khi nước lũ vô đến sân nhà thì anh gọi về nói mẹ con cố gắng kê tài sản lên cao, còn anh đang “lo ngoài xã cho xong”. Cả ngày anh cứ theo lũ lụt, tối lũ cao điểm cũng trực tại trụ sở xã, tận chiều hôm sau mới ghé nhà một lúc. Lúc về, anh nói khi đi cứu dân có bị xước một chút nơi đầu gối phải, ra sơ cứu tại trạm xá rồi tiếp tục công việc, không nghĩ vết thương trầm trọng khiến anh bỏ mẹ con ra đi như vậy”.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chiều tối 14-11, Bộ trưởng NN- PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đến dâng hương, thăm hỏi và động viên tinh thần gia đình đồng chí Phan Thanh Miên. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao và tri ân với những đóng góp vì nhân dân quên mình của đồng chí Miên trong mưa lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.

Trong câu chuyện đi cứu hộ người dân gặp thiên tai, lũ lụt, nhân dân xã Hướng Việt cũng như tỉnh Quảng Trị thương tiếc vô hạn đồng chí Trương Văn Thắng. Hôm ấy trong chuyến đi cứu hộ 7 người dân của thôn đi làm rẫy ở phía gần đèo Sa Mù bị lũ cuốn mất tích, do bị núi sạt lở vùi lấp đến hai lần, anh Thắng bị thương rất nặng. Vết thương làm gãy chân phải, đứt bó cơ dưới đùi phải, dập ngực do bị va đập mạnh với đất đá nên đến 22 giờ 24 phút đêm 17-10, anh Thắng đã trút hơi thở cuối cùng. Do đường Hồ Chí Minh bị sạt lở gây ách tắc hàng chục điểm, nên sau hơn một ngày đêm lội suối, băng rừng, đi nhờ đường của nước bạn Lào trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp, nguy hiểm khó lường, vào chiều 20-10, Công an huyện Hướng Hóa và Đồn Biên phòng Hướng Lập mới đưa được thi thể anh Trương Văn Thắng về miền xuôi.

Lực lượng công an, biên phòng cùng người dân băng rừng, lội suối đưa thi thể liệt sĩ Trương Văn Thắng về đồng bằng.

Ghi nhận công lao cống hiến và sự hy sinh của đồng chí Trương Văn Thắng, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”; Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm cho liệt sĩ Trương Văn Thắng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị truy thăng quân hàm từ Thượng úy lên Đại úy, tổ chức phát động học tập theo tấm gương anh dũng hy sinh “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của đồng chí Trương Văn Thắng.

Lễ truy điệu liệt sĩ Trương Văn Thắng.

Đã hơn hai tháng kể từ hôm bị núi sạt lở vùi lấp trong khi đi cứu dân, kể lại câu chuyện đau thương này, đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa hết bàng hoàng.

Khi chúng tôi đến thăm, anh Sinh vừa qua 45 ngày điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, ra viện được hai tuần để về nhà tiếp tục theo dõi, dưỡng thương. Chưa tự đi lại được, hàng ngày mọi sinh hoạt của anh phải diễn ra trên giường trong ngôi nhà sàn đơn sơ ở thôn Ka Tiêng.

Anh Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt vẫn chưa tự đi lại được.

Anh kể, ngày 17-10, tỉnh Quảng Trị cũng như huyện miền núi Hướng Hóa mưa rất lớn, lũ bao vây các làng bản. Trưa cùng ngày trong khi đang trực chỉ huy phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tại UBND xã Hướng Việt thì anh nhận được thông tin trưởng thôn Ka Tiêng báo về có 7 người dân của thôn đi làm rẫy ở phía gần đèo Sa Mù đã bị mất tích do lũ.

Không chần chừ nửa bước, sau khi phân công nhiệm vụ cho những người ở nhà trực phòng chống bão lũ, anh Hồ Văn Sinh lập đoàn công tác đi tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Đoàn có 13 người, gồm anh Hồ Văn Sinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt làm trưởng đoàn, đại úy Lê Văn Dùy, bộ đội Biên phòng Đồn Hướng Lập thuộc Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Quảng Trị tăng cường làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt; năm đồng chí công an trong đó có đại úy Trương Văn Thắng; một đồng chí phụ trách quân sự xã… Đoàn đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây tìm đến hướng đang có bà con được báo mất tích. Trời mỗi lúc mưa càng to, nước trên núi đổ về ào ào như thác, khi vừa đi được khoảng hai km, đến km 193 của đường Hồ Chí Minh nhánh tây thì đoàn phát hiện núi từ trên cao bị sạt lở, bùn, đất đổ xuống đường.

Linh cảm có điều bất ổn nhưng đoàn không thể quay đầu trở về để tìm kiếm bình an cho mỗi cá nhân. Trong thời khắc ấy, anh Sinh và anh Dùy động viên anh em trong đoàn: Người dân rất cần được cứu hộ và mong chờ sự xuất hiện kịp thời của cán bộ. Đồng thời đây cũng là lúc mà phẩm chất và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên cần phát huy, nên đoàn tiếp tục tiến lên phía trước. Để bảo toàn lực lượng, anh Hồ Văn Sinh quyết định chia đoàn thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 4 đến 5 người, đi cách nhau vài chục mét. Tốp anh Sinh đi đầu có 5 người gồm anh Hồ Văn Sinh, Lê Văn Dùy, Hồ Văn Chun, Trương Văn Thắng và Hồ Văn Nghinh.

“Lúc ấy khoảng hơn 16 giờ chiều ngày 17-10, mưa tầm tã làm cho bầu trời khu vực Hướng Việt đen kịt. Đang cố gắng vượt mưa lũ để đến với bà con, bất ngờ một tiếng nổ rất lớn vang lên, cả sườn núi ập xuống kèm theo nước lũ và đất đá ầm ào, đẩy tốp đi đầu của Sinh trôi theo bùn đất mỗi người mỗi hướng. Hai anh Lê Văn Dùy và Trương Văn Thắng vừa được anh em trong đoàn cứu khỏi đống đổ nát chưa kịp hoàn hồn thì bất ngờ vụ lở núi thứ hai ập xuống vùi lấp và đẩy anh Trương Văn Thắng xuống ta-luy âm của đường Hồ Chí Minh. Ngay lúc này, những người còn lại trong đoàn đã đưa anh Lê Văn Dùy và Trương Văn Thắng về cấp cứu tại Trạm Y tế xã Hướng Việt, còn tôi bị đất đá vùi lấp mất tích”- anh Sinh nhớ lại.

Anh Sinh bị lũ ống trên núi đẩy trôi từ vị trí này đến vị trí khác, xoay vòng giữa đám đất đá và bùn lầy. Mỗi lần bị lũ đẩy trôi như thế anh luôn cố gắng vượt qua nỗi đau nhức nhối cả thân mình để ngoi lên thở, nhưng rồi sau đó cũng ngất đi. Khoảng gần khuya ngày 17-10, khi tỉnh lại, anh Sinh thấy mình bị bùn, đất, đá vùi lấp gần hết người. Anh tìm cách gỡ dần đất đá, cố gắng bò thoát khỏi chỗ bị vùi lấp ban đầu chừng 40 m rồi ngất xỉu giữa mưa lũ suốt đêm vì máu chảy quá nhiều ở các vết thương.

Vết thương đang chằng chịt ở chân của anh Hồ Văn Sinh (ảnh trái) - Ngôi nhà đơn sơ của Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Sinh tại thôn Ka Tiêng (ảnh phải)

Đến sáng 18-10, người dân băng rừng tìm kiếm, phát hiện anh Sinh đang hấp hối, gần như sắp cạn kiệt sức lực. Anh vẫn cố gắng nói vài lời với mọi người lúc đó, đến giờ ai cũng nhớ: “Nếu vết thương quá nặng, tôi không tiếp tục sống được nhờ các đồng chí nhắn lại với bà con, tôi luôn yêu thương người dân Hướng Việt. Nếu có chết cũng là trách nhiệm của người cán bộ trong lúc này...”

May mắn, anh Sinh đã được đưa về cấp cứu, dù bị thương toàn thân rất nặng, vỡ xương đầu gối và gãy bàn chân trái, nhưng qua một tháng rưỡi điều trị, anh đã về được với bà con, với gia đình.

Cán bộ và người dân đưa hai anh Lê Văn Dùy và Hồ Văn Sinh đi cấp cứu sau khi bị núi sạt lở làm bị thương nặng. Chiếc mũ mang tên Lê Văn Dùy được tìm thấy trong đóng đổ đất đá vùi lấp ở km 193 trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây như lời nhắc nhở về sự hy sinh, mất mát của những người cán bộ trong lúc đi giúp dân phòng chống về thảm họa thiên tai. Anh Lê Văn Dùy những ngày điều trị tại Bệnh viện trung ương Huế. Hằng ngày, anh Lê Văn Dùy phải cần đến sự giúp đỡ của người vợ.
Đồng chí Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt, sau hơn hai tháng bị thương trong lúc đi cứu dân, vẫn chưa đi lại được vì bị gãy chân trái, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ người vợ và hai con nhỏ giúp đỡ.

Còn đồng chí Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt, sau hơn hai tháng bị thương trong lúc đi cứu dân, vẫn chưa đi lại được vì bị gãy chân trái, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ người vợ và hai con nhỏ giúp đỡ. Nhớ lại những ngày ấy, đại úy Lê Văn Dùy cho biết, là người cán bộ đã được dân tin yêu, gửi gắm thì phải sống hết lòng với dân, không thể xa rời dân được với bất cứ lý do nào. Trước khi đi cứu hộ dân, anh em trong đoàn cũng trao đổi rất nhiều rồi đi đến quyết định phải tìm cách tiếp cận hiện trường để cứu dân, chứ không thể để người dân mất phương hướng.

Những cán bộ tận tụy, trách nhiệm trong từng chi tiết công việc
Giữa hàng vạn đồng bào bị thiên tai vùi dập là hàng trăm trưởng thôn, trưởng bản lo vượt lũ, chống bão cứu dân. Sau bão lũ, họ lại lo công tác cứu trợ, với mối lo “trăm dâu đổ đầu tằm”, làm sao cứu trợ đúng người, đúng đối tượng và không xảy ra điều tiếng. Trăm thứ đổ lên đầu trưởng thôn, trưởng bản, lo cho dân đủ đầy trước trong khi chính họ cũng không dám nhận phần mình dù cũng thiệt hại không nhỏ.

Hơn một tháng sau khi lũ rút, ông Nguyễn Trọng Trới, trưởng thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn chưa có thời gian dọn lũ ở nhà. Mọi việc phó mặc cho vợ con, bởi ông phải lo cho khoảng 750 nhân khẩu trong làng vừa trải qua “cơn đại hồng thủy”.

Ông Nguyễn Trọng Trới, Trưởng thôn Vinh Quang (Lệ Thủy, Quảng Bình) luôn bận rộn với công việc của thôn sau lũ

Ở “rốn lũ” Vinh Quang, mặc dù người dân có 30 chiếc thuyền nhỏ nhưng vẫn không thể ứng cứu tài sản kịp thời khi nước dâng ngập mái nhà. Với kinh nhiệm của mình, ông Trới huy động thuyền trong thôn di dời 300 người dân lên đường Hồ Chí Minh, hoặc đến trú ở trường tiểu học Sơn Thủy an toàn.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Vinh Quang: “Nước chảy xiết và dâng lên rất nhanh, bác Trới trưởng thôn huy động thuyền của bà con từng lượt di dời người dân hết xóm này qua xóm khác. Trong biển nước và gió bão bùng, bà con nhốn nháo, nhưng ông bình tĩnh, chỉ đạo từng nhóm thanh niên dùng thuyền đi cứu người. Ông còn cử một số người khỏe mạnh ở lại để bảo vệ nhà cửa nhằm giảm bớt thiệt hại cho bà con”.

Ông Trới tâm sự: “Tui làm trưởng thôn 10 năm thì hầu như năm nào cũng lũ lụt nhưng đáng nhớ nhất là trận mưa lũ lịch sử trong tháng 10 vừa qua. Được bà con bầu trưởng thôn thì mình phải cố gắng. Lo được việc gì thì phải chu toàn, có trách nhiệm. Mấy ngày mưa lũ, vợ gọi về suốt vì sợ tui bị nước cuốn trôi nhưng tui nói, lo răng được, lụt to nên mình phải với dân chống chọi lại chứ, mình làm cán bộ mà chỉ lo cho bản thân thì coi răng được.

Khi nhận hàng cứu trợ, ông Trới nói rõ: “Nếu cho đủ toàn thôn thì bà con mừng, còn không thì tui bắt đầu từ hộ khó khăn, yếm thế nhất thôn. Biết rằng, “lụt thì lút cả làng” nhưng người khó khăn, yếu thế khó phục hồi, còn người có sức khỏe thì phải đi làm ăn, lao động, gầy dựng cuộc sống nên không thể chia đều được. Cứu trợ là giải quyết khó khăn trước mắt, còn duy trì cuộc sống là phải sức lao động của bà con. Vậy nên, làng tui bao năm nay không có cái lệ chia đều hàng cứu trợ”.

Khi lũ rút đã được chừng một tháng, chúng tôi đến thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), ông Phan Văn Hoa - trường thôn - đang lên danh sách hộ dân chuẩn bị đi nhận hàng cứu trợ ở xã.

Ông Phan Văn Hoa, làm trưởng thôn Hữu Tân (Quảng Ninh, Quảng Bình) ba nhiệm kỳ luôn hết lòng với công việc

Ông kể lại: “Trong lũ, nhà tui có 10 người đến tá túc, vợ chuẩn bị cơm ăn đầy đủ, còn tui lo chèo đò giữa sóng to cứu nhà người dân bị sập. Quần quật trong lũ là vì xung quanh mình là bà con lối xóm, không thể bỏ mặc ai. Trong hoạn nạn, ai cũng cần giúp. Mấy hôm nay tui hết lo cứu dân rồi đến cứu trợ, rồi đón bộ đội về giúp dân làm vệ sinh môi trường, nhận quà, người ni kêu, người khác thắc mắc về cứu trợ. Tui nói, tui làm vì bà con chứ không phải tư túi, cái gì chưa ổn thì mình tự điều chỉnh chứ không để mất tình làng nghĩa xóm. Rồi bà con tin tui nên việc mô cũng ổn. Tui làm trưởng thôn ba nhiệm kỳ, tuổi cao, mệt mỏi xin nghỉ mà bà con chưa cho nghỉ. Ai cũng nói, bác làm có trách nhiệm nên giúp thêm cho bà con”.

Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan: Trong khi nước lũ dâng nhanh bất ngờ, việc tổ chức lực lượng, huy động phương tiện và chỉ huy ngay tại từng thôn, từng khu dân cư quyết định thành công. Vai trò của lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ là hết sức quan trọng, không ai có thể làm được kịp, ứng cứu kịp ngoài lực lượng này. Chính vì thế, vai trò của những trưởng thôn có nhiều kinh nghiệm như ông Phan Văn Hoa là rất cần thiết, họ đã giúp bà con rất nhiều. Lãnh đạo xã cùng yên tâm khi có những trưởng thôn xông xáo, nhiệt tình và sáng tạo như ông Hoa.

Là cán bộ trẻ nhiệt tình, năng nổ, Nguyễn Như Khoa, Trưởng thôn Hưng Nhơn, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nổi bật lên là một người lãnh đạo đầy trách nhiệm. Không chỉ một người trưởng thôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ ngày thường, khi đối mặt với thiên tai thảm họa, khi mà mạng sống, của cải của dân trước nguy cơ bị lũ cuốn, anh trở nên phi thường.

Trong những ngày lũ tháng 10 vừa qua, anh Khoa chủ động đi đến tất cả các gia đình trong thôn, đoạn nào lũ dâng cao thì chèo thuyền để kiểm tra bà con ứng phó với lũ lụt như thế nào, đã an toàn chưa. Những người yếu thế thì được anh tổ chức lực lượng đưa đến tập trung tại các điểm kiên cố như trường học, nhà cộng đồng để họ yên tâm trước mưa lũ. Khi lũ bao vây đến ngày thứ ba, thứ tư, người dân bắt đầu thiếu lương thực, anh vận động những gia đình ở vùng không bị ngập lũ nấu cơm để anh cùng các đoàn viên, thanh nhiên đưa cơm, nước, thức ăn đến cho bà con và những người ngoài địa phương đang tạm trú tại thôn như khu tập thể giáo viên, người đến xin lao động phổ thông… để không một ai bị đói lúc thiên tai xảy ra.

Cán bộ trẻ nhiệt tình, năng nổ, Nguyễn Như Khoa, Trưởng thôn Hưng Nhơn, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị

Đến khi mưa lũ làm lương thực hư hỏng toàn bộ, người dân trong thôn không còn để sinh sống, anh lên các trang mạng xã hội kêu gọi sự chia sẻ của bạn bè trong và ngoài địa phương. Khi lương thực cứu trợ được mọi nơi gửi về, đường về xã Hải Phong ngập lũ tứ bề không đi lại được bằng ô-tô, anh phải thuê thuyền máy đi ngược sông Ô Lâu một quãng sông 7 km lên Quốc lộ 1, đợi suốt mấy tiếng đồng hồ trong đêm để đón ô-tô nhận hàng như rau củ quả, gạo, gia vị rồi mượn nhà kho của bạn cất giữ qua đêm. Sắp xếp hàng cứu trợ vừa xong cũng đã khuya, anh ngủ thiếp đi trong kho hàng từ lúc nào. Sáng mai thức dậy lại vội vã huy động đoàn viên thanh viên, đội xung kích của thôn thuê thuyền máy theo sông Ô Lâu để kịp chở lương thực về cho người dân đang cần được cứu trợ khẩn cấp.

Cụ Nguyễn Đức Tao, 78 tuổi ở thôn Hưng Nhơn: “Những lần trưởng thôn đi nhận hàng rồi livestream trong đêm khuya để báo tin cho bà con biết đã có lương thực, không sợ đói nữa, bà con thương trưởng thôn lắm. Trưởng thôn này tuổi đời còn rất trẻ nhưng sống rất có trách nhiệm với dân. Nhờ trưởng thôn Khoa mà dịp lũ vừa rồi thôn Hưng Nhơn đón nhận gần 60 đoàn về cứu trợ thông qua kênh của thôn”.

Để được xóm trên, làng dưới đoàn kết như vậy, anh Khoa cho biết đã phân bổ hàng cứu trợ theo từng kiệt, cụm nhỏ dân cư nên khi có hàng cứu trợ về không nhất thiết phải 100 % hộ dân đến nhận vì trong mưa lũ không phải ai cũng có thuyền ghe để đi lại. Vì vậy, đoàn viên, thanh niên, nông dân có sức khỏe tốt thay nhau đem thuyền ghe đến nhận về chia lại cho người dân. Các đoàn cứu trợ đến anh Khoa đều công khai minh bạch số hàng hóa nhận được nên người dân rất vui vẻ.

Rồi có những cụm dân cư, kiệt làng, hàng cứu trợ phân về thừa so với số gia đình, bà con đem đến trả lại cho trưởng thôn. Điều này làm các đoàn cứu trợ rất xúc động, ấn tượng. Không ít đoàn cứu trợ muốn phát trực tiếp cho người dân, anh Khoa cùng ban lãnh đạo thôn công khai và thông báo toàn dân đến nhận nhận một cách rất văn minh. Người dân xếp hàng theo thứ tự từ kiệt từ 1 đến kiệt 16 và khi trưởng thôn gọi tên đến kiệt nào thì kiệt đó có 5 người đại diện lên nhận về phát lại tại chỗ cho bà con. Các đoàn đến cứu trợ rất hài lòng với cách làm việc của thôn.

Thôn Hưng Nhơn vốn có một đường hoa kiểu mẫu rất ấn tượng. Sau trận lũ kéo dài đến 20 ngày trong tháng 10 đã làm hoa bị chết, anh Khoa kêu gọi anh em, bà con ở xa quê đóng góp trồng đường hoa trở lại để kịp đón tết cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiều người quan niệm trưởng thôn phải là các cụ có tuổi, ít nhất cũng phải ngũ tuần hay đã hưu trí, khi đó họ có đủ thời gian rảnh và trải nhiệm cuộc sống để cáng đáng việc thôn. Nhưng với trưởng thôn Nguyễn Như Khoa, sinh năm 1982, anh đã tận tụy, trách nhiệm trong từng chi tiết công việc của mình nên rất được người dân yêu thương. Tính cách nhanh nhẹn, tháo vát, bắt nhịp cuộc sống hiện đại của anh Khoa phần nào giúp người dân bớt vất vả hơn trong cuộc mưu sinh, nhất là những ngày thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh vừa qua. Anh Khoa cho biết, khi người ta chưa bầu làm trưởng thôn thì mình nghĩ nếu được làm trưởng thôn chắc sẽ tốt hơn. Nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy để lo cho gần 300 hộ dân không phải dễ chút nào nếu như không sống hết mình và đầy trách nhiệm.

Trưởng bản Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) Nguyễn Văn Muôn năm nay 20 tuổi, mới được bầu trưởng bản trong tháng 9 thì ngày 4-10 bão lũ vùi dập bản của anh cho đến tận tháng sau. Nhận chức xong là lập tức đối mặt lũ dữ. Để đi vào bản Sắt không con đường nào ngoài lội bộ vượt núi đầy trơn trượt và sạt lở. Vào mới thấy bà con rất quý Muôn. Muôn sắm máy xay xát gạo cho dân bản, làm nông nghiệp. Hôm lũ lên, núi nứt ầm ầm, sạt lở kinh hoàng, Muôn chạy ra cầu cứu xã rồi về đóng bè gỗ đi cứu dân, nhà sàn của dân chìm trong lũ, đồ đạc hỏng hết. Muôn báo động núi nứt, nguy cơ sạt lở. Bộ đội biên phòng viện trợ nhà bạt, Muôn và cán bộ biên phòng cắm bản vào từng hộ vận động di dời toàn bộ bản Sắt đến nơi an toàn.

Bản Sắt (Quảng Ninh, Quảng Bình) bị ngập và sạt lở phải di dời đến nơi ở mới (ảnh trái). Lớp học tạm ở bản Sắt (ảnh phải)

Bà Hồ Thị Mua, bản Sắt: “Muôn trẻ, mới làm trường bản mà ông trời làm trận lũ dữ, nhưng nó giúp dân được, dân bản ưng cái bụng, muốn nó làm trưởng bản lâu lâu”.

Khi nước lũ rút, trưởng bản Nguyễn Văn Muôn là đầu mối nhận hàng cứu trợ cho bản. Muôn cắm bạt, lập chốt ngoài đường Hồ Chí Minh nhánh tây, cách bản 8km để nhận hàng cứu trợ. Bản không điện, không sóng điện thoại nên Muôn phải làm lán trực, lúc có đoàn nào đến, em lại chạy bộ vào để gọi bà con ra nhận quà. Các đoàn thiện nguyện đến tặng quà, Muôn đại diện nhận rồi gọi từng hộ lên nhận quà. Tặng xong em chụp ảnh rồi chạy ra ngoài trung tâm xã có sóng điện thoại gửi ảnh và clip cho nhà hảo tâm biết. Chia tay Muôn về xuôi, em gửi gắm chúng tôi, mong tỉnh Quảng Bình sớm triển khai kế hoạch tái định cư và hỗ trợ bà con làm lại nhà mới để ổn định đời sống lâu dài.

Đi trong mùa mưa lũ, gặp hàng trăm trưởng thôn, trưởng bản nhiệt tình vì dân, các đoàn cứu trợ đều quý mến tặng thêm suất quà cho họ thay lời cảm ơn. Họ đã làm hết sức để đoàn đến được với dân, chia sẻ với khó khăn của người dân sau lũ lụt.

Các cán bộ cơ sở như trưởng thôn, trưởng bản, lãnh đạo xã ở các địa phương luôn là người đứng đầu, có uy tín, có vai trò rất quan trọng, dẫn dắt người dân trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, nhất là khi có các vấn đề mới phát sinh như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Họ là những người trực tiếp đến với dân, hiểu rõ chi tiết đời sống, hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của dân. Trong cuộc sống thường ngày, họ là người tuyên truyền và thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước tới tận từng nhà trong thôn bản, vì vậy có sức lan tỏa trong cộng đồng. Khi có sự cố, họ cũng là những cán bộ trực tiếp đầu tiên đến với dân… Đợt lũ vừa qua tại các tỉnh miền trung hết sức nghiêm trọng, hàng trăm người đã mất đi tính mạng vì lũ lụt và sạt lở, trong đó có các chiến sĩ, cán bộ trực tiếp cứu hộ, cứu nạn….

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
VÕ VĂN HƯNG

Trong đợt về theo đoàn cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tại Hà Tĩnh, đi đến nơi nào cũng nghe người dân kể về sự vất vả hy sinh của cán bộ xã, cán bộ thôn xóm. Những đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã, những cán bộ ở Mặt trận Tổ quốc các cấp huyện, xã còn rất trẻ như Bùi Quốc Sơn, Nguyễn Cường, Hoàng Việt Hùng, Hồ Bảo Khánh… đều tất bật ứng trực ở trụ sở làm việc nhiều ngày liền không về nhà. Khi nước lũ ập về họ lo chèo chống đi cứu dân. Khi nước lũ rút, cán bộ cơ sở lại là những người đầu tiên đến dọn dẹp bùn đất, sửa sang nhà cửa cho dân. Và sau lũ đến hàng tháng trời, họ lại lo ứng trực vì công tác cứu trợ, nhận hàng và phân bổ hàng lương thực, đồ dùng thiết yếu, tiền bạc đến từng người dân để khôi phục lại cuộc sống. Chúng tôi nghe kể về những chiến sĩ… phòng cháy chữa cháy nhiều ngày liền dầm mình trong nước lũ cứu dân. Chúng tôi cũng đã gặp những cán bộ xã, cán bộ thôn sau lũ nhiều ngày tay chân vẫn bợt đi vì nước lũ, gương mặt nhợt nhạt vì nhiều đêm thiếu ngủ dầm mưa…

Trong bài viết này, chúng tôi không thể nhắc hết được, hàng trăm cán bộ chiến sĩ đã dầm mình vượt lũ vì dân trên suốt một dải miền trung từ Nghệ An vào đến Phú Yên đợt bão lũ vừa qua. Họ là những người đầu tiên, trực tiếp, gắn bó lâu dài với nhân dân, chịu nhiều vất vả, thiệt thòi, hy sinh. Chính họ đã làm cho sự mất mát đau thương có lúc tưởng chừng như bi thảm - đã được vợi đi phần nào. Ngày thường cuộc sống bình lặng trôi đi, nhưng khi có sự cố như thiên tai thảm họa, chính lúc cam go đối mặt với sự sống cái chết, mới bật sáng lên phẩm chất của người cán bộ, thấy rõ hơn trách nhiệm và bổn phận vì dân của các cấp chính quyền.




Xuất bản : 28-12-2020
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - HỒNG MINH
Nội dung: HỒNG MINH, LÂM QUANG HUY, HƯƠNG GIANG, NGÔ TUẤN
Đồ họa và kỹ thuật: PHAN ANH