Đổi mới mạnh mẽ tư duy,
mô hình tăng trưởng

Đổi mới mạnh mẽ tư duy,
mô hình tăng trưởng

Hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, Việt Nam cần tạo đột phá thực sự về thể chế để huy động quản lý hiệu quả nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng khoa học công nghệ.

Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng” đánh giá, trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội và quản trị. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mở ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, một trong những thách thức lớn nhất là bối cảnh kinh tế, chính trị quốc tế thay đổi và không còn những điều kiện thuận lợi như thời điểm giữa thế kỷ XX, khi các nước như Hàn Quốc bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá, trở thành nước phát triển.

Theo ông Kiên, việc thay đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam diễn ra tương đối chậm có nguyên nhân là Việt Nam bắt đầu công nghiệp hóa với lực lượng lao động chiếm hơn 80% là nông dân. Trong khi các nước tư bản đã phải mất hàng trăm năm để thực hiện chuyển đổi và tích luỹ lực lượng lao động trình độ cao để tiến hành công nghiệp hoá.

Hiện nay, công cuộc toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới đã được định hình dẫn đến việc cạnh tranh không chỉ còn mang tính khu vực, mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Để sản phẩm dệt may vào được thị trường Mỹ hay thị trường EU, chúng ta không chỉ phải cạnh tranh với hàng hoá của Hàn Quốc, Nhật Bản... mà thậm chí còn phải cạnh tranh với hàng hoá của Bangladesh, Tunisia hay Thổ Nhĩ Kỳ...

GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được xác định là một quá trình thường xuyên để nền kinh tế luôn năng động, liên tục có cải thiện về năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, tự nội tại nền kinh tế luôn tạo ra được những “dư địa” tăng trưởng mới.

Tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua đã cao hơn giai đoạn trước nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách về thu nhập với các nước trong khu vực, tăng năng suất lao động chủ yếu vẫn dựa vào tăng vốn đầu tư và sử sụng lao động chi phí thấp.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp và tăng trưởng năng suất lao động chưa bền vững.

Hơn nữa, đối với các ngành được coi là thế mạnh của Việt Nam hiện nay (điện tử, dệt may, da giày, du lịch, thủy sản), chúng ta vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp.

 Các ngành được coi là thế mạnh của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.

Theo ông Đạt, các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế hiện đại và thực tiễn tăng trưởng của các con Rồng Châu Á cho thấy mỗi nước có con đường và mô hình riêng để hiện đại hóa nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm.

Có nước áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu hoặc hướng đến xuất khẩu, vai trò của Nhà nước trong quá trình này cũng rất khác nhau và không giống nhau trong các giai đoạn phát triển của từng nước.

Tuy nhiên, nhìn chung đó là quá trình chuyển từ tăng trưởng dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào truyền thống là vốn, lao động sang sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố như vốn con người, ứng dụng tiến bộ khoa hoc công nghệ và đổi mới sáng tạo.

So sánh cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc

 Nông nghiệp    Công nghiệp    Dịch vụ

Năm 2010

Năm 2018

 Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê Việt Nam và Ngân hàng thế giới (WB).

Trong quá trình đổi mới vừa qua ở nước ta, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, dịch chuyển hàng triệu người từ khu vực nông nghiệp tự cấp, tự túc sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất lao động. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện tại vẫn chỉ tương đương một số quốc gia ASEAN cách đây vài thập kỷ.

Trong quá trình tăng trưởng này, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Indonesia, Thái Lan và Malaysia diễn ra nhanh hơn Việt Nam và nếu không bắt kịp với quá trình dịch chuyển, kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ tụt hậu nữa so với thế giới.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chịu chi phối bởi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn 2010-2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,08%/năm thì tăng trưởng khu vực FDI là 9,18%/năm. Hiện nay, khu vực FDI đóng góp vào tăng GDP khoảng 40%, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hơn 70%. Tuy nhiên, sự lan toả của của khu vực FDI đến các khu vực khác trong những năm qua rất hạn chế.

Thời điểm chín muồi và yêu cầu đổi mới tư duy

Bàn về đổi mới tư duy, ông Mai Liêm Trực chia sẻ lại câu chuyện về Tổng Bí thư Trường Chinh gắn với Đại hội VI đã tạo ra một bước ngoặt phát triển, đưa nền kinh tế chúng ta từ tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường và từ đây đất nước đổi mới.

Ông Trực nhớ lại bối cảnh năm 1986, 10 năm sau chiến tranh, đất nước bị kiệt quệ và khủng hoảng toàn diện cả kinh tế và xã hội. Cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Sau khi đi thực tế nhận ra cơ chế quan liêu bao cấp, bảo thủ đã kìm hãm sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư Trường Chinh đã thay đổi nhận thức, yêu cầu bỏ cương lĩnh ban đầu (cũng là do Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo) và chỉ đạo viết lại cương lĩnh của Đại hội VI.

“Khi đất nước ở giai đoạn khó khăn như vậy, những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nhận thức ra những sai lầm trong đường lối quản lý và chuyển đổi. Đấy là một sự dũng cảm của một vị lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ. Và điều đó đã tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của đất nước mà tất cả chúng ta đều thấy”, ông Trực nói.

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tựu nhưng chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, bỏ lỡ không ít cơ hội để phát triển đất nước. Thời cơ tốt nhất đang đến với Việt Nam. Đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thách thức lớn nhất là chúng ta có nắm bắt được để thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên đất nước hay không.

Nếu làm được thì đạt được những mục tiêu đề ra, còn không thì chắc chắn chúng ta sẽ chỉ ở trong sự phát triển cầm chừng và khó thoát ra được bẫy thu nhập trung bình.

Nhớ lại câu chuyện về đổi mới tư duy đã giúp ngành viễn thông bứt phá vượt bậc được thế giới ghi nhận. Ông Trực chia sẻ thêm, ngay những năm đầu sau Đại hội VI, ngành viễn thông đã có quyết định chiến lược, đột phá và cho đến bây giờ vẫn đúng. Đó là sau khi nắm bắt được xu thế công nghệ của thế giới thì quyết định đi thẳng vào công nghệ số từ năm 1987-1988, không qua giai đoạn công nghệ analog, trong bối cảnh 95% mạng viễn thông trên thế giới thời đó là analog, chỉ một số nước có tổng đài điện tử kỹ thuật số.

“Tháng 10-1990, chúng tôi khánh thành tổng đài kỹ thuật số đầu tiên, qua một năm chuyển đổi tất cả các tổng đài analog sang mạng điện thoại công nghệ số. Cũng như vậy, khi mạng di động của thế giới gần như 100% là analog (mạng 1G), công nghệ 2G khi ấy mới đang thí nghiệm thị trường. Công nghệ 2G đầu tiên mới được thương mại hóa ở Phần Lan năm 1991 thì năm 1992 Tổng cục Bưu điện quyết định làm luôn công nghệ số 2G và năm 1993 đưa vào luôn Việt Nam. Đó cũng là quyết định chiến lược và gây tranh cãi nhưng chúng tôi làm có bước đi, có lộ trình, có ưu tiên”, ông Trực kể.

Theo ông, mô hình tăng trưởng mới, trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ là một mô hình tốt và không có mô hình khác, vì mô hình ấy phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành công hay không, là Việt Nam có nắm được cơ hội và thách thức để triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong vòng 20-30 năm hay không?

 Đổi mới tư duy đã giúp ngành viễn thông bứt phá vượt bậc được thế giới ghi nhận.

Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đang sử dụng công nghệ tụt hậu từ hai đến ba thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Đầu tư R&D (Nghiên cứu và phát triển) ở cả phạm vi quốc gia và khu vực doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời lại có xu hướng giảm dần về tỷ lệ.

Ngay cả FDI - vốn được coi là nguồn đầu tư mang lại yếu tố học hỏi về mặt công nghệ, tác phong làm việc, kỹ năng và tay nghề chuyên môn - thực tế không mang lại nhiều hiệu quả do các địa phương quá chú trọng vào thu hút số lượng trong khi xem nhẹ chất lượng. Tính chất của dòng vốn đầu tư này vẫn chủ yếu là gia công và khai thác tài nguyên. Hơn thế, mối liên kết yếu ớt giữa hai khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng cản trở sự nắm bắt cơ hội nâng cao năng lực công nghệ.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, khai thác các nguồn lực sẵn có, không có những đòi hỏi khắt khe về trình độ và ý thức người lao động, đã khiến cho chúng ta chưa học hỏi và cải thiện được nhiều về năng lực quản trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc của các doanh nghiệp trong nước để giúp Việt Nam tránh được “bẫy gia công lắp ráp” (một mức thấp của bẫy thu nhập trung bình).

Hơn nữa, dù đã được ưu tiên phát triển nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn chỉ đứng ở nửa sau trên bảng xếp hạng quốc tế các chỉ số năng lực cạnh tranh. Trên thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa đồng bộ, hiệu quả kết nối và chất lượng chưa cao. Quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là ở các đô thị lớn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng cao yêu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chỉ số ICOR của Việt Nam qua các năm

 Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Do vậy, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số để làm cơ sở duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài.

Trong vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế số, có hai nhiệm vụ quan trọng là chiến lược phát triển kinh tế số và quản lý nhà nước về kinh tế số. Nhà nước cần là một bên tham gia “chủ động và đi đầu”, một người dùng tiên phong trong nền kinh tế số quốc gia. Chúng ta cần có quyết tâm và nỗ lực cao hơn trong xây dựng chính quyền điện tử, cải tiến quy trình nghiệp vụ, bồi dưỡng năng lực chuyên môn “tinh thông nghiệp vụ” và phẩm chất đạo đức “tận tâm phục vụ nhân dân” đối với công chức.

Việt Nam với một nền kinh tế năng động và dễ thích ứng và với lợi thế của người đi sau sẽ có cơ hội “đi tắt, đón đầu” trong việc chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số.

Cải cách hiệu quả kinh tế trong nước, thu hút FDI có chất lượng cao

Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, đối với doanh nghiệp nhà nước, quá trình cổ phần hóa diễn ra rất chậm, cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước ít được đổi mới, chưa phù hợp các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước nhìn chung hưởng nhiều ưu đãi hơn, đặc biệt trong việc tiếp cận đất đai và vốn, những hiệu quả sử dụng thấp. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, và vẫn tiếp tục là những lực cản đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước đang chi phối, chiếm ưu thế.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cần thúc đẩy việc thực thi quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước.

Cần đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu của doanh nghiệp.

Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn tập trung nên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia, hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành then chốt.

 Khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện tại chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân, dù được thừa nhận là động lực của nền kinh tế nhưng hiện tại chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh không cao. Điều này chủ yếu do thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, khiến khối doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều rào cản gia nhập thị trường, cũng như hạn chế trong khả năng tiếp cận các nguồn lực.

Do vậy, chúng ta cần có một thể chế thực sự hiệu quả với vai trò kiến tạo và thực thi của Nhà nước. Cần khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần chuyển trọng tâm chính sách thu hút, hợp tác từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích các dự án có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, chú trọng bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

So sánh cơ cấu thành phần kinh tế Việt Nam

 Nhà nước    Ngoài nhà nước    Đầu tư nước ngoài    Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm  

Năm 2010

Năm 2019

 Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang phát triển kinh tế theo mô hình tam giác đều với một đỉnh là kinh tế, một đỉnh là an sinh xã hội và một đỉnh môi trường. Chúng ta kiên định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng vận dụng sáng tạo, phù hợp từng thời điểm, phù hợp các cam kết quốc tế.

Thí dụ ngành hàng không, việc xả khí thải động cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng Việt Nam không sản xuất ra máy bay, nếu Vietnam Airlines nhập khẩu Boeing 787 đời mới, ít ô nhiễm thì được giảm thuế môi trường. Như vậy, chúng ta điều tiết bằng chính sách thuế.

Trong 10 năm tới, chúng ta không thể đi theo mô hình công nghiệp hóa cổ điển của các nước phát triển đã đi vì chúng ta không thể làm tốt bằng họ, thị trường họ đã chiếm lĩnh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra một cách sâu rộng trên toàn thế giới tạo ra nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Nếu chúng ta không chớp được thời cơ này thì sẽ bị tụt hậu. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt thì đây chính là cơ hội để chúng ta “đi tắt, đón đầu”.

Theo ông Kiên, Việt Nam cần đổi mới từ doanh nghiệp nhà nước đến quản trị doanh nghiệp nhà nước. Với nguồn lực 5,5 triệu tỷ đồng đang nắm giữ, đây là động lực để đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà nước phải là người tiêu dùng lớn nhất, định hướng cho thị trường phát triển.

Doanh nghiệp nhà nước nên chia hai loại: loại thứ nhất hoạt động phi lợi nhuận, loại thứ hai là hoạt động bình đẳng như doanh nghiệp FDI. Loại thứ hai đóng góp cho Nhà nước cao hơn các doanh nghiệp tư nhân, FDI vì Nhà nước góp vốn chủ sở hữu.

Với doanh nghiệp FDI cần đẩy công nghiệp phụ trợ nội địa, có chiến lược nâng tỷ trọng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị của họ. Dịch Covid-19 vừa qua đã khiến nhiều công ty toàn cầu nhận ra: một sản phẩm không chỉ sản xuất ở một quốc gia. Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư từ các cường quốc trên thế giới.

Chia sẻ bài viết này:      


Bài 1: Tầm nhìn chiến lược, khát vọng vươn tới tương lai rạng rỡ

Bài 3: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ