Đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh, diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Các châu lục đang đối mặt với mức độ lây nhiễm và ở trong giai đoạn khác nhau của đại dịch. Khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, dịch Covid-19 đến nay đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, với quy mô và tốc độ chưa từng có. Qua lăng kính mang tên Covid-19, dường như nhân loại đang chứng kiến một thế giới bị đảo lộn. SARS-CoV-2 có kích thước siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy nhưng nó có thể tấn công mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

CUỘC KHỦNG HOẢNG Y TẾ

Đại dịch Covid-19 là đại dịch đầu tiên do một chủng virus corona gây ra. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận, dù đã chạy đua với thời gian để nghiên cứu virus SARS-CoV-2 nhưng chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa biết về chủng virus mới này. Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế ở tầm mức một trăm năm qua mới xảy ra một lần, những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa.

Trong lịch sử, thế giới từng đối mặt với nhiều đại dịch. Theo tạp chí Forbes, quay lại một thế kỷ trước, khi thế giới chỉ có 1,8 tỷ người, đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919) là nguyên nhân gây tử vong của ít nhất 50 triệu người, chiếm 2,8% dân số lúc bấy giờ. Số người chết do đại dịch Covid-19 đến nay thấp hơn nhiều lần so với con số này trong đại dịch cúm Tây Ban Nha. Theo thống kê của Worldometers, tính đến 0 giờ ngày 18-8-2020, Covid-19 đã cướp đi tính mạng của hơn 773 nghìn người trong gần 22 triệu ca mắc trên thế giới có 7,8 tỷ dân.

Biểu đồ số ca mắc và tử vong của từng khu vực trên thế giới. Nguồn: Worldometers
Biểu đồ thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất (chiếm hơn 70% tổng số ca mắc trên thế giới). Nguồn: Worldometers

Tuy nhiên, đáng chú ý, một trong những đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là nó lây lan rất nhanh. Người nhiễm virus có thể không xuất hiện triệu chứng của bệnh, do đó dễ dàng lây bệnh sang người khác. Covid-19 đẩy các hệ thống y tế hiện đại vào tình trạng quá tải, khiến hàng triệu bác sĩ, nhân viên y tế bị mắc bệnh và phải phát tín hiệu cầu cứu đến chính phủ.

Đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra làm đảo lộn cuộc sống của phần lớn người dân trên thế giới. Click trên ảnh để xem chi tiết

THẾ GIỚI ĐẢO LỘN

“Bão” Covid-19 quét đến đâu, sự rối loạn, ngừng trệ và thậm chí là tê liệt xuất hiện ở đó. Ngay cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, châu Âu,... cũng lao đao vì đại dịch. Phần lớn các quốc gia đều có thời điểm phải tạm đóng cửa, các chính phủ ban bố lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, yêu cầu giãn cách xã hội...

Việc hơn một nửa dân số thế giới phải sống trong tình trạng giãn cách xã hội là chưa từng có tiền lệ. Trong nửa đầu năm 2020, người dân trên thế giới dần quen với những khẩu hiệu như “Ở nhà là yêu nước”, “Xin hãy ở yên trong nhà”. Họ chẳng còn cách nào khác ngoài hy sinh những nhu cầu cơ bản của cá nhân như đi làm, đến trường, đi du lịch hay gặp gỡ người thân... để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước “kẻ thù” Covid-19.

Cuối tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể kéo đến sự sụp đổ của ngành hàng không nếu không có sự hỗ trợ khẩn cấp của các chính phủ. Theo dự báo của IATA, các hãng hàng không có thể thiệt hại hơn 250 tỷ USD doanh thu riêng trong năm 2020.

Theo Tổ chức Bảo vệ trẻ em (Save the Children), việc cắt giảm mạnh ngân sách dành cho giáo dục và tình trạng nghèo khổ gia tăng do đại dịch Covid-19 có thể khiến thế giới cuối năm nay sẽ chứng kiến ít nhất 9,7 triệu trẻ em phải nghỉ học.

Đại dịch này còn làm trầm trọng trong hơn những vấn đề xã hội của thế giới. Các thành tựu giảm nghèo và bình đẳng xã hội mà các quốc gia đã mất hàng thập kỷ để tạo dựng cũng có thể bị đảo ngược bởi Covid-19. Tổ chức viện trợ Oxfam ước tính, vào cuối năm nay, 12 nghìn người có thể chết mỗi ngày do nạn đói liên quan đến Covid-19. Nghèo đói gia tăng sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng nới rộng, xã hội ngày càng phân cực, nguồn cơn của vòng xoáy xung đột và mâu thuẫn ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ảnh: Getty Images
Click trên ảnh để xem thông tin chi tiết

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. ILO không loại trừ khả năng số liệu tổng kết cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu.

“Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước”

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố tháng 6-2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do cú sốc nhanh và lớn cũng như các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Điều này đồng nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần hai với phần lớn các nền kinh tế đang phải trải qua sự sụt giảm sản lượng bình quân đầu người kể từ năm 1870.

Hoạt động kinh tế của các nước phát triển sẽ thu hẹp 7% vào năm 2020, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến giảm 2,5%, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua. Các quốc gia chứng kiến dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất và những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, du lịch, xuất khẩu hàng hóa và tài chính bên ngoài sẽ bị tác động nặng nề nhất.

Thất nghiệp, nợ nần, gián đoạn hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng thực phẩm, cắt giảm viện trợ... sẽ kéo theo tình trạng tội phạm gia tăng và tạo áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội. Hơn nữa, mất việc làm, tình cảnh túng quẫn dễ làm nảy sinh mâu thuẫn cả trong gia đình và ngoài cộng đồng. Những áp lực có thể biến thành sự chống đối, thiếu hợp tác với chính quyền và bào mòn chất keo kết dính xã hội. Hệ quả tiếp theo là một số nước sẽ lựa chọn thực thi chính sách có tầm nhìn ngắn hạn thay vì hợp tác hướng tới lợi ích chung, do đó làm tổn thương các định chế và nỗ lực hợp tác quốc tế.

Các cuộc khủng hoảng từng xảy ra trên thế giới không chỉ mang đến những hệ quả tiêu cực. Đại dịch tả thế kỷ XIX, đại dịch cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ XX góp phần đẩy nhanh sự tiến bộ của y khoa, dịch vụ xã hội cũng như nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Khủng hoảng nhân đạo từ dịch hạch hay còn gọi là “cái chết đen” trong thế kỷ XIV cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự ra đời của phong trào từ thiện khoa học. Đại suy thoái những năm 1930 đã kích thích sự phát triển của hệ thống phúc lợi xã hội chuyên nghiệp.

Dù gây thiệt hại nặng nề trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhưng không thể phủ nhận rằng đại dịch Covid-19 cũng mang đến nhiều bài học quý báu và mở ra những cơ hội mới cho nhân loại.

CÁCH TIẾP CẬN ĐƠN LẺ KHÔNG THỂ ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH

Những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua cho thấy dịch bệnh không có biên giới trong thời đại toàn cầu hóa. WHO nhiều lần nhấn mạnh, một đất nước chưa an toàn cho đến khi cả thế giới khống chế được virus corona chủng mới. Thực tế hiện nay giúp thế giới ngày càng nhận thức rõ, chúng ta luôn cùng trên một con thuyền và cách tiếp cận đơn lẻ không thể kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Khi đối diện với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, thế giới cần có hành động đột phá tương xứng và tăng cường hợp tác để thực thi các giải pháp toàn cầu.

Câu chuyện của Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây là minh chứng cho bài học này. Từ tháng 3 vừa qua, châu Âu chao đảo khi trở thành tâm dịch mới của thế giới. EU buộc phải tạm gác các vấn đề của khu vực như khủng hoảng di cư hay Brexit để tập trung tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng y tế hiện tại. Sau nhiều ngày tranh luận căng thẳng, vượt qua không ít bất đồng và sức ép từ phía những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, cuối cùng EU đã đạt được một thỏa thuận chưa từng có. Đó không chỉ là quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro mà còn là ngân sách hơn 1.000 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027 nhằm giúp “lục địa già” vực dậy sau cuộc suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thời gian qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ca ngợi là một hình mẫu về chống dịch hiệu quả. Trong lúc phải oằn mình ứng phó với “cơn bão” Covid-19, Việt Nam vẫn chia sẻ khó khăn với thế giới, trao tặng các nước trang thiết bị phòng, chống dịch; đồng thời phối hợp tổ chức đưa công dân các nước tại Việt Nam và công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Chính vì vậy, ấn tượng về một “Việt Nam - Thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” ngày càng sâu đậm trong cộng đồng quốc tế.

Khác với biến đổi khí hậu hay khủng hoảng di cư bất hợp pháp, Covid-19 gây chết người trên diện rộng chỉ trong thời gian ngắn. Yêu cầu cấp bách trong việc bảo vệ sinh mệnh công dân không cho phép các quốc gia, tổ chức khu vực và toàn cầu ngồi nhiều ngày trong nghị trường để tranh luận về việc ai chịu trách nhiệm cho tình trạng Trái đất nóng lên, ai trả tiền cho việc chống biến đổi khí hậu hay phải cắt giảm bao nhiêu lượng khí thải… Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới có chung cảm giác chúng ta cần ở bên nhau và phải cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong cuộc chiến với Covid-19 ở hiện tại mà còn tiếp thêm niềm tin vào sức mạnh tập thể khi thế giới ứng phó với các biến cố trong tương lai.

HÀNH ĐỘNG SỚM KHI ĐỐI MẶT VỚI THẢM HỌA CHƯA CÓ TIỀN LỆ

Việt Nam trao tặng vật tư y tế hỗ trợ phòng chống Covid-19 cho các nước châu Âu. Ảnh: Bộ Ngoại Giao Việt Nam

Đại dịch Covid-19 cho thấy hành động sớm khi đối mặt với những thảm họa chưa có tiền lệ là vô cùng quan trọng. Việt Nam là thí dụ điển hình về việc đánh giá rủi ro y tế ngay sau khi có thông tin về các ca nhiễm đầu tiên vào cuối năm 2019.

Việt Nam tổ chức đón công dân từ nước ngoài về nước. Ảnh: Bộ Ngoại Giao Việt Nam

Ngay từ tháng 1-2020, Đảng và Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và chính quyền các địa phương. Chính phủ nhanh chóng ra quyết sách đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên các mục tiêu kinh tế. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập với chiến lược “chủ động phòng ngừa - phát hiện sớm - cách ly triệt để và điều trị tích cực”. Ngày 21-1, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona”. Đây là những cơ sở để toàn bộ hệ thống chính trị ở tất cả các cấp phối hợp phòng, chống đại dịch và là điểm khác biệt của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. WHO nhận định các biện pháp chống dịch của Việt Nam rất nhanh chóng và hiệu quả.

Sau khi Việt Nam bước vào làn sóng Covid-19 lần thứ hai từ ngày 22-7, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao phản ứng của Việt Nam trước đợt lây nhiễm mới. Giáo sư Michael Toole, nhà dịch tễ học và thành viên nghiên cứu chính tại Viện Burnet ở Australia, cho rằng giống như trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, Việt Nam đã phản ứng nhanh và mạnh mẽ khi dịch bệnh đột ngột xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng. Giáo sư Rogier Van Doorn, Giám đốc Khoa nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Anh), bày tỏ ấn tượng trước việc Việt Nam một lần nữa nhanh chóng giám sát chặt chẽ dịch bệnh.

KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO CỦA CHÍNH QUYỀN VÀ SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG LÀ TRỤ CỘT

một số quốc gia, lãnh đạo cấp cao gặp khó khăn khi tìm kiếm sự đồng thuận và nhất quán trong chính sách ứng phó với dịch bệnh. Việc thiếu lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn và đưa ra những quyết định gây tranh cãi khiến công tác phòng chống dịch chưa đạt hiệu quả cao.

Trong khi đó, lãnh đạo của một số nước lại khá thành công trong việc thuyết phục người dân cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Tờ The Guardian đánh giá cao Thủ tướng Đức Angela Merkel về khả năng thể hiện sự đồng cảm và truyền đạt thuyết phục những ý tưởng chống dịch khá phức tạp. Đức đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch bệnh, ngăn chặn thành công các chuỗi lây lan và dần mở cửa để phục hồi kinh tế.

Người dân và nhân viên y tế của một số nước cổ vũ tinh thần của những người trên tuyến đầu chống Covid-19. Ảnh: AP, Reuters, Guardian

Tại Việt Nam, lời kêu gọi “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không những huy động sức mạnh của truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của toàn dân tộc, mà còn khơi gợi tinh thần quốc tế trong mỗi người dân Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, từ ngày 16-3, người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng… Vào thời điểm đó, nhiều nơi trên thế giới vẫn tranh luận về việc có cần phải sử dụng khẩu trang hay không, thậm chí chủ đề này còn làm bùng phát những bất đồng chính trị.

Ông Ghebreyesus khẳng định hai trụ cột không thể thiếu trong ứng phó đại dịch Covid-19. (Nguồn: WHO)

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện đã tạo ra sự tập trung, nhất quán trong xây dựng và triển khai các phương án chống dịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Các chiến lược được thực hiện đồng bộ và kiên trì với bộ máy hành chính được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương cho phép Việt Nam nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch một cách thống nhất, xuyên suốt và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành.

Mặt khác, sự tin tưởng lẫn nhau giữa người dân và giữa người dân với chính quyền góp phần tạo nên “hệ miễn dịch” tốt nhất, bảo vệ cộng đồng trước sự tấn công của “bóng ma” Covid-19. Niềm tin giống như chất keo kết dính từng cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội trong cuộc chiến với dịch bệnh. Theo kết quả cuộc điều tra kéo dài hai ngày 9 và 10-7 của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), trong số 21.277 người tham gia trả lời, 85% bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế, dập tắt dịch Covid-19.

NHỮNG CƠ HỘI PHÁT TRIỂN MỚI CHO NHÂN LOẠI

Thực hiện giãn cách xã hội thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và các ngành “kinh tế không tiếp xúc” có nhiều cơ hội để tăng tốc. Các dịch vụ công, mua sắm và thanh toán trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa được thực hiện nhiều hơn, chất lượng hơn. Các quốc gia cũng buộc phải đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo lực đẩy mới cho nền kinh tế số.

Covid-19 cũng là chất xúc tác thôi thúc các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới đưa ra các giải pháp sáng tạo trong thời gian ngắn. Từ đây, những ý tưởng mới có tính đột phá trong giáo dục có thể xuất hiện, nhân loại ít nhất cũng được tập dượt để đối diện với các biến cố sau này.

Ngoài ra, các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, giải trí ngưng trệ do đại dịch đã làm sụt giảm đáng kể lượng khí thải có hại. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá năm 2020 lượng khí thải toàn cầu sẽ giảm khoảng 8%. Dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại châu Âu giảm khoảng 40%.

Đại dịch Covid-19 phơi bày hoạt động của con người ảnh hưởng lớn thế nào đến Trái đất. Nó thay đổi nhận thức của con người về sự cần thiết của việc từ bỏ những hành vi, thói quen không thiết yếu trong đời sống. Hơn nữa, nó cũng chứng minh việc thay đổi hành vi của hàng triệu người trong thời gian ngắn để cải thiện môi trường không phải là điều bất khả thi.

Ứng phó đại dịch còn làm giàu thêm các ý tưởng, cách thức, khuôn khổ để các quốc gia cùng nhau triển khai giải pháp toàn cầu cho các vấn đề như nghèo đói, bất bình đẳng, căng thẳng thương mại, biến đổi khí hậu, di cư bất hợp pháp cũng như những biến cố khôn lường trong tương lai.

Xuất bản: 18-8-2020
Tổ chức thực hiện: PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HOÀNG HÀ - NGUYỄN SƠN
Đồ họa, kỹ thuật: PHAN ANH