Ngược về quá khứ trong nhà cổ trăm tuổi ở Hà Giang

Nằm lọt thỏm và yên bình phía sau một thung lũng đá tai mèo của xã Lũng Táo, ngôi nhà cổ Há Súng của dòng họ Vừ được coi là một trong những ngôi nhà cổ nhất của Hà Giang, nơi chứa đựng rất nhiều bí mật cần giải mã về lịch sử phát triển của cả một vùng đất địa đầu cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, ngôi nhà cổ này đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Xuất bản: 14/05/2020
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ NAM; Trình bày: NVS; Biên tập: BÔNG MAI

Ngôi nhà dòng họ Vừ đến nay đã trải qua đời thứ bảy, nằm trên một gò đất cao của thôn Há Súng, địa bàn xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Thông tin về ngôi nhà này hiện rất ít, cũng chưa rõ nguồn gốc ra đời và sự tồn tại của ngôi nhà bí ẩn này, khi những người họ Vừ ở đây cho biết, họ sinh ra đã ở trong ngôi nhà cổ này rồi và chỉ biết là được tổ tiên họ Vừ truyền lại.

Một phần thung lũng đá xã Lũng Táo. Nhà cổ Há Súng nằm cách Cột cờ Lũng Cú 24km, cách Dinh vua Mèo Vương Chính Đức ở dưới Sà Phìn chỉ 3km.

Sở dĩ nhắc đến Nhà họ Vương là vì nhà họ Vừ về thiết kế khá giống dinh thự bề thế của Vua Mèo, với quy mô nhỏ hơn. Nếu như dinh vua Mèo đã có tuổi đời hơn 100 năm thì nhà cổ Há Súng này thậm chí có thể còn lâu đời hơn thế. Theo người nhà họ Vừ đang sống trong ngôi nhà này, ngôi nhà được xây dựng từ trước khi xây dựng dinh thự nhà Vương.

Mặt trước của nhà đã hằn rõ vết tích thời gian, tường dạng kết cấu "trình tường" quen thuộc của người Mông nhưng đã tróc lở, bong thành những vết hố sâu to, loang lổ vàng. Mặt chính diện cũng như hai bên hông nhà đều có cửa sổ.

Cánh cửa bước vào nhà làm bằng gỗ, có ngạch cửa gỗ giống phần lớn những ngôi nhà Mông khác ở cao nguyên đá. Đặc biệt, đập vào mắt là hai khối đá lớn vuông vức dưới chân trụ cổng, trên có khắc hoa văn kỳ công, tuy vậy đã bị thời gian bào mòn nhìn không rõ họa tiết.

Mái hiên cổng lợp ngói âm dương đã xuống cấp trầm trọng nhưng phần gỗ vẫn còn rất tốt, được chạm khắc tinh xảo, phần nào chứng minh gia thế họ Vừ rất giàu có và có tính thẩm mỹ cao.

Bước chân qua cánh cửa gỗ, càng đi sâu vào trong căn nhà, cảm giác như lạc vào một thế giới khác, tách biệt cuộc sống văn minh ngoài kia. Bất cứ một vật dụng, đồ đạc đến không gian, khoảng sân, cột nhà, mái hiên, gác lửng... đều gợi đến một bộ phim hoài niệm về thế kỷ trước.

Nhà cổ Há Súng được xây dựng theo lối kiến trúc nhà Vương. Toàn bộ căn nhà gồm ba khối lớn ghép lại, trong đó hai nhà bên hông trái - phải sẽ thụt lại hình ngang, căn nhà chính giữa nhô ra phía trước, theo cách tả của người dân là hình dáng con chim đại bàng đang tung cánh.

Trong ảnh là căn nhà chính giữa, cũng là trái tim của toàn bộ ngôi nhà cổ. Giữa nhà là khoảng sân gọi là "giếng trời", trước sau, trái phải là buồng khách, phòng ngủ, tất cả tường đều là kết cấu "trình tường đất".

Căn nhà bốn phía đều có tầng lửng, dạng nhà tầng bằng gỗ, cả ban công lẫn cột đều là gỗ quý.

Và đương nhiên mái nhà là mái ngói âm dương đen nhánh, phủ rêu....

Bên cạnh dàn phơi đồ phía bên phải căn nhà (theo hướng từ ngoài vào) là một bồn tắm sữa dê đục bằng đá nguyên khối, không xác định được tuổi, một minh chứng cho gia thế giàu có của gia chủ.

Đặc biệt hình ảnh hoa anh túc (thuốc phiện) xuất hiện khắp nơi trong nhà, từ chi tiết cột kèo gỗ đến cột nhà có chân bằng đá nguyên khối cũng đẽo hình hoa anh túc. Mà thuốc phiện thời đó chỉ có những gia tộc quyền thế mới có quyền trồng hoa anh túc và buôn bán thuốc phiện.

Phòng tiếp khách của gian giữa ngôi nhà, nơi có một ban thờ cổ với chân bàn thờ theo hình chân con dê, màu đen tuyền bám đầy bụi. Dù có điện nhưng cảm giác ở đây luôn luôn có một màu xám xịt, mờ ảo, cũ kỹ trong thứ ánh sáng lờ nhờ.

Ông Vừ Pà Cho, chủ hộ của một trong tám gia đình cùng sinh sống trong nhà cổ Há Súng này, là cháu đời thứ sáu của dòng họ Vừ, tổ tiên căn nhà. Nhưng gia thế của người đàn ông họ Vừ sinh sống cùng thời vua Mèo - Vương Chính Đức - đến nay vẫn là một bí ẩn, không có thông tin nào rõ ràng. Đến con cháu dòng họ Vừ còn không rõ, họ chỉ biết mình sinh ra đã mang họ Vừ và đã sống trong căn nhà cổ này.

Hiện tại nhà cổ Há Súng là nơi ở của cùng lúc tám hộ dân với 29 nhân khẩu, chỉ vài người nói được tiếng Kinh nhưng rất hiếu khách và thân thiện.

Dù còn rất nhiều điều bí ẩn cần giải đáp về nguồn gốc, lịch sử căn nhà cũng như tên tuổi gia thế chủ nhân dòng họ Vừ nhưng thời gian đã không còn đợi ngôi nhà cổ Há Súng này nữa. Thời điểm chúng tôi đến thăm và ghi lại hình ảnh ngôi nhà này là vào tháng 2-2020, căn nhà đang xuống cấp trầm trọng, với nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào. Việc cấp bách nhất hiện nay là lên các phương án bảo tồn, trùng tu gấp căn nhà lịch sử này.