NHỮNG NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC
TRONG MÙA DỊCH

Xuất bản: 20 / 04 / 2020

NDĐT - Xuất hiện và chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang phải căng mình ứng phó với số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh mỗi ngày. Trong bối cảnh đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ các nước trên thế giới, những hành động đẹp cũng được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhằm chung tay chống lại đại dịch nguy hiểm này.

Xuất hiện từ cuối tháng 12-2019 tại tâm dịch thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn trên phạm vi toàn cầu trong mọi hoạt động như: Kinh tế, chính trị, xã hội, du lịch… bị ngưng trệ. Theo số liệu cập nhật của Worldometers đến 7 giờ, sáng 20-4 (giờ Việt Nam), số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã lên tới 2.406.240 ca mắc và 165.004 ca tử vong.

Mặc dù vị trí địa lý có đường biên giới dài giáp Trung Quốc và là một trong những quốc gia có ca nhiễm bệnh khá sớm, tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được đánh giá kiểm soát khá tốt đại dịch này. Ca bệnh đầu tiên được xác nhận tại Việt Nam vào ngày 23-1-2020. Tính đến ngày 20-4, Việt Nam ghi nhận là 268 trường hợp, trong đó có 160 người từ nước ngoài, chiếm 59,7% và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng, chiếm 40,3%. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 51.069 ca.

Có được kết quả đó, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt và những hướng đi đúng đắn của Chính phủ, các bộ, ngành… còn có sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân cả nước. Ngay sau khi Việt Nam xuất hiện những ổ dịch lớn, có nguy cơ lây lan rộng trong xã hội, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ như cách ly tập trung, giãn cách xã hội, nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan diện rộng. Đó cũng là lúc kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do phải dồn mọi nguồn lực vào công tác chống dịch; cuộc sống người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người Việt một lòng vì đồng bào trong gian khó

Nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn dành dụm những đồng tiền ít ỏi của mình để góp sức chống dịch.

Cũng chính lúc này, tinh thần chung sức, chung lòng của nhân dân cả nước được thể hiện mạnh mẽ nhất. Đó là hình ảnh các bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn dành dụm những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi để chung tay cùng Nhà nước chống dịch. Có thể kể đến mẹ Việt Nam Anh hùng Đàm Thị Bẩy (100 tuổi), ở thôn 1, xã Hồng Kỳ đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 xã Hồng Kỳ một triệu đồng; mẹ Võ Thị Tẩu (94 tuổi, khối phố Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã lên phường trao tận tay số tiền 1,5 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam phường để ủng hộ vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19; mẹ Nguyễn Thị Giới, xã Xuân Quan (Văn Giang) đã ủng hộ một triệu đồng tiền tiết kiệm để góp sức cùng xã phòng, chống dịch Covid-19… Và còn rất nhiều các mẹ Việt Nam Anh hùng khác nữa trên mọi miền Tổ quốc. Các mẹ chính là những tấm gương sự lan tỏa mạnh mẽ nhất về tinh thần chiến đấu với dịch bệnh của người dân Việt Nam.

Không đứng ngoài cuộc chiến chống dịch Nguyễn Xuân Hiền và nhiều học sinh trong cả nước cũng sẵn sàng đập lợn đất góp sức chống dịch.

Đó còn là hình ảnh các em nhỏ đang cắp sách đến trường, nhưng cũng sẵn sàng dành những đồng tiền mừng tuổi, những con lợn đất để mua khẩu trang ủng hộ chiến dịch chống lại Covid-19. Như em Nguyễn Xuân Hiền, học sinh lớp 6, ở TP Hồ Chí Minh. Mặc dù hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, cả bố và mẹ em đều phải rời xa quê hương để làm công nhân, nhưng khi nghe thông tin tình hình dịch bệnh qua truyền hình và các kênh tuyên truyền ở địa phương, ngày 7-4, em đã lấy số tiền dành dụm trong con lợn đất từ Tết đến nay được hai triệu đồng, mang đến ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở xã. Hiền chỉ là một trong số rất nhiều những em nhỏ khác mà chúng ta đã nghe, đã đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, cùng góp sức nhỏ bé trong công cuộc chống lại đại dịch Covid-19.

Hay đó còn là hình ảnh của cô giáo trẻ Đoàn Thị Hồng Lương, giảng dạy ở Trường tiểu học Lê Hồng Phong (TP Hải Phòng), không ngại khó khăn gian khổ, nguy hiểm tình nguyện viết đơn xin tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Cô giáo trẻ Đoàn Thị Hồng Lương (áo xanh) và bức thư xung phong tham gia chống dịch.

Cùng với sự đồng lòng, đồng sức của người dân trong dịch bệnh, hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách lại được những người dân thể hiện một cách rõ nét nhất.

Sự lan tỏa các cây ATM gạo chia sẻ khó khăn với những người nghèo khó.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có quy định thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020, trên phạm vi toàn quốc. Ngay sau khi Chỉ thị có hiệu lực, phần lớn các cửa hàng, công ty, nhà xưởng đều buộc phải đóng cửa. Nhiều công nhân, người lao động tự do buộc phải nghỉ việc ở nhà. Nhiều người lao động địa phương mưu sinh ở Thủ đô đối mặt với việc không có thu nhập, không thể về quê và vẫn phải sinh sống để chờ đến ngày dịch bệnh được kiểm soát.

Hà Nội vắng lặng trong ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội. (Ảnh: Duy Linh)

Chính lúc này, tại Thủ đô, nhiều địa điểm phát đồ ăn miễn phí được thiết lập từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp với phương châm “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” với thông điệp lan tỏa “Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Mỗi suất quà có khi chỉ là gói mì tôm, cái xúc xích hay một cân gạo… cũng đủ làm ấm lòng những người đang gặp khó.

Siêu thị không đồng giúp người dân có thể tự do lựa chọn những món đồ dùng cần thiết.

Hay ở những siêu thị không đồng, người dân có thể tự do lựa chọn những món đồ dùng cần thiết với tổng giá trị thật là 100.000 đồng, nhưng chỉ phải trả giá 0 đồng; “cây ATM” gạo đầu tiên xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh đã tạo ra làn sóng lan tỏa mạnh mẽ ra khắp cả nước. Cây ATM gạo là một trong những sáng kiến của doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc một công ty khóa điện tử tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ với báo chí, anh Tuấn Anh cho biết anh nảy ra ý tưởng này sau khi nhìn thấy nhiều cá nhân và tổ chức tụ tập để nhận quà, gạo, mì gói cùng nhiều thực phẩm khác. Anh nhận ra rằng việc tập trung đông người để nhận thực phẩm miễn phí có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Chính vì thế anh và các cộng sự của mình đã chế tạo ra cây ATM gạo để có thể vừa giúp được những người nghèo lại vừa hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Chiếc máy ATM gạo đầu tiên trị giá 425 USD bao gồm một hệ thống chia gạo tự động, camera và các nút được điều khiển bởi ứng dụng điện thoại. Khi có người đứng trước camera ấn nút, van chứa sẽ tự động mở và khoảng 1,5 kg gạo từ trong bể sẽ chảy xuống đường ống.

Sau khi cây ATM gạo đầu tiên được đưa vào hoạt động, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác các cây ATM gạo cũng nhanh chóng được “nhân bản” ở khắp ba miền bắc, trung, nam đã phần nào san sẻ với Nhà nước, làm vơi đi phần nào khó khăn về kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Muôn màu phong trào cổ vũ phòng, chống dịch tại Việt Nam

Không thể trực tiếp tham gia tuyến đầu đấu tranh với dịch bệnh, nhiều người dân trong nước cũng như những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam ở đa dạng ngành nghề cũng có không ít những đóng góp ý nghĩa nhưng không kém phần độc đáo.

Rất nhiều tranh cổ động, những con tem với chủ đề chung tay ngăn chặn và bảo vệ bản thân, cộng đồng trước đại dịch Covid-19 đã được các họa sĩ, nhà thiết kế Việt Nam sáng tác và phổ biến rộng khắp.

Thậm chí, trên tờ báo uy tín The Guardian của Anh đã dành riêng một bài viết về những “chiến binh” đặc biệt này. “Một nhân viên chăm sóc sức khỏe đeo khẩu trang dũng cảm như một người lính, bên cạnh câu khẩu hiệu được in đậm “Ở nhà cũng là thể hiện tình yêu nước” - dẫn lời tờ báo mô tả tấm poster cổ động của nghệ sĩ Lê Đức Hiệp, cũng là đại diện cho nhiều đồng nghiệp khác được nhắc tới.

Bên cạnh tranh vẽ, những bài hát hay MV ca nhạc cũng là phương pháp rất hữu hiệu để tiếp cận, tuyên truyền thông điệp nhanh chóng với quy mô rộng khắp.

Trước những diến biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhạc sĩ Khắc Hưng đã được Viện Sức khỏe, Nghề nghiệp và Môi trường liên hệ sáng tác một ca khúc mới để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, Khắc Hưng thấy việc sáng tác ca khúc mới không kịp thời, nên đã nghiên cứu và lựa chọn viết lại lời ca khúc “Ghen” - ca khúc hit của hai giọng ca Min - Erik. “Ghen Cô Vy” ra đời, phát hành trên kênh Youtube vào ngày 23-2-2020.

Những ngày đầu tháng 3, “Ghen Cô Vy” bất ngờ được báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin. Đầu tiên, MV xuất hiện trong chương trình "Last Week Tonight" của HBO (Mỹ), tạp chí âm nhạc Billboard (Mỹ); bản tin sáng của đài CBS News.

Và sau thành công của “Ghen cô Vy” phiên bản tiếng Việt, nhạc sĩ Khắc Hưng cùng hai ca sĩ Min và Erik tiếp tục ra mắt phiên bản tiếng Anh. Và được đính kèm ngôn ngữ ký hiệu, giúp cộng đồng người khiếm thính tiếp cận được với thông tin.

Vũ điệu rửa tay – Ghen Cô Vy / (Video: Youtube)

Viện Sức khoẻ, Nghề nghiệp và Môi trường cũng “đặt hàng” vũ công Quang Đăng sáng tạo ra điệu nhảy để minh họa cho bài hát “Ghen Cô Vy”. Có thể nói, chính điệu nhảy này đã tạo nên sức hút cho bài hát.

Tiếp bước “Ghen Cô Vy”, hàng loạt những bài hát ra đời lấy ý tưởng từ Covid-19 phải kể đến như: MV Việt Nam sẽ chiến thắng (sản phẩm kết hợp giữa nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và Phúc Bồ), với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ trẻ được yêu thích như: Ninh Dương Lan Ngọc, Liên Bỉnh Phát, Jun Phạm, Đức Phúc...

Mới đây nhất là vũ điệu “Happy Mask - Cười lên Việt Nam tôi”, sáng tạo trên nền nhạc ca khúc “Việt Nam, những chuyến đi”, từng được ca sĩ Vicky Nhung thể hiện thành công năm 2017; ca khúc Ước nguyện của nhạc sĩ Đỗ Phương, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, "Việt Nam ơi! Đánh bay Covid của nhạc sỹ Minh Beta là dự án cộng đồng vừa ra mắt. MV mang không khí vui vẻ, hứng khởi và lồng ghép các phương thức phòng chống COVID-19" gửi đến công chúng như một lời tri ân dâng tặng đến các y bác sĩ đang ngày đêm phục vụ ở khu cách ly, chấp nhận đối đầu với hiểm nguy, góp phần đầy lùi Covid-19, bảo vệ sự an toàn cho cả xã hội.

Những khó khăn trong thời dịch không làm mất đi sự sáng tạo của những đầu bếp, cũng như việc “giải cứu” nông sản cho người nông dân. Họ vẫn có những ý tưởng rất riêng cho những món ăn của mình, một trong số đó là hình ảnh của chính... virus corona. Và tất nhiên, chúng đều được thực khách ủng hộ và luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Chắc hẳn cụm từ “giải cứu” không còn xa lạ gì với chúng ta. Hằng năm, việc “giải cứu” dứa, dưa hấu và đủ loại nông sản đã như một hoạt động quen thuộc với người dân Việt Nam. Nhưng phải đến khi người nông dân kêu cứu vì hàng trăm tấn thanh long mắc kẹt do Covid-19, thì bằng một hành động thiết thực, những chiếc bánh mì thanh long đỏ rực mới xuất hiện như một sáng kiến đầy nhân văn. Lần này, một món bánh mới đại diện cho một giai đoạn đầy khó khăn nhưng ta vẫn cùng nhau đứng lên: “Bánh mì thanh long”, dưới ý tưởng của “vua bánh mì” Việt sáng lập ra chuỗi cửa hàng bánh ngọt ABC Kao Siêu Lực.

Bánh mì thanh long và ông Kao Siêu Lực. (Nguồn: Business Insider)

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu một số loại trái cây bị ngưng trệ, trong đó có thanh long ruột đỏ của bà con miền tây. Thấy vậy, ông Lực đã nảy ra ý tưởng làm bánh mì thanh long. Sau nhiều lần thử nghiệm, công thức hoàn chỉnh đã ra đời. Mỗi chiếc bánh mì có giá 6.000 đồng, giúp tiêu thụ hàng tấn thanh long mỗi ngày.

Sau một tháng gây sốt ở Việt Nam, cuối tháng 2 vừa qua, bánh mì thanh long đã xuất hiện trên trang của tờ báo tài chính và kinh doanh hàng đầu nước Mỹ - Business Insider. Phóng viên Business Insider đã tới tận nơi để trải nghiệm trọn vẹn nhất cảnh xếp hàng mua bánh mì giải cứu, giới thiệu những hình ảnh chân thực nhất về loại bánh mì độc đáo của Việt Nam tới độc giả quốc tế.

Lạ mắt món bánh mì kẹp Corona.

Điều thú vị hơn, khi đầu bếp Hoàng Tùng - người sáng lập và là CEO của chuỗi nhà hàng Pizza Home tại Hà Nội lại nảy ra ý tưởng mới để vực dậy tinh thần của người dân, đó là tạo ra burger nhân thịt có hình dáng giống con virus corona và đặt tên là burger Corona. Anh cùng các đầu bếp dành khoảng một ngày để thử nghiệm công thức với bột trà, lá dứa, rau... Cuối cùng, tổ đầu bếp cho ra đời burger có phần vỏ bánh là bột trà xanh, rau ngót nghiền để tạo màu tự nhiên, không mất vị ngọt và màu khi nướng chín.

Những lá thư cảm ơn đặc biệt

Những ngày qua, thông qua trang Hanoi Massive Community, cộng đồng người nước ngoài ở Hà Nội đã cùng nhau hưởng ứng phong trào chụp ảnh với các thông điệp viết tay cảm ơn gửi đến những người đang ở tuyến đầu, các y, bác sĩ, tình nguyện viên và những người làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Rất nhiều người nước ngoài, từ nhiều quốc tịch đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội như Bồ Đào Nha, Mỹ, Ireland, Anh, Ai Cập, Latvia, Ấn Độ, Nam Phi, Romania, Fiji, Đức…. với phong phú ngành nghề, từ giáo viên tiếng Anh, giáo viên dạy nhạc, giáo viên trung học cho tới doanh nhân, quản lý bảo hiểm.

Các thông điệp đều cùng chung ý nghĩa thể hiện tình yêu với đất nước Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự thấu hiểu và biết ơn sự hy sinh to lớn của tất cả bác sĩ, y tá, quân nhân, cảnh sát và tình nguyện viên bản địa đang ngày đêm đấu tranh quên mình, bảo vệ cộng đồng dịch trước dịch Covid-19.

Gia đình ba người đến từ Mỹ là Joe và Becca Phillips cùng cậu con trai kháu khỉnh Scotty viết: “Cảm ơn vì đã luôn giữ cho chúng tôi được an toàn tại Hà Nội - Việt Nam cố lên!”.

Còn anh Duarte (Bồ Đào Nha) viết: “Cảm ơn vì sự hy sinh không ngừng, lòng dũng cảm và vị tha. Chúng tôi thực sự trân trọng nỗ lực của các bạn. Việt Nam cố lên!”.

Trong khi anh Euan (Anh) bày tỏ: “Gửi đến những nhân viên y tế đang chiến đấu với virus corona, xin gửi lời cảm ơn tới các bạn”.

Đáp lại những hành động của phong trào đầy tính nhân văn này, không ít thành viên người Việt Nam trong cộng đồng Hanoi Massive cũng đã bày tỏ sự xúc động, cảm kích và không quên dành cho nhau những lời chúc sức khỏe.

Chứng kiến sự chung tay của toàn xã hội, ngành Thể thao Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Ngay từ sau khi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, các cán bộ, VĐV, HLV toàn ngành Thể dục Thể thao đã có những hành động tích cực ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch.

HLV Park Hang Seo trao tiền ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19.

Bóng đá là một trong những bộ môn đầu tiên đi tiên phong trong phong trào đóng góp, ủng hộ quỹ. HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Park Hang Seo cùng nhiều cầu thủ như Văn Toàn, Văn Quyết, Anh Đức, Tiến Linh, Tiến Dũng, Ngọc Hải, Công Phượng… đã có những đóng góp thiết thực bằng cả tiền và hiện vật, nhu yếu phẩm cho quỹ. Các CLB như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các trung tâm, tổ chức thể thao trên cả nước cũng đã ủng hộ để cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.

Người dân thế giới lạc quan dù đối mặt nhiều thách thức

Cũng như ở Việt Nam, mảng tranh cổ động cũng rất được ưa chuộng, nhưng có một chút khác biệt được thể hiện bởi các nghệ sĩ đường phố. Hưởng ứng lời kêu gọi người dân toàn cầu chung tay đẩy lùi đại dịch, những tác phẩm nghệ thuật đường phố đầy sắc mầu với chủ đề Covid-19 được ghi lại ở nhiều thành phố du lịch nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Những nghệ sĩ đường phố đã vẽ tranh tường, nhằm kêu gọi người dân cùng chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Trong đó phải kể đến bức tranh ở Warsaw (Ba Lan), mô tả các nhân viên y tế - những người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh như một cách để vinh danh họ; những bức tranh tường với dòng chữ kêu gọi mọi người dân hãy cùng chung tay chống lại đại dịch Covid-19 ở miền đông Java, Indonesia.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các đầu bếp cũng có muôn kiểu sáng tạo món ăn lấy cảm hứng từ virus corona (Covid-19). Trong đó, có món trứng chocolate corona của Pháp, bánh bác sĩ Fauci ở New York (Mỹ) hay bánh kẹp corona của Việt Nam là các loại bánh mới rất thu hút thực khách.

Trong bối cảnh thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, mọi người đều được khuyến cáo nên ở yên trong nhà và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người dân tại “lục địa già” không có cách để thể thể hiện sự cổ vũ cũng như lòng biết ơn tới các y, bác sĩ đang nỗ lực hết mình chiến đấu chống dịch.

Điển hình nhất trong số này là phong trào cùng nhau vỗ tay tại ban công vào mỗi tối tại nhiều thành phố như Rome (Italy), Madrid (Tây Ban Nha), Paris (Pháp), Athens (Hy Lạp) hay Amsterdam (Hà Lan)… dù những người tham gia đều hiểu các y, bác sĩ khó có thể lắng nghe trực tiếp sự cổ vũ này. Hành động này còn bày tỏ sự lạc quan và tinh thần tập thể trong gian khó của người dân các quốc gia châu Âu, họ thậm chí còn hát hoặc chơi nhạc cụ cho nhau nghe.

Một gia đình tại Barcelona, Tây Ban Nha ra ban công để vỗ tay cổ vũ tinh thần các thầy thuốc, cùng tấm băng-rôn với nội dung “Hãy ở nhà” viết bằng tiếng Catalan và tiếng Anh. (Ảnh: Getty Images).

Đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều vấn đề khó khăn cho toàn thế giới, nhưng không thể làm nguôi đi tình yêu nước, mục đích cao đẹp sống vì cộng đồng trong mỗi con người, như trường hợp hy hữu này của các cầu thủ bóng đá Malaysia.

Afif Izwan hiện là cầu thủ bán chuyên nghiệp dư đang khoác áo CLB ở Giải hạng 3 Malaysia - M3 League là Melawati FC. Suốt trong thời gian dài các hạng đấu của Malaysia bị tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Afif giống như các đồng nghiệp đều không thể tập luyện hay thi đấu.

Ngoài thời gian chơi bóng, Afif còn là một phi công của hãng hàng không AirAsia. Cầu thủ 29 tuổi đã trải qua một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời khi điều khiển chiếc may bay cùng phi hành đoàn chở 55 người (46 người Malaysia, tám người Singapore và một người Indonesia) từ Tehran (Iran) về Kuala Lumpur (Malaysia), thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng.

Cầu thủ Afif Izwan (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp trong phi hành đoàn chở 55 người trong chuyến bay từ Iran về Malaysia giữa mùa dịch Covid-19. (Ảnh: New Straits Times).

Afif Izwan và các thành viên trong phi hành đoàn đã phải mặc quần áo bảo hộ kín toàn thân để phòng, chống lây lan dịch bệnh cho bản thân cũng như mọi người. “Đó là một chuyến bay khó quên. Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi người đều an toàn và không ai dương tính với virus SARS-CoV-2”, Afif xúc động nhớ lại. Cầu thủ của CLB Melawati FC sau đó cũng đã tự cách ly bản thân trong 14 ngày trước khi có thể trở lại tập luyện cùng các đồng đội.

Không chỉ riêng Afif là trường hợp duy nhất. Một đội bóng khác của Malaysia là PDRM hiện đang chơi tại Malaysia Super League - Giải đấu chuyên nghiệp cấp cao nhất nước này cũng có những thành viên làm nhiệm vụ đặc biệt ngoài sân cỏ trong mùa dịch Covid-19.

PDRM là đội bóng khá đặc biệt, được liên kết với Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, vì thế không ngạc nhiên khi tiền đạo Khairul Izuan Abdullah và thủ môn Wilfred Jabun của họ ngoài việc chơi bóng chuyên nghiệp còn là những sĩ quan cảnh sát. Trong thời gian Malaysia Super League đang tạm hoãn, Khairul và Wilfred được đơn vị trưng dụng theo lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) của Chính phủ Malaysia để đối phó dịch Covid-19.

Tiền đạo Khairul Izuan Abdullah (trái) trong một trận đấu của CLB chủ quản PDRM. Anh mới nhận nhiệm vụ trong lúc Giải Malaysia Super League đang tạm dừng. (Ảnh: bernama.com).

Chia sẻ trên tờ The Star, Khairul cho biết: “Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến thể lực của chúng tôi. Nhưng là một sĩ quan cảnh sát, chúng tôi cần phải luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ”. Còn người đồng đội Wilfred phát biểu đầy tự hào: “Mặc dù là cầu thủ thi đấu bóng đá, nhưng khi được chọn làm nhiệm vụ vì đất nước thì đó luôn là vinh dự lớn”.

Chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ các nước, cũng như những năng lượng tích cực đang được nhân rộng từng ngày trong cuộc sống, là nguồn động lực để chúng ta tin tưởng và hy vọng vào một tương lai rất gần dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được khống chế, để cuộc sống người dân trở lại bình thường và các quốc gia sẽ lại bắt tay xây dựng và phát triển nền kinh tế ngày một lớn mạnh hơn.