Chúng ta cần nỗ lực làm tốt tất cả các yêu cầu theo tiêu chuẩn các tổ chức xếp hạng quốc tế đưa ra để ‘hữu xạ tự nhiên hương’...

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng

Một năm nhiều cảm xúc

Phóng viên: Năm 2018 là năm thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu chịu sự biến động rất lớn. Riêng TTCK Việt Nam, tóm gọn trong câu “2018 là năm lên đỉnh và điều chỉnh hợp lý”, thì ông nghĩ thế nào?

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: Năm 2018 khép lại một năm nhiều cảm xúc của TTCK. Tiếp nối đà thăng hoa của năm 2017, chỉ số VN-Index đạt và xác lập “đỉnh lịch sử” của TTCK Việt Nam (đạt 1.204,33 điểm vào ngày 9-4-2018). Thị trường duy trì đà tăng ấn tượng cả về điểm số, thanh khoản trong suốt quý 1 và đầu quý 2-2018. Sau đó, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh trong nửa cuối quý 2 đến hết quý 3 và chuyển sang giai đoạn ổn định hơn trong quý cuối năm.

Năm 2018, TTCK Việt Nam đạt đỉnh, sau đó điều chỉnh và duy trì sự ổn định. Do vậy, năm 2018 mặc dù có nhiều biến động, nhưng nhìn chung về cơ bản thị trường vẫn duy trì được sự ổn định theo chiều hướng tích cực trong tương quan của bức tranh tổng thể của nhiều mảng thị trường.

TTCK thế giới trải qua một năm nhiều biến động, nhiều thị trường trên khắp toàn cầu giảm điểm rất mạnh, trong đó, đáng lưu ý là tình trạng dòng tiền ngoại bị rút ra ồ ạt tại hầu hết các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, so sánh với tình hình chung, TTCK Việt Nam vẫn ổn định. Chỉ số VN-Index năm 2018 giảm 9,3% so với cuối năm 2017, song đây mà mức giảm vừa phải so với bình diện chung trên toàn cầu.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, đạt 77,6% GDP năm 2017 và tương đương với 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017. Giao dịch trái phiếu về cơ bản vẫn giữ được mức sôi động với giá trị giao dịch đạt 8.834 tỷ đồng/phiên.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh chung đó, TTCK Việt Nam có biến động là điều đương nhiên; nhưng tương quan chung với các thị trường khác, chúng ta vẫn ổn định. Theo đó, thị trường khá ổn định về mặt thanh khoản, cũng như tâm lý của nhà đầu tư. Trong năm qua, việc chỉ số có điều chỉnh giảm sau khi lập đỉnh, nhưng thanh khoản và quy mô vẫn được duy trì và phát triển là một điểm tích cực. Điều này phần nào cho thấy thị trường đã ổn định tích cực, sức đề kháng tốt hơn và thật sự có cơ sở trưởng thành về chất.

Cũng trên thị trường cổ phiếu, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài có bán ra ở khá nhiều mã cổ phiếu, nhưng lại chuyển sang mua vào ở một số mã lớn. Trong bối cảnh, dòng vốn nước ngoài bị rút ra ồ ạt ở nhiều thị trường mới nổi, thì năm qua, dòng vốn vào gián tiếp trên thị trường Việt Nam vẫn dương là một điểm sáng. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào dòng đạt 2,8 tỷ USD, gần bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 32,8 tỷ USD. Cùng với đó, việc tổ chức FTSE đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp là dấu hiệu rõ ràng cho thấy TTCK Việt Nam đã được giới đầu tư tài chính quan tâm và tin tưởng đầu tư nhiều hơn.

Đối với thị trường trái phiếu chính phủ, mặc dù khối lượng huy động có giảm so với năm 2017, tuy nhiên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước khi kỳ hạn bình quân đạt 12,55 năm, cao nhất từ trước tới nay. Lãi suất huy động trái phiếu tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp. Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết, thanh khoản vẫn ở mức tương đương năm 2017. Như vậy, huy động trái phiếu ít hơn, với lãi suất thấp, thực chất là điểm rất tích cực, vừa giúp Chính phủ huy động được vốn chi phí thấp, vừa giảm được áp lực lên nợ công, đồng thời cũng góp phần ổn định được mặt bằng lãi suất thị trường ngân hàng.

TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm với một sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lại trên chỉ số VN30 nhưng đã khẳng định được vai trò với khối lượng bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với năm 2017 và vị thế mở cuối năm đạt gần 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017.

Đặc biệt hơn, trong năm 2018, TTCK phái sinh mới ra đời hoạt động được hơn một năm, quy mô còn khiêm tốn và mới có duy nhất một sản phẩm, nhưng có thể nói, thị trường này đã có bước phát triển ban đầu ngoài mong đợi. Điều quan trọng hơn nữa là thị trường phái sinh đã có sự ổn định, tích cực và phát triển theo đúng như thông lệ của các thị trường phái sinh quốc tế.

Phóng viên: Năm 2018, quả thực là một năm thực sự nhiều cảm xúc không chỉ với nhà đầu tư, mà với cơ quan quản lý cũng vậy. Là người đứng đầu ngành UBCKNN, đâu là những thời điểm mà ông cảm nhận khó khăn nhất khi phải đưa ra quyết định?

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: TTCK được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, do đó, mọi biến động của nền kinh tế đều có những tác động ít nhiều tới diễn biến của thị trường. Đặc biệt hơn, đặt trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn, cộng với những biến động của nền kinh tế và TTCK thế giới càng làm cho các tác động lên TTCK trong nước ngày càng rõ nét, trực tiếp hơn.

Nhìn lại TTCK năm 2018, mặc dù các yếu tố vĩ mô trong nước khá ổn định, tích cực, nhưng những thay đổi trên thị trường quốc tế khiến thị trường chúng ta không thể tránh khỏi xu thế chung. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra được những giải pháp điều hành vừa mang tính kiên định cho mục tiêu chung, vừa góp phần giữ nhịp ổn định cho TTCK quả thực là một bài toán khó cho cơ quan quản lý.

Riêng với cá nhân tôi, nếu phải chọn hai thời điểm khó nhất khi ra quyết định điều hành trong năm qua, thì tôi sẽ chọn thời khắc phải quyết định tạm dừng thị trường để sửa lỗi kỹ thuật hệ thống công nghệ trên sàn HOSE (ngày 23-1) và thời điểm khi thị trường bắt đầu xuống mạnh từ giữa tháng 4-2018.

Chúng tôi còn nhớ, chiều 22-1, hệ thống giao dịch của HOSE gặp sự cố, buộc phải dừng phiên giao dịch định kỳ xác định giá đóng cửa để khắc phục. Cả buổi chiều và tối hôm đó, các chuyên gia công nghệ thông tin của HOSE cùng với sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia Thái-lan đã phát hiện và chỉnh sửa một lỗi.

Mặc dù một số chuyên gia cho rằng, hệ thống đã có thể hoạt động bình thường vào ngày hôm sau (23-1). Nhưng chúng tôi vẫn rất băn khoăn vì nếu mở cửa cho thị trường hoạt động thì khả năng an toàn vẫn chưa bảo đảm 100%, còn dừng thị trường là cả một chuyện lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Thời khắc đó tôi vẫn nhớ như in, bởi việc lựa chọn phương án nào cũng là bài toàn cân não thực sự. Tuy nhiên, kiên định mục tiêu vì sự an toàn chung của hệ thống, của thị trường, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ và cuối cùng chọn phương án tạm ngừng thị trường thêm một phiên, chấp nhận việc giảm uy tín để đổi lấy sự chắc chắn an toàn hệ thống.

Quả thực may mắn, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác như sau này chúng ta thấy, chậm hơn nhưng chắc chắn và an toàn. Và điều may mắn hơn nữa, cơ quan quản lý và đơn vị vận hành nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như sự cảm thông, chia sẻ của thành viên, nhà đầu tư và các cơ quan truyền thông bởi sự cố không ai mong muốn.

Một thời điểm khác mà tôi cho rằng cũng khó khăn khi phải ra quyết định, đó là thời điểm khi thị trường bắt đầu xuống mạnh vào giữa tháng 4-2018. Khi đó, có rất nhiều ý kiến khác nhau khi phân tích nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của thị trường, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng: có nguyên nhân từ TTCK phái sinh và chỉ số VN30, có ý kiến đề xuất áp dụng một số giải pháp thắt chặt quản lý TTCK phái sinh, thậm chí là đóng cửa thị trường này.

Trong bối cảnh đó, UBCKNN đã phải thảo luận rất kỹ lưỡng và cẩn trọng về thị trường và đã có đánh giá rằng: tình hình thị trường biến động từ nguyên nhân bên ngoài không phải nguyên nhân từ nội tại, cũng như không có nguyên nhân từ chỉ số VN30 hay do TTCK phái sinh. Trong báo cáo trình lên Bộ Tài chính và Thủ tướng khi đó, UBCKNN đã kiến nghị không áp dụng giải pháp hành chính lên thị trường. Đặc biệt, với TTCK phái sinh, giải pháp áp dụng chỉ nên là những điều chỉnh hợp lý theo đúng với quy luật, trong đó chủ yếu điều chỉnh mức ký quỹ từ mức 10% lên 13%, đồng thời tăng cường công bố thông tin và tích cực tuyên truyền cho nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, sau khi áp dụng các giải pháp này thì TTCK đã ổn định trở lại một cách bền vững. Với cá nhân tôi và tập thể UBCKNN, đây cũng là một kinh nghiệm quý báu trong hoạt động quản lý điều hành thị trường.

Năm “bản lề” cho nhiều chương trình quan trọng

Phóng viên: Xin chúc mừng ông với một năm nhiều biến động, nhưng cơ bản TTCK Việt Nam vẫn giữ nhịp ổn định, với không ít những điểm sáng như đã chia sẻ. Vậy còn với các công việc khác, ông có thể chia sẻ khái lược về những điều UBCKNN đã làm được?

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: Năm 2018, có thể nói là “năm bản lề” cho nhiều chương trình quan trọng trong chặng đường mới. Theo đó, năm qua, trong công tác xây dựng pháp lý, mà điển hình nhất là UBCKNN đã cho ra đời dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Dự án Luật cũng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ và được Quốc hội đưa vào chương trình làm luật 2019. Hiện tại, dự thảo bước đầu hoàn thành việc lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường và công chúng.

Một nhiệm vụ lớn khác của cơ quan quản lý đã hoàn thành trong năm 2018 là công tác tái cấu trúc thị trường tiếp tục được chú trọng. Trong năm, Đề án tái cấu trúc TTCK đã được UBCKNN trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ xem xét cho ý kiến. Đồng thời, như chúng ta cũng biết, đầu tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta thực hiện các công việc tiếp theo trong việc tái cấu trúc các Sở giao dịch chứng khoán sau này, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và từng bước tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đồng thời sẽ tạo điều kiện cho các thành viên giảm chi phí, nhà đầu tư có thêm thuận lợi khi tham gia vào TTCK.

Ngoài ra, đối với công tác chuẩn bị cho sản phẩm mới trên thị trường, trong năm 2018, UBCKNN đã chỉ đạo các Sở giao dịch chứng khoán và các đơn vị liên quan tích cực chuẩn bị, điển hình là sản phẩm chứng quyền có bảo đảm và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Các khâu chuẩn bị cho hai sản phẩm này cơ bản đã hoàn thiện, sẵn sàng chờ tín hiệu thị trường và sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền để khai trương hoạt động, dự kiến vào đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, trong năm qua, hoạt động đối ngoại, xúc tiến, kêu gọi đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng đạt được những thành công ngoài mong đợi. Điển hình là sự kiện Đoàn công tác của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm trưởng đoàn tới làm việc và xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc. Sự kiện này nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc và sau đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước này vào Việt Nam đã tăng rất ấn tượng.

Ngoài ra, trong năm 2018, công tác thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm trên thị trường tiếp tục được tăng cường. Năm 2018 cũng là năm kỷ lục về xử phạt hành chính về thao túng giá chứng khoán, chín cá nhân bị phạt với mức phạt mỗi vụ là 550 triệu đồng, tổng số tiền phạt 5,1 tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng tiền phạt của cả năm 2018 (21 tỷ đồng).

Kỳ vọng TTCK VIỆT NAM sẽ sớm được nâng hạng

Phóng viên: Vậy đâu là những giải pháp trọng tâm mà UBCKNN sẽ triển khai trong năm 2019 này, thưa ông?

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Chứng khoán trong năm 2019 là tiếp tục hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự thảo Luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào tháng kỳ họp tháng 5-2019 và xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10-2019. Khi Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành và có hiệu lực thực tiễn, kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ có thêm một bước chuyển thực sự về cả số lượng lẫn chất lượng.

Cũng trong năm mới, công tác tái cấu trúc TTCK sẽ tiếp tục được triển khai sau khi Đề án Tái cấu trúc TTCK và bảo hiểm được phê duyệt; song hành với đó triển khai các công đoạn tiếp theo sau về Đề án Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã được Chính phủ vừa phê duyệt.

Bên cạnh đó, trong đầu năm 2019, dự kiến sẽ khai trương hai sản phẩm mới là Chứng quyền có bảo đảm và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Đến nửa cuối 2019, phấn đấu hoàn thành để đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số mới do HNX xây dựng.

Trong năm 2019, bên cạnh các công tác thường xuyên khác, UBCKNN sẽ đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK; trong đó, điển hình nhất là sẽ trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ Đề án Nâng hạng TTCK Việt Nam. Đề án này sẽ bao gồm nhiều nội dung quan trọng như: Chương trình cải cách về chính sách theo hướng cởi mở hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, nới room sở hữu của khối ngoại, chính sách quản lý ngoại hối, nâng cao chất lượng công bố thông tin, cải cách thủ tục hành chính liên quan, …

Phóng viên: Nâng hạng TTCK là nhiệm vụ trong tâm của ngành Chứng khoán, cũng là mong muốn của rất nhiều thành viên, nhà đầu tư trên thị trường. Ông có thể chia sẻ thêm về các giải pháp để giúp TTCK Việt Nam sớm nâng hạng?

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: Đầu tiên, phải khẳng định rằng, nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một mục tiêu kiên định của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây không phải là việc có thể “đến đích” chỉ trong “ngày một, ngày hai”, mà chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao; còn việc thành công đến đâu thì còn phải phụ thuộc vào đối tác xếp hạng.

Như chúng ta biết, MSCI hay FTSE đều là các tổ chức uy tín, họ đánh giá và xếp hạng một cách độc lập và khách quan. Chính vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần nỗ lực để “hữu xạ tự nhiên hương”, làm tốt tất cả các yêu cầu theo tiêu chuẩn mà các tổ chức xếp hạng đưa ra.

“Khi TTCK Việt Nam thực sự tốt, việc được nâng hạng là tất nhiên”

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng

Mặc dù vậy, việc TTCK Việt Nam có được nâng hạng hay không và nâng hạng sớm hay muộn lại không chỉ phụ thuộc vào đơn thân TTCK. Hay nói cách khác, nâng hạng cần được xác định là mục tiêu của toàn nền kinh tế. Do đó, cần sự chung tay của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp, thành viên thị trường và cả nhà đầu tư.

Vì thế, bên cạnh nỗ lực của ngành Chứng khoán, quá trình nâng hạng sẽ sớm được đẩy nhanh nếu Việt Nam duy trì được sự phát triển và cải cách nội tại của nền kinh tế, biến tiềm năng thành hiệu quả thực tế. Về mặt chính sách, chúng ta cần duy trì và cải cách mạnh mẽ hơn nữa để cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trong đó có cả nhà đầu nước ngoài. Rõ ràng, điều này cần nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ của riêng Chính phủ hay bất kỳ một cơ quan nào.

Bên cạnh đó, để được sớm nâng hạng, vai trò của các chủ thể tham gia thị trường, điển hình là các doanh nghiệp cần rốt ráo hơn trong việc cải tổ hoạt động công bố thông tin bằng tiếng Anh, thực hiện kế toán, kiểm toán theo quy chuẩn quốc tế, cải thiện chất lượng quản trị công ty theo các chuẩn mực, thông lệ tốt nhất, và sự trưởng thành nhà đầu tư tham gia thị trường.

Trong năm 2018, công tác nâng hạng TTCK Việt Nam tiếp tục được UBCKNN thúc đẩy thông qua việc thiết lập quan hệ thường xuyên với MSCI và FTSE để cập nhật thông tin về tình hình thị trường, nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng hạng thị trường, giải đáp cụ thể những nội dung còn chưa rõ, giúp MSCI và FTSE đánh giá xác thực hơn về TTCK Việt Nam. Hiện nay, ngoài những tiêu chí chính về quy mô, tính minh bạch, chỉ tiêu về công bố thông tin, về cơ bản TTCK Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu của MSCI… Trong năm qua, FTSE Russell đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng TTCK mới nổi thứ cấp là một bước tiến mới tích cực trong lộ trình TTCK Việt Nam được nâng hạng chính thức.

Năm 2019, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, tăng cường tính công khai, minh bạch hóa trên TTCK, bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài; song hành với đó là cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên TTCK.

Chúng tôi tin rằng, với nỗ lực chung đó, TTCK Việt Nam sẽ sớm được MSCI đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng, tăng cường dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Phóng viên: Quay lại với diễn biến thị trường, ông đánh giá thế nào về các yếu tố có thể tác động tới sự phát triển của TTCK năm 2019?

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng: Nhìn một cách tổng thể, các yếu tố thuận lợi, mang tính cốt lõi vẫn chiếm ưu thế và ủng hộ TTCK trong năm 2019. Tuy nhiên, những yếu tố bên ngoài vẫn mang tính bất định rất lớn, do đó nhà đầu tư cần theo dõi thật sát sao, đồng thời vững vàng về mặt tâm lý để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có.

Năm 2019, với quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc cải thiện trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân, tình hình vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Những yếu tố này kỳ vọng sẽ tạo được sức bật cho doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh. Lãi suất, lạm phát trong nước năm 2019 sẽ ít nhiều chịu sức ép; nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát. Tôi cho rằng, đây là những điểm thuận lợi cốt lõi tạo nền tảng cho TTCK trong năm 2019.

Năm 2019, tình hình vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng

Hai điểm đáng lưu ý nhất trong năm 2019 là vẫn là những bất ổn trên thị trường kinh kế, tài chính thế giới, mà điển hình và đáng lo ngại nhất vẫn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, cũng như một số biến động đến từ địa chính trị. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới thị trường thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chính vì vậy, đối với cơ quan quản lý, việc điều hành thị trường trong năm tới không những phải bảo đảm tính nhất quán mà còn phải tăng sự chủ động và sự linh hoạt trong các tình huống, diễn biến thực tế của thị trường. TTCK tiếp tục cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như việc phối hợp, hỗ trợ của nhiều cơ quan hữu quan, các thành viên thị trường và nhà đầu tư.

Nhân dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019, tôi cũng xin gửi đến các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, cùng bạn đọc của Nhân Dân điện tử lời chúc mừng năm mới, sức khỏe, vạn lợi, thành công!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!