Trách nhiệm công dân nhìn từ đại dịch Covid-19

Không cần phải làm những việc to tát. Chấp hành pháp luật, thực hiện các quy định của chính quyền, đó chính là thể hiện trách nhiệm công dân.

Người dân nhận khẩu trang y tế từ "cây ATM khẩu trang" tại Hà Nội. Ảnh: QUốc Dũng
Người dân nhận khẩu trang y tế từ "cây ATM khẩu trang" tại Hà Nội. Ảnh: QUốc Dũng

Hàng triệu người xông ra mặt trận kháng dịch

Một trong những yếu tố căn bản để Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, số người nhiễm bệnh và tử vong không cao là nhờ vào sự chấp hành tốt các quy định phòng dịch của người dân. Khi cơ quan y tế khuyến cáo mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên thì đa số người dân thực hiện. Khi chính quyền ra lệnh cách ly xã hội, hầu như người dân tuyệt đối chấp hành. Ðó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch.

Chưa kể, việc chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch còn thể hiện trách nhiệm công dân toàn cầu. Mỗi một công dân biết tự bảo vệ mình là cộng đồng được an toàn, một quốc gia an toàn thì giúp cho thế giới được an toàn.

Không chỉ chấp hành phòng dịch, nhiều cá nhân, tổ chức đã thể hiện tinh thần công dân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế. Những hoạt động như ATM gạo, tặng khẩu trang trên đường, góp thực phẩm cứu trợ người dân vùng sâu, vùng xa tạo nên một sinh khí dập tắt sự u ám của dịch bệnh. Cùng với việc giúp đỡ lẫn nhau, nhiều cá nhân, doanh nghiệp gửi quà tặng, nước uống, thực phẩm tặng y sĩ, bác sĩ ở các tâm điểm cứu người. Trên tuyến đầu chống dịch, các thầy thuốc cảm thấy ấm lòng, tự tin và quyết tâm hơn khi thấy bà con gửi gắm niềm tin và sự quý trọng đối với mình.

Chúng ta còn nhớ, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng như Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Chi Pu, Pha Lê, Giang Hồng Ngọc, Ðại Nghĩa, Nhật Kim Anh, Khắc Việt, Lý Quý Khánh, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Võ Tấn Phát, hoa hậu Khánh Vân… đóng góp tiền bạc, vật chất, mua sắm khẩu trang, đi vận động người dân hưởng ứng phòng, chống Covid-19 bằng việc chấp hành các khuyến cáo của ngành y tế. Số tiền đóng góp của giới nghệ sĩ cho xã hội rất lớn, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động phòng dịch. Ðó là sự thể hiện tinh thần công dân của những người thuộc về công chúng.

Trong khi dịch bệnh đe dọa sinh mạng con người, thì nhiều y sĩ, bác sĩ tình nguyện bay vào tâm dịch ở các nước như Trung Quốc, Guinea Xích đạo để đón công dân Việt Nam trở về. Các y sĩ, bác sĩ dũng cảm của chúng ta thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của một thầy thuốc, nhưng đó cũng chính là thể hiện tinh thần công dân. Và đừng quên, đồng hành với các thầy thuốc là đội bay, các phi công, tiếp viên, họ cũng là những người dám hy sinh vì việc chung.

Nếu như có ai đó đặt câu hỏi "tiền nhiều để làm gì?", thì ngay trong đại dịch này, câu trả lời rất cụ thể. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hỗ trợ 5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và 100 tỷ đồng tài trợ gói trang thiết bị y tế, máy móc - hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Chưa kể trước đó, ngay từ tháng 2, Quỹ Ðổi mới sáng tạo (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - VINBDI (thuộc Tập đoàn VinGroup) đã ký kết tài trợ ba dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19. Ba đơn vị nhận được tài trợ gồm Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Ðào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Tập đoàn FLC trao tặng 5 tỷ đồng tiền mặt nhằm hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Tỷ phú Trần Ðình Long - Tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 5 tỷ đồng bằng tiền mặt chuyển tới Quỹ của Bộ Y tế và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ủng hộ 10 tỷ đồng thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn ủng hộ 30 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng giúp đỡ người dân miền tây, 25 tỷ đồng chung tay cùng Chính phủ chống dịch.

Những người giàu có, thành đạt sử dụng đồng tiền rất có ý nghĩa, đóng góp cho cộng đồng lúc cấp thiết, đó chính là tinh thần công dân của cá nhân tỷ phú, là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Không phải chỉ riêng đại dịch này, mà bất cứ lúc nào đất nước gặp khó khăn, họ vẫn thường xuyên có mặt.

Vẫn còn thiếu tinh thần trách nhiệm

Ða số người dân Việt Nam thể hiện tinh thần công dân trong việc phòng, chống đại dịch, nhưng vẫn còn không ít người vứt bỏ điều này. Họ không cùng xông ra mặt trận "chống dịch như chống giặc", mà lùi về phía sau như một kẻ đào ngũ, thậm chí còn phản bội lại cộng đồng.

Có không ít người ngồi cắm mặt vào bàn phím "chém gió". Có những kẻ tỏ ra hả hê khi có thêm ca bệnh mới, rồi vui sướng viết chữ "toang". Có những kẻ share những tin bịa đặt, tiêu cực, cho rằng Việt Nam giấu dịch, gây hoang mang, sợ hãi cho người dân. Trong những người đưa tin sai sự thật đó, có người vì vội vàng, cẩu thả dẫn đến sơ suất, nhưng có người cố ý và đầy ác tâm.

Cùng với những anh hùng bàn phím "tay nhanh hơn não" là những người không chấp hành các quy định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch. Nhiều người ra đường không mang khẩu trang, không rửa tay, tụ tập nhóm đông người ăn nhậu.

Ngang ngược hơn, có những kẻ chống lại những người thi hành công vụ, đi nhắc nhở đeo khẩu trang, cấm tập trung đông người. Ðiển hình, người đàn ông ở Quảng Nam dùng cào lúa hành hung cán bộ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19, đã bị kết án 9 tháng tù giam. Hoặc một Phó Chủ tịch HÐND huyện ở Bình Phước không chấp hành quy định ở chốt kiểm soát dịch Covid-19, sau đó bị cách hết tất cả chức vụ trong Ðảng.

Chống lại các quy định phòng dịch, chửi bới, hành hung cán bộ phòng dịch là có hành vi vi phạm pháp luật, đương nhiên là không có tinh thần công dân. Nhưng còn có nhiều người có những vi phạm khác, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vì thiếu trách nhiệm công dân, không có tinh thần công dân, có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Ðại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, hậu quả vô lường. Ðề cao tinh thần công dân, dẹp bỏ những hành vi thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần công dân chính là cách để vượt qua thử thách thế kỷ mà chúng ta đang phải đối diện.