Mừng và lo

- Ông ơi, nhà anh Tuân vừa đến mời ông sang ăn mừng con đỗ đại học. Thấy ông Tùng đi từ cổng vào, bà nhà chạy ra thông báo ngay.

- Bà chuẩn bị cho tôi cái phong bì nhé! Rõ là khổ, khổ mình, khổ cả nhà có giấy báo con cháu đỗ vào đại học. - Tâm trạng không vui, ông Tùng nói liền một mạch.

- Thôi, họ hàng nhà mình có con, có cháu đỗ đại học là chuyện mừng, ông cứ đi.

- Ai bảo bà là chuyện mừng. Bây giờ nhà có giấy báo đỗ, con nhập học đại học là lo đấy. Ở quê mình, mười nhà thì đến bảy nhà ngập thêm vào nợ nần mà chẳng ra đâu vào đâu.

Căn nhà ngói bốn gian của vợ chồng anh Hợi hôm nay trở thành chật chội với tiệc mừng hàng chục mâm. Ấy là anh chỉ mời trong họ. Ngồi mâm trên, anh Hợi tưng bừng nói: Các bác, các chú mừng cho nhà cháu, bao đời nay mới có người đỗ vào đại học. Cho dù đại học dân lập, nhưng cháu nó cũng là người có học, không như chúng cháu, chân lấm tay bùn.

Ở mâm dưới chị vợ tiếng to, tiếng nhỏ với các bà: Có gì các bác thông cảm cho. Nhà có con đi học đại học là phải khao. Lệ quê mình thế. Con vào trường, lại thêm tháng vài ba triệu chu cấp. Mình là nhà nông, phải đi vay cho con ăn học, mừng đấy mà cũng lo lắm đấy các bác ạ.

- Mà lạ, xã mình mấy năm nay có người đi học đại học nhiều thế, mỗi năm đến dăm bảy chục. Vài năm nay từ anh đỗ đại học ở Thủ đô đến anh đỗ đại học dân lập cùng khối ở tỉnh có khi chênh nhau đến hàng chục điểm.

- Chà chà, là do những năm gần đây cả nước thêm rất nhiều trường dân lập đại học, cao đẳng được cấp phép hoạt động. Các trường đang "khát" sinh viên nhập học. Anh Thư cán bộ văn hóa xã bày tỏ.

- Không những thế, tại các trường, số ngành cũng mở thêm rõ nhiều, dẫn đến việc tuyển sinh diễn ra một cách ồ ạt, chồng chéo mà không tính đến giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Một bác đế thêm vào.

- Ðúng quá, anh Thư hứng khởi tán đồng, tôi chỉ nói chuyện ở tỉnh mình thôi nhé. Anh lập tức mở chiếc cặp rút tờ báo đọc to, gọi là "nói có sách, mách có chứng": Ở tỉnh ta có tới 16 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy và dân lập. Hiện nay có đến 24.500 sinh viên đã tốt nghiệp các trường trung cấp nghề trở lên nhưng chưa có việc làm; trong đó có 71 người có trình độ thạc sĩ, gần sáu nghìn người có trình độ đại học, gần bảy nghìn người có trình độ cao đẳng... có 3.762 cử nhân sư phạm và 3.650 kỹ sư công nghệ thông tin chưa có việc làm...

- Chẳng nói đâu xa, ngay tại thôn ta, vài năm nay cả chục cô cậu tân cử nhân, rồi cả thạc sĩ nữa chạy đôn chạy đáo tìm việc mà đã có ai tuyển dụng đâu. Bố mẹ vay tiền cho con ăn học đại học. Tốt nghiệp lại leo đi tìm việc mấy năm trời, nợ bé thành nợ lớn!

- Với xã hội, tình trạng thừa "thầy", thiếu "thợ" ngày càng căng thẳng. Giáo dục, đào tạo nước nhà đang có nhiều vấn đề bất cập quá, từ quy hoạch đến chương trình giảng dạy đã tồn tại bao năm nay rồi.

Theo đà câu chuyện, các ông, các bà sôi nổi bàn luận: Mong sao Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo được thông qua tại Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI) sớm được triển khai đi vào cuộc sống.