"Vùng khát" trở mình

Ở Cao Bằng, địa danh Lục Khu, thuộc huyện Hà Quảng được biết đến là vùng biên giới nghèo, khát nước ngọt quanh năm. Dù điều kiện sống khắc nghiệt, lam lũ nhưng con người Lục Khu ngày nay không khuất phục mà đang dần vươn lên cải thiện thu nhập bằng áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế bền vững.

Có mưa giải hạn sau nhiều ngày chờ đợi, người dân Lục Khu lên nương gieo trồng.
Có mưa giải hạn sau nhiều ngày chờ đợi, người dân Lục Khu lên nương gieo trồng.

Đói nước phải chờ "ông trời"

Lục Khu là tên gọi cổ của một vùng đất cao, nằm sát biên giới, giờ là địa phận của 12 xã nghèo của huyện Hà Quảng. Tháng tư, chớm vào hạ, phong cảnh Lục Khu thật đẹp. Mầu xanh của cây xo xo phủ mát khắp các ngọn đồi. Mây núi trùng điệp đan nhau. Sương đùa lởn vởn. Con người nhỏ bé hiện lên chấm phá giữa những đám ruộng đá. Đá xen ruộng, ruộng len lỏi giữa đá. Người nông dân dường như bỏ quên cảnh đẹp quanh mình, gò lưng trên những đường cày mong một vụ mùa đủ no ấm.

Suốt mấy tháng đầu năm, Lục Khu không có lấy một giọt mưa. Khi người già ở bản ngồi ngán ngẩm nhìn về phía những rặng núi không thể vun xới vì đất khô cằn, lo hạn năm nay kéo dài, thì may mắn thay, mấy ngày trước, mưa đến. Chủ tịch UBND xã Phù Ngọc Lã Hoài Bắc kể: "Bà con chờ mưa mà xã chẳng có cách nào để khắc phục. Như năm ngoái, hạn hán kéo dài còn phải "tăng bo" nước lên, may mấy hôm vừa rồi có mưa xuống".

Khắp dọc đường chúng tôi qua, người dân khẩn trương ra bới đất, cào ruộng. Có bà mẹ địu con nhỏ đang ngủ, xa xa trải hờ hững tấm bạt cho hai đứa lớn ngồi chơi. Vừa liếc trông bọn trẻ, vừa chạy theo con bò đuổi cho đúng đường cày. Có bà lão cầm dây buộc lỏng lẻo, điều khiển chiếc bừa một cách khéo léo xới từng thửa đất nhỏ, chung quanh rải rác toàn tảng đá to. Ông Phạm Văn Sài, trưởng xóm Lũng Giàng, xã Phù Ngọc lật đật đưa bò lên rẫy, vừa đi vừa kể với chúng tôi: "Mưa xuống, dân đỡ lo khát, bò lợn không sợ thiếu nước uống. Bây giờ phải đi rẫy ngay. Không làm đất thì mùa vụ sẽ càng muộn". Những đám ruộng xen kẽ giữa đá, có hộ chỉ được tổng cộng mấy mét vuông.

Tôi còn nhớ lần đầu đến Lục Khu vào tháng 5-2015, khi mà cơn hạn đạt đỉnh sau hàng chục năm. Hàng trăm, hàng nghìn chiếc chum dùng để tích nước mưa khắp vùng suốt nhiều tháng trời không có một giọt. Lúc đó, huyện Hà Quảng đã phải cầu cứu tỉnh cho hàng chục xe chở nước lên cứu khát cho người dân. Người ta thấy nước như thấy vàng. Năm nay, quay trở lại, người dân Lục Khu vẫn phải sống nhờ nước mưa. Nhưng các hồ đập đã phát huy hiệu quả khi lưu giữ được lượng nước an toàn phục vụ đời sống người dân. Bí thư Đảng ủy xã Thượng Thôn Hoàng Văn Việt chỉ vào hồ nước đang xây dựng ngay trung tâm xã, nói: "Chúng tôi vừa xin được vốn để xây thêm một hồ chứa nữa. Qua mấy cơn mưa đầu mùa, tạm thời chưa lo thiếu nước sản xuất, chăn nuôi. Chỉ mong mùa hạn năm nay không kéo dài để dân được nhờ".

Ở Lục Khu, đi đến đâu cũng thấy chum, vại chứa nước. Vùng đất này có gần 19 nghìn nhân khẩu phân bố ở 185 thôn, bản, số lượng công trình lưu nước gồm 14 hồ lót vải địa kỹ thuật, 6.000 bể gia đình, 13.500 lu chứa nước sinh hoạt, 155 bể chứa nước tập trung và 138 bể hốc đá. Nhiều năm qua, đây là phương tiện lưu trữ nước mà người dân có thể trông chờ, nhưng tất cả đều phụ thuộc ông trời. Vì thế, nhà nào cũng phải dùng nước tiết kiệm hết mức. Họ còn tự tạo hệ thống máng nước chảy từ mái xuống bể, lu nước cạnh nhà để hứng nước mưa. Nước chính là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của người dân Lục Khu, cũng là công cụ để hỗ trợ họ vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Vượt khó làm giàu

Vùng khát, trung tâm nghèo và khắc nghiệt của huyện Hà Quảng giờ đây đang thay đổi từng ngày. Với sự chuẩn bị và đầu tư trong quãng thời gian dài, tỉnh Cao Bằng cũng như huyện Hà Quảng đã đem lại một bộ mặt mới cho Lục Khu thông qua nhiều dự án kinh tế phù hợp, nhất là phát triển hệ thống giao thông. Bí thư Đảng ủy xã Hạ Thôn Nông Văn Nguyên dẫn đoàn công tác đi len lỏi bằng tuyến giao thông nội xã vừa được hoàn thiện, hồ hởi tâm sự: "Trước đây đi lại giữa các xóm khó khăn lắm. Chúng tôi phải đi bộ, có hôm mưa lầy lội, rất nguy hiểm. Nay nhà nước cùng nhân dân làm, quyết tâm xây xong được con đường nối thông các xóm". Ông Lục Văn Mão, người uy tín ở xóm Cốc Sa, xã Hạ Thôn tâm sự: "Nhờ đường sá đi lại thuận lợi nên giờ có muốn bán con gì, cây gì, người ta cũng vào được tận nhà mua".

Không riêng xã Hạ Thôn, những xã vùng cao Lục Khu đã được cải thiện nhiều về giao thông. Tuyến đường rải nhựa kết nối các vùng đã khá hoàn chỉnh, tuyến đường nội xã được xây dựng dựa trên mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phát triển giao thông nông thôn, huyện Hà Quảng từ lâu đã khẳng định muốn đưa Lục Khu thoát nghèo thì việc đi lại, giao thương trên các tuyến đường phải được cải thiện. Nhờ vậy, phát triển giao thông nông thôn đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân Lục Khu với phương châm nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân đóng góp ngày công. Thậm chí, nhiều người như ông Mão ở xóm Cốc Sa còn hiến hàng trăm mét đất để làm đường: "Đây là việc chung, để cả xóm, cả bản được hưởng. Là dân ai cũng có trách nhiệm", ông Mão nói.

Ở Lục Khu, mô hình "hai cây hai con" được phổ biến và đem lại hiệu quả kinh tế. Người Mông, người Nùng, người Tày cùng nhau trồng ngô, trồng lạc, nuôi bò, nuôi lợn đen. Ông Lò Văn De, xóm Lũng Giàng, xã Phù Ngọc nói: "Trên này khó khăn lắm, đất không có đâu. Mình cũng không biết làm gì để kiếm được đồng tiền. Chỉ khi nuôi con bò, trồng cây ngô thì đến ngày thu hoạch lại bán đi lấy lời, lại mua con bò con rồi nuôi lớn. Thế mới đỡ vất vả, đỡ nghèo hơn trước". Dọc các xã Lục Khu, nhà nào cũng phấn đấu có được một con bò thịt. Vẫn còn nhiều nhà chưa có điều kiện đầu tư chuồng trại, đầu tư mua bò giống. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Ngọc Lã Hoài Bắc nói: "Từ năm 2011 đến 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 15% giảm xuống 5,94%. Nhưng số hộ nghèo vẫn còn lo lắng vì chưa có vốn để chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi".

Khó khăn là vậy, nhưng Lục Khu không thiếu những gia đình có thu nhập gần 70 triệu đồng/năm. Ông Lý Văn Sầu, xã Hạ Thôn tâm sự: "Con bò phù hợp với người dân Hạ Thôn. Đời sống gia đình cải thiện, nhà cửa, chuồng trại khang trang là từ con bò mà ra, thoát nghèo cũng là nhờ nuôi bò. Như gia đình tôi hằng năm nuôi bò, lợn lãi 60 đến 70 triệu đồng". Kinh tế khá giả, người nông dân đã cho thế hệ sau theo con đường học vấn. Nhiều nhà quyết tâm cho con trọ học ở dưới xuôi, xuống tận Hà Nội với mong muốn thay đổi tư duy, tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật để trở về xây dựng quê hương. Ông Nình Văn Khiàng, xóm Táy Trên, xã Thượng Thôn kể: Nhà có ba đứa con, giờ đang theo học ở dưới Thái Nguyên, Hà Nội cả. Học để ấm vào thân, học để có kiến thức sau này thoát nghèo, đưa kiến thức về làm giàu, nuôi sống bản thân, gia đình, quê hương.

Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Sầm Việt An khẳng định: "Làm giàu trên đất khát khó nhưng không thể không làm. Nhà nước, chính quyền cùng nhân dân làm. Khó đến đâu gỡ đến đấy". Thực tế đã được chứng minh khi nhiều xã nghèo ở Lục Khu, tiêu chí nông thôn mới chưa đủ nhưng thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra trong năm 2015. Bí thư Đảng ủy xã Thượng Thôn Hoàng Văn Việt nói: "Thoát nghèo bền vững là mong muốn của người dân Lục Khu. Sắp tới, cán bộ xã sẽ tiếp tục tiên phong, trồng thử nghiệm cây gừng cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu làm thành công, chúng tôi sẽ tìm giống, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình này". Tâm thế luôn sẵn sàng tiếp thu, thử nghiệm những mô hình kinh tế mới là cách làm đúng đắn mà nhiều năm nay, người Lục Khu áp dụng thành công, vươn lên thoát nghèo. Cái khó, cái khát vẫn còn dai dẳng nhưng với sự chung sức đồng lòng của cán bộ và người dân địa phương thì không có gì không vượt qua được.