Vui, thương những tiếng đánh vần…

Không biết chữ, người dân các khu tái định cư vạn đò đầm phá ở Thừa Thiên - Huế thiệt thòi trăm bề. Không đơn thuần là không biết đọc, biết viết, xa hơn họ thiếu hụt thông tin trong xu thế phát triển. Bởi thế, khi phiên chợ chiều tan, cũng là lúc những phụ nữ tại các khu tái định cư rủ nhau đi học. Họ quyết tâm đi tìm con chữ, viết và ký được tên mình để không còn phải lăn tay, điểm chỉ…

Những "học sinh U40" lớp học ban đêm ở thôn Vạn Hạ Lan, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Những "học sinh U40" lớp học ban đêm ở thôn Vạn Hạ Lan, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Không biết chữ, khó trăm bề

Ngày trước, ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, có một bộ phận bà con sống gần như tách biệt với bên ngoài. Họ mải mê đánh bắt, lúc đi vùng này, mai sang vùng khác, không biết chữ, không biết gốc gác, quê quán của mình ở đâu. Lớp thanh niên lớn lên quẩn quanh trên những con thuyền, rồi dần dà trở thành “ngư phủ”. Họ cứ theo đuôi con cá, lúc ở vùng này, mai vùng khác, miễn sao tôm mực đầy thuyền. Đói nghèo, thất học, bệnh tật…, ngư dân vùng đầm phá vẫn gồng mình để chống chọi. Nhưng nỗi ám ảnh nhất của bà con vẫn là trận bão từ năm 1985 - được xem là trận bão lớn nhất thế kỷ 20, khi cướp đi gần 700 sinh mạng, chủ yếu là cư dân sống trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Cuộc sống của hàng vạn ngư dân vốn đã nghèo, ngày ấy lại càng thêm khốn khó khi gần 3.000 hộ phải phiêu tán. Vào thời điểm đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết liệt xây dựng 62 khu tái định cư cho hơn 7.600 cư dân khu vực đầm phá.

Kể từ ngày lên bờ, họ đi đây, đi đó làm ăn, tiếp xúc với nhiều người và nhận ra rằng, không biết chữ quả là bất tiện. Người lớn tuổi không biết chữ đã đành, thế hệ 7X, 8X cũng chẳng đọc được một câu trọn vẹn. Họ không đọc được tên đường khi đi giao hàng, chẳng đọc được tin nhắn khi khách yêu cầu, không học thi lấy bằng lái xe nên vào đường cấm mà không hay biết. Mỗi khi vào bệnh viện, họ lại nháo nhác tìm người biết chữ để làm thủ tục nhập viện. Có người ngồi bán hàng cạnh biển cấm mà cũng không hay, đến khi ban quản lý chợ mời vào mới biết mình vi phạm. Khi nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, họ muốn đi học để chuyển đổi nghề sang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng gia trại nhưng khó tiếp cận thông tin khoa học do không đọc được tài liệu hướng dẫn.

Ngay giữa lòng TP Huế, dân cư vạn đò lên định cư đã nhiều năm nay nhưng vẫn không biết chữ hoặc chỉ đọc được lõm bõm những câu đơn giản. Chính sự mặc cảm, tự ti cho nên thanh niên lớn lên phần lớn đều làm nghề thợ nề và đạp xích lô. Cật lực làm việc, song cuộc sống của họ không khá lên được. Chị Nguyễn Ngọc Mai, ở khu tái định cư phường Kim Long (TP Huế), đã ngoài ba mươi tuổi, làm nghề uốn tóc, trải lòng: “Tôi muốn mở quầy salon làm tóc, nhưng đọc không thông, viết không thạo thì làm răng cập nhật được những kiểu làm tóc mới. Vì vậy, bao năm tôi chỉ mở quán nho nhỏ dành cho những khách quen trong xóm. Cứ đụng đến chữ nghĩa là tôi ngượng nghịu, mất hết tự tin khi giao tiếp”.

Do nhu cầu cuộc sống, nhiều người quay lại học chữ. Có nhiều cách để giúp họ tiếp cận với con chữ. Có người đêm về nhờ con bày cách đánh vần, chữ được chữ mất, học trước quên sau, nhưng vẫn cố gắng học hết bảng chữ cái. Có người may mắn tìm được một số gia đình làm việc nhà nước nên được họ bày cho cách đọc, cách viết. Chị Nguyễn Thu Hà (25 tuổi), ở tổ dân phố 22, phường Phước Vĩnh (TP Huế), làm nghề thợ may cho biết: “Lâu ni em cứ tưởng tên mình Thu Hà viết ra chữ là “Thua”, nên kiếm được tờ giấy mô em cũng viết “Thua” đánh dấu đây là của mình. Mấy tháng ni, chị Ngô Thu Hương bên xóm dạy em học chữ, chừ em biết viết tên em rồi!”. Tối nào cũng vậy, xong việc ở quán, Hà lại tranh thủ đến nhà chị Hương học chữ. Một cô, một trò đánh vật với những con chữ hằng đêm để cô gái Thu Hà có nụ cười tự tin khi đứng trước cổng nhà đọc tên các bảng hiệu quanh xóm: Bún bò mụ Chương, cháo Su Su, tại đây có xe thồ… Bây giờ, Hà đã tự lưu được số điện thoại và bắt đầu đánh vần để đọc được tin nhắn. Chị Hương, người tình nguyện dạy chữ cho Hà tâm sự: “Hai lăm tuổi mới bắt đầu làm quen với mặt chữ nên Hà học rất khó khăn, học trước quên sau. Tuy nhiên, em rất chịu khó, học chăm. Ngày nào khách đông không qua học được, Hà đều đến xin phép đàng hoàng. Nay cô gái này đã bắt đầu biết đọc, viết được những vần, chữ thông dụng”.

Những lớp học vỡ lòng U40

Vẫn biết nhiều người muốn học chữ để làm chủ cuộc đời mình, nhưng những ngày đầu vận động họ đến lớp quả không dễ. Họ tính toán, so đo khi mình là lao động chính trong nhà, đi học thì lấy ai làm việc để trang trải cuộc sống. Âu lo hơn khi có người đã lên chức ông nội, bà ngoại mới cắp sách đến trường liệu có học được không. Cách đây chừng hai năm, thầy giáo Nguyễn Văn Trai đã tình nguyện mở lớp miễn phí cho bà con vạn đò ở phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà). Lớp học, bàn ghế, bảng đen, phấn trắng, sách vở… đều do thầy Trai lo liệu. Tuy nhiên, tâm lý xấu hổ, sợ học không được, khiến lớp học vắng tanh sau bốn tháng vận động. Như hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ, các thầy giáo lại đến từng nhà để vận động mọi người đến lớp, theo kiểu mưa dầm thấm lâu; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho học viên đến lớp, bất kể buổi trưa, chiều hay tối.

Không lâu sau, lớp học tình thương ở phường Hương Hồ đã sáng đèn. Hơn 20 người đã quyết tâm theo đuổi con chữ. Tuổi trung bình của học viên lớp tình thương này là 40 (U40), người trẻ nhất đã 30 tuổi, lớn nhất gần 60 tuổi. Ban ngày họ bán cá, đạp xe thồ, tối tối lại rủ nhau đi học. Ngày đi làm, tối đến trong căn phòng mẫu giáo chật hẹp, vang vọng tiếng đánh vần chữ cái còn chuyệch choạc của các bà, các mẹ. Kể về lớp học đặc biệt của mình, thầy Trai cho biết: “Từ hai năm nay, tôi đã mở lớp học xóa mù chữ cho người dân khu tái định cư . Người dân vùng đầm phá quanh năm gắn với sông nước, bắt cá, bắt ốc nên hầu hết không biết chữ. Không ít học viên tuổi ngoài 50, tiếp thu rất chậm, nhưng mọi người rất chăm chỉ. Mưa to, gió lớn cũng đến lớp, nghỉ học đều xin phép. Có người buôn bán ở chợ xong, cơm chưa kịp ăn nhưng vẫn vui vẻ đến lớp tập viết, tập đọc. Đó là động lực lớn cho những người thầy như chúng tôi duy trì lớp học”.

Rời lớp học thầy Trai, chúng tôi đến thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải (huyện Phú Vang), ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh những người nay đã có cháu gọi bằng ông, bằng bà vẫn kiên trì đến lớp học chữ. Trời nắng cũng như mưa, lớp học của thầy Lê Công Thắng vẫn đỏ đèn. Bảy giờ tối, lớp học vốn có chừng 10 người nhưng vắng hơn phần nửa, thầy vẫn bình thản chờ đợi. Điện thoại liên tục reo, học trò xin phép thầy đến muộn. Bên kia đầu dây, giọng rụt rè như người mắc lỗi: “Thầy ạ, hôm nay chợ chiều ế ẩm, em phải đi bán dạo mãi mới xong, giờ lại về cơm nước cho chồng con, lo cho cô con dâu mới sinh, xin thầy cho em đến muộn”. Giọng của người phụ nữ mới lên chức bà nội nghe tồi tội. Phần đông người dân đi phụ thợ nề, đánh bắt cá ở đầm phá và buôn bán nhỏ để kiếm sống. Thêm 30 phút nữa, lớp học mới bắt đầu. Tối hôm ấy, nhiều chị đã đem con theo khi mọi người đều ra đầm phá thả lưới. Nhiều gia đình có đến 2 - 3 thế hệ cùng theo học. Thầy đưa cho lũ trẻ một tập giấy, bút chì, vậy là chúng cứ hí hoáy vẽ, không quấy phá để bố mẹ yên tâm học.

Ai cũng quyết tâm học nhưng khổ nỗi ngư dân suốt đời chài lưới, lênh đênh trên sóng nước, chưa khi nào làm quen với con chữ nên học rất chật vật. Các học viên đọc chữ được, chữ không, khi viết thì tay cứ lóng nga, lóng ngóng. Thầy giáo phải nắm tay từng trò để tập viết. Thầy chỉ đọc mỗi lần hai từ, trò chép xong, thầy đọc tiếp hai từ khác. Thầy đọc trước, trò đánh vần theo: “bờ e be sắc bé, cờ o co sắc có, cờ a ca sắc cá…”. Có khi cả buổi tối, lớp chỉ chép được một bài tập đọc rất ngắn. Chị Nguyễn Thị Ý, ở thôn Vạn Hạ Lan, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) tâm sự: “Trước đây, tui ngại đi học lắm, lớn tuổi sợ học không vô, lại là lao động chính trong nhà nên không có thời gian đến lớp. Kể từ khi thầy giáo đến tận nhà động viên, hai vợ chồng đã cùng đi học. Học chữ khó thiệt, lắm lúc thầy giáo phải cầm tay tập viết nhưng chúng tôi quyết không bỏ cuộc. Ra chợ buôn bán, tranh thủ rảnh là tui ngồi viết lại các chữ cái tối hôm trước học. Còn chồng thì hễ ra đường bắt gặp các bảng quảng cáo là đứng lại say sưa đọc. Nhờ rứa mà sau một tháng, chúng tôi đã biết chữ”.

Nhiều ngư dân ngày nào giờ đây thấy cuộc sống có ý nghĩa khi đời sống tinh thần được phong phú hơn. Họ tự tin để chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia nhiều lớp tập huấn để thành lập trang trại. Chương trình xóa mù chữ cho người dân vùng đầm phá do Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã tổ chức. Sau khi họ biết chữ, trung tâm sẽ tổ chức các chuyên đề, mở thêm các lớp tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản cho người dân.

Chia tay những làng chài khi đêm đã về khuya, chúng tôi còn nghe văng vẳng tiếng học bài sau những mẻ lưới, chuỗi lừ. Giọng họ sang sảng đánh vần nghe vừa vui, vừa buồn cười và thấy thương đến lạ. Thế mới biết, chuyện học đối với bà con các khu tái định cư hoặc cư dân vùng đầm phá Tam Giang không bao giờ là muộn.