Vang xa tiếng trống Bình An

Nhịp sống ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) êm đềm như bao làng quê khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng chỉ cần rẽ vào ấp Bình An, theo con lộ đan sâu vào những cánh đồng lúa bát ngát, khách phương xa sẽ cảm nhận không khí rộn ràng từ những gia đình làm nghề trống. Gần 200 năm qua, nhịp trống Bình An vẫn vang lên mạnh mẽ, hòa cùng nhịp yêu thương của những người mải miết nâng niu giá trị truyền thống.

Anh Nguyễn Trung Dũng quyết tâm theo nghề làm trống của gia đình.
Anh Nguyễn Trung Dũng quyết tâm theo nghề làm trống của gia đình.

Nghề của năm đời

Ngôi nhà anh Nguyễn Văn Tuấn nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông ở ấp Bình An. Bốn bề tràn gió. Trước ngôi nhà, bên cạnh những chiếc trống nhỏ đang được căng da xếp ngay ngắn, anh Tuấn miệt mài bào những tấm ván để làm thân trống mà không để ý có khách đến thăm. Trao đổi với chúng tôi, anh Tuấn cho biết: "Vào dịp cao điểm làm hàng cuối năm, những người làm trống "ăn với trống, ngủ với trống". Ngày nào cũng phải giao cho mối khoảng hơn 40 cái trống nhỏ". Gia đình anh Tuấn không có nhiều vốn nên chỉ chọn làm trống nhỏ và giao hàng cho thương lái ở Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh. Rồi từ đó, những chiếc trống sẽ được bán đi khắp nơi từ Ðồng Nai, Bình Thuận, cho đến vùng cao Tây Nguyên.

Cũng làm nghề truyền thống như vợ chồng anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Ba, một trong những người làm trống có tiếng ở ấp Bình An đang phụ con trai để kịp giao 1.500 cái trống nhỏ cho đúng hợp đồng với khách hàng. Ông Ba cho hay, những cái trống nhỏ này sẽ xuất khẩu qua Cam-pu-chia. Với đơn đặt hàng nhiều nhất, nhì ở xóm, nhà ông Ba mỗi dịp cuối năm - cao điểm mùa làm trống, từ trong ra ngoài toàn trống với trống. Trống nhỏ đến trống lân, trống chầu, từ những cái đã sơn bóng đỏ chờ giao hàng đến những cái trống to vừa mới đóng khung xong. Chỉ về phía cái trống lân đang làm dở, ông Ba Khía (tên thân mật mọi người gọi ông Nguyễn Văn Ba) nói với giọng tự hào: "Trống Bình An coi vậy chớ không chỉ có mặt trên nhiều vùng miền trong cả nước, mà còn xuất ngoại nữa đó. Giờ đi đâu vào dịp lễ, Tết, tụi tôi rất hay gặp tiếng trống của chính mình làm".

Muốn biết nghề làm trống ở Bình An có từ khi nào chỉ việc hỏi ông Năm Mến. Người dân Bình An vẫn thường bảo thế mỗi khi có ai tìm hiểu về nghề làm trống nơi đây. Ông Năm Mến (tên hay dùng của ông Nguyễn Văn Mến) là Nghệ nhân dân gian, một trong số ít người làm trống có uy tín nhất ở ấp Bình An. Thật khó để có một buổi chuyện trò suôn sẻ với ông Năm Mến vì điện thoại của ông cứ liên tục réo chuông do khách gọi đặt hàng. Vào dịp cao điểm, khi áng chừng công việc đã đủ, với những khách đặt hàng muộn, ông Năm Mến phải từ chối. "Hàng đã nhiều lắm rồi, trong khi tôi chỉ làm trống lớn, cho nên nếu nhận sẽ không làm kịp để giao cho người ta. Ðành từ chối thôi!". Ông Năm Mến cho biết, nghề làm trống ở Bình An có cách đây khoảng 200 năm, từ đời ông cố của ông. Nếu tính đến đời con ông Năm Mến thì nghề này đã qua năm đời. Ông Năm Mến nhớ lại, ông cố Nguyễn Văn Ty chính là người có công đưa nghề làm trống về vùng đất Bình An này.

Ngày xưa, ông Ty sống như dân thương hồ, rày đây mai đó. Trên chiếc ghe nhỏ, vợ chồng ông đi bán từng hũ tương, hũ muối để kiếm sống. Có lẽ trên những chuyến lang bạt đó, ông cố của ông Năm Mến đã học được nghề làm trống từ người Gò Công. "Mỗi lần ông cố tôi thấy ai mần trâu bỏ da lại, ông đều mang về. Rồi ông đóng cọc xuống đất để căng da, làm ra những chiếc trống đầu tiên"- ông Năm Mến kể. Theo lời ông, những chiếc trống đầu tiên của ông cố chỉ cần vỗ nghe kêu là đạt yêu cầu. Rồi qua thời gian, đến đời ông nội, và nhất là đời cha ông Năm Mến, ông Nguyễn Văn Tình, tiếng trống Bình An dần sắc sảo hơn và nghề lan tỏa ra nhiều gia đình để trở thành xóm làm trống. Ngay từ nhỏ ông Năm Mến đã được cha dạy làm trống, bắt đầu từ những công việc đơn giản như xỏ dây, kéo da. Hồi ấy chưa có máy móc cho nên mọi công đoạn đều phải làm thủ công. Ông Mến nhớ có khi vì mê chơi nên làm không đúng kỹ thuật hoặc chưa đạt yêu cầu, bị cha cho ăn đòn. Nhờ vậy mà đến năm 16, 17 tuổi, ông Năm Mến đã thành thạo hàng chục công đoạn làm trống.

Ông Nguyễn Văn Lương (Út Lương) cũng là một người làm trống có tiếng. Chỉ làm trống đặt chứ không làm trống chợ cho nên với ông Lương, làm trống là quanh năm chứ không tập trung vào dịp Tết hay Trung thu. Ông Lương học làm bịt trống từ rất nhỏ theo kiểu cha truyền con nối. Từ đó, theo thời gian, với kinh nghiệm được tích lũy, tay nghề "nhuyễn" hơn, ông Lương đã tạo ra thương hiệu cho tiếng trống của riêng mình. Ông Út Lương tâm sự: "Người làm trống ở Bình An đều có chung họ hàng, gốc gác. Tuy nhiên, mỗi gia đình có kinh nghiệm và bí quyết làm trống riêng cho nên tiếng trống không lẫn ai với ai. Tiếng trống do tôi làm khác với tiếng trống của ông Năm Mến, và tiếng trống của ông Năm Mến sẽ có nét riêng so với ông Ba Khía... Ðiều đó làm cho chất lượng trống Bình An thêm phong phú và độc đáo hơn".

Ðau đáu giữ nghề

"Muốn nghề này phát triển phải chăm chút từng miếng da, tấm gỗ", ông Năm Mến bảo thế. Cho nên, nói đến thương hiệu làm trống Bình An thì phải nói đến trống ông Năm Mến, ông Út Lương hay ông Ba Khía. Vì đây là những hộ làm trống lớn theo đơn đặt hàng của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, chứ không phải làm trống nhỏ hay người trong nghề gọi là trống hàng chợ như nhiều hộ khác. Do có chất lượng cao, thương hiệu trống Bình An được nhiều người biết đến. Từ tấm da, tấm gỗ làm trống phải là loại tốt chứ không làm từ da thuộc hay cao-su và gỗ bình dân. Làm trống nào thì phải chọn da phù hợp với trống đó, phải biết cách bào da sao cho khéo để mỗi khi tiếng trống vang lên âm thanh phải chuẩn. Ông Năm Mến vừa giải thích, tay không ngừng vỗ vào mặt trống lân có đường kính 1,5 m: "Như cái trống lân này, âm thanh của nó phải bốc như thế thì lân mới nhảy "máu" được". Theo ông, làm trống là nghề khá cực nhọc vừa dùng sức nhưng cũng cần sự tinh tế. Nhưng điều quan trọng nhất là người làm trống, phải khó tính với chính mình, không vì số lượng mà trở nên dễ dãi với sản phẩm mình làm ra. Tuy nhiên, ông Năm Mến cũng thừa nhận, để làm trống như ông, ngoài tay nghề, đòi hỏi phải có vốn lớn để trữ nguyên liệu. Ðiều này không phải ai cũng có được cho nên dù có hơn 20 hộ làm trống, nhưng thương hiệu trống nổi tiếng ở Bình An vẫn chỉ xoay quanh mấy cái tên.

"Vốn thì còn có thể nhờ ngân hàng hỗ trợ, nhưng nếu không có người nối nghiệp thì nghề này về sau cũng khó giữ, chú ạ", - anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ. Nói đến việc truyền nghề, anh Tuấn tỏ vẻ lo lắng khi đứa con trai duy nhất của mình đã quyết tâm "không theo nghề của cha vì khó quá". Con trai anh năm nay 15 tuổi, đã nghỉ học và đang đi theo nghề chạm bạc. Dù muốn có người theo nghề nhưng anh Tuấn không biết làm cách nào khi con mình đã chọn nghề khác vừa dễ kiếm sống lại nhẹ nhàng hơn.

May mắn hơn anh Tuấn, những hộ làm trống như ông Năm Mến, Út Lương, Ba Khía đều có được người tiếp tục giữ nghề truyền thống. Nhắc đến con mình, ông Ba Khía tự hào khi người con trai út Nguyễn Huy Cường quyết định ở nhà để gắn bó với nghề làm trống. Nguyễn Huy Cường vừa bước qua tuổi 32, nhưng anh đã có 16 năm theo cha làm trống. Thấy mấy anh trai không ai theo nghề của cha, Huy Cường quyết định nối nghiệp cha. Giờ đây, ở ấp Bình An, không ai làm trống nhỏ giỏi bằng anh. "Nghề này đã nuôi bốn anh em tôi khôn lớn cho nên tôi phải giữ lấy nó" - Huy Cường tâm sự. Còn với anh Nguyễn Trung Dũng, con trai ông Út Lương, không chỉ tiếp tục theo nghề của gia đình, mà trong anh luôn đau đáu một điều làm sao để chất lượng trống Bình An ngày một tốt hơn. Anh vẫn mơ ước ứng dụng máy móc vào nghề làm trống để người thợ đỡ vất vả mà sản phẩm vẫn đạt chất lượng, có độ tinh xảo cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cứ mỗi dịp gần Tết, tiếng trống Bình An lại cứ vang lên rộn rã giữa vùng quê yên bình. Anh Nguyễn Văn An, người nối nghiệp Nghệ nhân dân gian Năm Mến bày tỏ, cứ sáng dậy nghe tiếng trống là thấy ấm lòng, máu nghề lại sôi lên. Anh nhớ, có lần gặp khó với công việc anh định kiếm nghề khác để làm. "Hôm đó tôi có tiếp người bạn bên Ô-xtrây-li-a về, anh ấy bảo rất tự hào về quê hương khi một lần đi chùa phát hiện ra ở đấy có sử dụng trống của ba tôi. Từ hôm đó, tôi từ bỏ ý định kiếm việc khác mà chỉ tập trung cho nghề trống của gia đình" - anh An chia sẻ.

Với những người trẻ biết chăm chút giá trị truyền thống, tin rằng nhịp trống Bình An vẫn tiếp tục được gióng lên đều đặn, mạnh mẽ và vang xa hơn.