Thợ đá Thất Sơn

Công việc vất vả, nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị thương tật, tổn hại sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng tính mạng: mảnh đá văng găm vào da thịt, rạn xương, dập ngón tay, ngón chân... Nhọc nhằn, hiểm nguy là thế, nhưng nghề khai thác đá ở miệt Thất Sơn, tỉnh An Giang đã giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng cũng như người tứ xứ.

Những bãi đá san sát dọc theo tỉnh lộ 943, qua xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Những bãi đá san sát dọc theo tỉnh lộ 943, qua xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Buổi trưa. Thất Sơn nắng như thiêu như đốt. Những người thợ như những chú ong cần mẫn đục, đẽo, cắt, xeo những khối đá khổng lồ. Mỗi “công trường” được đánh dấu bằng một tấm bạt đã phai mầu, sờn rách, bên dưới ngổn ngang đá lớn, đá nhỏ. Tôi chú ý tới một người thợ gầy gò, tóc muối tiêu đang miệt mài đục một khối đá lớn ra thành những trụ đá, cỡ một tấc vuông, dài gần hai thước. Người đàn ông không hề bị phân tâm vì sự xuất hiện của người khách lạ. Cố hết sức bình sinh, ông quai búa tạ, bổ liên hồi xuống những chiếc nêm sắt. Buông búa, ông lại lấy xà-beng để xeo, tách những khối đá to ra thành từng khối nhỏ hơn cho dễ bề xoay chuyển. Chỉ khi bà vợ kêu ông nghỉ tay, uống cốc nước đá lạnh để lấy sức, tôi mới có dịp chuyện trò với người đàn ông có vẻ ngoài khắc khổ này.

Ông tên Hồ Văn Thành, quê ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, năm nay 56 tuổi. Ông Thành cười, tỏ vẻ ái ngại, sợ khách không tin đó là tuổi thực của mình: “Trông tui nhàu thế này thôi nhưng còn ít tuổi mà… Cái nghề chẻ đá tổn hao sức khỏe ghê lắm! Tui làm nghề này từ năm 14 tuổi, tới nay đã 42 năm. Mấy người gặp tui đều nói phải hơn sáu mươi, chứ năm mấy ai tin, cha nội. Tui chỉ gượng cười, bởi đã trót bán cả tuổi thanh xuân cho cái nghề thợ đá cha truyền con nối này rồi”.

Thợ đá Thất Sơn ảnh 1

Thợ đá lao động nặng nhọc nhưng thu nhập bấp bênh.

Ông Thành kể, nhà nghèo lại đông anh em mà không có đất ruộng, cha mẹ ông đùm túm bầy con tìm đến mỏ đá Núi Sập, ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để gánh đá thuê. Vất vả, nặng nhọc, làm tới nỗi tay chai, lưng còng mà cha mẹ ông không đủ tiền mua gạo cho đàn con thơ ngày hai bữa ấm lòng... Vậy rồi, chị em của ông Thành, người từ mười sáu, nhỏ thì mười ba, mười bốn tuổi đều đã bắt đầu gắn cuộc đời mình với mỏ đá để mưu sinh, đỡ đần cha mẹ. Rồi họ lớn lên, lấy vợ gả chồng cũng loanh quanh từ chốn làm thuê, gánh đá này. Như ông Thành, kết duyên với cô gái Cần Thơ cùng cảnh tha phương cầu thực qua những bận đỡ đần nhau.

“Khi cha mẹ hai bên đồng ý cho lấy nhau, tụi tui đợi ngày cuối tháng lĩnh lương, mua cặp gà thết đãi anh chị em trong nhà, coi như là ra mắt. Đời mình nghèo, sanh con đẻ cháu cũng nối tiếp cái nghèo. Vậy rồi tụi nhỏ bám víu lấy cái nghề chẻ đá để mưu sinh. Tui nói, nghề cực khổ gian lao mà cha truyền, con nối là như vậy”, ông Thành vừa nói vừa giơ cánh tay chi chít u nần do miểng đá găm vô rồi nằm luôn trong da thịt suốt mấy chục năm qua làm minh chứng.

Ít tuổi hơn ông Thành nhưng cũng có thâm niên trong nghề chẻ đá, anh Huỳnh Văn Truyền, quê ở Thoại Sơn, hành nghề ở bãi đá Cô Tô, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Anh Truyền kể, 15 năm trước, khi bãi đá Núi Sập đóng cửa, cánh thợ đá dạt lên miệt Thất Sơn mưu sinh. Nơi đây có những công trường khai thác đá khổng lồ, cung ứng cho ngành xây dựng của miền Tây Nam Bộ. Nghề khai thác đá tạo công ăn việc làm cho người dân lao động nghèo tứ xứ. Nhưng người thợ đá phải đánh đổi bằng mồ hôi và đôi khi là xương máu, thậm chí cả tính mạng để có chén cơm manh áo.

“Tui vô cùng may mắn đã ba lần trở về… từ cõi chết. Nhiều “đồng nghiệp” của tui hồi ở Núi Sập, tới cả núi Cô Tô này đã vĩnh viễn nằm lại dưới vực sâu, bị đá vùi lấp xác”, người thợ đá 48 tuổi nghẹn ngào kể. Khi mới hơn 20 tuổi, Truyền theo chân những người lớn tuổi lên núi khai thác đá. Chưa có kinh nghiệm, lúc tảng đá sắp rơi mà anh vẫn xớ rớ đứng bên ngoài. Một người thợ đi cùng kịp chộp cánh tay lôi Truyền vào bên trong, thoát chết trong gang tấc… Lần thứ hai, khi đang cùng nhiều thợ khác vắt vẻo khai thác trên đỉnh núi thì đá lở, cả đám rơi xuống vực, Truyền thoát chết một cách thần kỳ. “Lần thứ ba là khi tui phá tảng đá rộng cỡ 200 m2 ở lưng chừng núi. Đang mải mê đục, xeo, cắt đá ra thành trụ, thành đà thì nghe tiếng la “Đá lở!”. Kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề mách tui phải chạy thật nhanh không suy nghĩ, đắn đo. May mà thoát chết. Tảng đá chỗ tui ngồi bị chấn động đã tự tách ra, rơi xuống. Sau đó, tui xuống núi, chỉ làm thợ chẻ đá ở bãi, rau cháo qua ngày. Đâu có ai may mắn lần thứ tư?!”. Anh Truyền xòe bàn tay chỉ còn bốn ngón trước mặt tôi, bảo xuống núi cũng chưa yên. “Một lần cầm đe cho “đồng nghiệp”, bị giáng một búa, ngón tay bay mất dạng”, anh cười.

Tính từ núi Sam thuộc địa phận TP Châu Đốc, chạy dài qua các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, thì có bốn huyện, thành phố ở An Giang có núi. Và Núi Sập chính là đại công trường khai thác đá đầu tiên ở tỉnh An Giang với hàng trăm lao động tứ xứ tụ hội mưu sinh. Theo một số người, cái tên Núi Sập là để chỉ việc khai thác đá quá mức. Ngày nay, việc khai thác đá tại đây đã bị cấm, những khu vực khai thác trước đây được tận dụng, cải tạo để làm du lịch. Khu vực lòng hồ số một hay còn gọi là hồ Ông Thoại được hình thành chính là do việc khai thác đá ở Núi Sập thuở nào.

Núi Sập đóng cửa, việc khai thác đá hiện nay tập trung chủ yếu ở vùng Thất Sơn. Theo nhiều tài liệu ghi chép, vùng Thất Sơn (hay còn gọi là Bảy Núi) bao gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Thực tế, cả vùng có đến 37 ngọn núi lớn, nhỏ, tuy nhiên, chỉ bảy ngọn núi được nhiều người nhắc đến, thành tên gọi chung cho cả vùng. Khu vực khai thác đá lớn nhất ở Bảy Núi là tại núi Cô Tô, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn. Ven tỉnh lộ 943, những bãi đá chạy dài tít tắp. Tiếng máy cắt, tiếng đục, tiếng búa đập đá vang lên liên tục, xoe xóe, chát chúa. Để có những trụ đá, viên đá dùng trong xây dựng, chủ bãi đá phải thuê thợ cắt, đục những khối đá lớn theo đúng kích thước đã định. Anh Nguyễn Văn Sơn, dân đập đá chuyên nghiệp đứng lọt thỏm giữa đống đá to tướng quai chiếc búa sắt nặng đến 7 kg, bổ chan chát xuống từng tảng đá. Mồ hôi tuôn nhễ nhại, lưng áo anh Sơn ướt đẫm...

Thợ đá làm việc trong môi trường ồn ào, bụi bặm đầy bụi đá cho nên nguy cơ bệnh tật và ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài là điều không tránh khỏi. Ông Nguyễn Công Bằng hơn 20 năm theo nghề thợ đá thổ lộ rằng, trong người ông hiện vẫn còn “lưu” nhiều miểng đá, dăm đá như những kỷ vật bất đắc dĩ với cái nghề gian khổ. Với bất cứ thợ đá nào, chuyện miểng đá găm vào da thịt rồi “nằm lỳ” ở đó là hết sức bình thường. “Có những người kém may mắn còn bị dăm đá, miểng đá văng vào mắt, gây cảnh mù lòa, tàn tật, trở thành gánh nặng cho gia đình… Làm thuê công nhật, chủ bãi đâu có mua bảo hiểm tai nạn cho mình!”, ông Bằng nói.

Nhọc nhằn không kém là những người gánh đá thuê từ bãi xuống ghe. Họ phải dùng tay trần bê từng viên từ đống đá thành phẩm để cho vào gióng gánh. Có đôi gióng gánh đá nặng đến 130 kg… Miệt mài như những chú kiến cần mẫn tha mồi về tổ, họ thận trọng trong từng bước chân, chiếc đòn dày oằn xuống. “Gánh hết đống đá kia, hai người chia nhau, mỗi người được tám mươi nghìn đồng. Nặng nhọc, vất vả thế mà cũng bấp bênh lắm, bởi máy móc, băng chuyền dần chiếm hết việc”, anh Hùng, một công nhân gánh đá thuê thổ lộ.