Sức sống mới trên vùng đất cổ Đông Anh

Đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đông Anh hân hoan kỷ niệm 140 năm Ngày thành lập huyện (10-1876 - 10-2016), vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì và danh hiệu huyện nông thôn mới.

Đường Trường Sa (huyện Đông Anh).
Đường Trường Sa (huyện Đông Anh).

Niềm vui tiếp nối niềm vui, mảnh đất hai lần được chọn là kinh đô của nước Việt xưa đã và đang thay da đổi thịt, với định hướng trở thành khu vực đô thị mới, hiện đại của Thủ đô trong những năm tới.

Tiếp nối hào khí anh hùng

Nằm ở phía bắc Thủ đô Hà Nội, huyện Đông Anh là vùng địa linh của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cách đây hơn 2.300 năm, Thục Phán An Dương Vương khi lập ra nước Âu Lạc đã dời đô về Cổ Loa trên đất Đông Anh và xây dựng nơi đây trở thành tổ hợp Kinh thành - Quân thành - Thị thành, một trong những đỉnh cao của kiến trúc quân sự Việt Nam. Mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền khi xưng vương đã chọn Cổ Loa làm kinh đô, khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu phục hưng độc lập, sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến tháng 10-1876 (thời Vua Tự Đức), huyện Đông Anh được thành lập trên cơ sở các làng, xã của ba huyện: Đông Ngàn (phủ Từ Sơn), Kim Anh (phủ Bắc Hà, tỉnh Bắc Ninh), Yên Lãng (phủ Tam Đới, tỉnh Sơn Tây).

Mảnh đất hai lần được lựa chọn là kinh đô của nước Việt đã không ngừng phát huy hào khí của Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Thăng Long... trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như dựng xây và phát triển. Năm 1941, Trung ương đã quyết định chọn nhiều làng trên địa bàn Đông Anh làm an toàn khu. Nhân dân huyện Đông Anh đã chăm lo, bảo đảm an toàn cho nhiều lãnh đạo của Đảng, như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Hoàng Văn Thụ,... khi các đồng chí về hội họp, chỉ đạo phong trào Cách mạng của cả nước tại địa phương. Giặc Pháp nhiều lần đàn áp, nhưng nhân dân kiên cường, anh dũng sẵn sàng hy sinh xương máu bảo vệ cho cách mạng. Hoạt động của an toàn khu trên địa bàn huyện có đóng góp to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính vì vậy, có tới 22 xã trên tổng số 24 xã, thị trấn của huyện vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều xã được phong tặng danh hiệu cao quý này hai lần. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành cho mảnh đất này tình cảm đặc biệt khi Người đã sáu lần về thăm, làm việc với nhân dân Đông Anh.

Xây dựng nông thôn mới thành công Tháng 5-1961 đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh, khi huyện chính thức trở thành đơn vị hành chính của Hà Nội. Ngay sau đó, Đông Anh đã được chọn làm điểm thực hiện “điện khí hóa” nông thôn đầu tiên ở miền bắc, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Chỉ sau 17 tháng thi công, công trình “điện khí hóa” toàn huyện cơ bản hoàn thành ở 22 trong tổng số 23 xã, 76 trong tổng số 88 hợp tác xã có điện phục vụ sản xuất và một phần phục vụ sinh hoạt. Có điện phục vụ sản xuất, lại làm tốt công tác thủy lợi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cho nên tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tăng mạnh từ 21.550 ha (năm 1961) lên 24.625 ha (năm 1965), cùng với đó năng suất lúa đã tăng từ 36 tạ/ha lên 45 tạ/ha. Những tiền đề quá khứ là động lực mạnh mẽ để Đông Anh vươn lên và trở thành một trong hai huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô được công nhận, với tất cả 23 xã đạt chuẩn. Các xã đều đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí về văn hóa, về điện, thu nhập, giáo dục, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên... đều đạt cao. Toàn huyện có 44 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 51,16% tổng số trường, có 21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 107 nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo... 100% số tuyến đường trục xã, liên xã, liên thôn, 95% số đường ngõ xóm trên địa bàn được đầu tư nhựa hóa, bê-tông hóa, 86% số đường trục chính nội đồng, được bê-tông, cứng hóa giúp cơ giới hóa hoạt động sản xuất được đẩy mạnh. Hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu cũng đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa đạt 85%. Từ vùng đất chỉ trồng lúa, trồng màu, người dân Đông Anh hôm nay đã nâng cao thu nhập bằng các vùng chuyên canh nông nghiệp. Huyện hiện có 480 ha trồng đào, quất cảnh và hoa các loại phục vụ thị trường. Diện tích trồng rau đạt 2.216 ha, trong đó, vùng rau an toàn chiếm 815 ha, trải rộng ở các xã Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nam Hồng. Hơn 650 ha trồng lúa ở các xã Thụy Lâm, Dục Tú, Liên Hà được chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa, thay vì tự cung tự cấp như trước đây. Những bước chuyển ấy đã khiến giá trị sản xuất tăng cao. Nếu như năm 2011, giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 110 triệu đồng/năm, thì đến nay đã tăng lên 245 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập người dân bình quân từ 20 triệu đồng/người vào năm 2010, nay đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Hướng tới đô thị văn minh, hiện đại

Đông Anh đang tận dụng lợi thế của một vùng ven đô để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, song song với xây dựng những khu đô thị, khu công nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra khá nhanh, nhất là khi các công trình hạ tầng như cầu Đông Trù, các tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp... được đưa vào sử dụng. Từ những lợi thế về vị trí, tiềm năng kinh tế, nguồn lực về đất đai đây sẽ là khu vực phát triển đô thị quan trọng, là khu vực đô thị mới, hiện đại của Thủ đô Hà Nội trong những năm tới. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển khu vực bắc sông Hồng, trong đó có huyện Đông Anh sẽ trở thành trung tâm hành chính, thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn giá trị di sản khu di tích thành Cổ Loa và giá trị cảnh quan thiên nhiên đầm Vân Trì - sông Thiếp.

Chia sẻ niềm vui trong dịp kỷ niệm 140 năm Ngày thành lập huyện và đón nhận các phần thưởng cao quý, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh xác định một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong những năm tới là thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng đồng bộ, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị văn minh, hiện đại. Huyện sẽ chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo bước phát triển đột phá, góp phần nâng cao đời sống người dân. Kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của Cổ Loa, Thăng Long - Hà Nội, theo dòng chảy của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và người dân Đông Anh sẽ luôn chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.