Sau cơn bão dữ Linda

NDO -

NDĐT – Những ngày này, tỉnh Cà Mau ráo riết các hoạt động tưởng niệm nạn nhân xấu số trong cơn bão số 5 (bão Linda) xảy ra vào những ngày đầu tháng 11 năm 1997. Tròn 20 năm, “cơn bão lòng” của những góa phụ miền biển vẫn chưa nguôi ngoai. Song, chính những mất mát, đau thương đã khiến cư dân miền biển mạnh mẽ hơn, ý thức rõ hơn những hiểm nguy đến từ biển lớn…

Vượt qua khó khăn, cư dân miền biển Cà Mau đóng tàu lớn xa khơi sau cơn bão Linda.
Vượt qua khó khăn, cư dân miền biển Cà Mau đóng tàu lớn xa khơi sau cơn bão Linda.

Bão qua, tình người ở lại

Ngoài thiệt hại về vật chất, cơn bão có tên mỹ miều Linda đã để lại cho cư dân miền biển Cà Mau “vết thương lòng” khó thể bù đắp. Không ít người vợ phải xa chồng, con chào đời không kịp thấy mặt cha… Đó cũng là lý do vài đứa trẻ ở miền biển Khánh Hội được đặt tên là “Bão Biển”, “Hận Biển” từ khi mới lọt lòng.

Chú Ba Chuông (Huỳnh Chuông, 70 tuổi), Bí thư Chi bộ ấp 4 (xã Khánh Hội, huyện U Minh) đề cập nỗi oán giận của nhiều thiếu phụ mất chồng do bão và chỉ rõ: Biện Nhị, Chệt Tửng, Lung Lá, Kênh Xáng Mới... là những nơi có nhiều ngư dân đi biển bị chết nhiều nhất ở Khánh Hội.

Hớp ngụm trà nóng cho bớt lạnh, chú Ba Chuông bấm đốt ngón tay nhẩm tính: Chỉ riêng đoạn Kênh Xáng Mới thôi đã có hơn 50 ngư dân bị chết, hàng trăm căn nhà bị sập và tốc mái. Đó là chưa tính số ngư dân mất tích đến giờ vẫn “bặt vô âm tính”.

Trò chuyện với chúng tôi giữa ngày mưa dông cuối tháng 10, khi trên biển đông đang hình thành cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, chú Ba Chuông kể rằng, ngày trước, Kênh Xáng Mới thuộc địa phận ấp 7 của xã Khánh Lâm. Sau ngày chia tách xã, ấp 7 của Khánh Lâm trở thành ấp 3, 4, 6, 7, 8 của xã Khánh Hội. Chú nhớ rõ mồn một bởi thời điểm bão Linda càn quét qua vùng biển Cà Mau, chú Ba Chuông là Trưởng ấp 7.

Ngày ấy, nhận nhiệm vụ từ cấp ủy, chính quyền địa phương, chú Ba bơi xuồng, la lớn qua loa cầm tay, kêu người dân chằng néo nhà cửa, tìm mọi cách liên lạc với người thân còn ngoài khơi nhanh chóng tìm nơi ẩn núp hoặc di chuyển nhanh vào bờ bởi sắp có bão lớn. Ở những nơi không di chuyển được bằng xuồng, chú Ba Chuông và những cán bộ ấp xắn quần, lội sình đến từng nhà để tuyên truyền, vận động. Thế nhưng, cư dân vẫn dửng dưng trước những lời cảnh báo nguy hiểm vì cho rằng vùng biển yên bình Cà Mau trước giờ chưa từng có bão. Chính sự lơ là, chủ quan ấy mà sau này, ở Khánh Hội có những “Làng góa phụ”, “Xóm không chồng” vì “trụ cột” gia đình đã đi mãi không về…

Lật quyển sổ lưu trữ đã úa màu thời gian, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Đảm cho biết, Khánh Hội là nơi gánh chịu những hậu quả bi thảm nhất của bão số 5 (bão Linda) khi có hơn 1.800 người chết, mất tích và bị thương; gần 900 tàu cá mất tích, hư hỏng; hàng nghìn căn nhà bị sập, tốc mái… với tổng thiệt hại hơn 270 tỷ đồng.

“Hồi ấy, một lượng vàng chỉ vài trăm nghìn đồng thì mức thiệt hại nêu trên quả là khủng khiếp”, ông Đảm buông giọng buồn buồn rồi liệt kê vài gia đình ở Khánh Hội cùng lúc mất đi nhiều “trụ cột” trong cơn bão Linda. Trong đó, hộ ông Trần Văn Húa (Năm Húa) là gia đình chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có tới ba người con ruột, hai con rể và một cháu ngoại tử nạn không tìm thấy thi thể. Gia đình ông Húa còn bị chìm hai chiếc tàu cùng ngư cụ trị giá cả tỷ đồng. Cùng cảnh ấy, gia đình bà Trần Thị Lăng (57 tuổi, ngụ ấp 4, xã Khánh Hội) có hai tàu câu mực và người chồng mất tích trong cơn bão. Gần đó là gia đình chị Trần Thị Mỹ Tiên, có hai người anh ruột chết mất xác ngoài khơi. Khi ấy, chị Tiên mới 14 tuổi đầu, còn hai người anh xấu số là Trân Bình Đẳng (19 tuổi), Trần Trường Hải (17 tuổi) đang làm dành dụm tiền cưới vợ nhưng ước mơ tiêu tan theo cơn bão dữ.

Sau cơn bão dữ Linda ảnh 1

Vùng quê ấp 4 (xã Khánh Hội, huyện U Minh) đổi thay 20 năm sau cơn bão dữ.

Chia sẻ với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hội Đoàn Văn Hắt cho biết, trong nhiều năm liên tiếp, cấp ủy, chính quyền địa phương phải nỗ lực nhiều lắm mới tái thiết cuộc sống người dân sau cơn bão Linda. “Nhờ sự trợ giúp từ T.Ư và những tấm lòng thơm thảo gần xa mà nhà dân bị hư hỏng được hỗ trợ xây cất, sửa chữa lại; tàu cá bị chìm, hư hỏng được hỗ trợ sửa chữa, đóng mới để vươn khơi. Cộng với các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm… mà đến giờ, phần lớn những gia đình bị thiệt hại trong cơn bão đã cải thiện được cuộc sống, “giấc mơ” vươn khơi của những người đi mãi không về cũng được chính con em họ tiếp nối”, đồng chí Đoàn Văn Hắt cho biết.

Vượt qua bão dữ

Về miền biển Khánh Hội bây giờ, xe ô-tô đã đến được trung tâm xã. Trụ sở hành chính ọp ẹp cặp mé biển ngày nào giờ được di dời đến nơi cao ráo, được xây cất khang trang theo kiểu “nhà cao cẳng”, vừa chống chọi được với triều cường, nước dâng nhưng có thể làm nơi trú ẩn khi có mưa bão xảy ra. Nhờ sự hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh, Khánh Hội giờ đã xây cất được Trung tâm văn hóa, thể thao; cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế gần như hoàn thiện. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Khánh Hội lần lượt bê-tông hóa phần lớn các tuyến trục chính về các ấp, góp phần giúp nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa được dễ dàng, thuận lợi.

Chúng tôi ghé khu vực chợ xã ọp ẹp ngày nào, giờ đây việc buôn bán đã trở nên sầm uất. Nhờ công tác xã hội hóa, tiểu thương đã có nơi buôn bán khang trang, có nhà lồng dành riêng cho các mặt hàng bách hóa tổng hợp và khu dành cho các mặt hàng nông sản. Cặp khu chợ là con sông lớn trổ thẳng ra biển Tây, vừa được Nhà nước đầu tư nạo vét, khơi lòng sâu, đang giai đoạn hoàn thành để phục vụ ghe tàu cập bến sau chuyến biển dài ngày. Mừng hơn bởi dọc tuyến sông ấy, Nhà nước còn đầu tư tiền tỷ xây dựng bờ kè chống xói lở kết hợp làm nơi tránh, trú bão cho tàu cá mỗi khi thời tiết nổi cơn thịnh nộ.

Là thế hệ “sanh sau, đẻ muộn”, Trưởng ấp 4 (xã Khánh Hội) Nguyễn Văn Kiết không tường tận lắm thời khắc cơn bão càn quét qua miền biển quê hương. Song, trong ký ức của anh, đó là những ngày buồn nhất của tuổi thơ khi phải chứng kiến nhiều người vật vã khóc lóc, nhiều gia đình phút chốc trở thành trắng tay, phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”.

Tuy có buồn nhưng theo anh Kiết, mọi chuyện rồi cũng qua nhờ mọi miền đất nước chung tay hướng về “tâm bão”. Chính những “chiếc lá lành” ấy đã “làm lành” dần những vết thương và những tổn thất vật chất cho cư dân miền biển Khánh Hội ngày nay, để giờ đây, cư dân Khánh Hội vững tin tiến ra biển lớn. Như hộ ông Năm Húa, sau cơn bão, gia đình tiếp tục đứng lên, đóng mới tàu cá, tiếp tục vươn khơi, bám biển với tàu cá mang tên Chí Tâm. Tương tự, chị Lý Hồng Mận (52 tuổi), Phó Chủ tịch MTTQ xã Khánh Hội, có chồng là lính Biên phòng xuất ngũ, bị tử nạn trong cơn bão Linda. Sau khi bão đi qua, dù phải vắng đi “trụ cột” nhưng chị vẫn ở vậy nuôi con, cất được nhà cửa lành lặn, con cái được chăm lo ăn học đàng hoàng, có việc làm ổn định.

Sau cơn bão dữ Linda ảnh 2

Nhiều “góa phụ” ở Khánh Hội chặt dạ, sắc son, thay chồng nuôi con với những nghề chân chính.

Chị Mận tỏ ra buồn buồn khi đề cập chuyện cũ nhưng tiết lộ, ngoài trường hợp của chị, ở Khánh Hội hiện còn bốn góa phụ có chồng tử nạn trong cơn bão số 5 nhưng chưa tái giá, gồm: Lư Thị Dướng, Quách Thị Sen, Nguyễn Thị Cẩm (ấp 2) và Trần Thị Siếu (ấp 4). “Bằng đôi tay khéo léo và với nghị lực bền bỉ của cư dân miền biển, các chị đã từng bước vượt qua nỗi đau, lao động kiên trì bằng nhiều nghề chân chính để nuôi con khôn lớn. Trong số những con em đó, phần nhiều tiếp nối nghề biển như cha, ông mình ngày trước”, chị Mận ngó mắt về hướng biển với niềm tin bền chặt.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 4.600 tàu khai thác thủy sản trên biển, trong đó có gần phân nửa tàu công suất từ 90CV trở lên, có thể xa khơi dài ngày. So với thời điểm trước khi xảy ra bão Linda, quy mô tàu khai thác xa bờ hiện nay nhiều hơn. Trên những chiếc tàu xa khơi ấy, ngư dân trang bị đầy đủ phao cứu sinh cùng thiết bị vô tuyến, viễn thông để có thể tiếp nhận thông tin thời tiết ở bất cứ vị trí nào trên biển, góp phần giảm thiểu rủi ro khi có thiên tai ập đến bất ngờ.

Đề cập đến những chuyển biến sau cơn bão Linda, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Lê Thanh Triều chia sẻ: “Ngày trước, khi thông báo bão, ngư dân lơ là, chủ quan, thậm chí không tin nhưng giờ mới nghe “rục rịch” là đã cuống cuồng chằng néo nhà cửa. Đó là một trong những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân từ sau thảm họa cơn bão Linda. Chính rủi ro đã làm thay đổi tư duy và nhận thức của ngư dân miền biển, giúp bà con cẩn trọng hơn những hiểm nguy đến từ biển”.

Bão Linda (bão số 5) xuất hiện từ ngày 1 đến 3-11-1997, là cơn bão gây thiệt hại nặng nhất về người và của cho Nam Bộ và vùng biển phụ cận trong khoảng 100 năm qua. Tại Cà Mau, qua thống kê cho thấy, bão đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160 nghìn căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác, tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó là hơn 2.700 tỷ đồng – Nguồn UBND tỉnh Cà Mau.