Quê biển thôi khát nước

Ông Sáu Quốc (Lê Văn Đặt) sung sướng cầm vòi sen phun xịt hàng xoài trĩu quả trong vườn nhà. Từng hạt nước long lanh như muôn triệu niềm vui ánh lên trong mắt ông giữa trưa tháng tư ở vùng quê biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Ngừng tay, ông khỏa làn nước mát lên mặt, hớp vài ngụm và nuốt ừng ực. Nước ngọt chảy đến đâu, cái cuống họng của ông như lịm đi sau cơn khát cháy cả đời người! Giờ đây, quê biển của ông Sáu, nước sạch đã về tận hang cùng ngõ hẻm.

Người dân Cần Giờ vui mừng khi được dùng nước sạch với giá rẻ.
Người dân Cần Giờ vui mừng khi được dùng nước sạch với giá rẻ.

Nước, trong câu chuyện hai thế hệ

Là chiến sĩ đặc công rừng Sác (Trung đoàn 10) trong kháng chiến chống Mỹ, ông Sáu nhớ như in buổi lễ kết nạp Đảng của mình: "Trong rừng xài nước mưa, lúc giặc đánh phá bằng chất độc hóa học, cây trụi lá chết hết thì uống nước cất (nước biển nấu cho bốc hơi). Lễ kết nạp của tui chỉ có hoa rừng, cờ Đảng và ấm trà lờ lợ mặn". Ấy vậy mà đã 52 năm kể từ buổi lễ ấy, khó khăn gian khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng ông Sáu vẫn một lòng vững tin vào lý tưởng mà mình chọn lựa. Sau giải phóng, huyện đảo Cần Giờ vẫn khát, khát cháy cả da người... Ông Sáu ngừng tay, tắt nước, bùi ngùi nhớ: "Lãnh đạo thành phố cho sà-lan mua nước ngọt chở về Cần Giờ vì đường bộ chưa có, dân tui lúc đó trồng khoai mì, khoai lang và phi lao trên cát, thiếu nước và thiếu... tất cả. Không có nước, xây nhà cũng phải lấy nước giếng, vậy nên Cần Giờ ngày xưa đâu có nhà cao tầng. Ai giàu thì nhà gạch, còn hầu hết nhà lá tạm bợ. Nông dân tụi tui đi "xiệc" (dụng cụ đánh bắt hải sản trên bùn) kiếm con nghêu, con sò về sống qua ngày...".

Nguyễn Hoàng Huy năm nay 29 tuổi, anh là thế hệ cán bộ sinh sau ngày đất nước thống nhất. Cùng chúng tôi đến thăm ông Sáu, Hoàng Huy nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, anh nhìn ra bãi biển, lầm rầm như nói với từng con sóng: "Trước năm 2000, Xí nghiệp Công trình giao thông đô thị Cần Giờ là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức phân phối nước sinh hoạt cho hơn 11 nghìn hộ dân của huyện. Tổng năng lực tiếp nhận và phân phối nước là 160 nghìn mét khối/năm, nên dân Cần Giờ tụi tui vẫn thiếu nước. Do nước lấy từ Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) sang bằng đường bộ hay tại các giếng khoan ở tỉnh Đồng Nai chở qua nên giá thành nước gồm: giá mua nước tại giếng + cước vận chuyển đường thủy, cước vận chuyển đường bộ đến từng hộ dân (tùy theo cự ly vận chuyển) và có khi giá lên đến 35.500 đồng/mét khối". Theo lời Nguyễn Hoàng Huy (nay là Phó chánh Văn phòng UBND huyện Cần Giờ) thì giá nước sinh hoạt đắt quá, nên có đoàn công tác nào của thành phố hay trung ương về, hoặc các mạnh thường quân ghé qua... thì huyện đều xin bồn chứa, lu chứa nước để chia cho dân trữ nước mưa. Từ khi Huy còn nhỏ đi học cho đến những năm 2000, áo quần của học sinh Cần Giờ thường ngả mầu, có vị mặn của biển và mầu xâm xẩm của cái nghèo, cái khát. Rồi một thập niên sau, lễ kết nạp Đảng của Huy đã đủ đầy bánh trái, cờ hoa. Các đồng chí trong chi bộ thậm chí còn có nước ngọt, nước đá, bia lạnh để chúc mừng lẫn nhau và mừng cho Huy.

Thương dân huyện đảo khát nước, từ năm 2011, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã cho kéo đường ống vượt sông, đưa nước sạch về sáu xã, một thị trấn của Cần Giờ. Để đấu nối tuyến ống chính dài hàng chục km và các nhánh ống phụ vào cụm dân cư, ngành cấp nước thành phố phải nỗ lực thi công trong nhiều năm. Dù hiện nay kinh phí cấp bù (do hao hụt vận chuyển) mỗi năm hơn 50 tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện giờ, lượng nước sạch từ nội thành về Cần Giờ đã là 3,1 triệu mét khối/năm. Ông Sáu Quốc không thể giấu nổi vui mừng: "Nhà tui xài nước sinh hoạt chỉ còn 5.300 đồng/mét khối, còn mấy cơ sở sản xuất chung quanh cũng chỉ phải trả 9.600 đồng/mét khối, bằng giá nước trong nội thành. Nhờ có nước, vợ chồng tui trồng trọt thêm trên mảnh vườn 4.000 m 2 , hoa lợi cũng đủ nuôi sắp nhỏ. Bốn thằng con trai tui nay đều đi làm, đều là đảng viên".

Xứ biển đổi đời

Nhà ông Sáu Quốc nằm trên tuyến đường nhựa chạy dọc theo bờ biển có cái tên rất ấn tượng: Bãi biển Ba Mươi Tháng Tư. Xen giữa những đồng muối lấp lóa trong nắng là bạt ngàn vườn xoài, các ô vuông ruộng lúa xen nuôi tôm càng xanh. Tuy không có phía nào giáp đất liền, ba bề là sông nước lợ và một mặt hướng về biển nhưng giống xoài của ông Sáu Quốc cũng như nông dân Cần Giờ trồng có vị ngọt lạ thường. Từ khi có nước ngọt, dù trọng điểm kinh tế của Cần Giờ là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, song ngành nông nghiệp ở đây đã tăng trưởng bình quân 43,7%/năm. Nông dân Cần Giờ ngoài mở rộng diện tích trồng xoài, mãng cầu, còn biết đưa quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào 13,8 ha xoài cát, đưa năng suất thu hoạch cao hơn hẳn: đạt 7 đến 8 tấn/ha, tăng 1,3 tấn/ha so với trước đó. Lộ trình chuyển đổi diện tích trồng lúa sang xen canh nuôi tôm nước ngọt đã đạt khoảng 350 ha.

Nguyễn Hoàng Huy đưa chúng tôi ra bãi biển để ăn cơm trưa. Huy phân tích rằng: "Cơm trắng nấu từ lúa trồng trên đồng đất Cần Giờ, cá dứa khai thác từ sông Cần Giờ, canh chua nấu với cá Cần Giờ. Bây giờ quê em cái gì cũng có". Thật vậy, như lời chàng cán bộ trẻ nói, so với năm 2010 (trước khi có nước sạch giá rẻ) thì diện tích trồng lúa đã tăng từ 486 ha lên 560 ha. Bà con nông dân nơi đây còn nâng sản lượng xoài lên 1.600 tấn/năm, tăng 18,5% so với năm 2010. Tận dụng lợi thế từ nguồn nước và rừng, các đối tượng nuôi như heo lai rừng, bò lai sin cũng có tổng đàn hơn 4.200 con... Xe chúng tôi đi xuyên các dãy phố ngập nắng tháng tư. Thấy nhiều căn nhà kiên cố nhưng có cổng bít bùng, tò mò thăm hỏi, Hoàng Huy lập tức giải đáp: "Huyện đang phát triển mạnh mô hình nuôi chim yến. Hiện có 231 nhà nuôi chim yến (tăng 199 nhà so với năm 2010); sản lượng tổ yến bình quân đạt 2.100 kg/năm, tăng 70,7%/năm, tăng gấp 8,5 lần so với năm 2010, góp phần tăng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Tất cả là nhờ điều kiện tiên quyết: nước!".

Mà đâu chỉ nghề nông mới cần đến nước. Ngay vùng biển Cần Giờ, ngư dân nuôi tôm vẫn rất cần nguồn nước sạch để hòa vào nước biển cho tôm sú nuôi trong hồ. Từ khi nước về dồi dào, diện tích đưa vào nuôi tôm ở Cần Giờ hằng năm đạt 3.300 ha. Sản lượng thu hoạch hơn 12.800 tấn/năm, tăng bình quân 8,6%/năm; tương ứng giá trị 758 tỷ đồng và chiếm 71% tỷ trọng toàn ngành thủy sản của huyện biển. Đời sống khá dần lên thấy rõ, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân Cần Giờ phấn khởi tham gia xây dựng nông thôn mới. Một con số bất ngờ khi Cần Giờ tổng kết phong trào nêu trên, như sau: Huy động được 7.993 lượt ngày công lao động và 1.029 hộ dân hiến 80.691 m 2 đất (trị giá 31,3 tỷ đồng) để thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới. Các doanh nghiệp, nhân dân còn hỗ trợ hoàn thành xóa 595 căn nhà tạm, dột nát vào cuối năm 2014 (gồm 387 căn xây dựng mới, 208 căn sửa chữa). Trong tổng kinh phí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 3.417 tỷ đồng, phần vốn ngân sách chỉ chiếm 7%. Phần còn lại gồm vốn lồng ghép và vốn từ các nguồn lực xã hội (trong đó có dân) lên đến 93%. Và trong các tiêu chí nông thôn mới đã hoàn thành, huyện anh hùng Cần Giờ - chiến khu rừng Sác năm nào, nay tự hào ghi rõ: 100% dân số sử dụng nước sạch.

Quê biển thôi khát nước!