Nơi cần cù vượt lên sóng gió

NDO -

NDĐT - “Lý Sơn làng chài lưới - Tráng đinh Đội Hoàng Sa - Tháng hai buồm căng gió - Dứt áo ra khơi…” Câu ca rất đỗi quen thuộc với những con người bàn tay thô ráp, dạn dày nắng gió - lớp cháu con Hải đội Hoàng Sa năm xưa đã biến Lý Sơn hôm nay thành một hòn đảo cần cù, kiên cường nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Những ruộng hành được tưới nước tự động khi bình minh lên trên đảo Lý Sơn. (ảnh: Linh Phan)
Những ruộng hành được tưới nước tự động khi bình minh lên trên đảo Lý Sơn. (ảnh: Linh Phan)

Qua lời kể lại của những người bạn, tôi biết đến Lý Sơn qua hình dung còn mơ hồ về một hòn đảo nhỏ xinh đẹp, nơi có những người dân nghèo về vật chất nhưng giàu tình cảm, rất đỗi hiền lành mà vô cùng dũng cảm. Với hành trang đơn sơ ấy, tôi quyết định đi theo tiếng gọi từ dải cù lao đã bao đời là một phần máu thịt của Tổ quốc. Vội vã trèo lên boong khi tàu vừa rời cảng Sa Kỳ, tôi hít trọn lồng ngực hương biển mặn thơm dưới cái nắng hè gay gắt. Sau hơn một tiếng tàu chạy, Lý Sơn dần hiện ra nơi chân trời phía đông, nhỏ bé nhưng xanh rì và tràn đầy sức sống.

Được bao bọc bởi bốn bề nước xanh, huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi sở hữu những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đã từ bao đời, trai tráng Lý Sơn kiên cường vươn khơi bám biển, phụ nữ Lý Sơn tần tảo với luống hành, nhánh tỏi trên mảnh đất mặn mòi mùi sóng nước. Sinh ra và lớn lên ở hòn đảo nhỏ xinh đẹp nhưng khắc nghiệt với nắng gắt quanh năm, người dân cù lao Ré chọn cách chống chọi với thiên nhiên bằng chính phẩm chất cần cù vốn có. Từ lúc tia nắng đầu tiên còn chưa ló dạng, cho tới khi những cánh chim hải âu cuối cùng bay về tổ, không phút nào tôi thấy người dân Lý Sơn ngơi nghỉ. Sáng sớm tinh mơ, cầu cảng chính đã tấp nập tàu bè xuôi ngược, mang về bao mẻ cá tươi óng ánh bạc - thành quả sau một đêm giong buồm ra khơi của những người con đất Lý Sơn.

Gặp Lê Phong sau vài câu chuyện lần đầu, chẳng tin anh mới bước qua tuổi 24. Thân hình vạm vỡ nhưng mái tóc đã phai chút màu muối sương, giọng nói hào sảng, chắc nịch như người đã dạn dày sóng gió. Lê Phong tâm sự, mỗi lần lên tàu đi đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, anh chỉ “ngại” gặp những con tàu phương bắc. Còn luồng nước, phương hướng… anh và những người con của đảo đều thuộc trong lòng bàn tay.

“Nhưng ngại là ngại, ngại chứ không sợ đâu anh. Trên hòn đảo này, đâu chỉ riêng em từng gặp trường hợp vậy đâu. Bị bắt, bị cướp hết cá, có lúc còn bị đánh, bị giam… nhưng có ai vì vậy mà chịu ngồi không trên đảo? Ngư dân Lý Sơn chỉ sợ lúc nào ‘mẹ’ biển nổi giận thôi”, Phong nói.

Điều khiến tôi cảm phục chàng ngư dân trẻ chính là sự thản nhiên đến kỳ lạ mỗi khi nhắc tới những hiểm nguy không đến từ thiên nhiên. Bởi theo anh thì đơn giản “biển này, đất này là do cha ông để lại, mình nối nghiệp thì phải biết gìn giữ cho cháu con đời sau…”

Rời cầu cảng chính phía tây, tôi men theo con đường mòn nối liền ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình. Trong bóng tối nhá nhem, nổi bật lên một dáng phụ nữ gầy gò, với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai. Qua hỏi thăm, tôi được biết bà cụ tên là Nguyễn Thị Hường, năm nay đã 81 tuổi. Dù con, cháu đều có công ăn việc làm, nhưng bà cụ vẫn theo nếp quen từ hàng chục năm nay, ngày ngày quẩy quang gánh đi chợ.

Khi trời còn chưa sáng, cụ gánh đôi thúng đi bộ khoảng 5km tới khu chợ hành, tỏi đầu mối. Gọi là “đầu mối”, nhưng thực chất đây chỉ là một mái nhà kho đủ rộng để chứa những loại nông sản đặc trưng theo mùa của hòn đảo nhỏ. Mỗi sáng, hàng chục người đứng xếp hàng chờ đến lượt. Cụ Hường chen chân đứng vào cuối hàng người ấy. Nhặt đầy thúng, bà lão tuổi ngoài 80 lại men theo con đường mòn ra cầu cảng lớn, đi nhờ thuyền cá vào bán hàng ở ngôi chợ nhỏ cạnh cảng Sa Kỳ phía bên kia đất liền. Cứ như vậy, gánh hàng với vốn liếng vẻn vẹn hơn 100 nghìn đồng cũng giúp bà cụ nghèo cũng đủ ăn hằng ngày mà không phải cậy nhờ con cái.

“Ngày nào nhiều người mua thì cũng được 4-5 chục nghìn tiền lời đó chú. Nhưng đâu phải ngày nào cũng được vậy. Ngày không ai mua, tôi lại gánh hàng về, hôm sau đi nhờ thuyền vào đất liền bán tiếp”, cụ nói.

Quà tặng cho sự cần cù

Nhắc tới Lý Sơn là nhắc tới cây tỏi. Tỏi Lý Sơn là loại đặc sản quý hiếm, củ nhỏ, tròn xinh như hạt ngọc trời ban, được ưa chuộng không chỉ trong chế biến thực phẩm, mà còn được dùng như một loại dược liệu chữa cảm cúm, nhức đầu, bệnh tiêu hoá… Mỗi bữa ăn trên đảo, chủ quán thường đặt một bát hành tỏi riêng để dùng kèm với các món chính. Vậy đủ biết cái vị cay vừa, ngòn ngọt đặc trưng của tỏi Lý Sơn khác biệt thế nào. Bất chợt, tôi nhớ đến câu nói tưởng như vu vơ mà vô cùng ý nghĩa của chàng ngư dân trẻ Lê Phong: “Thứ gì đã trồng và sống được trên hòn đảo này đều ngon hết đó anh”.

Quả thực, nghề trồng tỏi nơi đây thật lắm gian nan. Do điều kiện đất đai không phù hợp, địa hình nguồn gốc núi lửa chiếm tới 70% diện tích đảo, nên người nông dân Lý Sơn phải tập trung canh tác trên những thửa ruộng nhỏ hẹp, được phủ cát hút từ các bãi đá chung quanh đảo. Để có thể giảm bớt độ mặn của cát, hằng ngày, các ruộng tỏi phải được tưới nước ngọt từ 2-3 lần, có như vậy, cây tỏi mới có thể phát triển bình thường. Ngày nắng là vậy, khi mưa bão, giông gió, người trồng tỏi lại phải lo che chắn, bảo vệ ruộng đồng… Ròng rã nâng niu như “chăm con mọn” suốt nửa năm trời mới được hưởng thụ thành quả là những củ tỏi nhánh nhỏ trắng bóc, thơm cay nồng nàn hương vị biển khơi.

Có lẽ vì thương người dân Lý Sơn cần cù, chịu khó, nên ông trời đã ban cho hòn đảo này một sản vật vô cùng đặc biệt: “Tỏi cô đơn”. Sở dĩ có tên gọi này là bởi, thay vì phát triển thành chùm như bình thường, tỏi cô đơn chỉ “đẻ” duy nhất một tép. Theo những người nông dân có kinh nghiệm tại đây, tỏi cô đơn là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên và rất hiếm gặp, ngay cả những bàn tay trồng tỏi lâu năm nhất cũng không có cách nào “ép” ra được. Có người còn quả quyết “một số nhà trồng vài năm vẫn chưa thu được một nhánh tỏi cô đơn”…

Không biết có phải do bao nhiêu dinh dưỡng, tinh tuý được dồn vào một tép, nên tỏi cô đơn ngâm rượu từ lâu luôn được trữ trong nhà người dân Lý Sơn như một bài thuốc cổ truyền, hay mang theo bên người để xua đuổi tà ma. Ngoài việc chữa cảm cúm, nhức đầu thông thường, rượu “tỏi cô đơn” còn có tác dụng bổ thận, điều hoà huyết áp, giảm đau…

Đó là món quà quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn - nơi cần cù vượt lên sóng gió. Vài ngày ngắn ngủi được sống, được hít thở bầu không khí nơi đây hẳn là chưa đủ để tôi có thể hiểu hết được những con người dũng cảm, cần mẫn ấy. Nhưng sự chất phác, kiên cường của cả đất và người nơi dải cù lao nhỏ đầu sóng ngọn gió thì từ bao đời nay vẫn vậy. Ngày lại ngày, những đứa con đất Việt máu đỏ da vàng lại giong buồm ra khơi, gìn giữ sự nghiệp cha ông để lại, phát huy truyền thống cho đời sau. Những ruộng tỏi, ruộng hành vẫn xanh rì mát mắt, điểm xuyết bóng người nông dân cặm cụi trong ánh lấp lánh phản chiếu muôn ngàn giọt nước ngọt tung bay.