Níu giữ hồn quê

Họ là những người sống với nghề truyền thống đan lát tưởng chừng như đã không còn xuất hiện nữa ở những vùng đô thị của tỉnh Long An. Vậy mà theo thời gian, bằng tình yêu với công việc mang ít nhiều hoài niệm ấy, họ vẫn giữ được nghề thủ công đã ra đời hơn một thế kỷ, như cố gắng níu giữ chút hồn quê còn lại giữa phố phường nhộn nhịp.

Chị TrầnThị Thiền giúp nhiều chị em có thêm thu nhập từ nghề đan nón bàng.
Chị TrầnThị Thiền giúp nhiều chị em có thêm thu nhập từ nghề đan nón bàng.

Ngay trung tâm thị trấn huyện Bến Lức, tỉnh Long An, một trong những huyện có số lượng khu, cụm công nghiệp nhiều nhất nhì của tỉnh, rẽ vào hẻm 6, khu phố 7 chỉ vài mét, chúng tôi bất ngờ khi gặp một cánh đồng lác xanh tốt mênh mông. Mới hơn 6 giờ sáng, gia đình cô Nguyễn Thị Thương đã có mặt trên cánh đồng. Cô Thương cho biết, đây là khu đất trống duy nhất ở trung tâm thị trấn Bến Lức. Trước đây, người anh của cô thuê gần ba công đất này để trồng lúa, nhưng không hiệu quả cho nên cho cô thuê lại để trồng lác dệt chiếu. Dệt chiếu là nghề truyền thống của gia đình cô đã có hơn 100 năm. Mới 12 tuổi, cô đã biết dệt chiếu phụ gia đình. Rồi khi lập gia đình, vợ chồng cô vẫn chỉ làm mỗi nghề này để nuôi sáu người con khôn lớn.

Hồi trước, do không có đất, cô Thương thường mua lác về dệt. “Mua nguyên liệu sẵn thì mình đỡ cực hơn nhưng tiền lời không nhiều” - cô Thương chia sẻ. Đến khi mướn được mảnh đất “vàng” ngay trung tâm thị trấn này, vợ chồng cô Thương liền trồng lác để chủ động nguyên liệu. Mỗi năm, cô trồng khoảng hai đến ba vụ lác, sau hai, ba tháng thì thu hoạch một lần. Để giảm chi phí, mỗi lần thu hoạch, cả gia đình ra gặt lác, chẻ lác. Sau khi chẻ xong, lác sẽ được phơi một, hai nắng rồi trữ lại trong nhà để sử dụng. Không giống như nhiều gia đình khác, cô Thương vẫn dệt thủ công với khung dệt truyền thống chứ không dệt máy. Với hai khung dệt, mỗi ngày hai vợ cô Thương dệt được từ sáu đến tám tấm chiếu, sau vài ngày thì gọi điện cho thương lái đến lấy hàng. “Nhà chỉ có hai vợ chồng già dệt chiếu thôi. Mấy đứa con đi làm công nhân hết rồi. Dệt đến khi nào thấy mệt thì nghỉ” - chú Nguyễn Văn Tôi, chồng cô Thương cho biết.

Níu giữ hồn quê ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Tôi thu hoạch lác.

Nắng bắt đầu tràn lên cánh đồng lác xanh mướt. Chú Tôi vẫn miệt mài dùng phảng để thu hoạch đợt lác thứ hai trong năm. Nhìn chồng mình “đánh vật” với cánh đồng lác mênh mông, cô Thương thở dài: “Ổng nay 62 tuổi rồi, sức khỏe không còn như trước cho nên chiều nào khi đi làm về, thằng con thứ hai cũng ra phụ làm với ổng”. Mỗi lần nhắc đến nghề đã nuôi sống gia đình, cô Thương chỉ nói đây là nghề “mần chiếu thiếu ăn”. Tuy vậy, ngày nào không dệt chiếu là cô Thương lại thấy nhớ. “Giá của mỗi tấm chiếu hiện nay không cao, nhưng chịu khó thì nghề này vẫn còn giữ được” - Cô Thương tâm sự.

Làm nghề truyền thống đan nón, chị Trần Thị Thiền ở khu phố Nhơn Hậu 1, phường Tân Khánh, TP Tân An không chỉ nuôi sống được gia đình bằng nghề, mà còn tạo được việc làm cho nhiều chị em.

Mới 5 giờ sáng, nhà chị Thiền đã nhộn nhịp tiếng nói cười của các chị đến nhận bàng về đan. Có người chung khu phố nhưng cũng có chị phải đi hơn 10 km đến nhận hàng. Đan nón bàng là nghề truyền thống của gia đình chị Thiền. Chính vì thế từ lúc 5 tuổi, cô bé Thiền quê ở Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang đã bắt đầu đan giúp gia đình những cái nón đầu tiên. “Đi học về là tôi lao vào đan nón phụ gia đình. Do nhà đông anh em, tôi phải cố gắng đan thật nhiều để có tiền trang trải việc học. Nhờ vậy, càng lớn tôi càng yêu công việc này hơn” - chị Thiền tâm sự. Tuy vậy, chị Thiền đã chọn nghề giáo là nghề sẽ theo mình suốt đời. Vốn là người chịu khó, nhiệt tình với công việc, chị Thiền luôn gặt hái thành công trong vai trò một cô giáo tiểu học ở trường Tân Hương B, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Lương giáo viên không đủ chăm lo cho tổ ấm, chị Thiền làm thêm nghề đan nón để cải thiện đời sống gia đình. Ban đầu, chị nhận làm công cho người khác. Nhưng thời gian sau chị nhận thấy cứ tiếp tục làm công thì mình mãi phụ thuộc vào người chủ và không thể khá lên được. Chị quyết định tự mình đứng ra làm chủ. Cuộc đời chị Thiền rẽ sang một hướng khác.

Chị Thiền bắt đầu đi tìm cơ sở cung cấp nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm của mình. Khó khăn nhất trong giai đoạn đầu là vốn. Nhiều lúc kẹt vốn, chị Thiền phải đi vay nóng để có tiền mua nguyên liệu. Thêm một khó khăn nữa là chị phải tìm lao động mới. Và chị Thiền quyết định đến Long An để phát triển nghề đan nón bàng. Thời gian đầu, chị phải đi đến từng nhà để tìm lao động, hướng dẫn các chị đan sao cho khéo, cho đẹp. “Những ngày đầu tiên ấy vất vả lắm. Tôi phải đi khắp nơi để giới thiệu nghề đan nón cho chị em. Có chị ban đầu e ngại vì không biết công việc này có dễ làm và mang lại thu nhập không. Nhưng làm một thời gian, các chị đều yêu nghề và giới thiệu thêm nhiều chị em khác cùng đan nón” - chị Thiền cho biết.

Từ hơn mười chị ban đầu, đến nay chị Thiền đã tạo việc làm cho gần 130 chị em ở khắp các vùng ven TP Tân An (Long An) và Tiền Giang. Chị nào làm thường xuyên, mỗi tháng có thể kiếm được từ hai đến ba triệu đồng. Đối với những chị xem công việc đan nón bàng để giải quyết thời gian nhàn rỗi cũng kiếm được 1,5 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, hơn mười năm qua, nhờ công việc đan nón bàng của chị Thiền, không ít gia đình đã thoát nghèo.

Chị Trần Thị Thiền cho biết, để có nhiều người lao động gắn bó với mình trong việc đan nón, chị phải luôn sống nhiệt tình và quan tâm đến chị em, không để giá bán mỗi chiếc nón xuống quá thấp. Mỗi năm, chị tổ chức các chuyến du lịch và thường xuyên tặng quà Tết cho các chị. Nhờ sự quan tâm đó, chị Thiền không những không mất đi bạn hàng, mà mỗi ngày lại có thêm người tìm đến với chị. Chị Nguyễn Thị Hòa, khu phố Nhơn Hậu 1, phường Tân Khánh, TP Tân An cho biết: Trước đây, chị đi làm mướn cho người ta, nhưng sức khỏe ngày càng kém, chị không thể tiếp tục công việc làm mướn. Từ người quen, chị tìm đến chị Thiền để học nghề. Tuy mới học vài tháng, chưa thành thạo lắm, nhưng mỗi tuần chị Hòa cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng từ việc đan nón bàng.

Giờ đây, mỗi tháng chị Thiền đều đặn cho ra đời hơn 100 nghìn sản phẩm nón bàng. Tất cả đều là sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoài chuyện vốn, chị vẫn lo khâu nguyên liệu cho nghề truyền thống này khi sự phát triển công nghiệp ngày càng mạnh mẽ, những vùng trồng bàng, lác sẽ mất dần, nguyên liệu sẽ hiếm và giá thành sẽ cao lên. Nhưng vì đây là nghề phù hợp với những chị em lớn tuổi không thể đi làm công nhân ở các xí nghiệp, cho nên dù bận rộn với công việc dạy học, chị Thiền cũng như nhiều người khác vẫn tìm mọi cách để giúp nghề đan lát tiếp tục sống bền bỉ giữa lòng đô thị.