Ngôi nhà chung đong đầy tình yêu, nghị lực sống

NDO -

NDĐT- Nhớ những ngày tháng bảy tri ân, chúng tôi lại về thăm các thương - bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Trong không khí ấm áp nghĩa tình đồng chí, đồng đội, mới hiểu hơn điều đã giúp các thương bệnh binh nơi đây vượt qua bao nỗi đau của thể xác và bệnh tật từ mấy chục năm qua. Đó chính là tình yêu và nghị lực của người lính Cụ Hồ.

Các thương binh sinh hoạt văn nghệ tại Trung tâm.
Các thương binh sinh hoạt văn nghệ tại Trung tâm.

Tình yêu và nghị lực của người lính

Ngôi nhà chung đong đầy tình yêu, nghị lực sống ảnh 1

Đôi vợ chồng thương binh cô Mai và chú Liêm.

Trong căn hộ được bố trí ngăn nắp với đầy đủ các tiện nghi, chúng tôi cảm nhận được sự ấp áp tình thương của cặp vợ chồng thương binh nặng Nguyễn Thị Mai và Chu Văn Liêm.

Câu chuyện tình yêu và nghị lực của bác Nguyễn Thị Mai và Chu Văn Liêm thật đáng cảm phục. Bởi một tình yêu thương, sự sẻ chia trong sáng, không toan tính chỉ có một đích chung là hướng đến một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Ngày đó, cô thương binh trẻ Nguyễn Thị Mai được về trại với mức thương tật 81%, khiến một bên tay trái và nửa người của cô đã bị liệt. Lúc đó cô Mai buồn lắm, tự ti và không bao giờ giám nghĩ rằng sau này mình sẽ có được một gia đình hạnh phúc và những đứa con. Đến cái tin mình bị thương ngoài chiến trường sau bao thời gian cô Mai cũng không dám thông báo cho gia đình và người yêu ở quê Đông Hưng(Thái Bình) biết. Nhưng rồi nhờ sự động viên, giúp đỡ của anh chị em trong Trung tâm cô đã dần lấy lại được niềm tin vào cuộc sống. Cô cảm thấy cuộc sống trong hòa bình còn có nhiều ý nghĩa lắm. Tuy đã bị liệt một nửa người, nhưng cô vẫn khá may mắn còn cái đầu khá tỉnh táo và minh mẫn.

Cảm động trước tình cảm của đồng đội luôn bên cô và động viên, an ủi cô đã tự nhủ mình phải quyết tâm tập luyện để đi được bằng chiếc lạng. Rồi cô Mai cũng tự đi lại được và mọi sinh hoạt hằng ngày cô phải dồn hết vào một bên tay và một bên chân. Tuy rất khó khăn, vất vả nhưng cô cảm thấy vẫn còn may mắn hơn nhiều anh chị em trong trung tâm, người thì không còn đôi mắt, người thì không còn đôi chân và người thì không còn đôi tay.

Thế rồi, tình yêu giữa cô Mai và anh thương binh Nguyễn Văn Liêm đã nảy nở. Ngày đó, chú Liêm bị thương vào dây thanh quản nên đã không thể nói được.

Cô Mai kể: với thương tật 91%, anh Liêm cũng rất yếu nhưng khi gặp cô Mai thì họ đã tìm thấy sự đồng cảm của hai trái tim. Tình yêu của hai người không có một lời tỏ tình nào mà là sự cảm nhận qua ánh mắt đến con tim. Đầu năm 1976, đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho hai vợ chồng cô chú. Đám cưới ngày đó thật đơn giản. Trang phục ngày cưới là bộ quân phục bạc màu, chút bánh kẹo, chầu cau mời mọi người, không có cỗ bàn linh đình mà rất vui và đầm ấm. Cuộc sống gia đình của vợ chồng cô là sự sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau. Cuối năm 1976, cậu con trai lớn của cô Mai và Chú Liêm ra đời trong niềm hân hoan hạnh phúc của cả Trung tâm, rồi năm 1979 là cô con gái thứ hai và đến năm 1981 là cậu con trai thứ ba, tất cả đều rất kháu khỉnh và đáng yêu. Cho đến tận bây giờ, khi nhớ lại thời kỳ con nuôi con nhỏ khó khăn không gì kể hết ấy, nhưng vợ chồng cô đã vượt qua là nhờ có tình yêu thương, chia sẻ của hai vợ chồng và những an em thương binh trong trại.

Ngày đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn đủ thứ, mà hai vợ chồng cô đều mang trên mình những thương tật của chiến tranh, những lúc trái gió, trở trời, vết thương cũ lại tái phát, nhưng có nghĩ đến con, vợ chồng cô đã dựa vào nhau, cùng chia sẻ và vượt lên tất cả để chăm sóc, dạy dỗ các con lên người. Cho đến bây giờ, cô Mai cũng chỉ thương mãi một điều rằng, các con cô ngày bé cũng phải chịu bao thiệt thòi, thiếu thốn, đến ngay cả điều đơn giản nhất đó là chỉ thèm được người lớn bế trên tay bởi cả hai vợ chồng cô cùng rất khó khăn để bế bồng, rong rẩy các con kể cả những lúc các con ốm, đau quấy khóc. Giờ đây vợ chồng cô Mai luôn tự hào về các con cô đã khôn lớn, trưởng thành và có gia đình riêng. Anh con trai cả ở cùng bố mẹ, cô con gái thứ hai đang làm tại Bộ Tư pháp, còn anh con trai thứ ba thì đang là bộ đội hải quân tại Hải Phòng.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thương bệnh binh

Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên Hà Nam được thành lập từ tháng 6 năm 1957. Gần 60 năm qua, đã có hàng nghìn thương, bệnh binh sau khi từ chiến trường trở về, mang trên mình những vết thương chiến tranh đã ở lại gắn bó những tháng năm còn lại của mình với Trung tâm.

Quá nửa thế kỷ trôi qua, hiện Trung tâm đang chăm sóc cho 60 thương bệnh binh, có tỷ lệ thương tật 81% trở lên đến từ 18, tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra, trong đó có ba đồng chí đã từng tham gia kháng chiến trống Pháp, còn lại là tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh Biên giới phía bắc.

Một nửa trong số các thương bệnh binh nơi đây đang ngồi trên xe lăn do bị thương cột sống, teo cơ… mọi công việc trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày đã gặp không ít khó khăn. Nhưng cuộc sống hằng ngày ở Trung tâm vẫn tràn ngập tiếng cười của bầy con trẻ. Có gia đình đã có đến ba thế hệ, ông bà, con, cháu cùng chung sống ở trung tâm. Luôn bên các anh để gần gũi, yêu thương chia sẻ cả những cơn đau nhức của vết thương mỗi khi trái gió trở trời là những người vợ tảo tần đã hết lòng thương yêu, tận tụy chăm sóc và đảm đương gánh vác cả những công việc nặng nhọc trong gia đình. Để xây dựng một gia đình hoàn hảo, hằng ngày tràn đầy tiếng cười hạnh phúc con của con trẻ làm vơi bớt đi phần nào những lỗi đau nhức do vết thương cũ lại hoành hành, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao với các chị. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình thương bệnh binh ở trung tâm được bảo đảm bằng và cao hơn mức sống bình thường.

Ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc Trung tâm thương bệnh binh Duy Tiên tâm sự: Xác định quỹ thời gian của các bác thương binh không còn nhiều, bởi ở trung tâm này, người cao tuổi nhất năm nay cũng đã 85 tuổi, người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi, do vậy chúng tôi sẽ làm hết khả năng để có thêm điều kiện sống tốt nhất cho thương, bệnh binh. Có nghĩa là, ngoài việc tổ chức chăm sóc tốt sức khỏe của thương binh, các cán bộ trung tâm còn tích cực vận động, phối hợp cùng các nhà tài trợ có tấm lòng hảo tâm để cùng chung tay, giúp sức với trung tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thương bệnh binh.

Một trong những việc đầu tiên, Ban giám đốc quyết tâm làm là lo giấc ngủ ngon cho thương binh. Còn nhớ, cách đây khoảng bốn năm về trước, khi cả trung tâm chưa có một chiếc điều hòa nhiệt độ nào. Khi đó, Ban giám đốc trung tâm cũng rất băn khoăn, trăn trở bởi thấy rằng hầu hết các thương binh ở trung tâm đều suy giảm trên 80% sức khỏe với đủ loại thương tật, chủ yếu là bị chấn thương cột sống mà ở trong những căn nhà cấp bốn thì cực kỳ nóng vào mùa hè. Và có lẽ một trong những nguyên nhân dẫn đến các vết loét chính ở những chỗ các thương binh tiếp giáp với đệm mà không lật mình được thường xuyên, không được vệ sinh… Điều đó đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các thương binh do bị mất giấc ngủ nhiều. Vậy làm sao để có được giấc ngủ cho thương binh luôn là nỗi trăn trở của Ban giám đốc trung tâm.

Bằng sự năng động, nhiệt tình và trách nhiệm của mình ban giám đốc trung tâm đã tổ chức các hoạt động bằng nguồn xã hội hóa thu hút nhiều nhà hảo tâm đến với trung tâm.

Từ những tấm lòng hảo tâm, mười chiếc điều hòa nhiệt độ đầu tiên được lắp ở phòng các thương binh nặng nhất năm 2010. Hơn một năm sau đó, toàn bộ hơn 60 phòng ở của các thương bệnh binh trong Trung tâm đã được trang bị điều hòa nhiệt độ, để bảo đảm cho các sinh hoạt của thương binh được thuận tiện, nhất là đối với giấc ngủ. Khi đã có giấc ngủ tốt, sức khỏe và tinh thần của thương binh đã nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc thương binh phải đi điều trị ở tuyến trên do bị vết loét hầu như không còn nữa.

Xác định rõ được trách nhiệm vụ và nghĩa vụ của mình, những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao. Nhất là đội ngũ y, bác sĩ luôn vượt qua mọi khó khăn vất vả để chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các anh chị em thương bệnh binh, bảo đảm cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng đầy đủ hơn cho họ. Những cán bộ, nhân viên làm việc ở Trung tâm, mỗi người một quê, với những công việc khác nhau, cuộc sống còn thiếu thốn, vất vả nhưng họ đều tự hào được phục vụ, công tác trong môi trường đầy tính nhân văn.

Những thương bệnh binh ở Trung tâm luôn đoàn kết, yêu thương, cảm thông và chia sẻ với nhau những ngọt bùi trong cuộc sống. Họ coi nhau như người thân và coi Trung tâm như một gia đình lớn của mình.

Năm xưa, để bảo vệ Tổ quốc, các anh đã bị kẻ thù cướp đi một phần thân thể, song với bản chất Bộ đội Cụ Hồ, các anh luôn là tấm gương sáng về nghị lực và đức hy sinh.