Nam Du...mùa biển gọi

Những con sóng cứ xô nghiêng, chồm lên, nhấn xuống như thách đố tài năng của các tài công. Chúng tôi vượt sóng đến với Nam Du mùa biển gọi. Những đảo nhỏ, hòn to nối tiếp nhau hàng ngang, dãy dọc nơi vùng phía biển tây nam Tổ quốc…

Nghề nuôi cá bốp lồng bè ở đảo.
Nghề nuôi cá bốp lồng bè ở đảo.

Hàng trăm năm trước, từ ngày mở cõi khai hoang miền đất phương nam, những thế hệ người Việt đầu tiên đã đặt chân lên các hoang đảo xa xôi nơi biển đảo phía tây nam Việt Nam. Và cũng chẳng biết bao giờ, ai là người đặt tên, chỉ hiểu rằng từ đời này sang đời khác, những cái tên đặt cho đảo nhỏ, hòn to ấy cứ lần lượt ra đời, dần trở nên thân quen với bà con đi biển. Nam Du, Thổ Chu, Phú Quốc… đã hằn in trong tiềm thức, trong tình cảm sâu thẳm của bao thế hệ người Việt nơi biên giới trên biển phía tây nam.

Cách đây vài năm, để đến với Nam Du (xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) chỉ có cách quá giang những chuyến tàu cá, tàu hàng của ngư dân. Những người không quen sóng, khó mà vượt qua được thử thách của trùng khơi. Sóng thốc từng cơn, sóng quyện bạc đầu, sóng chồm nghiêng ngả. Nôn thốc, xanh gan, tím mật là chuyện thường tình. Vậy mà vẫn có hàng trăm, hàng nghìn người cố gắng để một lần được đến Nam Du, được đắm mình với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú, được tắm trên bãi biển dịu êm xanh mướt dừa, được ngắm những dãy san hô sặc sỡ sắc mầu, được cùng ăn, cùng sống, cùng đánh cá với những người dân miền biển hiền hòa...

Nam Du...mùa biển gọi ảnh 1

Một góc Nam Du.

Tôi đến Nam Du vào giữa mùa biển động, nhưng xin được dùng từ “biển gọi” cho thân thương hơn. Từ bến tàu Rạch Giá - Nam Du, mưa rơi nhẹ báo hiệu một chuyến đi không mấy dịu êm. Tàu cao tốc đi từ Rạch Giá đến Nam Du chỉ non ba tiếng, nếu đi tàu hàng thì sáu đến bảy tiếng, còn tàu cá thì thời gian gấp rưỡi tàu hàng. Vậy là sướng lắm rồi, nếu đi Nam Du cách đây chỉ hơn ba năm thì tàu hàng là số một. Máy tàu ầm ầm vượt cửa biển Rạch Giá. Hành trình vượt biển hơn 70 hải lý bắt đầu.

Tàu càng ra xa, sóng càng to. Tiếng máy gầm rú nặng nhọc. Hai mạn tàu bắt đầu chao nghiêng. Sóng càng lớn, tiếng máy càng to, độ rung lắc càng lớn và số người say sóng càng nhiều. Tôi cố giữ sự tỉnh táo để ngắm những con sóng bạc đầu đang bị khuất phục bởi người tài công điêu luyện.

Hơn một giờ vượt sóng, thuyền viên tàu thông báo đã đến Hòn Tre cũng thuộc huyện đảo Kiên Hải. Một mầu xanh mát, vút tầm mắt, nhấp nhô những triền núi thoai thoải. Những tàu cá vào vịnh ban sáng nối nhau tấp nập. Tôi ngắm nhìn mải miết, tưởng mình đang trong một khu chợ nổi sông nước miền tây. Tàu lên hàng, lên khách chỉ dăm bảy phút lại nối chuyến hải trình. Thêm hơn một tiếng nữa, chúng tôi đến Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải. Đây là trung tâm hành chính của huyện, nơi có Trường THPT Lại Sơn, nơi mà Phan Lê Công, đứa con đầu tiên của xã đảo Nam Du, một đàn em cùng ngành sư phạm văn với tôi ở Trường đại học An Giang, đã thi đậu thạc sĩ đang về thăm quê, vài hôm nữa lên TP Hồ Chí Minh nhập học. Công bảo: “Trước đây, con em ở đảo ít có điều kiện học cao vì đi học quá khó khăn. Đảo có trường, đảo không, cùng lắm chỉ hết tiểu học. Muốn học THCS hay THPT, phải về Hòn Sơn, vượt hàng chục hải lý. Bây giờ, nhiều đảo đã có trường học, như Nam Du đã có đến cấp THPT chắc chắn sau em sẽ có nhiều bạn học hành cao hơn, trình độ dân trí con em trên các đảo sẽ được nâng cao”.

Khoảng 11 giờ, chúng tôi cập cảng đảo Nam Du. Mấy năm nay, du khách đến với Nam Du ngày một đông, những dịch vụ ăn theo cầu cảng ngày càng nhiều. Những anh xe ôm ở đây nhiệt tình che mưa cho khách, sẵn sàng làm hướng dẫn viên, chỉ dẫn về các nhà trọ với giá rẻ và thân thiện. Chúng tôi chọn đi xe của người chạy xe ôm tầm 60 tuổi. Ông bảo mình tên Tư Sương, từng hành nghề xe ôm ở bến phà Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, ra đảo được ba năm. Mưu sinh chốn phồn hoa đô hội ngày một khó, nhiều cạm bẫy, nghe rỉ tai của vài người quen, ông ra Nam Du và quyết định trở thành con dân của đảo. Con đường nhỏ về nhà Công có hàng ngang dãy dọc những biển hiệu nhà trọ, ông Tư Sương nói: “Mới gần hai năm nay nhiều chứ trước có đâu. Gọi là nhà trọ, thực ra bà con lấy nhà mình, chia thêm phòng cho khách ở. Nam Du còn hoang sơ lắm”.

Nam Du...mùa biển gọi ảnh 2

Người dân trên đảo kéo lưới thu hoạch cá bốp.

Nhà Lê Công cũng là một trong những nhà nghỉ ở đảo, có khả năng đón tiếp hơn chục khách qua đêm cùng những dịch vụ như nấu ăn, cho thuê tàu ngắm đảo, lồng bè, tham quan lặn biển ngắm san hô... Hỏi giá phòng cho khách cùng các dịch vụ, Công bảo: “Vài chục nghìn mỗi đêm thôi. Làm cho vui chứ nhà em sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá bốp lồng bè và đánh lưới cá thu”. Nhà Công có ba anh chị em, Công là út nên được cha mẹ đầu tư học hành đến nơi đến chốn.

Trong bữa cơm chiều ấm áp, tôi được trò chuyện cùng cha Công, một cựu chiến binh Hải quân Việt Nam, quê xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Ông tên Phan Văn Bảy, 60 tuổi, với cấp hàm trung úy khi giải ngũ, gắn bó gần như cả đời với các đảo phía tây nam Tổ quốc cũng là những đảo ông từng chiến đấu, tiếp quản từ thời kháng chiến chống Mỹ... Câu chuyện về ông, về những trận đánh ông từng tham gia, về những tháng ngày gian khó bám biển mưu sinh, về những trận bão, về những mất mát, về những mùa cá vàng đầy ắp lưới, về nghề cá lồng bè trên vịnh... tiếp nối, chén rượu đầy lại vơi...

Sáng. Từng ghềnh đá cứ vươn mình cho sóng đánh. Từng chiếc thuyền chài, câu mực chênh vênh trồi lên, ngụp xuống. Chân trời biển khơi cứ dần ánh lên, vàng đỏ cùng sắc xanh biển cả. Buổi sáng ở Nam Du vẫn giữ nét dân dã của làng chài, không đầy hàng quán như những điểm du lịch khác, chỉ vài cái bàn, một người chị đang móc câu lưới cười tươi khi chúng tôi nhờ nấu giúp vài tô mì tôm dằn bụng cho “một ngày sống cùng biển đảo”.

Chiếc tàu đánh cá (cũng là phương tiện đưa khách du lịch đi ngắm đảo vài năm trở lại đây) đưa chúng tôi ra bè cá nhà Công. Hơn nghìn con cá bốp đủ mọi kích cỡ háu ăn, quẫy đùng đùng. Nghề nuôi cá bốp lồng bè được phát triển chưa đến chục năm ở Nam Du cũng như khu vực Hòn Ngang. Quy tụ cả hai xã đảo Nam Du và An Sơn khoảng dăm bảy chục hộ. Những năm trước, cá bốp được giá, nhiều người cũng ào ào nuôi như chuyện con cá tra, cá ba-sa nuôi trên sông ở An Giang quê tôi. Rồi khi xuống giá, nhiều người tán gia, bại sản. Gia đình Công là số ít còn bám trụ với nghề. Nghề nuôi cá bốp lồng bè khá vất vả khi nguồn cá nguyên liệu ngày một ít, cá con để nuôi cũng ít, giá bán lại thấp, đầu ra thiếu ổn định... Mỗi mùa lại phải lai dắt bè tránh trú bão... Cũng chỉ vài bè tồn tại nhờ có thêm dịch vụ cho du khách xuống bè ăn nghỉ, tham quan. Chủ tịch UBND xã An Sơn Phan Thanh Việt cho biết, xã chỉ còn 20 hộ nuôi bè cá lồng với 86 bè. Hiện bà con có kinh doanh đưa khách đến sinh hoạt trên bè, nhưng phần lớn tự phát và chưa bảo đảm. “Muốn phát triển mạnh hơn buộc phải bảo đảm các yếu tố an toàn, cho nên thời gian tới chúng tôi sẽ bàn bạc phương án để kinh doanh du lịch, sinh thái một cách hấp dẫn và an toàn”, ông Việt nói.

Sóng lay lay, ngồi trên bè vừa câu cá, vừa nướng cá, mực, vừa luộc ghẹ, tách hào sống... là trải nghiệm thật thú vị ở Nam Du. Giá cả ăn uống, sinh hoạt khá thấp cùng với sự thân thiện của người dân và trải nghiệm du lịch sinh thái biển đúng nghĩa đã giúp Nam Du từ con số vài trăm du khách đến đảo những năm 2010 về trước, nay đã đạt gần 58 nghìn du khách chỉ riêng trong tám tháng năm 2016.

Đến với Nam Du, khách gần như được trải nghiệm hình thức du lịch cộng đồng, cùng ăn, cùng ở, cùng tận hưởng đời sống gắn chặt với biển của người dân xã đảo. Những bãi tắm hoang sơ như bãi Mến lớn, Mến nhỏ, bãi Sỏi, bãi Ngự, Đuối Nai, hòn Mấu, hòn Lớn, hòn Dâm hay ngắm đảo san hô Hòn Ông... thăm và sinh hoạt trên các lồng bè nuôi cá bốp cũng đủ để du khách có một chuyến du lịch thú vị.

Chiều buông, chúng tôi lên Trạm ra-đa T600, cao hơn 300 m so mặt nước biển. Anh Cường, Phó Trạm trưởng hướng dẫn chúng tôi lên đài quan sát. Mấy ngày nay đã vào mùa mưa bão cho nên tầm nhìn không được tốt. Trường, một chiến sĩ trẻ đang trực đài chỉ cho chúng tôi hướng về những hòn đảo ở tít mịt xa, nào đâu là Thổ Chu, đâu Phú Quốc, gần đấy thì đâu Hòn Mấu, Đuối Nai, Hòn Nồm, Hòn Nhàn, Hòn Mốc, Hòn Tre...

Dẫu đang mùa “biển gọi” nhưng Nam Du vẫn đẹp hồn nhiên, trong trẻo nhưng mặn mà và quyến rũ. Người ta thường ví Phú Quốc là đảo Ngọc thì xin được gọi Nam Du là “một viên Rubi quý”, tinh khiết, hiếm có và quý giá vô ngần.