Mưu sinh nơi bãi bồi cửa biển

Xuôi dòng sông Bảy Háp ra Bãi Bồi thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau lần này, tôi tìm đến cửa biển ấp Gò Công, thuộc xã bãi ngang Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Ốc móng tay đang trở thành đặc sản không thể bỏ qua của nhiều du khách khi đến với Cà Mau. Và mỗi khi nói đến ốc móng tay là phải nhắc tới cửa biển Gò Công nơi có nhiều ốc móng tay nhất với chất lượng ngon nhất...

Cư dân ven biển Gò Công rửa ốc móng tay đưa về bờ.
Cư dân ven biển Gò Công rửa ốc móng tay đưa về bờ.

Theo con nước ròng

Khi nước ròng, người dân Gò Công ra bãi biển mò ốc, bắt cá…

Vậy nhưng khi gặp, xin cùng ra biển, ông Hồ Văn Bỉ (thường gọi là ông Tư Mù), 61 tuổi, xua tay: "Không được đâu, phải đi xa gần 20 cây số mới tới chỗ mò con móng tay. Sóng gió bất thường, ướt nhem hết trọi, chú không chịu nổi đâu".

Ðêm qua, xuồng của ông đi ra biển phải rút lui sớm bởi mưa tầm tã, sóng to, gió mạnh. Rồi ông chỉ tay về người thanh niên lực lưỡng, chắc nịch, tóc xoăn đen: "Thằng Êm cầm lái "cứng khừ" mà còn bị sóng đánh bạt tay lái, suýt nhào xuống biển. Anh em tụi tui tát nước liền tay, không thì đã chìm ngoài biển luôn rồi".

Ông Huỳnh Êm, người dân tộc Khmer, cũng là chủ vỏ máy, thường chở bạn bè quanh xóm đi biển, miễn cưỡng cho tôi đi cùng: "Nhà báo đi theo phải chuẩn bị sẵn áo mưa, kiếm thêm mấy cái bọc ni-lông đựng máy móc. Ðồ điện tử gặp nước mặn thì vô phương cứu chữa".

Nước sông Bảy Háp giựt mé, chảy xuôi ra phía Biển Tây, đùng đục màu phù sa. Không cần gọi nhau, những người dân ở cửa biển Gò Công quảy can nhựa, vác cào, lục đục xuống vỏ máy, xếp dụng cụ gọn gàng. Vỏ lãi quay đầu, rời bến, chẳng mấy chốc, đã tuốt ngoài khơi xa, nhấp nhô theo từng nhịp sóng mầu xanh nhạt.

Dân cửa biển đã giăng lưới, mò sò huyết, thụt cá ngát… ở Bãi Bồi đã mấy chục năm qua. Nhưng gần đây Bãi Bồi đã cho doanh nghiệp thuê, rào chắn nuôi sò huyết. Bởi vậy, người dân miền biển phải đi xa gần 20 km mới có ốc móng tay để mò. Ðôi bàn tay những người mò ốc cong queo, chai sạn, chi chít vết thương mới, cũ.

Mưu sinh nơi bãi bồi cửa biển ảnh 1

Cửa biển Gò Công đổ ra Biển Tây, nằm giáp với Bãi Bồi.

Lặn hụp kiếm sống

Chiếc vỏ lãi bất ngờ dừng lại, cắm sào, buộc dây. Ông Nguyễn Văn Chính móc ra từ chiếc can nhựa đôi vớ chân, vớ tay, cho biết: Dưới nước có rất nhiều mảnh thủy tinh, vỏ con hàu, rất dễ đứt chân, đứt tay, cho nên phải có bảo hộ.

Rồi ông Chính tròng sợi dây qua đầu, kéo xuống đến ngang hông, đầu kia buộc vào can nhựa thả trôi trên mặt biển. Ông vịn mé vỏ lãi, lao ùm xuống nước, ngập đến đầu. Trên vỏ lãi, ông Huỳnh Êm nhấc chiếc cào ốc móng tay có gọng bằng gỗ đước, hình chữ nhật, đầu cào bằng thanh gỗ vuông, có hàng răng bằng sắt tròn, dài hơn sải tay người. Biển sâu, người không đủ sức đẩy ngược, phải nương theo dòng nước. Ông Chính tì cán cào vào ngực, đẩy răng cào sát mặt đất, khi gặp mô đất do ốc móng tay đào hang thì ngưng đẩy cào.

Lặn xuống, ngoi lên vài lần mới bắt được con ốc móng tay bằng ngón chân cái. Ốc móng tay vỏ mềm, đào hang sâu, nghe tiếng động là chui sâu xuống hang. Bởi vậy, lắm lúc dò gặp hang móng tay, người mò phải lặn xuống, thọc cánh tay vào. Có khi, phải đào hang rộng ra, chui đầu vô tìm vài bận mới bắt được con móng tay bự (còn gọi móng tay chúa).

Nước nhửng lớn (đang lớn), sóng biển đánh qua khỏi đầu. Ông Huỳnh Êm kêu mọi người trở lại xuồng máy. Dòm qua "chiến lợi phẩm", tôi thấy trong can của ông Tư có hơn chục con móng tay, loại nhỏ nhất cỡ ngón chân; can của ông Chính thì nhiều hơn.

Chiếc vỏ của Huỳnh Êm tấp vô vựa hải sản ở cửa biển Gò Công. Bà chủ vựa phân loại, cân rồi đưa cho ông Tư 90 nghìn đồng. Ông Tư đưa 20 nghìn đồng cho Huỳnh Êm nhưng bị nhét lại. "Lâu lâu miễn một chuyến, về mua trà uống cho đỡ lạnh" - ông Huỳnh Êm liếc qua bên tôi rồi cho biết, người có vỏ máy như ông chuyên chở hàng xóm nghèo ra biển mò cua, bắt ốc. Tùy theo khoảng cách xa, gần, họ hùn trả tiền xăng cho chủ phương tiện. Nhiều lúc, người bắt được nhiều "bao luôn" tiền xăng cho người bắt ít.

Hỏi ra mới biết, ở cửa biển Gò Công, người ta kết thân trên những chiếc xuồng máy để "hái lượm" ven rừng phòng hộ và lặn hụp trên biển Bãi Bồi, vừa đỡ tốn chi phí, vừa "có bầu có bạn". Ông Huỳnh Êm là một trong số đó vì cũng có người nhà đi mò bắt con móng tay. Song, ông chỉ đảm nhận việc điều khiển, trông coi vỏ lãi và canh chừng để mọi người đừng thất lạc giữa biển trời bao la.

Những năm gần đây, ốc móng tay (loại hải sản có hai mảnh vỏ) xuất hiện ở vùng bãi bồi Cà Mau. Chúng có mảnh vỏ mềm, thịt dày, thơm ngọt, là món khoái khẩu của nhiều thực khách. Các chủ vựa hải sản ở cửa Gò Công mua ốc móng tay cỡ ngón tay cái giá hơn 100 nghìn đồng/kg; loại bằng ngón chân cái hơn 200 nghìn đồng/kg. Song, khi vô tới nhà hàng, giá của chúng cao gấp hai, ba lần. Món ốc móng tay luộc nước dừa, hấp gừng, nướng mỡ hành… ăn no cứng bụng mà chưa đã thèm…!