Lãng phí ở Khu tái định cư Tây Triệu Phong

NDO -

NDĐT - "Dự án di dân vùng lũ tái định cư Tây Triệu Phong (Quảng Trị)" được triển khai từ năm 2010. Theo kế hoạch, tổng số hộ dân ở vùng thấp trũng của xã Triệu Thượng di dời lên đây là 400 hộ; đến nay đã có 250 hộ lên sinh sống. Cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh được đầu tư tương đối đồng bộ. Điều đáng nói là ở đây có hai ngôi trường mầm non và tiểu học được xây dựng khang trang, song đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng gây lãng phí tiền đầu tư của nhà nước.

Người dân tận dụng trường học làm kho chứa ngô, thóc.
Người dân tận dụng trường học làm kho chứa ngô, thóc.

Từ năm 2010, hai ngôi trường tiểu học và mầm non ở Khu tái định cư Tây Triệu được đầu tư, với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng, trên diện tích hơn 1.000 m2, phục vụ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Hai ngôi trường được đầu tư hiện đại, rộng rãi, riêng tại trường mầm non còn có nhà vệ sinh bên trong; phòng nghỉ cho giáo viên và nhà bếp. Cuối năm 2010, công trình hoàn thành và được bàn giao cho xã Triệu Thượng quản lý, nhưng từ đó đến nay, hai công trình này vẫn chưa được sử dụng, bị bỏ hoang, nhiều trang thiết bị trường học bị phá hỏng hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi các em học sinh ở đây phải đi hơn 5 km để đến trường học, đó là một trong những nghịch lý đang diễn ra tại Khu tái định cư Tây Triệu Phong.

Ông Phan Trọng, ở Khu tái định cư Tây Triệu Phong cho biết: "Hai ngôi trường này được xây hơn năm năm rồi nhưng lại bỏ hoang, trong khi đó con em chúng tôi phải về trường làng học rất xa, bố mẹ phải đưa đón rất vất vả. Chúng tôi mong muốn có trường học ở đây để con em đi học gần hơn, bố mẹ đưa đón cũng tiện lợi hơn".

Lãng phí ở Khu tái định cư Tây Triệu Phong ảnh 1

Nhiều nhà dân xây dở dang tại Khu tái định cư Tây Triệu Phong.

Tại Khu tái định cư Tây Triệu Phong còn có hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Thực hiện dự án di dân vùng lũ, mỗi hộ dân được cấp từ 1.000-1.500 m2 đất, tuy nhiên diện tích đất này không thể canh tác được. Một số hộ dân đã tự ý chuyển nhượng đất cho người khác rồi trở về quê cũ làm ăn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà quá thấp, chỉ từ 3-12 triệu đồng/hộ nên đã xảy ra tình trạng nhiều nhà chỉ xây được một phần rồi bỏ hoang. Đặc biệt, sau 15 năm chuyển đến nơi ở mới, nhiều hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định cư.

Bà Lê Thị Lan Anh, ở Khu tái định cư Tây Triệu Phong cho biết: Đất được cấp từ năm 2000, chính quyền hứa làm sổ đỏ cho dân nhưng đến giờ đã 15 năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa có sổ đỏ. Người dân ở đây mong muốn có sổ đỏ để vay vốn kinh doanh, làm ăn... nhưng không có sổ đỏ nên đành chịu. Chúng tôi mong muốn chính quyền và ban ngành các cấp huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị quan tâm hơn nữa đối với người dân ở khu tái định cư này...

Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng Nguyễn Đức Vọng cho hay: Sau khi xây xong trường học, đơn vị chủ quản đã bàn giao cho địa phương quản lý, tuy nhiên các hạng mục như: tường rào, điện, nước, sân chơi không có do cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất để trong thời gian tới, hai trường học này đưa vào sử dụng có hiệu quả. Chính quyền địa phương cùng với nhà trường và các cơ quan chức năng sẽ tiến hành vận động người dân đưa con em đến học tại trường trên địa bàn...

Lãng phí ở Khu tái định cư Tây Triệu Phong ảnh 2

Trường tiểu hoc tại Khu tái định cư Tây Triệu Phong bỏ hoang nhiều năm nay.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Phong Nguyễn Thị Phước Hòa đưa ra giải pháp để sớm đưa hai trường học trên vào sử dụng là: Sẽ đề nghị với UBND huyện Triệu Phong và UBND xã Triệu Thượng có kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện tổ chức dạy và học tại hai điểm trường này. Còn về đội ngũ giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Phong đã có kế hoạch bố trí khi có đầy đủ điều kiện mở lớp”.

Trước tình hình trên, UBND huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các ban, ngành địa phương tổ chức vận động bà con lên khu tái định cư; kêu gọi nguồn vốn để hoàn thiện các hạng mục còn lại tại hai ngôi trường đang bị bỏ hoang, đưa hai ngôi trường này vào sử dụng trong năm học 2016-2017. Tuy nhiên, để tháo gỡ hết những khó khăn tại đây cần có thời gian và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể trong quá trình di dân, trong đó chú trọng đảm bảo đời sống của bà con tại nơi ở mới. Có như vậy, Khu tái định cư Tây Triệu Phong mới phát huy được hiệu quả thiết thực.