Những câu chuyện nhỏ giữa biển lớn

Kỳ 3: Cứu hộ khẩn trên biển Trường Sa

NDO -

NDĐT – “Từ xa, chỉ cần thấy tàu của ngư dân “trực chỉ” đảo mà phóng thẳng vào là chúng tôi đã biết tàu đang gặp nạn, có ai đó đang bị thương phải cấp cứu”, Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, nguyên đảo trưởng An Bang rút kinh nghiệm nhiều năm cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển Trường Sa.

Một chiên sĩ đang được chữa bệnh tại Bệnh xá Trường Sa Lớn.
Một chiên sĩ đang được chữa bệnh tại Bệnh xá Trường Sa Lớn.

Ca bệnh khẩn và ba người đàn ông tên Nam

Vào một ngày tháng 6-2014, tàu cá Quảng Nam mang số hiệu QNa 90668 TS, do ông Huỳnh Ngọc Tiến làm chủ tàu rẽ sóng thẳng vào hòn đảo sóng gió An Bang. Nhìn thấy tàu, Thiếu tá Đặng Ngọc Nam đã gấp rút chỉ huy bộ đội đón ngư dân. Trạm xá cũng sẵn sàng để cấp cứu. Lúc đó đã chiều tối, thuyền viên Đinh Văn Nam, 52 tuổi, quê ở Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam được đưa vào đảo trong tình trạng đau bụng và sốt nhẹ đã ba ngày. Các y, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị viêm áp xe ruột thừa cấp, cần phải mổ ngay.

Kỳ 3: Cứu hộ khẩn trên biển Trường Sa ảnh 1

Thiếu tá Đặng Ngọc Nam kể lại sinh nhật đặc biệt của mình.

Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, Chỉ huy trưởng đảo An Bang nhớ như in ca cấp cứu này, bởi đó là ngày sinh nhật của anh. Gắn bó với đảo An Bang từ tháng 7-2011 với vị trí đảo phó rồi lên đảo trưởng, nhiều lần anh lặng lẽ đón sinh nhật trên hòn đảo này, không hoa, không bánh, và những lời chúc tụng giữa những người lính cũng rất hiếm hoi. Thế nên, sinh nhật lần này thật đặc biệt với anh khi tình cờ, ca cấp cứu hôm đó liên quan đến ba người tên Nam. Người chỉ huy ca cấp cứu là Đặng Ngọc Nam, tổ chức thực hiện là bác sĩ Lê Hải Nam, còn bệnh nhân là Đinh Văn Nam. Và quà tặng cho ngày sinh nhật của đảo trưởng là một ca mổ thành công trong đêm sau hơn ba tiếng đồng hồ. “Ca mổ kéo dài từ 11 giờ kém 15 đến 2 giờ 10, ổ áp xe của bệnh nhân rộng 20cm. Quân chủng đã điện thoại chỉ đạo trực tiếp ca mổ này”, Thiếu tá Nam kể lại.

13 ngày sau, bệnh nhân Lê Văn Nam đã hồi phục, được đưa ra tàu và trở về đất liền. Và giờ đây, hai người đàn ông tên Nam còn lại, Thiếu tá Đặng Ngọc Nam và bác sĩ Lê Hải Nam cũng đều đã nhận lệnh trở về đất liền để thực hiện nhiệm vụ khác.

Những lần cứu người trong gang tấc

Vùng biển quanh đảo An Bang dữ, thế nên có nhiều trường hợp ngư dân đánh bắt và gặp tai nạn ở khu vực này. Trong năm 2014, bệnh xá đảo An Bang đã khám và cấp thuốc gần 400 lượt, cấp cứu 5 ngư dân, trong đó có những ca rất đặc biệt.

Khi kể về những ca cấp cứu ấy Đại úy, bác sĩ Lê Hải Nam, Bệnh xá trưởng đảo An Bang gần như không phải mở lại bệnh án mà vẫn nhớ như in toàn bộ sự việc, từ ngày diễn ra cho đến năm sinh của bệnh nhân, thậm chí cả số hiệu tàu cá ngư dân gặp nạn.

Kỳ 3: Cứu hộ khẩn trên biển Trường Sa ảnh 2

Bác sĩ Lê Hải Nam kể lại những ca cấp cứu trên đảo.

Ngày 24-10, ngư dân Lê Văn Ninh ( 53 tuổi, trú tại Nha Trang – Khánh Hòa) được đưa vào cấp cứu ở bệnh xá An Bang trong tình trạng chấn thương ngực bụng kín do cẩu hàng bị đứt dây cáp, lưới chứa 13 tấn cá rơi đè lên nửa người anh, làm gãy xương sườn số 9, 10, 11 bên phải; chảy máu trong ổ bụng và vỡ gan. Bệnh nhân đã hôn mê, mạch đập nhanh, tụt huyết áp…

Đây được xác định là ca bệnh rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu ngay sẽ dễ dẫn tới tử vong. Trước tình hình điều kiện cơ sở vật chất của bệnh xá chưa đủ hiện đại, Tư lệnh Quân chủng Hải quân tính đến phương án điều máy bay chuyển bệnh nhân vào bờ cấp cứu. Tuy nhiên, trong trường hợp đa chấn thương vùng bụng như anh Ninh, việc vận chuyển sẽ khiến máu vùng bụng sẽ tiếp tục chảy, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Trong lúc nguy cấp, Thiếu tá Đặng Ngọc Nam và kíp y, bác sĩ ở bệnh xá đã đưa ra quyết định: quyết tâm phẫu thuật cứu sống ngư dân ngay tại đảo!

Ca phẫu thuật không chỉ khiến những người trong cuộc – các y bác sĩ của Bệnh xá An Bang lo lắng, mà toàn đảo cũng thấp thỏm chờ đợi. Sau hơn 2 giờ nỗ lực với quyết tâm cao nhất, ca phẫu thuật đã thành công. Bệnh viện Quân y 108 hết sức khen ngợi đảo và kíp quân y đang thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện thành công một ca mổ khó.

Sau khi phẫu thuật, anh Ninh tiếp tục được điều trị phục hồi ở bệnh xá đảo An Bang 40 ngày cho đến khi hồi phục hoàn toàn. “Khi các y, bác sĩ ở đảo cứu được anh Ninh, tất cả chúng tôi cũng mừng như vừa chết đi sống lại. Lênh đênh đánh bắt trên biển, nhiều bất ngờ có thể xảy ra nhưng có đảo, có các bác sĩ chúng tôi cũng yên tâm hơn nhiều”, anh Nguyễn Hoa, chủ tàu cá của ngư dân Lê Văn Ninh cảm động nói.

Một trường hợp ngư dân bị thương phải cấp cứu khác là Lê Duy Hội, 23 tuổi, trú tại Núi Thành, Quảng Nam. Hội là ngư dân câu cá ngừ đại dương, một lần câu được con cá lớn, lúc kéo lên do quá nặng dây câu bị đứt, lưỡi câu bật ngược móc vào bắp tay.

Tuy nhiên do chủ quan, Hội vẫn cố gắng đi đánh bắt thêm ba ngày nữa mới vào đảo khi đã có dấu hiệu hôn mê. Các y, bác sĩ ở Bệnh xá nhanh chóng tiến hành hồi sức cho Hội trong vòng tám tiếng, sau đó thực hiện mổ.

“Đây không phải là ca khó nhưng là ca kéo dài nhất (bốn tiếng) trong suốt thời gian nhận nhiệm vụ ở Bệnh xá An Bang, bác sĩ Nam bộc bạch. Móc câu cắm mạnh vào bắp tay của bệnh nhân, móc cùng một lúc ba dây thần kinh chính, nếu gỡ không khéo có nguy cơ bại liệt cánh tay. “Mỗi dây thần kinh được gỡ ra tôi lại thở nhẹ nhàng hơn một tí”, bác sĩ Nam hồi tưởng lại. Sau phẫu thuật 5 ngày, Hội hoàn toàn bình phục và trở về đất liền…

Tâm sự những bác sĩ mặc áo lính

Từng gắn bó với đảo xa, cả bác sĩ Nam, Thiếu tá Nam và nhiều người lính đảo đều cho biết: Nếu trên đài quan sát mà phát hiện có tàu đánh cá có hướng chạy thẳng vào đảo, sóng rẽ mạnh hai bên, vừa chạy vừa thả thúng xuống thì chắc chắn là đang có người gặp nạn. Ngay lập tức, chỉ huy đảo sẽ thông báo cho y, bác sĩ tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đón ngư dân, đồng thời cho chiến sĩ ra hỗ trợ.

Kỳ 3: Cứu hộ khẩn trên biển Trường Sa ảnh 3

Bác sĩ Huỳnh Thanh Bình giới thiệu về hệ thống Telemedicine hiện đại trên đảo Trường Sa Lớn.

Bác sĩ Nam còn có một người bạn thân cũng đang là Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn, Đại úy, bác sĩ Huỳnh Thanh Bình. Trường Sa Lớn và An Bang là hai đảo nổi trong các đảo ở phía nam quần đảo Trường Sa nên hầu như các ca ngư dân gặp nạn đều đưa về những đảo này. Trường hợp bệnh xá Trường Sa Lớn không thể xử lý mới chuyển về đất liền bằng máy bay của Sư đoàn 370 Phòng không không quân.

Trong năm 2014, đã có 8 ca tiến hành hội chẩn trực tuyến, trong đó có 7 ca được tiến hành phẫu thuật thành công ngay tại Trường Sa, còn duy nhất ca của ngư dân Lê Quang Minh đưa vào bệnh xá vào tháng 10-2014 với tình trạng áp xe góc hàm phải biến chứng tràn mủ trung thất vào phổi 2 bên. Do bệnh để lâu, nguy hiểm, phương tiện cứu chữa trên đảo không đủ đáp ứng nên đã được đưa vào bờ bằng đường hàng không.

Trường Sa Lớn là đảo cấp 1, nơi đây có trang bị thiết bị y tế hiện đại nhất trong số các đảo. Năm 2013 bệnh xá Trường Sa Lớn đã được trang bị hệ thống máy Hội chẩn trực tuyến (Telemedicine) từ Bệnh viện 175. Đây là một trong những phương tiện y học hiện đại nhất ở ở bệnh xá. Nhờ hệ thống hội chẩn này, những ca khó sẽ được các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành từ đất liền hỗ trợ nhằm đưa ra phương án cứu chữa tốt nhất.

Các bác sĩ đều cho biết, ngư dân đều là những người dân nghèo phải bươn chải để kiếm sống nên họ rất tham việc. Chỉ khi không thể làm được việc nữa họ mới lên đảo nhờ cấp cứu. Vì thế, những trường hợp bệnh nhân được đưa lên đảo đều là nguy cấp, ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Bác sĩ Nam, bác sĩ Bình luôn nhắc nhở ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan, có dấu hiệu gì về sức khỏe thì vào đảo ngay, đừng cố làm việc để bệnh lâu ngày nguy hiểm.

Ra đảo công tác cũng là thiệt thòi của những bác sĩ mặc áo lính. Bởi nghề y, cũng như nhiều nghề khác, càng thực hành nhiều bao nhiêu thì tay nghề sẽ cao bấy nhiêu, nhưng trên đảo họ không có cơ hội đó. Ở đất liền, mỗi ngày ít nhất các anh mổ hai ca, thế nên hoàn thành nhiệm vụ ở đảo về các bác sĩ bỏ lỡ ít nhất 600 lần thực hành ca mổ so với các đồng nghiệp. Vì thế, để không lạc hậu trong nghề, ngoài thực hiện nhiệm vụ trên đảo, các bác sĩ ở đảo còn phải tự học qua sách vở nhờ gửi ra từ đất liền, khi về bờ vẫn phải tiếp tục học hỏi.

Nhưng những người bác sĩ mặc áo lính như Đại úy Nam và Bình chưa bao giờ từ nan. Và những chuyến đi làm nhiệm vụ trên đảo vẫn luôn thôi thúc họ…