Theo hải trình của những người giữ biển

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy

NDO -

NDĐT – Buổi sáng hôm đó, biển động hơn mọi ngày. Khi chúng tôi vừa bước chân khỏi giường, còn đang chao đảo trước những cơn sóng dữ, thì tàu CSB 2008 nhận lệnh tiến ra gần phao số 0 để đuổi tàu nước ngoài đang xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Con tàu rẽ sóng lao đi khi bữa cơm sáng vẫn đang ăn dở…

Kỳ 1: Lời thề giữ biển

Gương mặt căng thẳng của những cảnh sát biển trong lúc đuổi tàu cá nước ngoài.
Gương mặt căng thẳng của những cảnh sát biển trong lúc đuổi tàu cá nước ngoài.

Gác biển

Cảnh sát biển Việt Nam tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu; hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm cứu nạn. Hợp tác quốc tế, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, hoà bình và ổn định trên các vùng biển... Do đó, nhiệm vụ của các chiến sĩ cảnh sát biển dường như không có một ngày bình yên, ngơi nghỉ.

5 giờ sáng, bình minh trên biển dường như đến tới sớm hơn trên đất liền. Đêm qua,tàu chao lắc bởi những đợt sóng lừng không ngừng nghỉ. Với kinh nghiệm lâu năm, cán bộ chiến sĩ trên tàu nói, tình hình này, rất có thể có dông, lốc trên biển. Điều này đồng nghĩa với biển sắp động.

“Toàn tàu chuẩn bị nhổ neo!”. Mệnh lệnh do Thuyền trưởng, thượng úy Nguyễn Thế Duyệt thông báo qua loa vào sáng sớm như báo hiệu một điều khác thường. “Rada vừa báo có tàu cá nước ngoài đang tiến vào vùng biển Việt Nam chị ạ. Các chị chuẩn bị tinh thần nhé. Tàu sẽ đi ra đó ngay bây giờ”, Duyệt nói.

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 1

Sáng mờ sương, Thuyền trưởng Nguyễn Thế Duyệt đã phát lệnh nhổ neo đuổi tài cá.

Duyệt năm nay 28 tuổi, tính tình điềm đạm, rất ít nói, chưa vợ con, hiện tại cũng chẳng có mảnh tình vắt vai bởi suốt ngày lênh đênh trên biển. Đêm qua, cậu tâm sự: “Trên biển thì không nói trước được điều gì. Sóng to, gió cả, bão biển điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước ngọt, rau xanh…, cộng thêm vào đó là biết bao những phức tạp."

Mùa biển động là những lúc khó khăn nhất. Không phải vì say sóng, hay những bữa cơm không trọn vẹn, mà vì đó thời điểm các tàu cá nước ngoài xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam đông nhất. Giây phút chuyện trò ngắn ngủi, Duyệt xin phép quay trở lại phòng. Chỉ vài phút sau, còi báo động vang lên dồn dập, tàu lạ cách đó độ 10 hải lý. Bữa sáng mới chỉ kịp dọn ra, chưa ai kịp cầm đũa, toàn thể cán bộ chiến sĩ nhanh chóng vào vị trí. Tàu 2008 tăng tốc, lướt sóng về phía trước.

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 2

Tiếp cận tàu cá nước ngoài và phát loa phóng thanh.

Chỉ hai chục phút sau, tàu tiếp cận được hai chiếc tàu lạ. Ngay lập tức, từ loa phóng thanh phát ra hiệu lệnh bằng ba thứ tiếng: “Đây là Cảnh sát biển Việt Nam, các vị đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Đề nghị các vị dừng ngay mọi hoạt động trên biển và ra khỏi vùng biển thuộc chỉ quyền Việt Nam”. Hai chiếc tàu cá lúc đầu còn ngoan cố, lượn lờ chưa chịu đảo bánh lái, lững lờ như “trêu ngươi”. Sau một tiếng đồng hồ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ với phương châm linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết, khôn khéo hai chiếc tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam đã chịu quay mũi, hướng ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 3

Tàu cá nước ngoài quay mũi rời khỏi vùng biển Việt Nam.

Lúc này, mặt trời đã lên đỉnh đầu tự lúc nào. Ánh nắng gắt gao rọi chiếu vào từng gương mặt lấp loáng giọt mồ hôi. Mọi người hồ hởi, bắt tay nhau trong niềm vui hoàn thành nhiệm vụ.

Chẳng bao lâu, các tàu hàng tấp nập qua lại, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục từng tổ xuống xuồng cao su để lên các tàu hàng kiểm tra, kiểm soát. Với nhiều cửa sông, là địa bàn màu mỡ để các loại tội phạm nhập hàng hóa trái phép qua vùng biển: than, khoáng sản, thuốc lá, nông sản, mỹ phẩm, nội tạng, cá giống... Thời gian qua, CSB vùng 1 đã phát hiện, bắt giữ 142 lượt tàu thuyền mua bán vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển, tịch thu số lượng lớn các tang vật gồm hơn 10 nghìn tấn than quặng, hơn 200 nghìn lít dầu DO, hơn 500 lít dầu nhớt, hơn 40m3 gỗ sưa, 500 kg pháo nổ, 532 kg mỹ phẩm, 200 tấn mặt hàng điện tử đã qua sử dụng…

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 4

Dùng xuồng cao su tiếp cận tàu hàng để kiểm tra.

Trao đổi với chúng tôi trong hải trình dài cùng cán bộ chiến sĩ tuần tra, kiểm soát của tàu 2008, đại tá Trần Văn Rồng, Phó Chính ủy BTL Cảnh sát biển vùng 1 cho biết: Trong thời gian qua, chỉ tính riêng CBS Vùng 1 đã rời bến hơn 400 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 1,5 đến hai tháng trời lênh đênh nơi đầu sóng, ngọn gió. Tiến hành kiểm tra hơn bảy nghìn lượt tàu thuyền có dấu hiệu vi phạm. Xử lý vi phạm hành chính hơn 3,5 nghìn lượt tàu thuyền, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 20 tỷ đồng.

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 5

Tiếp cận tàu ngư dân để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

CSB Vùng 1 đã phối hợp các lực lượng hải quan, biên phòng, công an các tỉnh tịch thu sung công quỹ hơn 80 tỷ đồng. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 20 nghìn lượt ngư dân và phương tiện, phát ba nghìn tờ rơi những điều ngư dân cần biết khi vào đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ…

Gian khó và tự hào

Trên tàu 2008, có rất nhiều gương mặt cán bộ chiến sĩ từng có mặt tại “điểm nóng” Hoàng Sa, thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981. Dù không được tác nghiệp tai điểm nóng nhưng những câu chuyện vẫn còn nguyên giá trị thời sự khiến chúng tôi như vừa được chứng kiến câu chuyện cam go mới xảy ra ngày hôm qua.

Đại úy quân y Vũ Mạnh Khởi kể: Khi ấy, tôi đang nghỉ phép tại quê nhà dịp 30-4 và 1-5 thì được lệnh ra đơn vị gấp. Xuống tàu 8003, con tàu đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại thực địa, anh em tiến hành các công tác chuẩn bị như bình thường. Chỉ tới khi xuất phát, anh em mới biết nhiệm vụ.

Dù đối diện hiểm nguy, gặp phải sự truy cản, đuổi, vây ép, phun vòi rồng từ phía đối phương, tuy nhiên toàn thể cán bộ, chiến sĩ cùng phóng viên tác nghiệp đều đồng tâm, đồng lòng, dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 6

Thượng úy Bùi Xuân Tập dẫn đầu tổ chấp pháp lên kiểm tra tàu hàng.

Còn Thượng úy Bùi Xuân Tập -Phòng Pháp luật, CSB Vùng 1 là chiến sĩ trẻ tình nguyện viết đơn xung phong ra thực địa Hoàng Sa đợt HD 981. Tập là một trong bốn gương mặt tuổi trẻ lực lượng Cảnh sát biển được tuyên dương nhân kỷ niệm 70 năm thành lập CAND, 20 năm Phong trào bảo vệ ANTQ do T.Ư đoàn phối hợp Bộ Công an tổ chức.

Quê Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên, Tập lấy vợ và có một con gái nhỏ. Cậu tâm sự: Em vừa có chuyến công tác từ Móng Cái về, lên bờ lao như tên về với công chúa nhỏ được một ngày rưỡi, rồi lại nhận lệnh đi công tác. Tập bảo, làm công tác phòng, chống tội phạm trên biển hay đất liền cũng đều cam go, đối diện hiểm nguy. Điều khó khăn nhất không phải là thiếu thốn lương thực, thức ăn, hay nhớ gia đình mà mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, giữ mình trước những đồng tiền phạm pháp từ các đối tượng buôn lậu. Họ sẵn sàng hối lộ rất nhiều tiền cho lực lượng thực thi pháp luật để đưa hàng qua vùng biên một cách trót lọt.

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 7

Kiểm tra giấy tờ sổ sách trên tàu hàng.

Tập kể cho chúng tôi nghe về hai kỷ niệm xúc động đáng nhớ, đó là lần đầu tiên chào cờ trên biển trên chiếc tàu 8003. Cậu nói: Những giây phút ấy càng thấy Tổ quốc thật thiêng liêng, hùng vĩ, càng hun đúc quyết tâm của người lĩnh CSB, dù có hy sinh tính mạng cũng quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là một lần tàu đang thực hiện tuần tra, kiểm soát, thì anh em thấy có tàu đánh cá của ngư dân phát tín hiệu. Hai ngư dân trên tàu vẫy tay liên hồi báo hiệu xin tàu của dừng lại. Thoạt tiên mọi người phán đoán tàu ngư dân có việc gì khẩn cấp muốn xin sự trợ giúp, ngay lập tức chỉ huy ra lệnh tăng tốc, tiến sát gần tàu cá. Khi tới gần, một ngư dân đứng tuổi mang từ khoang ra con cá to cỡ 20 cân, nói: “Chúng tôi xin cảm ơn lực lượng CSB, trong cơn bão vừa qua đã cứu hai tàu cùng quê hương Thái Bình chúng tôi gặp nạn. Qua bộ đàm, chúng tôi vừa được nghe đồng hương kể lại. Đêm qua biển động, được mẻ cá lớn, nay chọn con to nhất tặng lại các chú để bày tỏ lòng cảm ơn, cảm kích của ngư dân chúng tôi đối với các cán bộ, chiến sĩ trên tàu”.

Sau khi nói lời cảm ơn, chúng em nhất định xin không nhận cá. Nhìn chiếc tàu nhỏ bé của ngư dân rời xa khỏi tầm mắt, ai nấy đều rưng rưng xúc động. Nhiệm vụ đã được giao phải cố gắng hoàn thành tốt nhất, không phải vì bằng khen hay những món quà vật chất. Phần thưởng lớn nhất của chúng em là nhận được tấm lòng yêu quý, tin cậy của ngư dân với lực lượng Cảnh sát biển. Thật trân trọng và tự hào.

Kỳ 2: Đối mặt hiểm nguy ảnh 8

Ngư dân Nguyến Văn Thiêm: "Có lực lượng cảnh sát biển, chúng tôi yên tâm khi vươn khơi".

Ngày hôm sau, khi chúng tôi lên chiếc tàu cá TB 3452 của những người dân Thái Bình, ngư dân Nguyễn Văn Thiêm cho biết: Khi nguồn lợi hản sản gần bờ ngày càng khan hiếm, ngày càng có nhiều ngư dân quyết định đóng tàu lớn để vươn khơi.

“Từ khi được các lực lượng chấp pháp trên biển, nhất là cảnh sát biển tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, chúng tôi đã hiểu quyền và lợi ích của mình, nên bảo ban ban nhau thực hiện, tuân thủ đúng luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế. Giữa biển khơi, khi bất trắc xảy ra đã có các lực lượng cứu hộ, chúng tôi rất yên tâm khi vươn khơi bám biển, hành nghề, góp phẩn bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam".