Những câu chuyện nhỏ giữa biển lớn

Kỳ 1: Người giữ sắc xanh cây giữa màu xanh biển trời

NDO -

NDĐT – Giữa màu xanh ngắt của biển và trời ở quần đảo Trường Sa, giờ đây, những người ra đảo đã cảm nhận rõ rệt hơn một màu xanh khác - màu xanh lục của những lá non đang ngày càng phủ kín trên những hòn đảo nổi ở đây. Và chúng ta không thể quên những người đã giữ thêm một sắc xanh cho vùng đảo thiêng của Tổ quốc…

Thượng úy chuyên nghiệp Hoàng Đức Thắng, người "đỡ đẻ" cho nhiều cây bàng vuông ở Trường Sa Lớn.
Thượng úy chuyên nghiệp Hoàng Đức Thắng, người "đỡ đẻ" cho nhiều cây bàng vuông ở Trường Sa Lớn.

Người đầu tiên chiết thành công cây bàng vuông

Kỳ 1: Người giữ sắc xanh cây giữa màu xanh biển trời ảnh 1

Đại tá Bùi Hải Phước (bên phải) đi giữa hai hàng cây chào tạm biệt các chiến sĩ ở Trường Sa Lớn.

Năm 1998, cả đảo Sinh Tồn Đông chỉ có một cây bàng vuông duy nhất cạnh cột mốc chủ quyền. Lúc đó, Đại tá Bùi Hải Phước, Phó lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, đang là Tham mưu trưởng đã rất trăn trở. Cây phi lao trồng quanh đảo thì ngày càng héo quắt vì sóng gió. Nhiều loài cây mang từ trong đất liền ra đảo sau chặng đường kéo dài cả tháng ròng trên biển cũng lần lượt chết hết. Đảo trơ khấc một màu san hô, khô nóng và thiếu nước...

Ông chợt nghĩ, trong đất liền, nhiều loài cây đã được chiết trồng thành công, tại sao một cây có sức sống mãnh liệt như cây bàng vuông lại không thể chiết được?

Ông đã cùng đồng đội thử nghiệm chiết những cây bàng vuông đầu tiên. Ông vận dụng kỹ thuật chiết như chiết gốc chanh ở nhà, lấy lá cây trộn đất và bó bằng bao gai quanh đoạn thân cây chọn chiết. Đợi ba tháng sau cưa xuống và cắm trồng xuống đất. Không ngờ, những đoạn cây ấy đã sống và trở thành những cây bàng vuông con. Hiện nay, Sinh Tồn Đông vẫn còn cây mẹ cùng ba cây bàng vuông ông chiết, mang lại màu xanh cho đảo. Năm 1999, ông Phước được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng của đảo. Đến năm 2000, việc chiết cây được nhân rộng lên ở Sinh Tồn Đông. Ngoài cây bàng vuông, các cán bộ chiến sĩ ở đây còn chiết trồng thêm cây tra. Năm 2001, ông rời Sinh Tồn Đông, hòn đảo đầu tiên mà ông gắn bó trong 30 năm quân ngũ đã qua, mang theo một kỷ niệm rất sâu sắc về sắc xanh mướt của những tán bàng vuông. Ngày nay, đảo được mở rộng thêm so với hồi đó. Cây cối được quy hoạch các vị trí trồng một cách rõ ràng hơn, tránh việc phải di chuyển cây hay chặt bỏ. Nhiều loại cây mới cũng được mang đến đảo. Nhưng bốn cây bàng vuông, trong đó có ba cây do chính tay ông chiết trồng vẫn mang lại màu xanh chủ đạo bất diệt tại đây.

Cũng bắt đầu từ năm 1998, người nọ truyền người kia, cán bộ lâu năm dạy người mới đến, việc chiết cây để trồng lan rộng ra toàn bộ quần đảo Trường Sa. Ngoài cây bàng vuông, nhiều loại cây khác cũng được đưa ra trồng ở đảo, nhưng không phải loài cây nào cũng thích hợp. Trong khi cây mít, cây ổi không thể sống nổi, thì một số cây khác như chuối, đu đủ, na, chanh... đã được trồng thành công ở một số hòn đảo nổi của Trường Sa. Cây bàng ta cũng nhiều lần được đưa ra đảo để thử nghiệm nhưng không thành công vì thân cây không chịu được mặn. Riêng dừa lại là loài cây tạo nên đặc trưng riêng cho đảo Nam Yết.

Kỳ 1: Người giữ sắc xanh cây giữa màu xanh biển trời ảnh 2

Nhiều loại cây được ươm, chiết ở đảo An Bang.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác của Đại tá Phước liên quan đến những cây dừa Nam Yết trong thời gian công tác ba năm từ 2007 đến 2010 tại đảo này. Năm 2008, vườn dừa vẫn đang xanh tốt thì một cơn bão lớn tràn qua. Năm 2009, cả khu vườn kiệt quệ vì bị bọ cánh cứng hủy hoại nặng. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhiều phóng viên báo đài ra đến đây đã không khỏi xót xa trước cảnh vườn dừa bị tàn phá. Đến năm 2010, đất dừa Bến Tre đã hỗ trợ đảo để cứu dừa. Họ cung cấp thuốc để trị bệnh, giờ đây dừa đã xanh tốt trở lại.

Và những người kiêm nghề “đỡ đẻ” cho cây

Kỳ 1: Người giữ sắc xanh cây giữa màu xanh biển trời ảnh 3

Đảo trưởng Trường Sa Lớn, Thượng tá Phạm Văn Hòa tưới cho cây bàng vuông vừa được chiết.

Sau những thành công trong việc chiết cây mà Đại tá Phước khởi phát năm 1998, khắp các hòn đảo trên quần đảo Trường Sa đã nhân rộng mô hình này. Trên hai hòn đảo nổi mà chúng tôi đi qua trong hải trình thăm và chúc Tết đầu năm 2015 này là An Bang và Trường Sa Lớn, mỗi đảo đều có một “tay” chiết cây cừ khôi được giao thêm trọng trách nhân rộng màu xanh cho đảo bên cạnh nhiệm vụ chính của mình.

Công tác trên đảo Trường Sa Lớn từ tháng 3-2011 với vị trí Trạm trưởng Trạm định vị vệ tinh, thuộc Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu, Thượng úy chuyên nghiệp Hoàng Đức Thắng được giao thêm nhiệm vụ chiết cây, chủ yếu trong số đó vẫn là cây bàng vuông.

Với Thượng úy Thắng, cây cối chính là niềm đam mê của anh từ khi còn ở nhà. Biết được sở thích đó, Đại tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, một người cũng rất yêu cây đã giao thêm cho anh công việc chiết cây vào những ngày nghỉ. Tháng 6-2011, anh đã chiết thành công cây bàng vuông đầu tiên, đến nay “đứa con đầu lòng” ấy vẫn đang được trồng ngay sân đảo.

“Cây bàng vuông có thể chiết quanh năm, nhưng để đạt kết quả chiết thành công cao nhất nên chọn chiết vào tháng 6. Ngoài kỹ thuật chiết cây cơ bản, còn cần phải biết căn vào thời tiết, nếu nóng quá và không đủ độ ẩm thì sẽ thất bại”, anh Thắng tiết lộ kinh nghiệm của mình trong bốn năm gắn bó với công việc chiết bàng vuông.

Kỳ 1: Người giữ sắc xanh cây giữa màu xanh biển trời ảnh 4

Cây bàng vuông mẹ đang "thai nghén" thêm một cây con.

Mỗi lần, anh Thắng chiết khoảng 50-60 cành bàng vuông to và nhỏ khác nhau từ bốn cây mẹ. Trong số đó, chỉ có khoảng 5% số cành bị chết. Còn lại, nếu có thuốc kích thích mọc rễ thì chỉ 45 ngày cành đã thành cây bàng vuông, còn không có thuốc thì phải hai tháng. Đến nay, anh không còn nhớ mình đã chiết bao nhiêu cây nữa. Ngoài bàng vuông, anh còn chiết thêm cây tra và một số loại cây khác. Anh Thắng là người cảm nhận rõ rệt hơn ai hết nỗi đau của những cây mẹ khi phải chiết cành quá nhiều. “Đôi lúc cây bàng vuông mẹ yếu hẳn đi, lúc đó tôi phải dừng chiết và chăm sóc cho cây một cách chu đáo”. Nhưng dường như cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng của mình khi tạo ra những cây bàng vuông con để chuyển đi khắp các đảo chìm và đến mọi miền tổ quốc, ba cây bàng vuông mẹ, và năm nay có thêm một cây nữa cũng làm mẹ vẫn đang chịu đau đớn, chia sớt màu xanh mướt của mình cho hàng trăm cây con non tơ.

Ngay sân chính của đảo An Bang cũng có ba cây bàng vuông mẹ. Nhìn màu xanh sẫm của cây đã thấy sự ẩm ướt do cây mang lại cho đảo. Màu xanh ấy thể hiện sự trù phú của hòn đảo vốn mang tiếng khắc nghiệt nhất trên quần đảo Trường Sa. Và người đỡ đẻ mát tay cho những cây bàng vuông mẹ, sinh ra hàng trăm cây bàng vuông mỗi năm chính là …

Quà tặng từ biển

Kỳ 1: Người giữ sắc xanh cây giữa màu xanh biển trời ảnh 5

Chai nước được treo trên cây để dụ chim về đảo ở Trường Sa Lớn.

Năm 1991, Thượng tá Đinh Trọng Thắm, nay là Đảo phó Quân sự đảo Trường Sa Lớn lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này. Ông còn nhớ năm đó thị trấn Trường Sa gần như chưa có cây, chỉ lơ thơ một ít cây phong ba, bão táp. Rồi không biết qua bao nhiêu thế hệ người lính đặt chân đến và chia tay Trường Sa, đến nay hòn đảo nhỏ đã có hàng nghìn cây xanh. Riêng năm 2014, có hơn 600 cây xanh được trồng mới trên hòn đảo này. Thượng tá Phạm Văn Hòa – Chỉ huy đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Trồng cây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm được toàn thể anh em hưởng ứng. Tất cả xác định “Trồng cây nào, sống cây ấy”. Trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường, trồng cây xanh để giữ nước ngọt và trồng cây xanh để đỡ nhớ đất liền.” Mỗi cán bộ chiến sĩ khi đặt chân lên đảo có nhiệm vụ tự chiết và trồng 3 cây xanh. Thường mỗi dịp trước khi xuất quân rời đảo, toàn đảo lại chọn một ngày để tổ chức cho những người chuẩn bị chia tay trồng cây mình đã chiết vào những vị trí đã được quy hoạch. Thế nên, với đảo trưởng Phạm Văn Hòa, mỗi cây xanh ở Trường Sa thấm đẫm cả máu và mồ hôi của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Trồng cây thành công ở Trường Sa rất khó, nhưng tất cả chiến sĩ ai cũng muốn trồng thành công vì đó như là một kỷ niệm với đảo. Thế nên những người gắn bó lâu với Trường Sa, có dịp quan sát cây mình đã trồng lớn lên như Thượng úy Thắng có thể xem là người may mắn. Tết trồng cây năm nay, đảo Trường Sa Lớn phát động chiến dịch trồng cây trong toàn đơn vị với phương châm “một chiến sĩ một cây xanh”. Trồng sau một tháng chỉ huy đảo sẽ nghiệm thu, nếu cây sống mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ. Và ngược lại thì phải tìm mọi cách cứu được cây.

Không chỉ trồng cây, những người lính yêu thiên nhiên còn nghĩ ra cách gọi chim về làm bạn với cây. Trên mỗi cây bàng vuông, cây tra, cây bão táp… ở Trường Sa Lớn, họ còn treo một chai đựng nước được làm từ rác nhặt ở bãi cát do sóng đánh vào để dụ chim về. Thượng tá Đinh Trọng Thắm được mệnh danh là người dụ chim trên đảo. Mỗi sáng, ông lại ngồi dưới tán cây huýt sáo giả tiếng chim để chim thấy có bầu bạn mà về với đảo…

Không chỉ chiết cây để nhân rộng màu xanh cho đảo, Trường Sa Lớn còn gánh nhiệm vụ khá nặng nề khi cung cấp cây bàng vuông cho tất cả các đảo chìm trên quần đảo. Để tạo màu xanh cho toàn bộ quần đảo, từ năm 2009, đảo chìm đã lấy một số cây chiết từ đảo nổi sang trồng, nhất là bàng vuông. Nhưng trồng cây ở đảo chìm vẫn đang là một thách thức khi phần lớn cây trồng không phát triển tốt tươi như đảo nổi. Và đến nay, giữ màu xanh trên đảo chìm vẫn đang là một trọng trách khiến nhiều người trăn trở. Chúng tôi đã từng chứng kiến cây bàng vuông được trồng từ năm 2009 tại đảo Thuyền Chài C bị sóng lớn thổi bạt. Nhưng cứ mỗi lần bị sóng đánh, lại là một lần người lính chăm bẵm nhiều hơn cho cây, đảo đất trong chậu, bón thêm phân, tưới đủ nước… để cây bàng vuông vẫn luôn giữ sắc xanh riêng giữa biển. Thành công lớn nhất là trên đảo Thuyến Chài B đã có cây bàng vuông ra quả!

Kỳ 1: Người giữ sắc xanh cây giữa màu xanh biển trời ảnh 6

Cây bàng vuông trên đảo chìm Thuyền Chài C đang chống chọi cùng sóng và gió biển.

Cũng từ năm 2009, rộ lên phong trào chiết cây bàng vuông làm quà tặng cho đất liền. Có nhiều đảo như Trường Sa Lớn, An Bang... mỗi năm chiết cả hàng trăm cây để gửi về đất liền như một món quà thiêng liêng của biển đảo gửi về đất mẹ. Cây bàng vuông thường được trồng ở những vị trí trang trọng ở trường học, ủy ban… như để nhắc nhở mỗi người con đất Việt về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc nằm về phía biển. Tuy nhiên, cây bàng vuông dường như chỉ thích hợp với biển đảo, chỉ xanh tốt trước sóng gió biển khơi, nên tỷ lệ trồng thành công bàng vuông ở đất liền không cao. Từ năm 2013, phong trào chiết bàng vuông gửi về đất liền làm quà cũng giảm đi so với trước. Nhưng đó vẫn được xem là món quà quý giá nhất Trường Sa gửi về đất liền.

Giờ đây, mỗi lần ra với Trường Sa, Đại tá Bùi Hải Phước lại nhớ đến kỷ niệm mà ông đã có ở Sinh Tồn Đông. Và lần làm trưởng đoàn công tác ra thăm và chúc Tết ở các đảo phía nam quần đảo thân thương này cũng vậy. Đi giữa những hàng cây rợp bóng ở Trường Sa Lớn, hay ngắm những cây bàng vuông đơn độc đang chống chọi sóng gió ở đảo chìm, ông vẫn luôn nghĩ và trăn trở với sắc xanh cây điểm tô giữa sắc xanh của biển và trời.