Theo hải trình của những người giữ biển

Kỳ 1: Lời thề giữ biển

NDO -

NDĐT – Nếu so sánh với những lực lượng bảo vệ vùng biển đảo khác, cảnh sát biển là lực lượng đầu tiên đối mặt với hiểm nguy trên biển, hứng trọn những bão tố phong ba từ biển. Trong suốt chuyến hải trình cùng những người giữ biển, không biết bao nhiêu lần Đại tá Trần Văn Rồng, Phó Chính ủy BTL Cảnh sát biển vùng 1 nhắc nhở chúng tôi điều này. Những trải nghiệm trong hải trình dài chứng kiến họ thực hiện nhiều nhiệm vụ chấp pháp càng khiến chúng tôi thấm thía những điều ông nói.

Lễ tưởng niệm không chuẩn bị trước nhưng hết sức nghiêm trang và xúc động.
Lễ tưởng niệm không chuẩn bị trước nhưng hết sức nghiêm trang và xúc động.

Lễ tưởng niệm bất ngờ trên biển

Buổi sáng đầu tiên, cửa biển hôm ấy lặng sóng, những cán bộ, chiến sĩ chưa phải thực hiện nhiệm vụ của mình đều có mặt trên boong tàu trò chuyện. Trong câu chuyện về những gian lao, vất vả, mồ hôi, mất mát của người lính cảnh sát biển, cái tên liệt sĩ Thượng úy Phạm Văn Huy được nhắc tới.

Lời kể của đại tá Rồng trầm buồn: Ngày 10-6 vừa qua, thủ trưởng BTL vùng 1 giao tổ công tác gồm ba đồng chí trong đó có Phạm Văn Huy, phòng Trinh sát thực hiện nhiệm vụ trên tàu QN-90072 TS nhằm chủ động phát hiện các phương tiện nghi vấn hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đến ngày thứ mười, tổ trinh sát nghi vấn một tàu buôn lậu dầu nên đã ra lệnh dừng tàu, tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Hôm đó biển động, một cơn dông lớn ập tới, tàu chở dầu nặng có nguy cơ chìm, đồng chí Huy đã ra lệnh cho hai đồng đội trở về tàu, anh ở lại đưa tàu chở dầu vào vị trí an toàn để kiểm tra. Những cơn sóng lớn đã ào tới liên tiếp khiến tàu dầu nghiêng sang một bên, Huy yêu cầu hai thuyền viên tàu dầu nhảy xuống, anh sẽ là người rời tàu cuối cùng. Đúng lúc đó, một cơn sóng lớn đã nhấn chìm cả anh cùng chiếc tàu dầu xuống biển. Lúc đó là rạng sáng ngày 21-6.

Nhận được tin báo, BTL Cảnh sát biển Vùng 1 đã khẩn trương điều động các lực lượng, phương tiện ra hiện trường phối hợp với Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng và các phương tiện đang hoạt động xung quanh khu vực tổ chức tìm kiếm. Đến 6 giờ ngày 22-6, nhân dân và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy thi thể của anh.

Trong lúc chúng tôi còn đang bàng hoàng xúc động khi nghe kể về tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng chí Huy thì đột nhiên, một chiến sĩ hô to: “Chúng ta sắp đi qua chỗ anh Huy hy sinh rồi mọi người ơi”. Một phóng viên nữ trong đoàn đưa ra ý kiến: Hay là chúng ta làm một cái lễ nhỏ để tưởng nhớ anh ấy, giống như những lần tàu Hải quân đi ra Trường Sa đều thả hoa và hương cho các chiến sĩ hy sinh trên vùng biển đó.

Kỳ 1: Lời thề giữ biển ảnh 1

Cờ Tổ quốc được trải ra để làm lễ tưởng niệm.

Phút chốc, chúng tôi tỏa đi khắp tàu, mỗi người một việc để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm. Hai phóng viên nữ trong đoàn chạy vội vào phòng chọn những loại quả còn tươi nhất mang ra boong. Chỉ trong năm phút, hai đĩa hoa quả, một đĩa xôi vừa nấu bữa sáng được bày ra trên chiếc bàn phủ cờ Tổ quốc.

Đồng đội của liệt sĩ Phạm Văn Huy xếp thành hai hàng, giơ tay nghiêm trang chào. Khóe mắt họ rưng rưng trong khói hương. Biển hôm nay lặng sóng, không ầm ào giông bão như hôm anh Huy ra đi vì làm nhiệm vụ. Nhưng trong lòng những đồng đội của anh lúc này hình như đang dậy sóng…

Kỳ 1: Lời thề giữ biển ảnh 2

Thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Khi thả những nén hương cháy dở xuống biển, thiếu tá Nguyễn Đức Tuyên (Hải đội phó Hải đội 101) và đại tá Rồng cùng trao đổi: Có lẽ từ nay trở đi, mỗi lần tàu cảnh sát biển đi qua nơi này, anh em nên làm một lễ tưởng niệm nhỏ để linh hồn Huy được an ủi. Nhiệm vụ của người cảnh sát biển trong thời bình càng gian lao và vất vả, càng phải đối diện với những hiểm nguy khó lường trên biển. Chúng ta tạo nên một nghi lễ nhỏ, một mặt tưởng nhớ đồng đội, mặt khác lại thêm một dịp nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ của chúng ta trong thực thi nhiệm vụ, cần kiên quyết mà khôn khéo, mềm dẻo và linh hoạt, tránh những tổn thương, mất mát...

Đại tá Rồng cho biết thêm, gia đình đồng chí Huy rất khó khăn, hai con nhỏ, bố mới mất, toàn lực lượng đã phát động quyên góp, ủng hộ gia đình vượt qua khó khăn, đau thương, mất mát. Bộ Tư lệnh vùng 1 đã có công văn gửi UBND huyện Tiên Lãng xin cho vợ đồng chí Huy về dạy ở trường gần nhất, tạo điều kiện để chị chăm sóc con cái.

Bộ Tư lệnh đã phát động phong trào thi đua noi gương hy sinh dũng cảm của đồng chí Huy nhằm phát huy tinh thần đấu tranh trấn áp tội phạm. Ngay sau khi anh Huy hy sinh, toàn lực lượng đã triển khai nhiều lượt tàu tuần tra kiểm soát bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như đấu tranh với các tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải của nước ta.

Lễ chào cờ trên biển

Những ngày chúng tôi lênh đênh trên biển cùng tàu CSB 2008, cũng là những ngày cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Trước khi ra biển, chúng tôi cũng đã thấy cờ hoa rợp trời dọc những con phố đi qua. Sắc đỏ ấy giữa trùng dương lúc này đây thật hiếm hoi, thế nên chúng tôi thường hay nhìn lên màu đỏ duy nhất của lá cờ đang bay trên đỉnh cột cờ trên nóc cabin. Màu đỏ ấy không tinh tươm, rực rỡ như ở thành phố, mà đã lợt phai theo sóng và gió biển. Nhưng đó là sắc đỏ không thể thiếu trên mỗi con tàu để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Mỗi lần nhìn lên đó, dù có đi xa đất liền đến mấy, người đi biển vẫn thấy mình như đang sống trong lòng Tổ quốc, vẫn đang là một phần máu thịt của dải đất thân thương.

Sáng hôm đó, trước khi tàu chuẩn bị nghi thức chào cờ trên biển nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Thượng úy Đinh Văn Sáng dậy sớm hơn mọi ngày, quân phục chỉnh tề và cầm một lá cờ mới leo lên nóc cabin. Nắng vẫn chưa kịp lên, gió và sương biển ngấm lạnh, nhưng tất cả chúng tôi vẫn lặng lẽ dồn mắt nhìn lên nóc tàu nơi Sáng thay cờ. Lá cờ cũ ướt sũng sương đêm và thấm đẫm vị muối biển được gỡ xuống, gấp lại cẩn thận. Khi những tia nắng bình minh đầu tiên cũng là lúc cờ mới được treo lên.

Đúng 7 giờ sáng, toàn tàu tập trung lên mặt boong, đứng xếp thành hai hàng ngang, mắt hướng lên lá cờ Tổ quốc. Tiếng hát quốc ca được cất lên trong tiếng sóng vỗ ì oạp mạn tàu.

Kỳ 1: Lời thề giữ biển ảnh 3

Tiếng hát quốc ca được cất lên trầm hùng giữa biển.

Hầu như mỗi công dân nước Việt đều đã nhiều lần dự lễ chào cờ ở đâu đó trong trường phổ thông, giảng đường đại học, thậm chí trên đỉnh núi mờ sương, hay trong chốn hội họp sang trọng… Nhưng không nhiều người được dự lễ chào cờ trên biển. Và chúng tôi là một trong số ít đó, để rồi cảm nhận rõ hơn ai hết phút linh thiêng này.

Ngay sau khi hát quốc ca, Thượng úy Đinh Văn Sáng bước lên dõng dạc đọc mười lời thề giữ biển trong tiếng hô “Xin thề!” của đồng đội. Giữa biển rộng lớn bao la, con tàu nhỏ nhoi như chiếc lá. Thử thách giữa trùng khơi đối với cảnh sát biển đâu chỉ là sự nổi giận của biển, mà còn phải đối mặt với bao nhiêu mối nguy hiểm rình rập. Nghe những lời thề được hô vang bằng cả ý chí quyết tâm sắt đá, trái tim tuổi trẻ căng tràn lồng ngực của những chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam, chúng tôi tràn ngập niềm tin ở các anh, rằng nơi đầu sóng ngọn gió này, có các anh biển sẽ bình an, đất liền cũng sẽ yên ả.

Kỳ 1: Lời thề giữ biển ảnh 4

Thượng úy Đinh Văn Sáng đọc mười lời thề giữ biển.

Lễ chào cờ kết thúc, nắng cũng đã lên cao. Thuyền trưởng Nguyễn Thế Duyệt thay mặt tàu và đoàn công tác trao tặng chúng tôi lá cờ cũ đã sờn góc vừa được hạ xuống. Trên đó có chữ ký của cả đoàn công tác và thủy thủ đoàn. Quà tặng mang về đất liền của chúng tôi thật đáng nhớ. Sắc đỏ lợt phai của lá cờ ấy sẽ không thể sánh cùng cờ hoa rực rỡ nơi phố thị trong những ngày này, nhưng nó lại thấm đẫm ý chí quyết tâm của người cảnh sát biển, thấm đẫm vị mồ hôi đã cùng các anh trải qua hàng nghìn hải lý, trên suốt những chặng hải trình dài thực thi nhiệm vụ.

Đại úy quân y Vũ Mạnh Khởi, trước đó có tám năm công tại tại đảo Trường Sa. Có những chuyến đi kéo dài ba cái Tết không ở nhà. Anh tâm sự: "Dù hai lực lượng có khác nhau, nếu hải quân là lực lượng phòng thủ tại chỗ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo, bảo vệ tiền tiêu của Tổ quốc, theo phương châm “đảo là nhà, biển cả là quê hương” thì cảnh sát biển là lực lượng chủ động tiến công, trấn áp tội phạm, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng dù ở đơn vị nào, tôi đều xác định mình là người lính. Đảng, Quân đội, nhân dân giao phó, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, dù có đổ máu, dù hy sinh tính mạng".

Kỳ 1: Lời thề giữ biển ảnh 5

Đại úy Vũ Mạnh Khởi nhớ lại những kỷ niệm trong hai tháng làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa.

Đây là chuyến công tác lần thứ ba của anh khi gia nhập lực lượng cảnh sát biển và cũng là lần thứ hai anh được chào cờ trên biển. Lần đầu là trên con tàu 8003 năm ngoái, khi thực thi nhiệm vụ xua đuổi tàu Trung Quốc và dàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép sâu trong vùng biển Việt Nam. Anh tâm sự: “Thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng, giáp ranh giữa sự sống và cái chết, bao giờ những người lính cũng gắn bó, thương yêu, quý trọng nhau hơn. Có lúc nghĩ về gia đình, đất liền, Tổ quốc mình càng xác định tư tưởng hơn. Mỗi khi thực nhiệm nhiệm vụ, chúng tôi luôn nhận được sự động viên của thủ trưởng Bộ tư lệnh từ đất liền qua trung tâm chỉ huy . Gia đình không liên lạc được vì không có sóng điện thoại. Chỉ có cán bộ, chiến sĩ trên tàu để gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau.

Những giây phút chào cờ trên biển thật thiêng liêng và tự hào, chúng tôi càng xác định đã ra đi là một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng của Đảng, dốc sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Coi biển đảo như con ngươi của mình, phải giữ bằng được, dù phải hy sinh tính mạng.

Sau lễ chào cờ, tàu CSB 2008 tiếp tục nhổ neo bắt đầu tuần tra làm nhiệm vụ. Một ngày làm việc với nhiều thử thách đón đợi…