Khoảnh khắc Cam Ranh

NDO -

NDĐT - Cam Ranh. Mặt trời lên chừng hơn cây sào, nắng đã như pha-lê. Trong, và đanh. Mồ hôi nhễ nhại trên lưng những người lính Hải quân. Từ nhiều ngày nay, họ đã ngày đêm chuẩn bị thật đường hoàng, thật chu đáo cho buổi lễ sáng nay: Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 – 7-5-2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.

Các chiến sĩ Vùng 4 Hải quân diễu binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 – 7-5-2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.
Các chiến sĩ Vùng 4 Hải quân diễu binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 – 7-5-2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.

Theo hướng dẫn của anh em chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, tôi đi khắp một lượt khu quân cảng Cam Ranh để tận mắt nhìn thấy các lực lượng đang chuẩn bị diễu binh. Tất cả đều đã rất sẵn sàng, như chuẩn bị hành quân ra trận. Biển trời xanh lồng lộng, như hòa cùng niềm vui của non nước hôm nay. Tôi gọi vậy. Bởi, những người đồng bào tôi tự thuở hồng hoang theo cha ra biển mở lối sinh nhai, trên những đội tàu thuyền nhỏ bé mà hết mực anh dũng, kiên trung. Rồi, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, đối mặt với bao nguy nan, thử thách, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn vững vàng nơi tiền tiêu sóng gió, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước có chủ trương đúng đắn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; đi tiên phong tạo cơ sở mọi mặt cho phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển đảo thân yêu.

Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay, gánh vác sứ mệnh lịch sử to lớn làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Sau gần 10 năm xây dựng, Hải quân nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và lập được nhiều chiến công, tiêu biểu là chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964. Đặc công Hải quân đã tổ chức hơn 300 trận đánh; làm nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong suốt 14 năm (1961-1975) đã chuyên chở hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam… Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn tiến công giải phóng các tuyến đảo, hải cảng; phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, chủ động tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của dân tộc.

Và, hôm nay, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự đón nhận danh hiệu vẻ vang: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.

Khoảnh khắc Cam Ranh ảnh 1

Hai tàu ngầm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong vịnh Cam Ranh.

Đọc tài liệu chuẩn bị cho buổi lễ, càng thấy thêm mừng. Bởi, từ năm 2000, Hải quân Nhân dân Việt Nam được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Đến nay, đã có đủ các thành phần lực lượng gồm tàu mặt nước; tàu ngầm; pháo binh - tên lửa bờ, không quân Hải quân; Hải quân đánh bộ; đặc công Hải quân; lực lượng phòng thủ đảo…

Sau khi trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai cho Quân chủng Hải quân, chủ tịch nước Trương Tấn Sang ân cần căn dặn Quân chủng Hải quân cần tập trung xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam vững vàng về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân chủng; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân; làm hết sức mình để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Bộ đội Hải quân phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo…

Trung tá Hồ Đắc Thạnh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên thuyền trưởng tàu không số xúc động khẳng định: “Chúng tôi rất tự hào bởi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngày nay đã phát huy truyền thống, luôn trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, đoàn kết, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Chúng tôi vẫn tin và luôn luôn tin tưởng thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết vượt mọi khó khăn, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đáp lời thế hệ đi trước, đại úy Phạm Văn Sơn, thuyền trưởng tàu 375, thể hiện quyết tâm: “Tuổi trẻ Hải quân Việt Nam quyết tâm nêu cao tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo quê hương, gắn bó với mỗi con tàu, đài trạm, không ngại gian khổ, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, sẵn sang chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ân cần chia sẻ những tình cảm ấy của các thế hệ Hải quân Nhân dân Việt Nam qua những cái bắt tay nồng ấm và thắm thiết. Chúng tôi hiểu, đó là sự gửi gắm niềm tin của cả một dân tộc cho lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Còn nhớ, cách đây không lâu, khi trao quốc kỳ cho hai con tàu ngầm hiện đại HQ 182 Hà Nội và HQ 183 TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xúc động nói: “Những chiếc tàu ngầm hiện đại này mang theo tâm huyết, tình cảm và sự hy sinh, đóng góp to lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta với kỳ vọng nâng cao tiềm lực quốc phòng để phòng thủ đất nước, bảo vệ hòa bình, toàn vẹn chủ quyền quốc gia… Nhân đây, một lần nữa chúng ta khẳng định đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào….”

Tôi theo con tàu Trường Sa 571 đưa chủ tịch nước đi duyệt đội hình tàu Hải quân. Vịnh Cam Ranh gợi bao nhiêu câu chuyện về Hồ Chủ tịch, một thủy thủ huyền thoại của mọi thời đại. Người đã đến nơi này, từ Paris, sau khi ký xong Tạm ước 14-9-1946. Chuyện ghi lại rằng, trong một bữa tiệc, Cao ủy Pháp D’Argenlieu sắp xếp Bác ngồi giữa viên Đô đốc Hải quân và viên Thống soái Lục quân Pháp ở Viễn Đông rồi cười bóng gió:

- Ngài Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục và hải quân.

Bác thản nhiên cười, và trả lời bằng tiếng Pháp:

- Nhưng, Đô đốc biết đấy, chính bức tranh mới mang lại giá trị cho cái khung.

Các tướng lĩnh thực dân hôm ấy bị một vố đau, đầy bất ngờ.

Trời biển Cam Ranh vẫn xanh thăm thẳm. Hôm nay, trước mắt tôi là những con tàu rất đỗi thân quen. Các tàu ngầm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng; các tàu tên lửa Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ và hàng loạt những con tàu hiện đại khác hàng ngũ chỉnh tề trong vịnh Cam Ranh. Hải quân của chúng ta đang từng ngày lớn mạnh

Không hiểu sao, tôi lại nhớ lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ thượng hai tàu ngầm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh:

“Hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có"...

NhaTrang, ngày 2 tháng 5 năm 2015