Đường về Tây Yên Tử

Núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, "ôm" gọn vùng đông bắc, sườn đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn tây gồm các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động (Bắc Giang). Dọc theo sườn Tây Yên Tử, sự kỳ vĩ của núi rừng trùng điệp, cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa, hệ thống chùa tháp,... đã hình thành một quần thể danh thắng, có tiềm năng lớn phát triển du lịch. Để đánh thức tiềm năng đó, tỉnh Bắc Giang xác định phải khởi sự bằng việc xây dựng "con đường tâm linh" - tỉnh lộ 293 trải từ TP Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động) có chiều dài xấp xỉ 100 km.

Thi công đoạn tuyến cuối cùng của tỉnh lộ 293 qua xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (Bắc Giang).
Thi công đoạn tuyến cuối cùng của tỉnh lộ 293 qua xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (Bắc Giang).

Sắp "cán đích" đường 293

Tôi thực hiện chuyến xuyên tuyến "con đường tâm linh" cùng với anh Hoàng Thế Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang. Có lẽ ít ai gắn bó với con đường này hơn anh Hưng, bởi đã hơn 5 năm kể từ khi khởi công đến nay, mọi người thường nói vui là bước chân anh đã in dấu trên con đường này đến mức thân thuộc từng hộ dân sống ven đường. Tuyến đường được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn huy động khác.

Việc nâng cấp tỉnh lộ 293 và các tuyến nhánh vào vùng Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm khi hoàn thành, sẽ góp phần bảo đảm giao thông và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy việc thực hiện chương trình phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang. Anh Hưng cười bảo, có lẽ tỉnh Bắc Giang nên đề nghị công nhận xác lập kỷ lục "con đường bê-tông dài nhất Việt Nam" cho tuyến 293 này. Theo dự toán ban đầu, dự án có tổng vốn hơn 2.800 tỷ đồng, tuy vậy, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã rà soát, tính toán lại khối lượng, tiết kiệm chi phí,... rút tổng mức đầu tư còn khoảng 2.200 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân khoảng 1.900 tỷ đồng.

Theo truyền thuyết, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử xuất gia, tu hành và đắc đạo, mỗi lần về điều hành công việc phật sự ở Bắc Giang, ngài đi theo con đường Tây Yên Tử. Vì thế, Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Giờ đây, chạy xe liên tục từ TP Bắc Giang, chỉ hơn một giờ sau sẽ đến Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, còn từ Hà Nội theo đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, du khách đến đây chỉ mất khoảng 2 giờ. Tỉnh lộ 293 được gọi là "con đường tâm linh", nhưng điểm nhấn về tâm linh lại ở ba nhánh rẽ. Tuyến chính dài 73 km, bắt đầu từ ngã ba đường Hùng Vương - TP Bắc Giang (quốc lộ 1) đến thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động).

Nhánh rẽ 1 vào chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, chốn tổ Vĩnh Nghiêm khách thập phương quá quen thuộc vì đây là nơi lưu giữ bộ mộc bản được công nhận di sản thế giới, còn Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng giáp trung tâm huyện Yên Dũng, đang được đầu tư xây dựng những công trình Phật giáo lớn nhất cả nước.

Nhánh rẽ 2 sang thị xã Đông Triều có chùa Ngọa Vân tọa lạc trên núi Bảo Đài thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê là di tích quan trọng bậc nhất trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Đây là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và hóa Phật, được coi là "Thánh địa" của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Nhánh rẽ 3 vào Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử với tổng diện tích 13,8 ha thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động nơi có bốn cụm chùa độc lập gồm chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang) và chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa ở độ cao khác nhau, kết nối với chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh).

Chúng tôi dừng xe ở trụ sở dã chiến trên công trường của đơn vị thi công gần khu vực Suối Mỡ, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Đón tiếp chúng tôi là Đội phó phụ trách phương tiện thi công đường 293 Phạm Xuân Hoàn - người đàn ông vóc dáng vạm vỡ, da cháy nắng công trường với nụ cười cởi mở. Vừa pha trà rót nước mời khách, anh Hoàn vừa tranh thủ nói về tiến độ thi công: Chỉ còn khoảng sáu km nữa thôi là hoàn thành việc đổ bê-tông cả tuyến đường, chúng tôi đã sắp "cán đích". Tuy thế, nhưng nhiều khó khăn, vướng mắc còn dồn cả về đoạn cuối. "Khúc xương" khó nhất là mặt bằng vẫn đang cản trở, hiện còn hơn 20 hộ dân ở xã Tuấn Mậu (Sơn Động) vẫn chưa đồng thuận về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, cho nên các đơn vị không thể triển khai nhân lực, phương tiện để thi công.

Vấn đề khác là đang trong mùa mưa, do vậy, tranh thủ ngày nào nắng ráo, các đơn vị tập trung huy động toàn bộ nhân lực hàng trăm công nhân và phương tiện, tăng tốc để "vượt nắng, thắng mưa". Nếu có mặt bằng bàn giao sớm cho nhà thầu thi công, chỉ trong tháng 10 tới đây, toàn bộ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 293 sẽ "về đích" trọn vẹn.

Đường về Tây Yên Tử ảnh 1

Thác Suối Mỡ.

Đánh thức tiềm năng du lịch

"Con đường tâm linh" tuy chưa hoàn thành thi công nhưng đã mang niềm vui đến với nhiều người. Có lần anh Nguyễn Bá Hoàng, công tác Công ty Than 45 (Đồng Rì, Sơn Động) nói với tôi: Trước đây, do đi lại khó khăn, mỗi tháng tôi chỉ dám về quê (huyện Việt Yên) một lần, bây giờ thì tuần nào cũng về vì đường 293 "ngon" lắm rồi. Chị Huyền chủ cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Thanh Sơn phấn khởi bởi đã bớt cực nhọc mỗi khi về TP Bắc Giang lấy hàng. Anh Hoàng Thế Hưng tâm sự: Chẳng mấy ngày tôi không đi qua con đường này, nhưng mỗi tháng, mỗi mùa đi qua đã thấy cảnh sắc hai bên đường đổi thay. Giao thương phát triển mạnh hơn, người dân bán sản phẩm từ chăn nuôi và từ vườn rừng dễ dàng hơn, nhà đẹp mọc lên ngày càng nhiều. Làm nghề báo, tôi cũng đã "mòn chân" nhiều năm với các địa danh bến phà Lục Nam, Suối Mỡ, Tuấn Mậu, đèo Bụt,... của vùng đất này, vậy mà nay trở lại, vẫn thấy ngỡ ngàng bởi những đổi thay kỳ diệu đang diễn ra bên sườn Tây Yên Tử.

Đứng trên nền chùa Hạ, khu Đồng Thông, thuộc Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử với không khí công trường rộn rã, hàng đoàn xe chở đất nối đuôi nhộn nhịp ra vào, làm đường và san nền khu vực chùa Hạ. Chùa Hạ đang chờ vật liệu từ dưới xuôi lên để thi công và sẽ hoàn thành vào đầu năm tới. Đại diện Ban Quản lý xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử cho biết, sau lễ đặt đá và phạt mộc xây dựng chùa Hạ và chùa Thượng, tiến độ thi công rất khẩn trương, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thậm chí UBND tỉnh tổ chức cả một hội nghị ngay tại công trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cùng với chùa Hạ, chùa Thượng, chùa Trình, chùa Trung trong quần thể Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử cũng đang được khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thi công và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như trạm cấp điện, nước, hệ thống cáp treo,... Theo quy hoạch, chùa Hạ chính là điểm nhấn trong quần thể Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, nơi có 108 gác chuông, treo 108 quả chuông đồng, mỗi quả nặng một tấn và là nơi sẽ diễn ra lễ hội Tây Yên Tử vào đầu năm 2018. Chùa Hạ được đầu tư bằng huy động nguồn xã hội hóa với tổng mức kinh phí khoảng 250 tỷ đồng, quy mô diện tích gần 5 ha. Là thành viên tham gia Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2016-2020, tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử trong chiến lược khai thác tiềm năng, phát triển du lịch bền vững của tỉnh Bắc Giang. Trong những năm qua, tỉnh đang hướng tới mục tiêu đưa du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, dần chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã lựa chọn, phát triển ba sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng, sẽ được hình thành từ khu di tích và danh thắng lớn này.

Chúng tôi thả bộ từ chân đèo Bụt, núi Phật Sơn - địa phận giáp ranh hai huyện Lục Nam và Sơn Động - nơi sẽ xây dựng đền Trình trong hệ thống đền chùa của Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. Cảnh đẹp như muốn níu chân người, tựa câu ca trong bài hát văn tôi đã từng nghe ở đền Suối Mỡ: "... Nhìn đá núi mây hồng cao thấp, ngàn cỏ hoa tăm tắp mầu xanh...". Gió thổi lồng lộng, tưởng chừng như với tay là chạm được vào mây. Mây trắng xốp, uốn lượn như rồng bay, lấp ló sau dãy núi điệp trùng, vờn xuống những vạt rừng xanh thẳm. Trong phút chốc, tôi có cảm giác dường như không ở đâu có mây trời đẹp hơn mây trời Yên Tử, không có núi rừng ở đâu xanh thẳm hơn núi rừng Yên Tử.

Chỉ vài trăm bước bộ hành, du khách đã đặt chân lên tới chùa Đồng. Từ đó, phóng tầm mắt nhìn về phía đông là Hạ Long mênh mông, xanh biếc mầu nước biển Đông, phía tây bạt ngàn mầu xanh cây trái của vùng quê Bắc Giang. Những công trình ở đây sẽ làm sống lại không gian văn hóa, đền chùa, di tích lịch sử, tạo thành một hệ thống danh thắng liên hoàn nhằm giới thiệu đầy đủ hơn về vùng đất Bắc Giang văn hiến với nhân dân cả nước. Khôi phục lại con đường hành hương trong không gian văn hóa chung để du khách có thể khởi hành từ Bắc Giang cũng như tới được với Trúc Lâm Yên Tử chính là "nối mạch" cho sự phát triển mang tính liên kết vùng, để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản danh thắng khu vực Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với khu danh thắng Đông Yên Tử (Quảng Ninh).

Khoảng 20 km trên "con đường tâm linh" từ TP Bắc Giang, sẽ được các đơn vị trồng lên các loại cây sao đen, lát hoa, bằng lăng, phượng vĩ, hoa giấy,... theo ba hàng, mỗi loại cây một đoạn. Không xa nữa, con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông xưa sẽ là "con đường hoa", "con đường du lịch", thu hút du khách thập phương về vùng đất Bắc Giang tươi đẹp, thanh bình cũng như hành hương đến chốn tổ Yên Tử Trúc Lâm.