Đổi thay trên An toàn khu

NDO -

NDĐT - Hơn 70 năm trước, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) được Đảng, Bác Hồ chọn làm An toàn khu (ATK) Trung ương. Về với ATK hôm nay, chúng tôi chứng kiến nhiều đổi thay trên vùng đất cách mạng này.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Bản Ca, xã Bình Trung đã được tôn tạo khang trang.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Bản Ca, xã Bình Trung đã được tôn tạo khang trang.

Từ TP Bắc Cạn, đến với ATK Chợ Đồn chỉ chừng 40 km. Những ngày Tháng Tám lịch sử, đến vùng ATK gồm ba xã: Bình Trung, Lương Bằng, Nghĩa Tá có thể nhận thấy nơi đây rợp bóng rừng trồng. Trên vùng đất cách mạng, nay xuất hiện thêm nhà máy chế biến gỗ, khoáng sản… Rừng xanh che chở bộ đội trong kháng chiến, nay làm giàu cho nhân dân.

Lần theo dòng lịch sử, từ năm 1947 đến 1951, Bác Hồ ở, làm việc tại Bản Ca, Nà Quân (Bình Trung), Nà Pậu (Lương Bằng). Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng ở Khuổi Linh (Nghĩa Tá); Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Khau Mạ (Lương Bằng). Xóm Nà Quân (Bình Trung) là nơi đặt hội trường tám mái của T.Ư Đảng từ năm 1947 đến 1952, từng diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch biên giới. Từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các cơ quan T.Ư đóng ở huyện Chợ Đồn, như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha Kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng Quân giới, Xưởng in Báo Cứu Quốc, Trạm Phẫu thuật Quân y...

Đổi thay trên An toàn khu ảnh 1

Chế biến gỗ tại nhà máy của Công ty TNHH Trường Thành Bắc Cạn.

Được chọn là ATK, Đảng bộ, chính quyền non trẻ Chợ Đồn đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, trong sạch địa bàn, chống gián điệp, củng cố thông tin liên lạc... Thi đua sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến, giữ gìn bí mật, xung phong gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong... Chợ Đồn hiện có sáu di tích lịch sử ATK cấp quốc gia, gồm: Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung); Nà Pậu, Khuổi Linh (xã Lương Bằng); Đồi Pù Cọ Bản Bẳng, đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng) cùng nhiều di tích cấp tỉnh.

Hơn 70 năm sau, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Chợ Đồn đã nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Bí thư Chi bộ Bản Ca Bàn Văn Đức cho biết, tự hào là địa bàn được Bác Hồ ở và lãnh đạo cách mạng, đến nay, thôn có hơn 400 ha rừng mỡ, keo, độ tuổi cho khai thác chiếm 2/3, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha. Từ trồng rừng, các hộ thoát nghèo, mua 25 máy kéo (mỗi chiếc trị giá 100 triệu đồng), 60 máy cày, nhà nhà có ti-vi, xe máy...

Bí thư Đảng ủy xã Bình Trung Bàn Văn Bình cho biết, trên địa bàn, Công ty TNHH Trường Thành Bắc Cạn xây dựng nhà máy chế biến đũa xuất khẩu, phôi ván ghép thanh, mỗi năm nhà máy tiêu thụ 8.000 đến 10 nghìn m3 gỗ, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập bốn triệu đồng/người/tháng. Với hơn 2.000 ha rừng sản xuất, có đầu ra ổn định, đời sống người dân đã khá lên.

Ở Nghĩa Tá, từ chỗ toàn đồi trọc, nương ót, giờ xã xanh mầu vài trăm héc-ta rừng trồng, hộ nhiều như ông Triệu Tiến Lâm, thôn Bản Bẳng có tới 60 ha rừng trồng trị giá vài tỷ đồng. Dưới tán rừng, nhân dân phát triển lâm sản phụ, lâm sản ngoài gỗ cho thu nhập cao. Đến mùa măng, mỗi ngày xã xuất bán 10 tấn với giá bán bốn nghìn đồng/kg; mỗi vụ măng kéo dài ba tháng thu về cho người dân hơn bốn tỷ đồng. Nhờ đó, xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 15%.

Mảnh đất cách mạng nay tạo cho mình một diện mạo mới trong phát triển kinh tế. Từ chỗ nghèo, đói đeo đẳng, nhiều xã “ba không”: không đường, điện, trạm; thì nay, ô-tô đã đến từng trung tâm xã ở Chợ Đồn, điện phủ khắp các thôn, bản. Nông nghiệp đạt năng suất cao, nhiều sản phẩm đặc sản như: gạo bao thai, hồng không hạt… Nhiều nhà máy công nghiệp xuất hiện, như: Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Bắc Cạn khai thác, chế biến mỏ chì, kẽm Chợ Điền (mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam); Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn khai thác, chế biến chì, kẽm ở khu vực thị trấn Bằng Lũng... Năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện đạt hơn 645 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ma Thị Na cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, huyện phát triển nông, lâm nghiệp, khai thác tốt tiềm năng khoáng sản. Đến năm 2020, phấn đấu GRDP đầu người đạt hơn 32 triệu đồng; lương thực đầu người đạt hơn 580 kg/người/năm; 99,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 99% số hộ dân ở thị trấn và 90% số hộ ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phấn đấu có ba xã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%...

Huyện lỵ là thị trấn Bằng Lũng nay là một trong những đô thị đẹp nhất Bắc Cạn. Mới đây, thị trấn được nhà đầu tư lựa chọn xây dựng một khu đô thị mới. Chợ Đồn là địa bàn có tốc độ phát triển cao của cả tỉnh. Vùng đất cách mạng nay đã đổi thay.