Ghi chép

Điện Biên, tình đất tình người

NDO -

NDĐT - Điểm đến đầu tiên trong chuyến trở lại Điện Biên lần này của chúng tôi tình cờ lại là xã Thanh Xương, huyện Điện Biên nằm ở trung tâm lòng chảo Mường Thanh. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Thanh Xương Nguyễn Văn Toàn hồ hởi đón khách như gặp lại những người bạn lâu năm. Thái độ chân tình, cởi mở và thân thiện khiến chúng tôi cảm thấy thật gần gũi.

Cụ cựu chiến binh Tô Vinh Liên (95 tuổi) - đội C9A - xã Thanh Xương đang giới thiệu các giấy khen, bằng khen cá nhân trong suốt nhiều năm công tác được Đảng, Nhà nước trao tặng.
Cụ cựu chiến binh Tô Vinh Liên (95 tuổi) - đội C9A - xã Thanh Xương đang giới thiệu các giấy khen, bằng khen cá nhân trong suốt nhiều năm công tác được Đảng, Nhà nước trao tặng.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về Thanh Xương, anh Toàn đọc luôn những con số đã lưu trữ sẵn trong đầu. Thanh Xương có 1.800 hộ, 7.800 nhân khẩu sinh sống tại 26 thôn bản. Người Thái, người Kinh, người Khơ Mú sống quây quần đoàn kết, cùng chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thanh Xương nằm vắt hai bên bờ Nậm Rốm. Con sông đã đi vào lịch sử bao đời nay vẫn hiền hòa tưới tắm mát cho cánh đồng Mường Thanh màu mỡ. Trên mảnh đất xưa kia là chiến trường, nhân dân Thanh Xương tích cực trồng lúa với những giống gạo ngon nổi tiếng như gạo tám Điện Biên, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 10 được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, người dân Thanh Xương gần đây còn thử nghiệm trồng thanh long ruột đỏ rất thành công, ven sông Nậm Rốm trồng ngô, bên khe núi trồng rau.

Cứ tần tảo như thế, nên cái nghèo, cái đói đã ngày một lùi dần, nhường chỗ cho màu xanh no ấm. Theo tiêu chí đánh giá mới đa chiều, xã chỉ còn 5,1 phần trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo là 4,1 phần trăm. Đây là thành quả lớn nếu so với tỷ lệ 11 phần trăm hộ nghèo năm 2010.

Đời sống kinh tế khá lên, kéo theo phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao xã Thanh Xương phát triển mạnh. Xã mời các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật Hoa Ban về dạy các bài hát, điệu múa. Đây là dịp để các đội văn nghệ thôn bản như bản Ten lưu giữ vốn văn hóa quý của dân tộc, đồng thời phát triển những điệu múa, bài hát mới tạo thêm sự phong phú, thu hút đông đảo bạn bè trong nước quốc tế tới tham quan, thưởng thức những nét văn hóa độc đáo của người Thái ở Điện Biên.

Tìm hiểu thêm mới biết, vì sao đồng chí Bí thư Đảng ủy xã lại am hiểu sâu sắc đến thế mọi lĩnh vực của địa phương, và lĩnh vực nào anh cũng tâm huyết, hiểu rõ ngọn ngành. Sinh năm 1961 tại nông trường Điện Biên, năm 1979, anh Toàn nhập ngũ. Phục viên năm 1989, anh Toàn quyết định trở về nơi chôn nhau cắt rốn với quyết tâm cải tạo vùng chiến trường xưa nghèo khó trở thành vùng đất giàu có, trù phú. Làm đội viên rồi đội trưởng cơ sở sản xuất, đại biểu hội đồng nhân dân thị trấn nông trường.

Làm Chủ tịch UBND xã Thanh Xương từ năm 2004, đến tháng 5-2015 anh chuyển sang công tác mới.

Trong câu chuyện tưởng chừng không dứt, anh Toàn vẫn tâm đắc về công cuộc xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Mỗi thôn, bản đều có khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thời gian qua, người dân ở 12 bản đã xây dựng 12 nhà văn hóa mới, mỗi nhà văn hóa được huyện hỗ trợ 190 triệu. Nếu xây nhà sàn được huyện hỗ trợ 250 triệu. Đây là chủ trương đúng, phù hợp văn hóa, tâm lý và truyền thống của bà con dân tộc nơi đây.

Các nhà văn hóa đã trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn thu hút đông đảo các đoàn khách trong nước và quốc tế tới thưởng thức các điệu múa xòe, múa sạp, những giai điệu dân ca Thái ngọt ngào.

Anh Toàn chia sẻ, xã vẫn còn bốn tiêu chí nữa đang phấn đấu hoàn thành trong năm nay là giao thông, thủy lợi, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa. Vấn đề khó nhất là tìm được vị trí, địa điểm để xây dựng nhà văn hóa vì thời buổi đất chật, người đông, việc tìm được khu đất rộng quả thật không dễ dàng gì.

Chia tay anh Toàn, chị Nguyễn Thị Huyền, chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Điện Biên, đưa chúng tôi tới thăm bản Ten A, bản văn hóa tiêu biểu của xã. Rất may gặp được Trưởng bản Lò Văn Ún vừa đi làm đồng về. Dáng trưởng bản chắc nịch như cây lim, cây táu trên rừng. Anh Ún cho biết: “Mình làm trưởng bản Ten A từ năm 2004”. “Thế ra trưởng bản đã có hơn 10 năm “lăn lộn” với phong trào rồi còn gì?”, tôi hỏi lại. Anh Ún cười hiền: “Bây giờ ngẫm lại mới thấy, để có được phong trào như ngày hôm nay, là biết bao công sức của tất cả mọi người đóng góp”.

Bản Ten A xây dựng bản làng văn hóa năm 1998 và được công nhận bản văn hóa cấp tỉnh năm 2002. Ban đầu, khó khăn nhất là việc tìm kinh phí để đội văn nghệ tập luyện và mời giáo viên về dạy cũng như chi phí mua trang phục. Bên cạnh đó, trưởng bản cũng phải đi đến từng nhà vận động chị em tham gia tích cực và bảo ban con cháu tham gia.

Để bà con yên tâm tham gia đội văn nghệ, việc đầu tiên là phải giúp dân xóa đói nghèo. Khi người dân đã no cái bụng, lúc ấy họ mới hết lo lắng đến cái ăn, cái mặc mà yên tâm đi dự các sinh hoạt văn nghệ. Người dân bản Ten A chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp trồng lúa, ngô, rau màu, chăn nuôi lợn, gà, trâu. Địa bàn nhỏ hẹp, chỗ chăn thả khó khăn. Anh Ún nhớ lại: Năm 2004 bản vẫn còn 11 hộ đói, nghèo. Đến năm 2014, đã xóa hết hộ đói, còn một hộ nghèo. Đến năm 2016 đã xóa hết tỷ lệ hộ đói, nghèo.

Giống như các thôn bản của người Thái, bản Ten A cũng làm Lễ sên bản ngày 14-4 vừa qua. Lễ cúng gồm một con lợn, bốn con gà, một con vịt, một con chó, kẹo, bánh, chuối, hoa quả, rượu. Lễ cúng kéo dài hai tiếng tại miếu thờ của bản. Thông qua Lễ sên bản và ngày hội đại đoàn kết 18-11 hằng năm, tình đoàn kết giữa bà con trong bản Ten ngày càng gắn bó keo sơn. Có 100 hộ người Kinh sinh sống dọc đường 279 tham gia rất tích cực các hoạt động của bản. Tình đoàn kết là sức mạnh giúp phát triển văn hóa và kinh tế khiến đời sống người dân ngày càng mở mang, no ấm.

Một trong những thuận lợi lớn giúp phong trào văn nghệ bản Ten A phát triển là có chị Vàng Thị Đất, thành viên đội văn nghệ Hoa Ban dân tộc Thái về làm dâu ở đây. Chị là hạt nhân tích cực hướng dẫn chị em từng điệu múa, lời hát, trang phục. Đội văn nghệ bản Ten A ban đầu từ chỗ có 18 thành viên, nay đã có hai đội gồm một đội trung niên và một đội trẻ. Các thiếu nữ hằng ngày được tiếp xúc với những điệu múa, lời ca truyền thống mượt mà càng thêm yêu quê hương và tự nguyện tham gia đội văn nghệ.

Như mạch nguồn tiếp nối, tình yêu quê hương trên mảnh đất này ngày càng bồi đắp, sâu lắng như dòng Nậm Rốm bồi đắp phù sa và những giọt nước mát lành nuôi sống cánh đồng Mường Thanh thêm trù phú.

Chúng tôi tới thăm cụ Tô Vinh Liên, 95 tuổi ở đội C9A, cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Người lính già đầu bạc khi nhắc tới những kỷ niệm cũ vẫn bồi hồi. Cụ Liên quê ở Lạng Sơn. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ ở sư đoàn 316. Giải phóng Điện Biên, cụ quyết định ở lại xây dựng nông trường Điện Biên. Cụ gặp cụ bà quê ở Thanh Hóa, hai người nên vợ nên chồng và cùng quyết tâm xây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Ban đầu, mọi thứ đều thiếu thốn. Bon đạn, mìn kẻ thù để lại trong chiến tranh có thể cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào.

Làm đội phó đội sản xuất trong nhiều năm rồi trải qua các công việc khác của nông trường, đến khi nghỉ hưu, cụ Liên vẫn tích cực tham gia Hội người cao tuổi ba nhiệm kỳ. Giờ mắt đã mờ, chân đã chậm, cụ vẫn không quên những người đồng đội đã tham gia chiến đấu. Những tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội luôn thúc giục cụ phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với máu các anh hùng, liệt sĩ đã đổ xuống.

Cụ luôn dạy dỗ các con, các cháu phải ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, các bậc tổ tiên đã khai phá, bảo vệ cánh đồng Mường Thanh này để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Vâng lời cụ, các con, cháu cụ đều nỗ lực học hành, chăm chỉ lao động. Nhiều người thi đỗ đại học thành danh, nhiều người chăm chỉ lao động, sống đúng với ước nguyện của cụ trở thành người công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

Điện Biên, tình đất tình người ảnh 1
Điện Biên, tình đất tình người ảnh 2

Cụ cựu chiến binh Tô Vinh Liên (95 tuổi) - đội C9A - xã Thanh Xương trò chuyện với phóng viên NDĐT.

Đứng bên Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể quan sát cả cánh đồng Mường Thanh. Bãi chiến trường xưa, nay nhường cho những dãy nhà mọc san sát, những cánh đồng lúa đang chuẩn bị ngả sang màu vàng đến kỳ thu hoạch. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên đồi cao là điểm nhấn của thành phố Điện Biên Phủ khánh thành nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên. Tượng đài nay đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách thập phương.

Hòa trong dòng người tấp nập chụp ảnh bên tượng đài, tôi để ý tới một du khách nước ngoài đang trầm ngâm ngắm cảnh cánh đồng Mường Thanh. Hỏi chuyện, mới biết ông Parmentier, du khách người Pháp, năm nào cũng đến dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là về Việt Nam để tới thăm một địa danh lịch sử. Ông Parmentier cho biết, đối với người Pháp, Điện Biên Phủ là địa danh ghi đậm dấu ấn. Với ông, cũng như những người bạn thân của ông đã có dịp về thăm Điện Biên, đến vùng đất chiến trường xưa để được hình dung về một giai đoạn lịch sử nóng bỏng, để chiêm nghiệm về lịch sử và tìm ra con đường xây dựng tương lai hòa bình, tốt đẹp hơn.

Đang tâm sự với ông Parmentier, chúng tôi gặp đôi bạn trẻ trong trang phục đám cưới đi lên để chụp ảnh. Chú rể xúng xính trong bộ vét mới còn đôi má cô dâu ửng hồng rực lên trong chiếc váy cưới trắng muốt. Làm quen với đôi bạn trẻ, mới biết rằng nhân dịp ngày lễ trọng đại trong cuộc đời, hai bạn trẻ muốn lên tượng đài chiến thắng chụp ảnh đúng dịp kỷ niệm 62 năm chiến thắng Điện Biên để ghi lại những giờ khắc lịch sử. Những tấm ảnh ấy là nhân chứng để dành lại cho cháu con về một vùng đất thiêng liêng. Rằng, có sự hy sinh của biết bao chiến sĩ Điện Biên, bao dân công đã đánh đổi tuổi thanh xuân, để có được chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, để các thế hệ cháu con hôm nay được hưởng hòa bình, độc lập.

Nghe đôi bạn trẻ thổ lộ, bất giác tôi nhớ tới Lò Văn Uân, Trưởng bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Hôm ấy, khi đến làm việc với Lò Văn Uân, cậu tranh thủ lên nương từ 5 giờ sáng để trồng cây, chăm sóc lúa. Là bản có đông người Lào sinh sống, cuộc sống của người dân Na Sang 1 đã dần phát triển nhờ công sức của trưởng bản trẻ mới trạc 30 tuổi. Uân thường xuyên quan tâm tới công tác sản xuất, hướng dẫn bà con cách trồng những giống mới, cho năng suất cao.

Có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, người dân Na Sang 1 có điều kiện để tìm trong vốn cổ các lời ca, điệu múa Lào. Đội văn nghệ Na Sang 1 là một trong những đội văn nghệ độc đáo đại diện cho các thôn bản ở Điện Biên biểu diễn rất thành công trong các chuyến lưu diễn ở tỉnh và các tỉnh bạn.

Gặp Lò Văn Uân, anh vui vẻ chia sẻ, người Lào ở Núa Ngam đang khôi phục những điệu múa, lời ca của dân tộc Lào. Vừa qua, bản tổ chức lễ té nước thu hút đông đảo quan khách và quần chúng nhân dân quan tâm. Đội văn nghệ cũng tập luyện cẩn thận biểu diễn các dịp lễ quan trọng của địa phương và huyện, tỉnh. Lễ hội té nước trở thành niềm tự hào cho cả người dân bản, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bên tượng đài chiến thắng hôm nay, ngắm nhìn chiến trường xưa đang tươi màu no ấm của ruộng vườn, của những ngôi nhà mới mọc lên. Điều đáng mừng hơn, có những bạn trẻ vẫn luôn nhớ tới quá khứ. Những di tích trên chiến trường xưa nay đã xanh màu của lúa, ngô, cây ăn quả. Nhớ tới những tấm lòng của cụ Liên, anh Toàn, trưởng bản Ún, trưởng bản Uân và đôi bạn trẻ đang trong men say của hạnh phúc lứa đôi kia vẫn luôn gắn bó chặt chẽ với Điện Biên. Chính họ là những chủ nhân của mảnh đất chiến trường xưa, những người nuôi dưỡng mạch nguồn để vùng đất trong khói bom, lửa đạn trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất của vùng đất nơi Tây Bắc rất đỗi thân thương.

Đương miên man với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, tôi ngắm lại đại lộ Võ Nguyên Giáp thẳng băng chạy dọc thành phố Điện Biên Phủ. Mùa này, những bông hoa phượng nở đầu mùa đã bắt đầu bừng lên tô điểm cho con đường lịch sử. Đại lộ mang tên người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tổng tư lệnh đã chỉ huy chiến dịch Điện Biên toàn thắng rực rỡ. Trong lần kỷ niệm 62 năm chiến thắng Điện Biên, đại tướng không còn nữa để ngắm nhìn khung cảnh đổi thay no ấm trên chiến trường xưa. Tôi nhớ tới những vần thơ mộc mạc của người bạn, nhà thơ Đỗ Quang đã xúc động viết về ông mà lòng rưng rưng:

Là học trò kiệt xuất của Bác Hồ

Là Anh cả trong đoàn quân bách thắng

Là người con miền biển xanh cát trắng

Là vị tướng trầm hùng ở giữa lòng dân.